thông tin cho báo chí trong một số trường hợp đã hạn chế báo chí tiếp cận thông tin. Chính vì lẽ đó mà đã có nhiều vụ việc xảy ra dẫn đến hậu quả khó lường liên quan đến nội dung này mà các cơ quan báo chí và phóng viên bị kỷ luật oan như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Từ tháng 9-2002 đến tháng 10-2003, Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh có đăng tải loạt bài về sự can thiệp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào hoạt động của Công ty Cổ phần Khách sạn Phan Thiết.
Để xác định sự can thiệp này là trái pháp luật, báo đã dẫn ý kiến các chuyên gia trong tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Chính phủ, viện dẫn báo cáo của Văn phòng Chính phủ, văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ...
Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến trở lại, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Nhà nước thẩm tra lại. Báo cáo kiểm tra của Thanh tra Nhà nước tiếp tục xác định nội dung can thiệp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận là không đúng pháp luật.
Thế nhưng sau cuộc làm việc trực tiếp với tỉnh Bình Thuận, tháng 4-2004, Thủ tướng Chính phủ có kết luận: Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo thanh tra, xử lý vi phạm ở Công ty Cổ phần Khách sạn Phan Thiết là cần thiết và phù hợp pháp luật. Chỉ rút kinh nghiệm về cách làm...
Dựa vào kết luận sau cùng này, ông Lê Tú Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, người trực tiếp xử lý vụ việc, khởi kiện báo, và Tòa án Nhân dân quận 10, thành phố Hồ Chí Minh đã phán quyết báo đã thông tin sai sự thật, gây thiệt hại uy tín, danh dự của ông Phó Chủ tịch tỉnh. Đáng chú ý là các bài báo liên quan, báo đều dựa theo các nguồn có thẩm quyền: ý kiến các chuyên gia trong tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Chính phủ, viện dẫn báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ... Thời điểm báo đăng tin bài, các văn bản trên đều đang có hiệu lực, chưa hề bị hủy bỏ, thay thế.
- Trường hợp thứ hai: Báo Công Lý (thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao ra ngày 09-1-2002) có đăng tải bài viết về “tác giả” của những vụ kiện ở Tuyên Quang: Chân dung và những trò bịp” về bà Nguyễn Thị Oanh. Trong bài báo, phóng viên đưa ra hàng loạt sự kiện về đời tư của bà Oanh từ những chuyện như bị “đúp” khi đi học tại Đại học Sư phạm Việt Bắc, bị hạnh kiểm kém đến những chuyện “lừa nhẹ nhàng lấy 70.000 đồng”, “lợi dụng quan hệ tình ái để lừa đảo”…
Nhân vật chính trong bài “điều tra” nói trên đã khiếu nại về nội dung bài báo. Do không thoả mãn với trả lời của Báo Công Lý, bà Oanh khởi kiện phóng viên và báo ra Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm với yêu cầu cải chính đối với một số chi tiết về đời tư (những “cú lừa được nhắc đến trong bài báo) cũng như đòi Báo bồi thường 5,199 tỷ đồng.
Báo Công Lý cho rằng những thông tin trong bài báo “Chân dung và những trò bịp” hoàn toàn dựa trên tài liệu do các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cung cấp, phóng viên và báo không bịa đặt ra các thông tin trong bài báo đó. Các thông tin phản ánh hành vi lừa đảo của bà Oanh, những biểu hiện trong sinh hoạt của bà Oanh như việc khiếu kiện của bà Oanh đối với anh em đều được thể hiện trong báo cáo 116/CAT (PA25) ngày 24-8-2001 của Công an tỉnh Tuyên Quang; Báo cáo số 31/CV-VSTBPN ngày 16-9-2001 của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Tại toà, Báo Công Lý cho rằng chỉ cải chính khi có văn bản xác định 2 văn bản “nguồn thông tin” kia không đúng sự thật.
Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho rằng 2 báo cáo trên là những báo cáo của ngành, những thông tin trong đó mang tính chất nội bộ, bởi vậy khi những thông tin về đời tư của bà Oanh được đưa lên báo thì phóng viên và Báo Công Lý có nghĩa vụ chứng minh rằng những thông tin đó là có căn cứ, đúng sự thật khách quan và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin đó. Hội đồng Xét xử nhận định: Bài báo liên quan nhiều đến đời tư của bà Oanh, lại khẳng định một số hành vi lừa đảo khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật cũng như chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận là phiến diện, chưa phản ánh đúng sự thật khách quan. Hội đồng Xét xử đã yêu cầu phóng viên và Báo Công Lý phải cải chính đối với những thông tin nêu trên, bồi thường cho bà Oanh 11.050.000 đồng.
- Trường hợp thứ ba: Năm 2005, từ nguồn tin Ban chuyên án Tổng cục Cảnh sát, Báo Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan báo chí đưa thông tin Nguyễn Đức Chi khai đã sử dụng 700 ngàn USD “bôi trơn” cho cán bộ tỉnh Khánh Hoà và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thực hiện dự án Rusalka. Sau này toà án xét xử không có nội dung này. Tỉnh Khánh Hoà phản ứng dẫn tới việc Bộ Thông tin và Truyền thông rút thẻ nhà báo đối với hai phóng viên Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh.
