Dựa vào các nguồn tài nguyên và nhân tố môi trường để suy ra tác động

Một phần của tài liệu Bài giảng: Đánh giá tác động của môi trường pdf (Trang 51 - 52)

Các nguồn tài nguyên và nhân tố môi trường bị tác động đã trình bày trong mục 2.3. Để phân tích nhận biết các tác động môi trường của một dự án theo cách này, chúng ta phải xem xét lần lượt từng thành phần tài nguyên và nhân tố môi trường của 4 nhóm trên (trong bảng 2-1) và đặt câu hỏi. Thí dụ, riêng đối với thành phần tài nguyên và môi trường nước có thể đặt các câu hỏi như là: dự án khi thực hiện có tác động thế nào tới tài nguyên và môi trường nước khu vực thượng lưu và lòng hồ? Đi sâu vào chi tiết có thể đưa ra các câu hỏi như sau:

a) Tác động tới số lượng nước mặt: có làm tăng thêm hay làm giảm đi số lượng nước, vì sao?

b) Tác động tới chất lượng nước mặt: có làm chất lượng nước khu vực dự án xấu đi hay tốt hơn, vì sao?

c) Tác động tới biến đổi chế độ thủy văn trong sông: biến đổi thế nào trong mùa lũ, mùa cạn, vì sao?

d) Tác động tới biến đổi mực nước ngầm: nếu có làm tăng hay giảm mực nước ngầm, vì sao?

e) Tác động tới biến đổi chất lượng nước ngầm, như là có làm ô nhiếm nước ngầm hay không, vì sao?

Tương tự như trên, lần lượt đặt câu hỏi cho tất cả các thành phần tài nguyên và nhân tố môi trường khác của cả 4 nhóm trong bảng 2-1, tìm cách lý giải và trả lời, chúng ta sẽ nhận biết được tất cả các tác động của dự án.

Thí dụ, bằng cách trên đối với dự án xây dựng hồ chứa nước thì qua phân tích có thể chỉ ra các tác động tới tài nguyên và môi trường nước khu vực thượng lưu tuyến đập như sau:

- Tác động 1: Xây dựng hồ chứa sẽ làm biến đổi chế độ thủy văn đoạn sông khu vực thượng lưu tuyến đập, từ chế độ thủy văn sông thành chế độ thủy văn hồ chứa do đập ngăn nước sẽ tạo thành hồ chứa khu vực trước tuyến đập.

- Tác động 2: Xây dựng hồ chứa sẽ làm giảm số lượng nước mặt khu lòng hồ vì rằng hình thành hồ chứa nước với diện tích mặt hồ rất lớn sẽ làm mất đi một lượng nước mặt do tổn thất bốc hơi và thấm xuống tầng sâu cung cấp cho nước ngầm.

- Tác động 3: Có hồ chứa sẽ làm suy giảm chất lượng nước trong hồ nhất là trong những năm đầu tích nước, do cây cối, lá cây và các chất hữu cơ trong lòng hồ bị ngập nước sẽ phân hủy làm nước trong hồ sẽ bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ. Nước trong hồ sẽ bị ngả màu nếu bị ô nhiễm nặng.

- Tác động 4: Có hồ chứa sẽ làm tăng mực nước ngầm khu vực xung quanh và hạ lưu hồ chứa, do một phần lượng nước mặt của hồ thấm xuống sâu bồi bổ cho nước ngầm và làm tăng mực nước ngầm.

Tương tự phân tích như vậy, sẽ suy ra các tác động tới chất lượng nước mặt của hai khu vực thượng lưu và lòng hồ và dòng sông ở hạ lưu tuyến đập khi hồ chứa được hình thành. Tiếp đó lại phân tích nhận biết đến các tác động tới môi trường đất, môi trường không khí cho xong các tác động của nhóm 1 là tác động tới môi trường vật lý

để chuyển sang xem xét các tác động tới các nhóm 2 (tới môi trường sinh thái), tới nhóm 3 (tới các giá trị sử dụng của con người trong khu vực lòng hồ sẽ bị ngập), nhóm 4 (tới các giá trị cuộc sông của người dân sống trong khu vực lòng hồ sẽ bị di chuyển đi nơi khác). Cứ lần lượt như thế chúng ta sẽ nhận biết được đầy đủ các tác động môi trường của dự án này.

Một phần của tài liệu Bài giảng: Đánh giá tác động của môi trường pdf (Trang 51 - 52)