Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ vào việc đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hiện nay doc (Trang 41 - 46)

Trong di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, tư tưởng về đào tạo và huấn luyện cán bộ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Sinh thời, Bác luôn quan tâm đến việc đào tạo và huấn luyện cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [45, tr.269].

Huấn luyện cán bộ là công việc mà Đảng phải bỏ nhiều công sức: Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.

Mục đích của việc huấn luyện cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Công tác huấn luyện đào tạo cán bộ phải phục vụ trực tiếp việc tạo ra mẫu người mà thời đại cần. Mục tiêu của nó là đào tạo ra những chủ nhân tương lai của nước nhà. Mục đích của việc học tập, cũng như việc huấn luyện cán bộ phải đạt được được Hồ Chí Minh khẳng định rất rõ trong lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn ái Quốc trung ương:

Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại

Muốn đạt được mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính

Chí công, vô tư [45, tr.684].

Người chủ nhân tương lai của nước nhà, đó là con người xã hội chủ nghĩa. Con người được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội: “là phải biết đặt lợi ích chung của cả nước lên trên lợi ích của cá nhân mình.” Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải gột sạch tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, đòi hỏi người cán bộ phải biết trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, sống có tình nghĩa; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Do đó yêu cầu của việc đào tạo huấn luyện cán bộ: phải làm sao có hiệu quả cao, đào tạo ra cán bộ vừa có đức vừa có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người chỉ ra những khuyết điểm trong huấn luyện cán bộ như: lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được, huấn luyện mà hiệu quả ít, không biết quý chất lượng hơn số lượng nên khuyết điểm là mở lớp quá đông… Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu:

- Mở lớp nào cho ra lớp ấy.

- Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. - Đừng mở lớp lung tung. [46, tr.52].

Người chỉ rõ:

- Đào tạo cán bộ phải gắn với công việc cụ thể, làm việc gì, học việc nấy. - Huấn luyện lý luận phải gắn liền với thực tiễn.

Hồ Chí Minh yêu cầu ban huấn luyện phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích chủ trương chính sách đó. Như thế thì lý luận mới không bị tách rời thực tế. Theo Hồ Chí Minh thì thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết để tiến tới lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.

- Huấn luyện chính trị cần phải có, song tuỳ từng loại cán bộ mà định hướng chương trình cho phù hợp.

- Các lớp học phải tổ chức theo trình độ văn hoá, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp.

Ngày nay, những lời dạy của Bác không những có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa thực tiễn giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ, toàn diện về việc dạy và học, về việc đào tạo cán bộ. Người cán bộ không những cần được đào tạo cơ bản trong nhà trường, mà còn phải học hỏi, nghiên cứu trong hoạt động thực tiễn; học hỏi ở đồng chí, bạn bè trong và ngoài nước. Kết hợp học và hành giúp cán bộ gắn được lý luận với thực tiễn, dùng kiến thức được trang bị góp phần cải tạo xã hội, xây dựng đất nước.

Đối với người huấn luyện: Hồ Chí Minh cho rằng: “không phải ai cũng huấn luyện được”. Người huấn luyện trước hết phải xác định huấn luyện là một nghề. Huấn luyện cán bộ nằm trong nghề cách mạng. Đã là một nghề thì phải thông thạo nghề huấn luyện. Thông thạo là phải nắm vững nội dung, phương pháp, biết cái gốc, cái chính; biết những tài liệu cần thiết giúp cho người học đạt hiệu quả.

Về mặt tư tưởng: Người huấn luyện trước hết phải kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng. Nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, từ đó truyền cho người học niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.

Về mặt đạo đức cách mạng: Người huấn luyện luôn phải là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Về lối làm việc: Phải có tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, phải luôn học tập nâng cao trình độ. Biết học những điều hay và thu hái những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại mới có thể làm được công việc huấn luyện của mình.

Đối với người học: Hồ Chí Minh yêu cầu người học phải biết “lấy tự học làm cốt”, “phải biết tự động học tập”. Điều quan trọng nhất của tự học là xác định tư tưởng cho đúng, người học phải xác định được mục đích “học để làm gì?”, học để phục vụ lợi ích của tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân. Người học phải luôn luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và luôn giữ vững niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng.