Một khó khăn nữa đối với các nhà báo khi tiếp cận thông tin là tình trạng đóng dấu “mật” tràn lan trên tài liệu của các cơ quan, hạn chế phóng viên tìm hiểu, khai thác nội dung các tài liệu. Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin chỉ có khoản 1,
Điều 11 quy định mức xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân, nhưng trên thực tế cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào bị áp dụng hình thức xử phạt này.
Liên quan đến trả lời trên báo chí, Điều 8 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí”. Trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thường không trả lời ý kiến phê bình trên báo chí cũng như những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc khi được báo chí nhắc nhở thì cũng chỉ trả lời chung chung. Trong khi đó, Luật Báo chí hiện hành và các văn bản dưới luật lại không có chế tài cụ thể đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 8, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không thể xử lý và cơ quan báo chí cũng không thể khiếu nại tổ chức, cá nhân vi phạm.
2.2.2.6. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng trong hoạt động báo chí
Trong những năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đã duy trì đều đặn giao ban định kỳ hằng tuần, hằng tháng với các cơ quan báo chí, chủ động và kịp thời hơn trong việc cung cấp và định hướng thông tin cho báo chí, tăng cường kiểm tra lưu chiểu báo chí, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động báo chí. Hoạt động thanh tra, kiểm tra báo chí đang ngày càng đi vào nề nếp. Từ năm 1999 đến năm 2009, Bộ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 180 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh những thông tin không chính xác trên báo chí do các cá nhân, tổ chức trong cả nước gửi tới liên quan đến hơn 1.000 vụ việc.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 9 năm (2000- 2008), Bộ đã nhắc nhở, phê bình, đề nghị kiểm điểm đối với gần 350 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ quan báo chí có tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Bộ cũng đã đề nghị kiểm điểm, xử lý vi phạm kỷ luật đối với 20 cơ quan báo chí (Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Khoa Học và Đời Sống, Đại Đoàn Kết, Pháp Luật Việt Nam, Gia Đình và Xã Hội...).
Chỉ riêng năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý 293 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến 132 vụ việc được đăng, phát trên báo chí; trong đó có 30% đơn thư không hợp lệ; xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 lượt trường hợp sai phạm của 26 cơ quan báo chí và một số trang tin điện tử với số tiền trên 200
triệu đồng. Bộ đã thu hồi thẻ nhà báo của 4 phóng viên (vì bị khởi tố, bắt giam); rút quyết định đình bản 3 tháng với 1 cơ quan báo chí.43
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác lưu chiểu còn hạn chế về cán bộ, phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Lưu chiểu là một khâu quan trọng của quản lý Nhà nước về báo chí nhằm thực hiện chức năng kiểm tra trước khi cho lưu hành nhưng vấn đề này vẫn còn bộc lộ sơ hở, yếu kém; những vi phạm phát hiện chậm đã gây không ít khó khăn cho quá trình xử lý và để lại hậu quả phức tạp.
Việc khen thưởng trong hoạt động báo chí cũng đã được quan tâm hơn. Chỉ tính riêng hai năm 2005, 2006, Bộ Thông tin và Truyền thông đã biểu dương, khen thưởng, hiệp y để các cấp có thẩm quyền khen thưởng 61 trường hợp (biểu dương, khen thưởng 44 trường hợp, hiệp y khen thưởng đối với 17 trường hợp khác gồm tập thể các cơ quan báo chí và cán bộ phóng viên có thành tích).44 Ngoài ra, lãnh đạo Bộ biểu dương, khen thưởng những cơ quan báo chí đã có thành tích tuyên truyền về các lĩnh vực như: quốc phòng, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống bão lụt, thiên tai...
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động báo chí vẫn còn nhiều thiếu sót và chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được quy định. Trong nhiều trường hợp, cơ quan quản lý báo chí còn phản ứng chậm trước những sự kiện nhạy cảm, để báo chí nước ngoài chủ động đưa tin, hướng dẫn dư luận trong nước. Một số vụ việc chậm được định hướng, để báo chí đưa tin rồi mới “thổi còi”, đột ngột dừng thông tin mà không có lời giải thích hợp lý, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Ví dụ như các nội dung bài viết liên quan: Chất lượng tiền polymer, bauxite Tây Nguyên v.v…
Cho đến nay, một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm Luật Báo chí đã bị xử lý, nhưng những vi phạm của các tổ chức, cá nhân khác nói chung còn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng mức. Việc xử lý vi phạm của cơ quan báo chí trong một số trường hợp còn thiếu nhất quán, cùng một lỗi vi phạm nhưng mỗi lúc, mỗi nơi lại áp dụng mức xử phạt khác nhau. Có những vi phạm không được xử lý kịp thời, dứt điểm, dẫn đến tình trạng sai phạm bị lặp lại ở hàng loạt ấn phẩm báo chí khác nhau, làm sự việc thêm trầm trọng, gây dư luận bất lợi trong nhân dân (như
43 Bộ Thông tin và Truyền thông (2009), Báo cáo tình hình báo chí 2009, tr.4