kháng chiến, kiến quốc
Trong điều kiện vừa chiến đấu vừa xây dựng chế độ mới, việc củng cố kiện toàn hệ thống bộ máy chính quyền một cách toàn diện có ý nghĩa cực kỳ trọng đại đối với tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến.
Trong mấy năm đầu, thực dân Pháp mở rộng phạm vi tái chiếm, nên việc xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Chiến tranh chia cắt đất nước và các địa phương nên chính phủ quy định quyền hạn của chính quyền các cấp cho phù hợp với tình hình giao thông cản trở. Tinh thần chung là các Uỷ ban kháng chiến hành chính từ cấp xã đến cấp liên khu đều phải đảm nhận nhiệm vụ thay mặt Chính phủ lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống Pháp trong phạm vi địa phương mình đồng thời phối hợp với các địa phương khác để tiến hành cuộc chiến đấu có hiệu quả nhất.
Ngoài những nhiệm vụ chung, Uỷ ban hành chính kháng chiến cấp liên khu còn được trao thêm quyền điều động quân đội, huy động lương thực và thực phẩm trong phạm vi địa phương mình. Những quyền hạn này giúp các ủy ban có cơ sở pháp lý để giải quyết linh hoạt và sáng tạo những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Việc thực hiện tổ chức chính quyền cách mạng trong vùng địch chiếm đóng được đặc biệt chú ý song song với chủ trương phá chính quyền địch. Xây dựng chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh với phá tề ngụy có quan hệ hữu cơ với nhau. Năm 1948, được đánh giá là năm "tổng phá tề" mà điển hình nhất là phong trào phá tề rầm rộ ở Bắc Bộ.
Xây dựng chính quyền vững mạnh để phát huy đầy đủ vai trò của chính quyền, của chính phủ là một nhân tố thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập tự do.
Kháng chiến và kiến quốc là trường học rèn luyện và phát triển mọi mặt về tổ chức điều hành đất nước, quản lý xã hội, thực thi chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền cách mạng, huy động cao nhất sức mạnh của nhân dân vào cuộc kháng chiến vĩ đại đến ngày thắng lợi.
Thực tiễn thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đã khẳng định những giá trị quý báu về tư tưởng và kinh nghiệm kiến lập Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giá trị đó tiếp tục được Đảng và Nhà nước kế thừa và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.