e) Về phê duyệt và báo cáo
3.1.2.5. Hạn chế do cạnh tranh không lành mạnh
Vấn đề cạnh tranh là nội dung quan trọng trong đấu thầu quốc tế. Đây là yêu cầu đặt ra đối với các nhà lập pháp để cạnh tranh vừa là động lực thúc đẩy vừa là biện pháp tăng cường giao lưu thương mại quốc tế. Các quốc gia hoặc các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế ban hành quy định về đấu thầu tin rằng đấu thầu rộng rãi quốc tế sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Về lý luận thì quan điểm này là đúng. Vì nếu đấu thầu hạn chế thì sẽ tạo cơ hội để một số ít nhà thầu liên kết để gian lận, còn chỉ định thầu thì hoàn toàn không có tính cạnh tranh. Nhưng thực tế có rất nhiều cách nhằm vô hiệu hóa các quy định của đấu thầu rộng rãi quốc tế, dẫn đến những hạn chế trong đấu thầu. Ví dụ, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính chất chỉ định, thiếu khách quan trong đấu thầu mua sắm hàng hóa quốc tế.
Việc quy định tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết là cần thiết để đảm bảo mua đúng hàng hóa mà bên mời thầu cần. Tuy nhiên, ranh giới giữa vấn đề này và việc quy định quá chi tiết để chỉ có một nhà thầu, một loại hàng hóa, hay một xuất xứ hàng hóa đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu là hạn chế tính cạnh tranh của đấu thầu mua sắm hàng hóa quốc tế.
Ngoài việc quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa mang tính chỉ định, việc quy định tiêu chuẩn đánh giá nhằm mục đích có ít nhà thầu đáp ứng cũng làm giảm khả
năng cạnh tranh. Những tiêu chuẩn đánh giá thường được dùng để hạn chế nhà thầu trong thời gian qua tại Việt Nam như: số năm kinh nghiệm của nhà thầu, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa tương tự, năng lực tài chính, năng lực pháp lý, mức độ cổ phần, loại hình doanh nghiệp…
Ví dụ: việc cung cấp hàng hóa nhất định chỉ cần có kinh nghiệm 3 năm nhưng hồ sơ mời thầu quy định tại tiêu chuẩn đánh giá lại yêu cầu đến 5 năm. Việc quy định này nhằm loại bỏ nhiều nhà thầu có năng lực cạnh tranh khác do thiếu năm kinh nghiệm.
Cạnh tranh về giá là tương đối rõ ràng, nhưng cạnh tranh về mặt kỹ thuật là vấn đề phức tạp. Trong khi đó kỹ thuật lại là yếu tố then chốt trong đấu thầu đặc biệt với với phương thức hai giai đoạn và hai phong bì cho những gói thầu mua sắm hàng hóa lớn, quan trọng.
Những hạn chế nêu trên về các quy định làm mất đi tính cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế, là vấn đề để các nhà lập pháp, nhà làm luật, đối tác tài trợ xem xét đưa ra những quy định nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực này.