Chương III: Thực trạng hoạt động phát triển du lịch tại vịnh Nha Trang
3.1.2. Hệ thống cơ sở hạ tầng
Nha Trang là một vùng đất được ưu đãi cả về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên; và cùng với nền tảng văn hóa tạo cho thành phố này khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt
Cảm giác đầu tiên khi đến với Nha Trang là sự nhẹ nhàng thư thái, bởi những dịch vụ gần như hoàn hảo ngay cả với điều được vốn được xem là khó khăn ở Việt Nam là giao thông. Du khách đến với Nha Trang sẽ không phải quá lo lắng về việc di chuyển.
Năm 2009, Nha Trang trở thành thành phố cấp 1, kể từ đó, thành phố du lịch này càng thu hút đầu tư mạnh mẽ. Kéo theo là nhiều tuyến đường tới Nha Trang được nâng cấp, mở rộng. Tính đến thời điểm này, từ đường không, đường bộ, đường sắt đến đường biển đến Nha Trang đều rất dễ dàng.
Đường hàng không: Sân bay quốc tế Cam Ranh thuộc thành phố Nha Trang là một trong những sân bay lớn nhất Việt Nam, phục vụ trên 1 triệu lượt người một năm và có tốc độ tăng trưởng lượng hành khách cao nhất trong cả nước. Hiện tại mỗi ngày có hàng chục chuyến bay tới Nha Trang từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn với giá vé từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng. Sân bay quốc tế Cam Ranh cũng đón những chuyến bay thẳng từ các nước như Singapore của hãng hàng không Silk Airline, từ Nga của hãng hàng không Vladivostok Air. Sân bay quốc tế Cam Ranh cách trung tâm Nha Trang 35 km về phía Nam. Phương tiện đi lại giữa Nha
Trang và sân bay Cam Ranh là xe buýt hoặc taxi. Vé xe buýt được bán ngay cửa ra sau khi lấy xong hành lý.
Đường bộ: việc di chuyển tới thành phố Nha Trang là hết sức thuận tiện, thành phố biển nằm trên quốc lộ 1A, bởi vậy mỗi ngày có hàng ngàn chuyến xe đến và đi không kể ngày đêm. Thành phố du lịch Nha Trang khá gần những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Từ Nha Trang, rất nhiều người đã lựa chọn những cung đường để thỏa cái khát khao đi “phượt” như cung Nha Trang – Đà Lạt ngoằn ngoèo giữa núi rừng trập trùng, Mũi Né – Phan Thiết – Nha Trang lướt qua bạt ngàn cát trắng, cung đường Nha Trang – Đà Nẵng để cảm nhận sự hòa quyện giữa núi rừng hùng vĩ và biển vỗ dạt dào… Đây cũng là những tour du lịch được nhiều du khách lựa chọn và việc di chuyển giữa các địa điểm không quá khó khăn. Những hãng xe đã trở nên nổi tiếng ở Nha Trang bởi cung cách phục vụ tận tình và đều đặn như xe khách Khánh Hòa, Phương Trang, Mai Linh, Song Quỳnh…
Khi đã đến với Nha Trang, du khách cũng không phải lo lắng về phương tiện di chuyển giữa các địa điểm du lịch. Nếu thích khách có thể thuê xe máy, xe ô tô tự lái, tắc xi, và nếu chỉ đi lòng vòng quanh phố, xe buýt là sự lựa chọn hàng đầu về giá cả.
Nhiều tuyến đường mới có tầm “chiến lược” ra đời: đường từ Nha Trang vào sân bay Cam Ranh (phía Nam tỉnh); đường Khánh Lê - Lâm Đồng (không đi qua Ninh Thuận); đường Đầm Môn - Vân Phong…. Cảng hàng không Cam Ranh, cảng biển Nha Trang đều được nâng cấp, ngày càng đón nhiều khách quốc tế. Phương tiện vận tải thủy nội địa tăng vượt trội.
