Kiến nghị về giải pháp

Một phần của tài liệu Nội dung chuyên đềx (Trang 79 - 86)

Chương IV: Giải pháp và kiến nghị phát triển bền vững du lịch biển Nha Trang

4.3. Kiến nghị về giải pháp

Tạp chí National Geographic từng công bố Bảng xếp hạng 99 bãi biển trên thế giới, trong đó bãi biển Nha Trang, Mũi Né của Việt Nam bị coi là phát triển kém bền vững. Nhưng có một thực tế là nhận xét của tạp chí này không làm cho bãi biển Nha Trang mất đi vẻ đẹp tuyệt vời mà như là lời cảnh tỉnh hữu ích để chúng ta gìn giữ báu vật thiên nhiên này.

Theo kết quả tính toán cho thấy tiềm năng sinh thái của vùng biển Khánh Hòa rất lớn cho phát triển kinh tế du lịch. Chỉ riêng vịnh Nha Trang, trong một ngày có thể tiếp nhận trên dưới 100.000 du khách mà vẫn thỏa mãn những tiêu chuẩn của

Tổ chức Du lịch thế giới WTO. Tuy nhiên, việc định lượng sức tải thực tế còn cần đến 2 chỉ số nữa, đó là giá trị sức tải tự nhiên và sức tải môi trường, và yếu tố hạn chế đối với sự phát triển du lịch chính là cơ sở hạ tầng, dịch vụ và môi trường hoạt động cho du khách, đặc biệt là môi trường văn hóa, xã hội và khả năng kiểm soát, quản lý những tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch đối với môi trường biển.

Trong điều kiện cụ thể của Khánh Hòa, quản lý phát triển bền vững hoạt động du lịch biển là nhằm xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, dựa trên cơ sở khoa học, kinh tế, xã hội, đặc thù của tỉnh, nhằm đạt được mục tiêu là xây dựng, phát triển ngành kinh tế du lịch Khánh Hòa có vị thế, có cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế của Việt Nam, của khu vực và quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp đồng bộ cho vấn đề vệ sinh môi trường đều đã được đề cập đến, chỉ lo ngại các cấp lãnh đạo có chịu tiếp thu, khắc phục và sửa chữa hay không? Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy chỉ có thể phát triển du lịch bền vững và hiệu quả khi biết tôn tạo thiên nhiên, khéo léo lợi dụng điều kiện tự nhiên để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.

Với những kinh nghiệm từ các hoạt động phát triển du lịch trước đây, và bài học đắt giá cho việc phát triển du lịch một cách không bền vững tại Việt Nam ở một số bãi biển nước ta, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm phát triển du lịch của các quốc gia đi trước, nên một số giải pháp nhỏ cho việc phát triển bền vững du lịch biển đảo của thành phố Nha Trang được đưa ra như sau:

Đầu tiên, việc phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo tính nhất quán trong mọi hoạt động, hướng đến cái nhìn toàn diện, dài hạn. Lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng phải kiên quyết lập trình riêng biệt mạnh mẽ của mình, tất cả cho sự phát triển của thành phố trong hiện tại và tương lai, không xa lầy và phân tán tư tưởng bởi những quan điểm mang lợi ích cá nhân và thực dụng quá mức. Như vậy thì việc khai thác tài nguyên mới có thể cùng song hành, đi đôi với việc bảo tồn và phát huy đúng tiềm lực giá trị của du lịch biển, đồng thời vẫn đảm bảo tính tự nhiên của hệ sinh thái vùng vịnh.

Thứ hai, Các giải pháp mà cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra trước đó phải được đẩy mạnh thực hiện một cách nhanh, gọn, tránh sự nhập nhằng và hệ lụy do thời gian kéo dài làm giảm giá trị thiết thực của chính sách. Đồng thời, cần phải sửa đổi các văn bản, quy định về xử phạt hành chính cho các hành động gây ô nhiễm cho môi trường biển, tăng mức án phạt lên mức cao hơn, kết hợp với nhiều phương pháp phạt khác nữa ngoài phương pháp hành chánh để tạo sức ép lớn hơn cho doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp phải tự có ý thức để bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái biển.

