- Công tác vận động và thu hút vốn ODA của Ngành chưa thực sự được phát huy tối đa
Đã hơn 10 năm kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ chấm dứt đối với Việt Nam, đây cũng chính là những năm kinh nghiệm mà Ngành đã trải qua trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong đó có nguồn vốn ODA. Nhìn chung, Ngành đã có những cố gắng trong việc tìm kiếm Nhà tài trợ, tuy nhiên để có nhận xét công bằng đối với vấn đề này thì công tác thu hút vốn ODA mới thực sự được quan tâm đúng mức trong những năm gần đây. Số lượng các Nhà tài trợ song phương cũng như đa phương của Ngành còn rất hạn chế. Như đã trình bày trong phần 2.3.2 về thực trạng thu hút vốn ODA của Ngành, một số dự án ODA của Thụy Điển không được phê duyệt mặc dù đã được Chính Phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh sách ngắn đề nghị tổ chức Sida của Thụy điển cấp vốn ODA ưu đãi trong năm 2001. Đó là dự án VTNT các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu long có tổng trị giá khoảng 50 triệu USD. Đây chính là biểu hiện của sự thiếu quan tâm, theo dõi đúng mức trong công tác thu hút vốn ODA của Ngành.
-Những ràng buộc từ phía Nhà tài trợ
Do hầu hết các Nhà tài trợ khi xem xét cung cấp vốn ODA đều đưa ra điều kiện ràng buộc về sử dụng tư vấn cũng như điều kiện mua sắm thiết bị, dẫn đến khả năng kiểm soát nguồn vốn tài trợ của chủ dự án khó khăn, chi phí tư vấn lớn, giá cả thiết bị mua sắm cao, gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Cụ thể là dự án
phát triển mạng VTNT các tỉnh miền Bắc, do ảnh hưởng quá nhiều bởi sự can thiệp của Thương vụ Pháp nên nhiều điểm khó thống nhất đặc biệt là phần giá của thiết bị do phía Pháp đưa ra quá cao so với mặt bằng giá thầu quốc tế làm cho việc triển khai hợp đồng bị trì hoãn, kéo dài.
- Công tác đánh giá dự án và hậu dự án không thường xuyên
Công tác đánh giá hậu dự án ODA của Ngành chưa được làm tốt, và không bài bản. Do vậy, Tổng công ty BCVT Việt Nam khó thực hiện việc xác định hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án ODA mang lại cũng như việc rút kinh nghiệm từ những dự án kém hiệu quả để khắc phục những khó khăn khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi ở những dự án tương tự sau này. Một ví dụ điển hình là trong hơn 10 năm sử dụng nguồn vốn ODA, chỉ duy nhất có một lần đánh giá hậu dự án vào năm 1997 do phía Pháp cử chuyên gia vào đánh giá các dự án ODA của Pháp thực hiện từ năm 1990. Từ đó đến nay, hầu hết các dự án ODA không đánh giá hậu dự án [16].
- Tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch
Một số khâu của chu trình dự án đầu tư còn nhiều bất cập gây nên tình trạng kéo dài thời gian thực hiện các chương trình/dự án dẫn đến tốc độ giải ngân chậm, giảm thời gian ân hạn và hiệu quả đầu tư. Ba dự án lớn nhất về cả quy mô lẫn tổng vốn là dự án phát triển mạng VTNT các tỉnh phía Bắc, dự án Cáp quang biển trục Bắc - Nam và dự án VTNT 10 tỉnh miền Trung lại không đặt được yêu cầu đề ra như đã phân tích trong phần 2.3.2.2 - Tiến độ thực hiện dự án. Cả ba dự án lớn này đều bị kéo dài và tốc độ giải ngân chậm. Năm 2001, tốc độ giải ngân của dự án phát triển mạng VTNT các tỉnh miền Trung, Việt Nam chỉ đạt 25% (vốn nội tệ) so với kế hoạch đề ra.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi của Tổng công ty chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhà tài trợ
Tồn tại này đã xảy ra đối với một số dự án ODA của Ngành. Cụ thể là “dự án mạng internet phục vụ cộng đồng” được đưa vào danh sách vận động vốn ODA của Ngành gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư từ năm 2001, nhưng mãi đến năm 2004 mới được nhận được sự chấp thuận từ phía Nhà tài trợ (JBIC - Nhật Bản) do báo cáo khả thi chưa đạt yêu cầu của Nhà tài trợ. Tương tự đối với dự án cáp Quang biển trục Bắc - Nam. Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này phải sửa đi, sửa lại nhiều lần mới được chấp nhận. Tồn tại này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án chậm so với kế hoạch.
- Những tồn tại về Ban quản lý dự án (BQLDA)
BQLDA hoạt động chưa hiệu quả, thẩm quyền ít (qua ít nhất 4 cấp); BQLDA được thành lập muộn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án như dự án phát triển mạng VTNT 10 tỉnh miền Trung, Việt Nam.