Đường sắt: Đặc biệt ở Nha Trang có nhà ga lớn nhất trong tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Tất cả các tuyến tàu lửa đều dừng ở đây. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SN1-2, SN3-4. Đặc biệt có các chuyến tàu chất lượng cao Sài Gòn - Nha Trang. Đoàn tàu này do Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn đầu tư cải tạo với kinh phí khoảng 14 tỉ đồng. Tàu có 14 toa (mỗi toa có 7 buồng) với trang bị nội thất bằng vật liệu cao cấp; trong phòng có tivi màn
hình LCD, máy điều hòa và một số vật dụng theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Đặc biệt, giữa các toa có hệ thống cửa kính tự động giúp đi lại dễ dàng.
Trong tương lai, khi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nếu được thông qua và đi vào phục vụ, ga Nha Trang sẽ là một trong những điểm dừng quan trọng, từ Sài Gòn đến Nha Trang thay vì mất 8 giờ như hiện tại du khách chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, hay du khách từ các tỉnh miền Bắc cũng chỉ mất nhiều nhất là trên dưới 2 - 3 giờ để đến với thành phố vịnh biển. Theo dự án này thì tuyến tàu cao tốc Hồ Chí Minh - Nha Trang là một trong những tuyến được thực hiện trọng điểm đầu tiên.
Về đường biển, thành phố có nhiều bến cảng phục vụ cho nhu cầu đi lại bằng đường thủy. Trong đó cảng Nha trang là một cảng biển tương đối lớn nằm trong vịnh Nha Trang với độ sâu trước bến -11,8m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải lớn đến 20.000 DWT và tàu khách du lịch cỡ lớn. Cảng được sử dụng như một cảng đa chức năng phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa , là đầu mối vận chuyển hàng hóa và hành khách quan trọng bằng đường biển của thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hoà nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Các cảng nhỏ khác bao gồm cảng Hải Quân: phục vụ học tập cho Học viện Hải Quân và huyện đảo Trường Sa. Cảng cá Hòn Rớ phục vụ cho ngành khai thác thủy sản và chợ cá đầu mối Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Nha Trang còn có một số cảng phục vụ du lịch như cảng du lịch Cầu Đá, cảng du lịch Phú Quý, cảng du lịch Hòn Tre... Ở Cầu Đá có bến phà đón khách từ đất liền tới Vinpearl Land, dài khoảng hơn 2 hải lý và đi phà phải mất tới 20 phút (6 hải lý/tiếng).Ngoài ra còn có Tàu cao tốc chỉ mất 7 phút đi tàu mà thôi (17 hải lý/tiếng).
Mặc dù, hiện tại chưa có chuyến tàu biển phục vụ các chuyến du lịch từ các cảng trong nước nhưng trong những năm gần đây lượng khách du lịch bằng tàu biển từ các nước trên thế giới đến Nha Trang tăng cao. Nhiều con tàu du lịch hạng sang đã đến Việt Nam và cảng Nha Trang là địa điểm được lựa chọn để cập bến. Ngoài ra, tại Nha Trang, có nhiều chuyến tàu phục vụ những tour du lịch biển đưa du khách tới các hòn đảo lớn nhỏ, các đầm phá nằm trong vịnh biển.
Ngoài những phương tiện đi lại như canô, tàu cao tốc và phà, khách tham quan còn có thể sang đảo Hòn Tre bằng hệ thống cáp treo dài 3320 mét, cáp treo vượt biển dài nhất Việt Namvới 9 cột trụ trên biển và đất liền có hình dáng và cấu trúc giống tháp Eiffel, vào ban đêm sẽ được thắp sáng bằng laser. Hệ thống này có thể chuyên chở 1000-1500 người một giờ, giúp cho việc qua lại giữa đảo và đất liền được dễ dàng hơn.
Cáp treo Vinpearl Land được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006 và khai trương vào ngày 10 tháng 3 năm 2007. Được đánh giá là một trong những tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới. Tuyến cáp này dài 3,32 km, điểm cao nhất là 54 m với chiều cao trung bình là 45 m so với mặt nước biển. Tuyến được nối với nhau bởi bảy trụ trên biển, hai trụ trên bờ và hai nhà ga đặt tại hai đầu Nha Trang và Hòn Tre. Sự thông suốt vận chuyển được đảm bảo nhờ 47 cabin 8 chỗ, rút ngắn thời gian di chuyển còn 9 phút 20 giây và có thể hoạt động ở điều kiện gió cấp 7. Đây là một công trình xây dựng cực kỳ độc đáo của vịnh biển Nha Trang.