Thông qua việc tiếp nhận nguồn ODA, Ngành BCVT Việt Nam được tiếp cận với đội ngũ chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm. Các chuyên gia Pháp đã chuyển giao cho các kỹ sư Viễn thông Việt Nam các kỹ thuật thiết kế và thực thi
lắp đặt các thiết bị Viễn thông. Trong quá trình triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Ngành BCVT cũng đã tiếp thu được các kinh nghiệm quản lý, hoạch định các chính sách trong lĩnh vực BCVT của các nhà quản lý viễn thông và tư vấn quốc tế. Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, việc xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ có kiến thức sâu rộng và đầy đủ năng lực quản lý là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng mà Ngành đã đặt ra trong chiến lược phát triển Ngành giai đoạn 2000 - 2010. Nguồn vốn ODA cũng đã thể hiện vai trò không kém phần quan trọng với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trong những năm gần đây, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, ADB, UNDP ... đã được thực hiện cho mục đích này. Chẳng hạn như dự án xây dựng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu Nghị Việt - Hàn do nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc tài trợ; dự án nâng cao năng lực đào tạo Trung tâm BCVT I do nguồn tài trợ không hoàn lại của tổ chức JICA - Nhật Bản. Tuy số lượng vốn ODA mà Ngành thu hút được để phục vụ mục đích nói trên còn chưa nhiều, nhưng nó đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực, hoàn thiện chế độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một phần ngân sách của các dự án ODA phục vụ vào mục đích phát triển cơ sở mạng được trích ra để sử dụng vào mục đích đào tạo cán bộ quản lý dự án và các chuyên viên kỹ thuật. Thông qua dự án ODA của Thụy Điển, một số lượng khá lớn đội ngũ nhân viên của Ngành đã được cử đi học tập, đào tạo về lĩnh vực quản lý cũng như lĩnh vực nghiệp vụ kỹ thuật tại Thụy Điển. Đội ngũ cán bộ này đã tiếp thu được những kinh nghiệm, kiến thức về quản lý cũng như kiến thức về kỹ thuật tiên tiến, phục vụ cho công cuộc phát triển của Ngành.
2.4.2. Một số tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những thành tựu mà Ngành BCVT đã đạt được trong việc thu hút vốn ODA, vẫn còn một số tồn tại đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA của Ngành.
2.4.2.1. Những tồn tại
- Công tác vận động và thu hút vốn ODA của Ngành chưa thực sự được phát huy tối đa
Đã hơn 10 năm kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ chấm dứt đối với Việt Nam, đây cũng chính là những năm kinh nghiệm mà Ngành đã trải qua trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong đó có nguồn vốn ODA. Nhìn chung, Ngành đã có những cố gắng trong việc tìm kiếm Nhà tài trợ, tuy nhiên để có nhận xét công bằng đối với vấn đề này thì công tác thu hút vốn ODA mới thực sự được quan tâm đúng mức trong những năm gần đây. Số lượng các Nhà tài trợ song phương cũng như đa phương của Ngành còn rất hạn chế. Như đã trình bày trong phần 2.3.2 về thực trạng thu hút vốn ODA của Ngành, một số dự án ODA của Thụy Điển không được phê duyệt mặc dù đã được Chính Phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh sách ngắn đề nghị tổ chức Sida của Thụy điển cấp vốn ODA ưu đãi trong năm 2001. Đó là dự án VTNT các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu long có tổng trị giá khoảng 50 triệu USD. Đây chính là biểu hiện của sự thiếu quan tâm, theo dõi đúng mức trong công tác thu hút vốn ODA của Ngành.
-Những ràng buộc từ phía Nhà tài trợ
Do hầu hết các Nhà tài trợ khi xem xét cung cấp vốn ODA đều đưa ra điều kiện ràng buộc về sử dụng tư vấn cũng như điều kiện mua sắm thiết bị, dẫn đến khả năng kiểm soát nguồn vốn tài trợ của chủ dự án khó khăn, chi phí tư vấn lớn, giá cả thiết bị mua sắm cao, gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Cụ thể là dự án
phát triển mạng VTNT các tỉnh miền Bắc, do ảnh hưởng quá nhiều bởi sự can thiệp của Thương vụ Pháp nên nhiều điểm khó thống nhất đặc biệt là phần giá của thiết bị do phía Pháp đưa ra quá cao so với mặt bằng giá thầu quốc tế làm cho việc triển khai hợp đồng bị trì hoãn, kéo dài.
- Công tác đánh giá dự án và hậu dự án không thường xuyên
Công tác đánh giá hậu dự án ODA của Ngành chưa được làm tốt, và không bài bản. Do vậy, Tổng công ty BCVT Việt Nam khó thực hiện việc xác định hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án ODA mang lại cũng như việc rút kinh nghiệm từ những dự án kém hiệu quả để khắc phục những khó khăn khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi ở những dự án tương tự sau này. Một ví dụ điển hình là trong hơn 10 năm sử dụng nguồn vốn ODA, chỉ duy nhất có một lần đánh giá hậu dự án vào năm 1997 do phía Pháp cử chuyên gia vào đánh giá các dự án ODA của Pháp thực hiện từ năm 1990. Từ đó đến nay, hầu hết các dự án ODA không đánh giá hậu dự án [16].
- Tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch
Một số khâu của chu trình dự án đầu tư còn nhiều bất cập gây nên tình trạng kéo dài thời gian thực hiện các chương trình/dự án dẫn đến tốc độ giải ngân chậm, giảm thời gian ân hạn và hiệu quả đầu tư. Ba dự án lớn nhất về cả quy mô lẫn tổng vốn là dự án phát triển mạng VTNT các tỉnh phía Bắc, dự án Cáp quang biển trục Bắc - Nam và dự án VTNT 10 tỉnh miền Trung lại không đặt được yêu cầu đề ra như đã phân tích trong phần 2.3.2.2 - Tiến độ thực hiện dự án. Cả ba dự án lớn này đều bị kéo dài và tốc độ giải ngân chậm. Năm 2001, tốc độ giải ngân của dự án phát triển mạng VTNT các tỉnh miền Trung, Việt Nam chỉ đạt 25% (vốn nội tệ) so với kế hoạch đề ra.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi của Tổng công ty chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhà tài trợ
Tồn tại này đã xảy ra đối với một số dự án ODA của Ngành. Cụ thể là “dự án mạng internet phục vụ cộng đồng” được đưa vào danh sách vận động vốn ODA của Ngành gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư từ năm 2001, nhưng mãi đến năm 2004 mới được nhận được sự chấp thuận từ phía Nhà tài trợ (JBIC - Nhật Bản) do báo cáo khả thi chưa đạt yêu cầu của Nhà tài trợ. Tương tự đối với dự án cáp Quang biển trục Bắc - Nam. Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này phải sửa đi, sửa lại nhiều lần mới được chấp nhận. Tồn tại này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án chậm so với kế hoạch.
- Những tồn tại về Ban quản lý dự án (BQLDA)
BQLDA hoạt động chưa hiệu quả, thẩm quyền ít (qua ít nhất 4 cấp); BQLDA được thành lập muộn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án như dự án phát triển mạng VTNT 10 tỉnh miền Trung, Việt Nam.
2.4.2.2. Nguyên nhân
- Nhận thức chưa cao về nguồn vốn ODA
Một số cán bộ dự án của Ngành chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ, coi vốn ODA là thứ cho không, là nguồn viện trợ không hoàn trả nợ, Chỉnh phủ vay, Chính phủ trả nợ, do vậy thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này. ý thức quyết định hành động của con người, một số cán bộ của Ngành BCVT hoạt động trong lĩnh vực đầu tư chưa thực sự có tình thần tận tuỵ với công việc, không có ý thức tìm tòi xử lý phát sinh trong các việc lập dự toán, thiết kế thi công, đánh giá kết quả đấu thầu, thanh toán, đặc biệt trong khâu bám sát (đơn vị, cá nhân) liên quan đến tiến độ dự án. Bởi vậy mà nguyên nhân này đã dẫn đến nhiều tồn tại được trình bày ở phần 2.4.2.1 - Những tồn tại mà cụ thể là tồn tại về hoạt động thiếu hiệu quả của BQLDA, công tác đánh giá dự án và hậu dự án chưa thường xuyên, công tác thu hút vốn ODA của Ngành chưa được phát huy tối đa.
- Không chấp hành nghiêm chỉnh các kế hoạch và quy định đã đề ra
Các công ty tư vấn chưa thực hiện đúng các quy trình về giải ngân của Nhà tài trợ và thường xuyên yêu cầu thay đổi nhân sự như dự án VTNT 10 tỉnh miền Trung, gây ảnh hưởng không ít đến tiến độ của dự án.
BQLDA được quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên việc quy định đó chưa thực sự được thực hiện đúng. Trong Nghị định 17/CP có nêu chuẩn bị dự án thành lập Ban chuẩn bị dự án, Ban này sau đó sẽ là BQLDA. Nhưng trên thực tế, việc chuẩn bị dự án thường do Chủ đầu tư thực hiện sau đó khi Điều ước quốc tế ODA ký kết, BQLDA mới thành lập không phải là ban chuẩn bị dự án. Do vậy BQLDA hoàn toàn mới với dự án và sau đó Ban này phải chuẩn bị từ đầu ‘học’ lại dự án. Điều này đã xảy ra đối với việc thành lập BQLDA của dự án phát triển mạng VTNT 10 tỉnh miền Trung. Nguyên nhân này ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
- Thủ tục phía Việt Nam và nhà tài trợ chưa được hài hòa
Việc phải tuân thủ cả thủ tục trong nước cũng như thủ tục của Nhà tài trợ đã khiến cho quá trình trình phê duyệt dự án phải qua nhiều khâu, nhiều bước phức tạp dẫn đếúcự chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và gây khó khăn cho chủ dự án và BQLDA như dự án JBIC quy định dự án đưa vào danh mục ODA của từng năm tài chính cụ thể phải có báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, tức là phải có quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, khi trình dự án duyệt theo quy định của Nghị định 52/CP về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, dự án phải xác định nguồn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt quyết định đầu tư. Như vậy, chủ đầu tư sẽ bị kẹt giữa quy định của hai Nhà nước và việc đăng ký xin nguồn gặp nhiều khó khăn khi giải trình ; dự án được ưu tiên nhưng lại chưa được duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vì theo quan niệm Nhà tài trợ, dự án được ưu tiên thì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ví dụ khác là khi dự án Cáp quang biển trục Bắc- Nam lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ KHCNMT phê duyệt bằng một Phiếu xác nhận. Nhà tài trợ JBIC không chấp nhận đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA). Sau đó Ngành phải thuyết trình rất nhiều lần, tốn rất nhiều thời gian, Nhà tài trợ mới coi đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA).