Về nội dung huấn luyện: Trước hết là huấn luyện lý luận, người huấn luyện và người được huấn luyện phải xác định được vai trò của lý luận. Hồ Chí Minh hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Mác rằng: vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí được, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất mà thôi. Nhưng lý luận sẽ trở thành lực lượng vật chất khi nó xâm nhập vào quần chúng. Về điều này chính Lênin cũng chỉ rõ: không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường cách mệnh” cũng đã dẫn lại câu nói của Lênin để nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong.” [42, tr.259]. Người còn nhấn mạnh:

Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.

Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắm mà đi …

Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ [45, tr.233 - 234] .

Bởi vậy, theo Người bất kỳ hoàn cảnh nào cán bộ Đảng viên cũng phải ra sức học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức về chính trị và trình độ lý luận. Bác viết: “có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao phó cho mình” [49, tr.292].

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị có hai cách:

Cách thứ nhất kém hiệu quả, không thiết thực. Đó là: “Chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông vô ích.” [45, tr.272]

Cách thứ hai là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc và kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, tự mình có thể tìm ra phương pháp chính trị để làm những công việc thực tiễn đòi hỏi, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo, thế là

lý luận có ích, thiết thực. Cách học đúng là lý luận liên hệ với thực tế. Đây là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác Lênin và là biện pháp cơ bản để chống lại “thực tiễn mù quáng” và “lý luận suông”. Hồ Chí Minh yêu cầu người học trong quá trình học tập lý luận phải xác định động cơ học tập lý luận cho đúng “không phải chỉ học thuộc lòng câu của Mác Lênin để loè người ta”, phải học lý luận để “tạo cho mình một cái vốn lý luận” để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Học lý luận là để cải tạo mình, cải tạo xã hội, cải tạo thế giới, giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể.

Huấn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong:

Huấn luyện cán bộ phải chú trọng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ. Với Bác, việc giáo dục những tri thức tổng hợp cho cán bộ là quan trọng, song trước hết là phải giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa: Sống không có lý tưởng thì sẽ thiếu niềm tin. Thiếu niềm tin xã hội chủ nghĩa thì làm sao xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội được. “Để làm sao cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ, đạo đức của người đảng viên.” [52, tr.439].

Ngày nay, nội dung về lý tưởng mà công tác giáo dục, đào tạo cán bộ phải hướng tới là: giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; thực hiện trọn vẹn ham muốn của Người trước lúc đi xa: Toàn Đảng, toàn dân ta phải đoàn kết, phấn đấu, xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Giáo dục chuyên môn nghiệp vụ:

Trước hết theo Hồ Chí Minh, khi xác định mỗi người phải biết một nghề, làm nghề gì phải thạo nghề ấy, học việc gì phải thạo việc ấy. Cán bộ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức, tuyên truyền, công an… đều phải thành thạo lĩnh vực công tác của mình. Mặt khác, nếu là cán bộ cách mạng thì lãnh đạo ngành nào phải biết chuyên môn ngành ấy, có thế lãnh đạo mới sát. Nội dung huấn luyện chuyên môn rất

rộng. Mục đích của huấn luyện chuyên môn là để cung cấp cán bộ giỏi chuyên môn, thạo việc cho các ngành khác nhau.

Huấn luyện văn hoá, ngoại ngữ:

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bôn ba khắp năm châu, Bác đã sớm ý thức được rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “sự ngu dốt là chỗ dựa chủ yếu của chủ nghĩa tư bản”, “dốt thì dại, dại thì hèn”. Bởi vậy, Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên, thanh niên, phụ nữ phải cố gắng học tập văn hoá, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để tiến bộ không ngừng. Bác căn dặn: Phải cố gắng học tập, luôn luôn học tập, học chủ nghĩa Mác Lênin, học văn hoá, học tiếng nước ngoài, học nghề nghiệp của mình. Nếu không sẽ không theo kịp được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nước nhà. Giáo dục văn hoá là yêu cầu rất cần thiết đối với những cán bộ còn kém văn hoá. Cán bộ không nắm được những kiến thức thông thường, thì rất khó cho việc nghiên cứu lý luận hoặc học chuyên môn, nghề nghiệp. Nội dung huấn luyện là những kiến thức bình thường nhưng rất phong phú: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Trong Sắc lệnh số 188/SL năm 1948 và Sắc lệnh 76/SL năm 1950, Hồ Chí Minh đã ra những quy định quan trọng về xây dựng đội ngũ công chức Việt Nam, trong đó yêu cầu công chức phải biết ngoại ngữ.

Nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ mới với bao thời cơ, song không ít những thách thức, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là kim chỉ nam soi đường cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, để đội ngũ cán bộ xứng đáng là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc, của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ vào việc đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hiện nay doc (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)