Thứ ba, Lãnh đạo thành phố cần phải quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm dịch vụ của thành phố mình, không thể chỉ để cho các hoạt động kinh doanh tự phát tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu, cần phải lập các đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ tour tuyến trong vịnh thường xuyên để ngay lập tức có biện pháp hỗ trợ, hoặc phương hướng hoạt động khác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hay làm mới sản phẩm du lịch và đa dạng hóa sản phẩm để tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, kéo dài thời gian lưu trú của họ và kích thích tiêu dùng cho du lịch, và níu kéo được họ quay trở lại du lịch, tham quan, nghỉ ngơi.

Thứ tư, cần phải quan tâm chú ý nhiều hơn đến an sinh xã hội của cư dân, hiện tại Nha Trang vẫn còn khá nhiều người nghèo mà chủ yếu lại là dân bản địa, cuộc sống của họ luôn tràn ngập khó khăn như Làng Chụt, phường Vĩnh Nguyên - TP Nha Trang luôn phải “chạy sóng” mỗi khi nghe tin áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông, mặc dù đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ năm 2009, hay khung giá y tế cao nhất trong nước vừa được tỉnh ủy Khánh Hòa kí áp dụng gây ảnh hưởng đến người nghèo sinh sống ở thành phố, có thể khiến cho dư luận nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp và tất nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Thêm nữa, số lượng lao động đăng ký thất nghiệp tăng đột biến vào đầu năm 2012 là nghịch lý của thị trường lao động tỉnh. Và rất nhiều các vấn đề liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất gây nên sự bất mãn cũng cần phải được hoạch định rõ, đưa ra quyết định cho các hoạt động di cư

nhanh chóng để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống và đóng góp công sức cho xã hội.

Thứ năm, liên tục nâng cao tay nghề cho người lao động phục vụ ngành du lịch, mở các khóa đào tạo nghiệp vụ cho lao động bản địa, tạo cơ hội làm việc, kinh doanh sản xuất cho họ, để tránh hiện tượng tăng dân số do sự di cư lao động từ các tỉnh thành khác, khiến cho áp lực dân số đè nặng lên giao thông, an ninh, xã hội… khiến cho không khí ô nhiễm, và tài nguyên cạn kiệt do các hoạt động khai thác kinh tế của người dân nhập cư.

Thứ sáu, thúc đẩy việc thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm cho chủ trương xây dựng Bảo tàng văn hóa biển tại TP.Nha Trang, để giúp hậu thế có cái nhìn rõ hơn về tổ tiên cai trị vùng biển của chúng ta xưa kia, nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần giữ nước, giữ biển, khiến cho quá trình mai một bản sắc văn hóa biển Việt Nam chậm lại. Khánh Hòa là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế biển, là vùng đất gắn liền với quần đảo Trường Sa, tiền tiêu của tổ quốc; chỉ Nha Trang mới có trường đại học chuyên ngành về biển và đào tạo nguồn nhân lực cho biển, cũng chỉ ở Nha Trang có Bảo tàng Hải dương học và phòng trưng bày về Hoàng Sa - Trường Sa và văn hóa biển...Đặc biệt, suốt thập niên đã qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa luôn nhất quán trong chỉ đạo khai thác giá trị văn hóa biển gắn liền với phát triển du lịch. Trong thực tế, Ban Tổ Chức Festival biển Nha Trang đã và đang tận dụng những tinh hoa văn hóa biển để biến thành sản phẩm thương mại đặc sắc. Bởi vậy, việc phát triển du lịch biển không chỉ là phát triển các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan các khu vực biển thông thường, muốn phát triển lâu dài du lịch biển thì phải biết kết hợp với một nền văn hóa biển đặc trưng như Nha Trang – Khánh Hòa.

