Luật sư nước ngoài tại Việt nam

Một phần của tài liệu Những quy định của pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 72 - 79)

- Thứ ba, các quy định của Luật Luật sư đi theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

luật sư nước ngoài tại Việt nam

Có thể nói rằng trong vòng hơn 12 năm qua, kể từ khi Nghị định 42/CP được ban hành mở đường cho các tổ chức luật sư nước ngoài vào Việt Nam, chế định về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh. Một phần do đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn, nhưng quan trọng hơn, Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm tới hoạt động hành nghề của các tổ chức luật sư nước ngoài, bằng chứng là qua bốn văn bản đã ban hành, các quy định đối với hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ hơn và đi theo hướng mở cửa, tạo thuận lợi cho các tổ chức này. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng ở Việt Nam chưa có một nền tảng kiến thức pháp lý đầy đủ, vững chắc, mang tính chuẩn hoá về thị trường dịch vụ pháp lý, hay nói đúng hơn, kiến thức về thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam không xuất phát từ thực tiễn phát triển của đất nước. Các quốc gia có hệ thống các quy định pháp luật về thị trường dịch vụ pháp lý rất hoàn thiện như Mỹ, Anh, Pháp, úc…, họ đã có lịch sử phát triển thị trường dịch vụ pháp lý hàng trăm năm, từ đó đúc rút ra những quy định pháp luật. Nhưng ngay cả những quốc gia có lịch sử thị trường dịch vụ pháp lý ngắn hơn rất nhiều như Singapore, Trung Quốc hay Nhật, họ vẫn có hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ, hoàn thiện hơn Việt Nam rất nhiều, đó là bởi vì thực tiễn thu hút đầu tư, tốc độ mở cửa, phát triển thị trường của các nước này là rất cao. Một điểm quan trọng cần lưu ý nữa đó là về thực tiễn thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam. Yếu tố thị trường mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Với một thị trường đặc thù như thị trường dịch vụ pháp lý thì quả thật, mới chỉ

thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây. Hơn nữa, ý thức pháp luật của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp – những người luôn phải đồng hành với dịch vụ pháp lý – chưa cao. Dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lịch sử, quan niệm, thói quen… nhưng điều này dẫn đến hai hệ quả không tốt là: thứ nhất, người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng dễ phải gánh chịu các hậu quả không đáng có do không có ý thức tìm hiểu pháp luật trước khi thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật hay giao kết các hợp đồng kinh doanh, thương mại…; thứ hai, làm mất đi tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam. Chắc chắn với chức năng quản lý xã hội của mình, Nhà nước phải có biện pháp để thay đổi tình hình trên. Nói như vậy để thấy một điều, thị trường dịch vụ pháp lý cũng như hệ thống các quy định của pháp luật Việt Nam về thị trường dịch vụ pháp lý muốn phát triển, hoàn thiện hơn trong tương lai thì nhất định phải hoàn thành hai nhiệm vụ cơ bản sau:

- Nhiệm vụ về nghiên cứu lý luận: trong thời gian tới, nhiệm vụ của các học giả, các nhà nghiên cứu pháp luật là phải xây dựng được nền tảng hệ thống kiến thức lý luận về thị trường dịch vụ pháp lý trong điều kiện Việt Nam, bao gồm hệ thống các nguyên tắc, khái niệm, nội hàm thuộc lĩnh vực dịch vụ pháp lý; xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của dịch vụ pháp lý trong tổng thể cơ cấu các ngành dịch vụ; xác định rõ những định hướng cơ bản để phát triển thị trường dịch vụ pháp lý trong tương lai; nghiên cứu cụ thể nhu cầu dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, có tính đến sự phát triển trong tương lai, trên cơ sở đó xây dựng mô hình dịch vụ pháp lý phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế, xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó xác định rõ các loại hình dịch vụ pháp lý, các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý, các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý cũng như các biện pháp quản lý đối với việc cung ứng dịch vụ pháp lý.

- Nhiệm vụ về xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý trong thực tiễn: như đã nói ở trên, rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của

thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay không phải là khung pháp lý hay các quy định pháp luật mà nằm ở nhu cầu của xã hội, nằm ở ý thức của người dân. Vậy nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước có lẽ không phải là ban hành thật nhiều Luật, Pháp lệnh hay Nghị định mà phải tăng cường ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân, tăng cường nguyên tắc pháp chế, mỗi công dân phải thầm nhuần nguyên tắc: mọi vấn đề đều phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật. Nhà nước có thể thực hiện điều này thông qua việc tăng cường công khai, minh bạch, tạo nhiều phương thức để người dân tiếp xúc với pháp luật, hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của bản thân, tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật, trừng trị nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Khi người dân đã có ý thức pháp luật, tự giác tuân thủ pháp luật thì chắc chắn nhu cầu về dịch vụ pháp lý sẽ tăng cao. Đó chính là con đường hợp lý nhất để phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

Quay trở lại với các quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, sau quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể ở trên, luận văn xin được đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:

- Thứ nhất, là quy định của pháp luật hiện hành về hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Hiện nay, có ba quy định khác nhau về vấn đề này trong ba văn bản đang có hiệu lực thi hành: + Đầu tiên là trong Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, phần các cam kết cụ thể đối với phân ngành dịch vụ pháp lý, quy định bốn hình thức là:

a. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài b. Công ty con của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài c. Công ty luật nước ngoài

d. Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và Công ty luật hợp danh Việt Nam

+ Quy định thứ hai nằm trong Phụ lục: nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết của Quốc hội số 71/2006/QH11 ngày 29/11/1006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm bốn hình thức sau:

a. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài b. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài c. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh d. Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước

ngoài và Công ty luật hợp danh Việt Nam

+ Cuối cùng là theo khoản 1, Điều 69, Luật Luật sư 2006 quy định ba hình thức:

a. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài b. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài c. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh Như vậy, ngoài hai hình thức là Chi nhánh và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài được quy định trong cả ba văn bản trên thì hai hình thức còn lại là Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và Công ty luật hợp danh Việt Nam và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh đều không được quy định trong tất cả ba văn bản. Điều này cho thấy tính thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật và rất cần được khắc phục.

- Thứ hai là về phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cũng có sự quy định khác nhau trong hai văn bản đang có hiệu lực thi hành. Cụ thể, trong Phụ lục: nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết của Quốc hội số 71/2006/QH11, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài không được cử

luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Toà án Việt Nam. Tuy nhiên, theo Điều 70 Luật Luật sư 2006, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự. Hai quy định này tự dẫm chân lên nhau và cần sớm có sự sửa đổi.

- Thứ ba, về phạm vi hoạt động của luật sư nước ngoài hành nghề trong tổ chức luật sư nước ngoài. Luật Luật sư 2006 cho phép luật sư nước ngoài nếu có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam thì được phép tư vấn pháp luật Việt Nam. Nhưng Điều 4, Luật Luật sư cũng quy định rõ: “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Như vậy, nếu luật sư nước ngoài đã thoả mãn đầy đủ các yêu cầu như đối với một luật sư Việt Nam thì tại sao họ không được tham gia tố tụng? Theo quan điểm của WTO thì phải chăng đây là một hạn chế đối xử quốc gia? Và liệu trong tương lai quy định này có thể bị thay đổi?

Trên đây là một số kiến nghị và giải pháp mà luận văn đưa ra đối với thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam nói chung và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài nói riêng. Những vấn đề này không thể bao quát hết toàn cảnh bức tranh thị trường dịch vụ pháp lý cũng như hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Rất mong sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các thầy cô và các bạn sinh viên về vấn đề này.

Kết luận

Như vậy, với đề tài nghiên cứu “Những quy định của pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam”, Luận văn về cơ bản đã thực hiện được các mục tiêu đề ra và đã làm sáng tỏ được các vấn đề sau:

- Thứ nhất là làm rõ các vấn đề về lý luận, bao gồm khái niệm, phân loại và đặc điểm, liên quan đến dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý; đồng thời trình bày thực tiễn sự hình thành và phát triển của dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, qua đó giúp người đọc hình dung được các vấn đề cơ bản nhất liên quan đến lĩnh vực dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

- Thứ hai là nêu và phân tích có gắn với thực tiễn quá trình ra đời và phát triển của pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Quá trình này có phân chia thành các giai đoạn cụ thể trên cơ sở các quy định của pháp luật.

- Thứ ba là phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài của từng giai đoạn theo các tiêu chí xác định. Kèm theo quá trình phân tích có sự nhận xét, so sánh, đánh giá các điểm tương đồng và khác biệt giữa các giai đoạn, qua đó rút ra sự thay đổi của các quy định pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài qua mỗi giai đoạn.

- Thứ tư là đưa ra các kiến nghị đối với việc mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam và việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Những quy định của pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 72 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w