Quảng Nam là tỉnh ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có cả miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị, vùng cát ven biển và hải đảo. Diện tích tự nhiên hơn 10.408 km2, dân số gần 1,5 triệu người (92,3% dân tộc Kinh, 0,7% các dân tộc ít người, chủ yếu là dân tộc Cơ- Tu, Xơ- đăng, Hnông, Co, Gié- Triêng,..), bao gồm 17 đơn vị hành chính; dân số thành thị chiếm 17,3%; 60% dân số (879,7 ngàn người) trong độ tuổi lao động [8, tr.12].
Đất sản xuất nông nghiệp 110.958 ha, chiếm 11% diện tích đất tự nhiên và chiếm 17% diện tích đất nông lâm nghiệp. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 80% tổng diện tích đất nông lâm nghiệp, được phân bổ chủ yếu trên địa bàn 8 huyện miền núi của tỉnh với địa hình phức tạp; hai khu rừng nguyên sinh, 60 địa điểm phong cảnh hữu tình; nhiều hồ nước, khe đẹp, cù lao giữa sông (Hồ Phú Ninh, danh thắng Thuận Tình).
Bờ biển Quảng Nam dài 125 km, chạy từ Điện Ngọc (tiếp giáp Đà Nẵng) đến Vịnh Dung Quất; phía Bắc có Cửa Đại (Hội An); phía Nam có cửa An Hoà, có Sông Trường Giang nối 2 cửa, chảy dọc theo bờ biển. Cầu cảng số 2 (cảng Kỳ Hà) đã được xây dựng và đưa vào hoạt động; xã đảo như: Tân Hiệp- Cù Lao Chàm (Hội An), Tam Hải- Bàn Than (Núi Thành- Chu Lai); cửa sông, lạch lớn nhỏ, có khoảng 30 ngàn ha mặt nước (cả nước ngọt, lợ, mặn), trong đó có 10 ngàn ha bãi triều, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích ngư trường rộng 40 ngàn km2 với nhiều loại hải sản quý như: hải sâm, bào ngư, tôm hùm, đặc biệt có Yến sào ở Cù Lao Chàm. Hệ thống sông ngòi khá chằng chịt ở Quảng Nam là nguồn thuỷ năng lớn.
Tài nguyên khoáng sản Quảng Nam khá phong phú, đã phát hiện và đánh giá được hơn 200 điểm quặng, mỏ, hơn 35 chủng loại khoáng sản. Khoáng sản kim loại (sắt, mangan, đồng, chì, kẽm, thiếc, titan, vàng… ) và khoáng sản phi kim loại (đá vôi xi măng, đất sét, cao lanh làm gốm, sứ, nước khoáng).
Vị trí địa lý và mạng lưới giao thông khá thuận lợi, có sân bay, cảng biển, giao thông đường sắt, quốc lộ và đường thuỷ nội vùng tương đối đồng bộ, các khu công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng. Quảng Nam còn có 2 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận (phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn) là nơi thu hút nhiều khách du lịch; khu kinh tế mở Chu Lai với những chính sách thông thoáng là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Quảng Nam còn là một vùng đất giàu giá trị văn hoá với nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử, văn hoá có giá trị được kết tinh từ sự giao thoa của nhiều nền văn hoá (Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt); nơi đây còn là vùng “đất khoa bảng”, “đất học” đã từng sản sinh nhiều người tài cho đất nước.