Các yếu tố kỹ thuật

Một phần của tài liệu Đánh giá các mô hình sử dụng đất nông nghiệp cho thu nhập cao tại thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội (Trang 87 - 88)

II. Các chỉ tiêu bình quân Triệu đồng

4.2.1.2. Các yếu tố kỹ thuật

- Hệ thống giống cây con

Trong những năm qua cơ cấu giống của xã đã có sự chuyển biến rất rõ nét. Nhiều chủng loại giống cây trồng, vật nuôi mới đã được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, đặc biệt là các giống cây trồng, vật nuôi mới của trường ĐHNN1 và viện Rau Quả TW dã được đưa vào sản xuất thí điểm và áp dụng sản xuất đại trà tại địa phương. Cùng với đó, xã đã đưa các giống cây trồng là đặc sản của các địa phương khác vào sản xuất mà chủ yếu là sản xuất cây giống phục vụ yêu cầu cho các vùng lân cận mang lại giá trị cao như nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà, bưởi Diễn.. bên cạnh đó các giống mới trong chăn nuôi cũng được đưa vào sản xuất như lợn siêu nạc, các loại gia cầm năng suất cao mang lại giá trị cao.

Có thể nói các giống mới đều có khả năng cho năng suất cao ở địa phương, tuy nhiên các hộ vẫn chưa mạnh dạn sử dụng một cách đại trà. Chỉ có trong chăn nuôi và sản xuất cây giống, cây ăn quả là các hộ mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn theo điều tra cho thấy vẫn có tới hơn 50% số hộ còn dùng các giống lúa cũ đã thoái hoá như C1,C2. Mặt khác khi đưa các giống mới ngắn ngày có năng suất cao sẽ tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất vụ đông, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Hiện tại hệ thống giống cây trồng tại xã vẫn chủ yếu do HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng. Tuy nhiên, việc khuyến cáo cho hộ nông dân biết ưu điểm của các giống mới còn hạn chế nên chỉ có số ít nông hộ mua dùng sản xuất.

Công tác phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây trồng, vật nuôi là yếu tố quyết định HQKT của sản xuất nông nghiệp.

Về cây trồng trong những năm gần đây, phần lớn nông dân đã chủ động phòng trừ sâu bệnh phá hoại trên đồng ruộng của mình. Hiện tại trên địa bàn xã các trang thiết bị phục vụ cho quá trình phòng trừ sâu bệnh hầu hết đều được trang bị đầy đủ tạo điều kiện tốt cho quá trình phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thụât trong quá trình sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh có nhiều nông dân chưa nắm vững quy trình kỹ thuật hoặc quá lạm dụng thuốc hoá học. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị của nông sản hàng hoá của nông sản phẩm.

Còn đối với chăn nuôi, các hộ đã có nhiều biện pháp chăm sóc cũng như ngăn ngừa dịch bệnh tương đối hiệu quả, đảm bảo sản xuất được ổn định. Tuy nhiên trong những năm qua dịch bệnh xảy ra đối với chăn nuôi có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là đối với gia cầm với dịch cúm H5N1 đã gây thiệt hại rất lớn đến ngành chăn nuôi nước ta nói chung và tại xã Trâu Quỳ nói riêng. Do vậy mà các khâu chăm sóc cũng như đảm bảo an toàn cho vật nuôi cần phải được chú trọng hơn, để ngành nuôi tại địa phương không bị thiệt hại lớn do các dịch bệnh gây ra, đảm bảo thu nhập cho các hộ chăn nuôi.

Nhìn chung, đối với mỗi loại cây trồng, vật nuôi để sản xuất hiệu quả đều đòi hỏi một quy trình chăm sóc hợp lý ở tất cả các khâu. Có những cây trồng, vật nuôi có yêu cầu quy trình kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi người nông dân phải có sự học hỏi và áp dụng tốt cũng như sự hướng dẫn chu đáo của cán bộ khuyến nông. Chính vì vậy mà những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào sản xuất.

Một phần của tài liệu Đánh giá các mô hình sử dụng đất nông nghiệp cho thu nhập cao tại thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội (Trang 87 - 88)