e) Về phê duyệt và báo cáo
3.2.4. Về nghiệp vụ quản lý đấu thầu
Thực tế hoạt động đấu thầu liên quan trực tiếp và gián tiếp tới nhiều vấn đề, nhiều ngành và nhiều cơ quan hữu quan. Các mối quan hệ này chủ yếu thông qua các kênh hành chính thủ tục như: thẩm định nghiên cứu khả thi, phê duyệt nghiên cứu khả thi, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Quá trình này diễn ra không chỉ trong nội bộ cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính, Kho bạc mà còn diễn ra theo quy trình của nhà tài trợ. Do vậy, thời gian dành cho công tác thẩm định và phê duyệt rất nhiều.
Hoạt động đấu thầu không chỉ bị ảnh hưởng bởi phải thực hiện qua nhiều bước, nhiều thủ tục hành chính, qua nhiều cấp, nhiều cơ quan mà còn bị ảnh hưởng bởi chất lượng thẩm định và phê duyệt trong từng khâu. Về chất lượng phê duyệt của phía nhà tài trợ nước ngoài thì khó đánh giá, bởi họ có những quy định, tiêu chuẩn riêng rất chặt chẽ. Riêng đối với chất lượng các văn bản thẩm định, quyết định phê duyệt của phía Chính phủ Việt Nam là vấn đề cần được xem xét để nâng cao hơn nữa.
Kết quả cho thấy, rất nhiều gói thầu phải mời thầu lại nhiều lần. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là các cấp phê duyệt, thẩm định đã không thực hiện đúng vai trò của mình. Ví dụ, về kế hoạch đấu thầu quốc tế, cơ quan thẩm quyền là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường khó có thể đánh giá được giá kế hoạch có phù hợp với thị trường hay không đối với những mặt đặc thù trong ngành y tế. Do vậy, giá kế hoạch được phê duyệt thấp hơn nhiều so với giá thị trường, làm cho chủ đầu tư phải đấu thầu rất nhiều lần, tốn thời gian và công sức mà không mua được hàng theo đúng yêu cầu, tiến độ.
Việc thực hiện đúng trách nhiệm và vai trò của các cơ quan thẩm định, phê duyệt được Nhà nước giao quyền không chỉ là yêu cầu mang tính lương tâm, đạo đức nghề nghiệp mà còn xuất phát từ những đòi hỏi của xã hội để công tác đấu thầu vận hành đi vào khuân khổ đạt chất lượng cao.