Xây dựng và rèn luyện phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức trong tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân với công cuộc cải cách hành chính ở Tuyên Quang doc (Trang 44 - 49)

chức trong tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân

Tổ chức xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân là công việc lớn lao, mới mẻ, đòi hỏi phải có một đội ngũ công chức đông đảo có trình độ văn hóa, hiểu biết kiến thức pháp luật, kỹ thuật hành chính và nhất là phải có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Nhận thức sớm vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam, đã đề cập:

Sau tám mươi năm bị áp bức, bóc lột và dưới chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.

Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa khuyết điểm.

Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc rằng chúng ta sẽ thành công [30, tr.7].

Như vậy là, Hồ Chí Minh sớm xác định phương thức (nguyên lý) đào tạo, giáo dục cán bộ công chức nhà nước Việt Nam mới là "vừa làm vừa học, vừa học vừa làm" đó là con đường, cách thức đào tạo, rèn luyện cán bộ công chức xuất phát từ thực tiễn, từ nhiệm vụ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, một phương thức khả dĩ nhất, có tiền đồ nhất. Với một phương pháp khoa học và thái độ chân tình, thân mật, cầu thị, Hồ Chí Minh sử dụng con đường thư - báo để khởi đầu sự nghiệp đào tạo, rèn luyện cán bộ công chức nhà nước theo con đường tân dân chủ.

Hồ Chí Minh đã sớm đăng báo, gửi thư với những chủ đề, địa chỉ cụ thể, nói rõ về cách thức tổ chức xây dựng chính quyền nhân dân, về mô hình và chức trách người cán bộ công chức của chính quyền mới cùng cách thức khắc phục những non kém, bất cập và cuộc đấu tranh chống những ảnh hưởng xấu của những tác phong, lề thói hành chính cũ mà chính quyền thực dân phong kiến còn để lại.

Trong bài: Cách tổ chức các ủy ban nhân dân, dưới bút danh Chiến Thắng,

Người đã nêu:

Uỷ ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở nên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo. Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các ủy ban này [30, tr.13, 15].

Các chức danh Chủ tịch và ủy viên ủy ban đều gắn liền với những lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý. Tất cả các công việc của ủy ban đều là mưu cầu xây dựng và phát triển đời sống của nhân dân địa phương. "Xem như trên, ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra" [30, tr.15].

Với quan điểm của công tác tổ chức cán bộ chính phủ, chúng ta có thể thấy, Hồ Chí Minh lấy xuất phát điểm từ công việc mà xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, chức danh cán bộ nào phải gắn với phần việc đó của Uỷ ban. Toàn thể Uỷ ban phải hoạt động theo những yêu cầu thống nhất của chính phủ và phải duy trì quan hệ mật thiết với dân địa phương, chịu sự phê bình và giám sát của dân.

Qua cách tổ chức "cầm tay chỉ việc" cho các Uỷ ban nhân dân, như bài báo đã nêu, cán bộ và nhân dân các địa phương đã có thể hình dung được về một mô hình tổ chức chính quyền dân chủ mới.

Cũng chỉ sau một tuần, Báo Cứu quốc, số 46, ngày 19/9/1945, bút danh Chiến Thắng lại cho đăng tiếp bài: Chính phủ là công bộc của dân. Hình ảnh chính phủ nhân dân,

đã được bút pháp tác giả gọi đúng tên, chỉ đúng việc nên làm của nó. Chính phủ là công bộc của dân thì công việc phải làm là "nhằm vào một mục đích duy nhất mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người" [30, tr.22] cho nên nhân dân phải chọn "trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đồng đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó" [30, tr.22].

Quả thật, có thể nói rằng, trên văn đàn chính sử Việt Nam hiện đại ít có bút pháp nào lại diễn tả hình ảnh một chính thể nhân dân với cán bộ công chức của dân đẹp và thân thiện đến như vậy.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng chính quyền và rèn luyện cán bộ công chức lại phải đối diện, đấu tranh với các mặt trái trong việc tổ chức sử dụng công quyền vào tư lợi cùng những tàn dư xấu của chính quyền thực dân phong kiến vốn ngự trị đã lâu trước chính quyền dân chủ nhân dân vừa thành lập.

Nhiều bức thư với những địa chỉ rõ ràng đã được Người gửi đến: các đồng chí tỉnh

nhà; thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng [30, tr.19, 56]. Trong các thư trên,

Người chỉ ra những hành vi trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, lên mặt quan cách mạng, dùng pháp công để báo thù tư, độc hành độc đoán... Đó là những khuyết tật và tệ nạn đã sớm nảy sinh hoặc vẫn được duy trì trong các cơ quan chính quyền cần sớm phải khắc phục, "phải thanh khiết từ to đến nhỏ".

Trong bộ máy nhà nước, cán bộ là nhân tố trung tâm. Hiệu lực của nhà nước quy đến cùng là do cán bộ quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc, "có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" [31, tr.240]. Tuy nhiên, cán bộ công chức không phải là một thứ có sẵn, nhất là trong thời gian đầu của chính quyền nhân dân như Người đã chỉ ra: "chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm của chúng ta còn ít, tài năng của chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính..., trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta. Lại thêm nguy hiểm ngoại xâm và tình hình nội trị" [30, tr.20].

