Những kết quả đạt được và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Mở rộng hoạt động cho vay ngắn hạn đối với DNNQD tại Chi nhánh NH ĐT&PT Hà Nội (Trang 67 - 70)

2.3.1.1. Những kết quả đạt được.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương về cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, NH ĐT&PT HN đã bước đầu chú trọng hoạt động cho vay, mà chủ yếu là cho vay ngắn hạn, đối với các DNNQD và đáp ứng được một phần nhu cầu của thành phần kinh tế này. Do đó, hoạt động cho vay ngắn hạn đối với các DNNQD đã đạt được những kết quả đáng kể sau:

Một là, số lượng các DNNQD có quan hệ vay vốn với ngân hàng ngày càng nhiều, tăng dần tỷ trọng trong tổng số doanh nghiệp có quan hệ với ngân hàng. Trong đó, ngân hàng chủ yếu cho các DNNQD vay dưới hình thức ngắn hạn.

Hai là, ngân hàng đã áp dụng hình thức cho vay theo món và cho vay theo hạn mức tín dụng đối với các DNNQD có nhu cầu vay vốn ngắn hạn. Sự đa dạng hóa hình thức cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, nâng cao hiệu quả của món vay phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, dư nợ và doanh số cho vay ngắn hạn đối với DNNQD của ngân hàng không ngừng tăng qua các năm với tốc độ tăng trưởng cao. Hết năm 2006, dư nợ ngắn hạn đối với DNNQD tại Chi nhánh là 807.369 triệu đồng, tăng 82,97% so với năm 2005, tương đương 6,85 lần so với năm 2004. Doanh số cho vay ngắn hạn đối với của ngân hàng đạt 3.314.826 triệu đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm là 26,75%.

Bốn là, lãi suất cho vay ngày càng phù hợp hơn đối với từng loại hình doanh nghiệp. NH ĐT&PT HN đã phần nào tạo ra được sự công bằng tương đối giữa lãi suất cho vay DNNN với lãi suất cho vay DNNQD.

Năm là, bên cạnh sự tăng trưởng về dư nợ và doanh số cho vay ngắn hạn thì chất lượng cho vay cũng luôn được đảm bảo. Tỷ lệ nợ quá hạn của các DNNQD luôn đạt mức 0%. Do đó, qua đây có thể thấy mở rộng cho vay đối với DNNQD nói chung và mở rộng cho vay ngắn hạn đối với thành phần kinh tế này là một hướng đi mới vừa tăng tính cạnh tranh, tăng khả năng sinh lời mà vẫn đảm bảo được sự an toàn.

Sáu là, Chi nhánh đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho các DNNQD với các sản phẩm dịch vụ đa dạng, hữu ích cho khách hàng với phong cách giao dịch văn minh hiện đại.

2.3.1.2. Nguyên nhân.

* Nguyên nhân chủ quan.

- Nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng hoạt động cho vay đối với các DNNQD, NH ĐT&PT HN đã thực sự chú ý tới thành phần kinh tế ngoài nhà nước này.

- Chi nhánh NH ĐT&PT HN đã từng bước nâng cao năng lực tài chính của mình bằng việc gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, minh bạch hóa tài chính, đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn từ trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Từ đó tạo nguồn vốn lớn cho việc mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, ngân hàng còn thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới các phòng giao dịch và tìm kiếm mở rộng quan hệ với các khách hàng DNNQD hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, năng lực tài chính tốt. Vì vậy, dư nợ và doanh số cho vay ngắn hạn của ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao.

- Về phía các khách hàng: các DNNQD phát triển nhanh và mạnh. Do đó, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh cũng tăng cao. Đây thực sự là một thị trường tiềm năng cho các ngân hàng thương mại khai thác. Vì thế các ngân hàng thương mại đã phải hướng sự chú ý tới loại hình doanh nghiệp này.

- Các nguyên nhân khác:

 Cùng với xu hướng đổi mới chung của nền kinh tế, NHNN đã có những đổi mới trong cơ chế tín dụng theo hướng thông thoáng, tăng tính bình đẳng tín dụng, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NHTM; đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng,… nhằm mục đích kinh doanh an toàn hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế. Một số đổi mới căn bản trong thời gian gần đây là:

Cơ chế cho vay hiện hành theo Quyết định 1627/QDD-NHNN1 ngày 31/12/2001 của NHNN chỉ quy định khung pháp lý cơ bản mà không điều chỉnh các quy định mang tính tác nghiệp cụ thể. Do đó, tạo nên thế chủ động cho NH ĐT&PT VN nói chung và NH ĐT&PT HN nói riêng trong việc lựa chọn khách hàng vay vốn và quyết định các điều khoản của hợp đồng tín dụng cho phù hợp với từng khách hàng.

Cơ chế đảm bảo tiền vay được hoàn thiện một bước quan trọng bằng việc ra đời Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo, thay thế cho Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 và Nghị định 85/2002/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng an toàn và hiệu quả hơn, tạo sân chơi bình đẳng cho các NHTM và các khách hàng vay vốn.

Sự ra đời của cơ chế phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của NHTM theo Quyết định 488/2000/QĐ- NHNN ngày 27/11/2000 cũng là một thay đổi căn bản, tạo điều kiện để hoạt đông kinh doanh của NHTM trong nước tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Đổi mới cơ chế điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường, từng bước thực hiện tự do hóa lãi suất. Kể từ 6/2001 thực hiện cơ chế cho vay lãi suất thoả thuận đối với ngoại tệ, từ tháng 6/2002 là đối với VND. Theo đó, NHNN sẽ công bố lãi suất cơ bản để các NHTM tham khảo và định hướng lãi suất thị trường. Các NHTM sẽ xác định lãi suất cho vay dựa trên tín hiệu cung cầu thị trường và mức độ tín nhiệm đối với khách hàng vay.

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các NHTM buộc các ngân hàng phải tìm kiếm những thị trường mới để nâng cao thị phần của mình, gia tăng lợi nhuận và góp phần khẳng định vị thế của mình. Do đó, mở rộng hoạt động cho vay đối với các DNNQD là một xu hướng tất yếu đối với các ngân hàng thương mại.

Một phần của tài liệu Mở rộng hoạt động cho vay ngắn hạn đối với DNNQD tại Chi nhánh NH ĐT&PT Hà Nội (Trang 67 - 70)