Thứ bảy, phát triển bền vững du lịch biển kết hợp với du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái không chỉ đơn thuần là giúp tránh những tác động tiêu cực, mà còn mang lại lợi ích tích cực đối với công tác bảo tồn và cộng đồng dân cư. Sự thành công của mô hình khu nghỉ mát Evason Hideway at Ana Mandara và các khu du lịch Hòn Lao, Suối Hoa Lan… là một minh chứng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy phát triển

và quản lý du lịch sinh thái biển bền vững không phải chỉ là sự nỗ lực đơn lẻ của một doanh nghiệp, đơn vị mà phải có sự hợp tác cao độ của các doanh nghiệp, các đơn vị khác trong vùng và các cơ quan chức năng của địa phương, cộng đồng dân cư.

Thứ tám, chúng ta cần có slogan, logo du lịch cho thành phố Nha Trang thật đặc trưng, dễ nhớ và dễ ăn sâu vào tâm trí du khách, ví như muốn nhắm vào thị trường khách quốc tế ở các nước Châu Âu lạnh giá thì slogan cần thể hiện được cái nắng ấm áp, khí hậu ôn hòa của Nha Trang như The Sun Nha Trang, The Peace Nha Trang….Bên cạnh đó, tiến trình phát triển du lịch biển phải được phác thảo trước ít nhất 5 năm để hình thành mục tiêu mà mình cần hướng tới.

Thứ chín, hoạt động du lịch phải có sự tham gia của cư dân bản địa, chúng ta có thể thấy, mỗi một hoạt động mà chính phủ cần sự giúp đỡ của người dân như dọn rác hay yêu cầu tính trách nhiệm bảo vệ môi trường từ người dân thì chí ít, các cấp chính quyền địa phương cũng nên làm gương trước trong việc quản lý hoạt động phát triển du lịch của vùng vịnh, ví như vận động bà con trồng rừng ngập mặn thì chính phủ phải kiên quyết chống phá rừng ngập mặn của các doanh nghiệp, hay nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, thì cũng phải có những biện pháp cứng rắn đối với các doanh nghiệp xả thải ra môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động có qua, có lại, nếu như chỉ một mình người dân phải có ý thức thì tiến trình phát triển bền vững du lịch biển Nha Trang sẽ không đi tới đâu. Muốn có sự tham gia của người dân vào hoạt động phát triển du lịch thì cần phải cho họ thấy được sức mạnh của mình tới đâu để họ toàn tâm, toàn ý đứng ra phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững của thành phố.

Một số gợi ý về giải pháp nêu trên mang tính định hướng trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Mỗi địa phương trong vùng, mỗi bên tham gia cần có chương trình hành động cụ thể, hưởng ứng tích cực những chính sách chung hướng tới phát triển du lịch biển đảo Nha Trang bền vững hơn, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của thành phố cũng như của tỉnh thành và của quốc gia.

Kết luận

Bài nghiên cứu sử dụng các kiến thức đã được học tập trong một số bộ môn chuyên ngành du lịch như quản trị du lịch, quản trị du lịch bền vững sinh thái. Nội dung chuyên đề nói về tất cả những gì liên quan đến hoạt động du lịch biển Nha Trang. Hy vọng với những gì được thể hiện trong chuyên đề, mọi người sẽ biết và hiểu rõ hơn về một ngành công nghiệp du lịch biển nổi bật của thành phố Nha Trang. Nha Trang vẫn là một thành phố sạch, đẹp, và vẫn là niềm tự hào của rất nhiều người sinh ra và trưởng thành tại đây. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, việc phát triển du lịch biển đảo Nha Trang sẽ trở nên bền vững toàn diện, dưới sự chỉ đạo của chính quyền thành phố và tỉnh ủy, hướng đến một thành phố du lịch mang đẳng cấp quốc tế và luôn luôn giữ lại cho mình hình ảnh đẹp đẽ như hiện nay.

Một phần của tài liệu Nội dung chuyên đềx (Trang 79 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(86 trang)
w