Hồ Chí Minh biết rằng quản lý hành chính nhà nước (public admini station) là dạng quản lý bằng pháp luật đòi hỏi cán bộ công chức hành chính tiến hành hoạt động quản lý dựa trên các cơ sở pháp lý của các loại văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, nên về căn bản và lâu dài cán bộ công chức phải được đào tạo qua trường sở quản lý nhà nước. Ngày 11/10/1946, Người ký Sắc lệnh số 197, thành lập Ban pháp lý tại trường Đại học Việt Nam. Một mặt mạnh dạn sử dụng các viên chức, quan lại đã được đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật hành chính dưới chế độ trước, mặt khác Người cho đăng báo "Tìm người tài đức". Trong bài: Nhân tài và kiến quốc, Người viết: "kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển thêm nhiều. Chúng ta cần nhất bây giờ là: kiến thiết ngoại giao; kiến thiết kinh tế; kiến thiết quân sự; kiến thiết giáo dục" [30, tr.99].

Bên cạnh việc cầu người hiền tài ra giúp dân, giúp nước. Mối quan tâm và cũng là điều trăn trở của Hồ Chí Minh đối với bộ máy công quyền và đội ngũ công chức và cũng là ưu tiên hàng đầu mà Người yêu cầu ở họ là xây dựng một bộ máy, một đội ngũ viên chức trong sạch, không tham ô, không hối lộ, không chật hẹp, nhũng nhiễu, không bị các chứng tật khác làm biến chất. Các cán bộ phụ trách thi hành pháp luật, phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo" [31, tr.382].

Ngay trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Người vẫn lần lượt ký các Sắc lệnh, đưa ra những quy chế quan trọng về xây dựng đội ngũ công chức Việt Nam, thể hiện một quan niệm đặc sắc về một bộ máy nhà nước hiện đại mà trong điều kiện hiện nay vẫn còn thích hợp.

Tại Điều 1, Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam (Việt Nam Dân quốc công báo, số 6, năm 1950) ghi rõ: nay ban hành, kể từ ngày 1/5/1950, một "Quy chế công chức" định rõ nghĩa vụ, quyền lợi của công chức cùng các thể lệ, về tổ chức, quản trị và sử dụng các ngạch công chức trong toàn quốc". Những khoản chưa thi hành được vì tình thế kháng chiến sẽ thay bằng những thể lệ tạm thời, ấn định sau. Những điều đó cho chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ kháng chiến đã xác định cho Quy chế công chức Việt Nam có một phạm vi điều chỉnh chiến lược về công chức. Với 5 Chương, 92 Điều, Quy chế công chức Việt Nam ghi nhận: "Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư" [24, tr.415].

Như vậy, bước vào năm thứ sáu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công chức Việt Nam đã có một Quy chế pháp lý khẳng định địa vị, quyền và nghĩa vụ pháp lý của đội ngũ công chức xứng đáng trong hoạt động của một nhà nước dân chủ. Đội ngũ cán bộ công chức - cái gốc của sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, những người trực tiếp tổ chức thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Khác với những cán bộ là của cơ quan dân cử, làm việc theo nhiệm kỳ bầu cử, công chức làm việc theo chế độ chức nghiệp, vì vậy phải qua một kỳ thi tuyển để bổ nhiệm vào các ngạch bậc hành chính.

Nội dung thi tuyển yêu cầu khá toàn diện, bao gồm 6 môn thi: môn Chính trị (đại cương về Hiến pháp và cách tổ chức nhà nước của những nước lớn trên thế giới; môn Kinh tế (so sánh kinh tế tư bản và kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam trước và sau cách mạng: nông nghiệp, thương nghiệp, công kỹ nghệ...); môn Pháp luật (về Hiến pháp Việt Nam, chế độ thuế khóa, thể lệ ngân sách,...); môn Địa lý (gồm địa lý tự nhiên và nhân văn của Việt Nam và một số nước lân cận: Lào, Miên, Miến Điện, Xiêm, Trung Hoa, Nhật Bản, ấn Độ); môn Lịch sử (lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự xâm lăng của thực dân Pháp, các phong trào xã hội, tư tưởng, học thuật đầu thế kỷ XX, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc kháng chiến toàn dân...) và môn Ngoại ngữ (tự nguyện: Anh, Trung hoặc Pháp).

Trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp, yêu cầu về trình độ văn hóa - pháp luật đối với đội ngũ công chức bấy giờ có thể nói là cao. Nó đòi hỏi người dự tuyển phải qua một lớp huấn luyện để bổ túc học vấn. Tùy theo kết quả thi cử và năng lực, trình độ, phẩm chất của mỗi người mà sắp xếp ngạch bậc và bổ sung theo thứ tự trên dưới.

Điều đó thể hiện tầm nhìn xa, tính chính quy, hiện đại, tinh thần công bằng dân chủ... của tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ công chức, xây dựng nền móng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Đối với Hồ Chí Minh, cán bộ quản lý nhà nước cũng vẫn là người cán bộ cách mạng, người cán bộ quần chúng hoạt động ở lĩnh vực nhà nước. Người hiểu rõ xu hướng quan liêu hóa khó tránh khỏi của loại cán bộ này, nên luôn luôn nhắc nhở họ phải thân dân, gần dân, trọng dân, không được lên mặt "quan cách mạng" với dân, phải lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân. Chỉ có trí tuệ và lòng dân mới có thể làm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ và sáng suốt.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân với công cuộc cải cách hành chính ở Tuyên Quang doc (Trang 44 - 49)