Ngay cả việc tuyển chọn tư vấn hiện nay, Tổng công ty đang bị vướng mắc đối với dự án Cáp quang biển trục Bắc - Nam do : Tại phần V, mục 1.2 điểm e của Nghị định số 17/2001/NĐ-CP thì BQLDA có nhiệm vụ phối hợp với Nhà tài trợ tuyển chọn tư vấn cho dự án. Nhà tài trợ là Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện lựa chọn trực tiếp Nhà tư vấn trên cơ sở Hồ sơ Năng lực kỹ thuật và Hồ sơ Tài chính. Dự án Cáp quang biển trục Bắc - Nam thực hiện hình thức Chỉ định thầu đối với gói thầu Dịch vụ Tư vấn trên cơ sở kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt của Bộ BCVT. Cũng theo quyết định này, Bộ BCVT sẽ phê duyệt Hồ sơ Năng lực và Kết quả đàm phán thương mại đối với hạng mục này. Theo quy định của Thông tư số 06/2003/TT-BXD thì không cần phải lập Dự toán đối với các chi phí tư vấn đã tổ chức đấu thầu, thực tế gói thầu này sử dụng hình thức Chỉ định thầu (áp dụng trình tự tương tự hình thức đấu thầu) do vậy không cần phải lập Dự toán chi phí xin phê duyệt. Tuy nhiên Bộ BCVT có yêu cầu lập dự toán Chi phí tư vấn gói thầu dịch vụ tư vấn, dự kiến Dự toán chi phí tư vấn sẽ cần có sự thoả thuận của Bộ Xây Dựng, như vậy sẽ làm kéo dài thời gian phê duyệt và không hài hoà đối với thủ tục mà Nhà tài trợ đã hướng dẫn, chưa phù hợp với các quy định về đấu thầu.
- Hệ thống các văn bản pháp quy liên quan tới quản lý và sử dụng vốn ODA chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng và thậm chí mâu thẫu với nhau.
Đây không chỉ là vấn đề nổi cộm đối với Ngành BCVT mà nó còn là vấn đề mang tính quốc gia. Trong năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về quản lý và sử dụng vốn ODA. Tuy Nghị định này có nhiều điểm tiến bộ hơn các Nghị định cùng loại đã được ban hành trước đó song vốn ODA lại chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp quy khác (Quản lý đầu tư xây dựng công trình; Đấu thầu; Đền bù, di dân, giải phóng mặt bằng ....) với những nội dung không nhất quán với Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA.
- Thủ tục hành chính của các cơ quan hữu quan còn rườm rà, phức tạp
Như đã trình bày trong phần 1.3.1. – Khung pháp lý cơ bản cho hoạt động thu hút vốn ODA tại Việt Nam, vốn ODA chị sự chi phối của nhiều văn bản pháp quy khác nhau, do đó công tác thu hút và sử dụng vốn ODA không chỉ có sự liên quan đối với bên nhận tài trợ và bên tài trợ, nó còn chịu sự chi phối của các cơ quan hữu quan trong quá trình thực thi dự án. Bởi lẽ đó mà quá trình thực hiện dự án ODA của Ngành BCVT bị kéo dài hơn quy định bởi sự rườm rà, phức tạp trong cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp của các cơ quan hữu quan. Điều này thể hiện rất rõ trong dự án trục Cáp quang biển Bắc - Nam. Việc xin đất xây dựng các điểm cập bờ tại các địa phương phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện quy hoạch và các điều kiện vật chất tại từng địa phương cũng như sự phê duyệt chậm trễ của chính quyền địa phương. Ban QLDA cũng như các đơn vị khác trong Tổng công ty đều không thể chủ động được.
- Thiếu hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan mà Chính phủ, Bộ kế hoạch và Đầu tư cần xem xét thêm để có thể đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho các Ngành, các cấp thực hiện tốt và có hiệu quả đối với nguồn vốn này. Trong báo cáo của Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 1402/BBCVT-KHTC cũng đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm hơn
nữa đến công tác tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp quy có liên quan. Nguyên nhân này dẫn đến tồn tại về tiến độ thực hiện dự án.
- Hạn chế về năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của BQLDA