Đây là mặt hàng đã khẳng định được vị trí tương đối vững chắc trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ năm 2004 với kim ngạch xuất khẩu vượt mức 1 tỷ USD và tăng trưởng bình quân đạt gần 40%/năm trong vòng 5 năm qua. Chỉ tiêu tăng trưởng
xuất khẩu đặt ra cho mặt hàng này là đến năm 2010 xuất khẩu đạt giá trị 5,5 tỷ USD, tăng bình quân 28,9%/năm.
Cũng khá giống với tình trạng của mặt hàng nhựa, đây là mặt hàng có thị trường lớn, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu; song khó khăn cơ bản vẫn là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn còn hạn chế. Do vậy, nếu có thể khắc phục được những hạn chế này, mặt hàng gỗ sẽ còn có thể gia tăng qui mô xuất khẩu mạnh trong thời gian tới.
Năng lực chế biến và khả năng cung ứng sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu của các doanh nghiệp đang trong quá trình được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, khác với tình trạng hoạt động manh mún rời rạc trước đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước đã có xu hướng hợp tác với nhau để giữ vững thị trường, đáp ứng những đơn hàng lớn từ phía bạn hàng quốc tế. Một điển hình cho sự liên kết này là Cụm công nghiệp gỗ Phú Tài ở Bình Định với gần 60 doanh nghiệp đang cùng hợp tác để sản xuất kinh doanh. Hiện nay, cả nước đã có gần 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực về vốn đã hình thành nên các tập đoàn chế biến gỗ xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Khải Vi, Công ty cổ phần Savimex, Công ty TNHH Trường Thanh thành phố Hồ Chí Minh... Mỗi tập đoàn đều đã có khá nhiều công ty vệ tinh.
Về tổ chức nguồn nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu, hiện tại việc xúc tiến thành lập 3 trung tâm chuyên nhập khẩu gỗ ở 3 miền đất nước đang được khẩn trương triển khai thực hiện, trước mắt sẽ là một trung tâm ở phía Bắc. Bên cạnh đó,
sự liên kết giữa các lâm trường, các chủ rừng với các công ty chế biến gỗ trong nước đang được thắt chặt trên cơ sở lợi ích của cả hai phía sẽ là những bảo đảm quan trọng cho sự phát triển của ngành sản xuất đồ gỗ trong những năm tới.
Về thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU (Pháp, Đức), xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ vẫn cho thấy những khả năng tăng trưởng cao trong những năm tới do Việt Nam có nhiều lợi thế về giá nhân công rẻ và thuế xuất nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ thấp. Các thị trường mục tiêu được lựa chọn dựa trên cơ sở sau đây:
Hoa Kỳ: nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng 30,7 tỷ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,8% kim ngạch nhập khẩu của nước này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ này lên trên 3,5% (đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD).
EU: nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng trên 38,5 tỷ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào EU chỉ chiếm 1,1% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ này lên trên 3% (đạt kim ngạch trên 1,2 tỷ USD).
Nhật Bản: nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng 5,2 tỷ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào Nhật Bản chỉ chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ này lên khoảng 5% (đạt kim ngạch trên 250 triệu USD).
Chương 3: