Những hạn chế trong hoạt động phát triển du lịch biển NhaTrang 1 Ảnh hưởng đến môi trường

Một phần của tài liệu Nội dung chuyên đềx (Trang 56 - 62)

Chương III: Thực trạng hoạt động phát triển du lịch tại vịnh Nha Trang

3.4.2. Những hạn chế trong hoạt động phát triển du lịch biển NhaTrang 1 Ảnh hưởng đến môi trường

3.4.2.1. Ảnh hưởng đến môi trường

Ở các tỉnh ven biển, hội chứng chiếm bờ biển diễn ra ở quy mô và cấp độ hoành tráng hơn. Đó là giao đất bãi biển cho các resort, khiến diện tích công cộng là nơi giải trí tắm biển của cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch bị thu hẹp. Điều đáng nói là trong các đồ án quy hoạch của mình, tỉnh Khánh Hòa luôn xác định dải đất phía đông đường Trần Phú (TP. Nha Trang) phải là công viên ven biển, kết hợp dịch vụ du lịch và phục vụ công cộng cho TP.Nha Trang. Ranh giới của các khu này không được đóng kín, chia cắt bờ biển và che khuất tầm nhìn. Nhưng các công trình thực tế mọc lên đã "bít” luôn tầm nhìn hàng trăm mét như khu nghỉ mát Ana Mandara, thậm chí có nơi từng tự giăng cờ, khoanh luôn "lãnh địa” bờ biển của riêng mình.

Một thực trạng đáng buồn hơn nữa là nhiều công trình xây dựng dọc theo tuyến biển chẳng những không có tác dụng phục vụ kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng

nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường. Đơn cử như "tượng đài Hoa biển" - một công trình phi nghệ thuật đã gây mất mỹ quan đô thị của thành phố Nha Trang, và hầu như không có bất cứ hoạt động nào được thực hiện ở đây. Cửa biển Nha Trang thì bị cày ủi, san lấp để lấy mặt bằng kinh doanh xây dựng. Cửa biển du lịch Nha Trang vốn đã "bé" càng thêm chật hẹp, gồ ghề, xấu xí...

Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, song vệ sinh môi trường mỗi ngày một xuống cấp. Tại cuộc hội thảo mới nhất được Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức, hàng loạt vấn đề về môi trường của thành phố và vịnh Nha Trang đã được các nhà khoa học, nhà quản lý nêu ra, đồng thời đề xuất những giải pháp đồng bộ cho vấn đề này. Theo các đại biểu, mặt trái của phát triển du lịch bằng mọi giá là tác động xấu đến môi trường thành phố và vùng vịnh.

Nguy cơ xâm hại và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường vịnh Nha Trang vẫn thường trực, tiềm tàng từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là thách thức làm tăng thêm nỗ lực của công tác bảo vệ môi trường vì một vịnh Nha Trang Xanh, Sạch và Đẹp.

Ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hải dương học và Đại học Nha Trang tiến hành nhiều cuộc khảo sát đánh giá đa dạng sinh học trong vùng vịnh để tính toán giải pháp bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vịnh biển Nha Trang phải gánh chịu không ít tác động xấu về môi trường và hiện trạng khai thác tiềm năng dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong vùng nước.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng vịnh phát sinh từ nhiều nguồn. Chất thải từ các ruộng đồng, khu dân cư và các cơ sở công nghiệp, chế biến thủy sản và chất thải sinh hoạt ở các khu dân cư theo nguồn nước đổ vào vịnh biển từ cửa sông Cái ở phường Xương Huân, sông Tắc ở phường Vĩnh Trường và 5 cống thoát nước thải...

Ngoài ra, với số lượng hàng trăm tàu thuyền neo đậu, đánh bắt hải sản và hoạt động trên các tuyến du lịch biển đảo đưa đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, lượng dầu nhớt thải, rác thải luôn là nỗi lo thường trực của những người làm công tác bảo tồn vịnh biển.Mặt khác, dưới đáy vịnh ở vùng ven bờ là hiện trạng lắng đọng trầm

tích bởi chất thải từ các cầu cảng, công trình xây dựng nhà ở, khách sạn, đường giao thông và những đợt nạo vét hạ lưu sông Cái, sông Quán Trường và cảng Nha Trang.

Thêm một mối đe dọa môi trường vịnh biển là tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch hoặc thiếu quy hoạch chi tiết. Theo thống kê của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, hiện có khoảng 380 lồng với gần 9.000 bè nuôi tôm hùm trên vịnh Nha Trang, thải ra không biết cơ man thức ăn thừa. Do mất cân bằng sinh thái trong vùng nước bởi nhiều tác động xấu về môi trường, nên những năm gần đây rạn san hô ở vịnh biển Nha Trang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt bởi sao biển gai tấn công…Một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo: "Khối trầm tích xuất hiện trong vịnh Nha Trang theo chiều hướng gia tăng, vật chất lơ lửng trong nước biển cũng tăng nhanh”.

Ban Quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang vừa phối hợp với Viện Hải dương học khảo sát môi trường nước, môi trường trầm tích và thực vật phù du tại 13 điểm trong vịnh Nha Trang. Kết quả chất lượng nước trong vịnh chưa đến mức báo động nhưng đã xuất hiện nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học ở khu bảo tồn này. Đặc biệt, tình trạng nhiễm bẩn vi sinh bao trùm khắp vịnh, nguyên nhân do nơi đây đang phải trở thành “túi chứa” nước thải của cả Thành phố.

Theo Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa, toàn bộ nước thải của TP Nha Trang được xả ra 11 miệng cống, trong đó có ba miệng cống xả thẳng ra biển, năm cống đổ ra sông Cái và ba cống xả ra sông Quán Trường. Hiện hệ thống thoát nước ở Nha Trang chưa tách bạch giữa đường thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt của các khách sạn, nhà hàng lớn sau khi qua hệ thống hầm tự hoại cũng tràn vào đường ống thoát nước chung. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản ở phía Bắc TP Nha Trang hằng ngày xả ra hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý ra sông Quán Trường. Và dù cho lượng nước thải này được đổ ra sông nào, thì cuối cùng nó cũng sẽ chảy ra vịnh Nha Trang, gây ô nhiễm môi trường vùng vịnh.

Bên cạnh đó, mỗi ngày vịnh Nha Trang phải “đón nhận” hơn 10 tấn rác thải từ 4.600 lồng nuôi hải sản và dân cư sinh sống trên các đảo. Ngoài ra, vịnh còn hứng chịu một lượng lớn chất thải vệ sinh từ khoảng 200 tàu du lịch đang hoạt động trên biển. Tất cả những điều này càng làm môi trường vịnh thêm ô nhiễm.

Vào mùa du lịch, đặc biệt vào các ngày lễ hội, ngày nghỉ cuối tuần, lượng xe du lịch tập trung chuyên chở khách đến Nha Trang cũng gây ra tình trạng ách tắc giao thông, một tình trạng chưa từng xảy ra ở thành phố này trước đây, và làm tăng đáng kể lượng khí thải C02 vào môi trường khí.

Ngoài ra, hàng dương chắn gió bão, chống sự xâm nhập của cát biển vào đất liền, và không làm mất cát biển đã bị chặt phá, để nhường chỗ cho các công viên bãi biển nhằm “cải tạo cảnh quan đô thị”. Các cây dương bị bứng gốc để thay bằng những cây dương nhỏ hơn, phù hợp hơn cho việc tạo cảnh cho cây, hàng dương bị cắt tỉa với đủ thứ kiểu dáng “đẹp” nhưng không có tác dụng cho việc cân bằng thiên nhiên. Tuy nhiên, thành phố cũng đã tìm được cho mình phương tiện chắn gió hiệu quả hơn rất nhiều đó chính là các khu resort ven biển rất đẹp, to và đồ sộ.

Trong 10 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép nhiều doanh nghiệp san lấp hàng trăm hecta bờ biển, mặt biển vịnh Nha Trang để xây dựng các khu du lịch, khu đô thị… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang.

Để có đất làm dự án, các nhà đầu tư thường “ưu tiên” san lấp mặt biển dọc bờ vịnh Nha Trang. Các dự án khu giải trí Sông Lô, khu đô thị An Viên (phía nam vịnh); các khu dân cư Đường Đệ, Rusalka (phía bắc vịnh) là những ví dụ. Và hiện nay, người dân thành phố Nha Trang chẳng thể nào tìm ra được vị trí của sông Lô ở đâu nữa. Và họ thậm chí cũng không biết lý do tại sao khu vực sông Lô này lại biến mất, có lẽ nó đang nằm ở bên trong một khu du lịch nào đó.

Mặt biển ở các đảo trong vịnh cũng bị san lấp không thương tiếc. Công cuộc “dời non lấp biển” ở Nha Trang vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi mới đây tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý về chủ trương cho Công ty TNHH Hoàn Cầu san lấp 80 ha mặt biển để xây khu đô thị cao cấp.

Đáng nói là ngoài những dự án được cấp phép, không ít nhà đầu tư đã san lấp biển trái phép nhưng không bị xử lý nghiêm. Cụ thể, khi xây Khu du lịch Sông Lô, Công ty TNHH Hoàn Cầu đã san lấp trái phép hơn 8 ha nhưng chỉ bị xử phạt hành chính, sau đó cho hợp thức hóa. Nhà đầu tư dự án Rusalka cũng tự ý san lấp thêm gần 2,3 hamặt biển…

Để lấp biển, các chủ đầu tư thường cho phá rừng ngập mặn, đổ thẳng đất đá xuống biển. Điều này khiến môi trường sinh thái bị hủy diệt do toàn bộ cỏ biển, san hô dưới nước bị chôn vùi. Vẻ đẹp của vịnh Nha Trang theo đó cũng mai một dần. Theo nhà báo Lê Bá Dương, một người sống ở Nha Trang hơn 30 năm, bây giờ không ai còn nhận ra núi Chụt bởi nó đã bị đào xới tan hoang để lấy đất lấp biển xây dựng khu đô thị An Viên.

Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng việc lấn biển đã lấp các rạn san hô, gây suy thoái đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, thực tế phần biển bị lấn chủ yếu tiếp giáp với đất liền, không phải là nơi có các rạn san hô sống… và các vấn đề về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan của vịnh Nha Trang luôn được tỉnh và các bộ quan tâm khi thẩm định, phê duyệt các dự án.”. Thế nhưng theo các nhà khoa học, việc ồ ạt san lấp vịnh Nha Trang sẽ gây nhiều hệ lụy, rõ nhất là ảnh hưởng về môi trường. Từ năm 2006, Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo “tình trạng san lấn vùng bờ vịnh Nha Trang đã tạo ra những lớp trầm tích, tiêu diệt san hô và thảm cỏ biển ở Vũng Me…”. Cuối năm 2011, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học khảo sát môi trường nước, môi trường trầm tích và thực vật phù du tại 13 điểm trong vịnh Nha Trang. Kết quả chất lượng nước trong vịnh chưa đến mức báo động nhưng đã xuất hiện nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Còn theo người dân các phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường…, việc lấn biển đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản gần bờ, bởi một khi các rạn san hô chết thì cua, cá cũng không còn nơi trú ngụ.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết, “Khu vực Hòn Mun là nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền du lịch cùng với năm sáu trăm khách qua lại, lặn ngắm san hô và tắm biển. Cùng với việc mở rộng khu vực này, chủ đầu tư đã đổ xuống đây nhiều đất đá, để xây bờ kè, cầu cảng. Vì vậy, khoảng hơn 20ha rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô... xung quanh đảo Hòn Tre đã và đang bị ảnh hưởng.”

Trong tour du lịch biển đảo TP.Nha Trang, chúng ta cũng biết đến tour tham quan đầm Nha Phu với hệ thực vật phong phú, và rừng ngập mặn có giá trị cho lớn trong việc phát triển, đa dạng sản phẩm du lịch vịnh Nha Trang. Thế nhưng, hệ sinh thái rừng ngập mặn hiện đã từng bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do con người đã phá rừng ngập mặn để xây dựng ao, đìa nuôi thủy sản, xây dựng đồng muối… và khai thác quá mức, khai thác mang tính hủy diệt, khiến diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp. Điều này dẫn đến việc mất nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài thủy sản có giá trị. Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ bị suy giảm dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng.

Tại TP. Nha Trang, đa số người dân từng sinh sống trong khu vực có rừng ngập mặn cho biết diện tích rừng ngập mặn giảm rất nhiều so với trước, nguyên nhân chính là do nuôi trồng thủy sản. Khi phong trào nuôi tôm công nghiệp suy giảm, người dân lại biến các ao đìa bỏ hoang thành đất ở, xây dựng thành các khu đô thị mới như Phước Long. Có thể nói, rừng ngập mặn ở TP. Nha Trang đã bị tàn phá nặng nề, khó có khả năng phục hồi, thậm chí sẽ biến mất hoàn toàn do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng lớn, đặc biệt là đất ở.

Việc mất rừng ngập mặn sẽ gây ra nhiều hậu quả như: sói lở bờ biển, sạt lở ao, đìa, gia tăng dịch bệnh gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản; suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ, tăng khả năng xâm nhập mặn.

Điều tệ hại hơn nữa là sau một thời gian nuôi trồng hải sản, môi trường dần bị suy thoái nặng nề, dịch bệnh gia tăng khiến năng suất giảm sút đến mức đất bị bỏ

hoang hóa. Từ khi rừng ngập mặn không còn nữa đời sống người dân vùng ven biển càng thêm khó khăn, dể bị gió bão và thiên tai đe dọa.

Rất nhiều các hoạt động tàn phá vùng vịnh Nha Trang đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai do các hoạt động của con người nhằm phát triển du lịch biển của vịnh Nha Trang. Lượng nhu cầu đi du lịch của công chúng đến thành phố Nha Trang càng cao, thì việc hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, giao thông vận tải...càng nhiều, dẫn đến đô thị hóa, mất đi cảnh quan tự nhiên, con người khai thác triệt để thiên nhiên để phục vụ cho hoạt động du lịch biển, điều đó hình thành một mối nguy đáng lo ngại trong công cuộc phát triển du lịch biển bền vững.

Một phần của tài liệu Nội dung chuyên đềx (Trang 56 - 62)