Từ những năm 70, công cụ phí mới chỉ được áp dụng trong một số ít nước có nền kinh tế phát triển hơn như các nước thuộc nhóm OECD, các nước công nghiệp mới NIC, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc với phạm vi còn hạn chế trong một số ngành hoặc lĩnh vực.
Phí nước thải công nghiệp đã được sử dụng thành công ở một số nước:
Đức và Italia: Hình thức phí đánh vào chất gây ô nhiễm và nguồn gây ô nhiễm lại được sự ủng hộ của quần chúng vì nếu phí đánh vào chất gây ô nhiễm như các chất lắng đọng, các chất có thể ôxy hóa, thủy ngân, cađimi, COD… thì sau khi công bố suất lệ phí, nếu doanh nghiệp nào tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về lượng phát thải, doanh nghiệp đó sẽ được giảm 50% phí.
Hàn Quốc
Phí nước thải đánh vào nguồn gây ô nhiễm được Hàn Quốc áp dụng từ những năm 1983. Ban đầu phí được áp dụng dưới dạng phạt do không thực hiện đúng cam kết. Cơ quan môi trường (hiện nay là Bộ Môi trường của Hàn Quốc) được quyền phạt tiền các cơ sở gây ô nhiễm nếu như vi phạm tiêu
chuẩn môi trường và sau đó yêu cầu phải có biện pháp xử lý nếu vẫn tiếp tục thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Từ năm 1986 biện pháp này đã được thay đổi bằng thu phí với phần thải vượt tiêu chuẩn. Mức phí được xác định trên cơ sở nồng độ chất gây ô nhiễm, vị trí thải ô nhiễm, thời gian vượt tiêu chuẩn cho phép và tùy vào số lần vi phạm tiêu chuẩn.
Nhưng sau một thời gian thực hiện biện pháp này đã bộc lộ một số nhược điểm:
- Xuất phí đặt ra quá thấp, trong một số trường hợp thấp hơn cả chi phí vận hành và mua các thiết bị xử lý ô nhiễm nên không có tác dụng khuyến khích giảm ô nhiễm.
- Việc chỉ dựa vào nồng độ chất gây ô nhiễm để tính phí có thể không buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh giảm lượng ô nhiễm thải ra môi trường bởi vì họ cố tình lẩn tránh bằng cách pha loãng nồng độ chất thải trong khi đó lượng chất ô nhiễm thải ra không thay đổi.
Để khắc phục những nhược điểm trên từ năm 1990 Hàn Quốc đã đánh phí căn cứ vào lượng thải vượt tiêu chuẩn cho phép và kết hợp nồng độ chất thải trong công thức tính phí. Ngoài ra, Hàn Quốc đã điều chỉnh xuất phí cao hơn chi phí vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm để khuyến khích giảm ô nhiễm.
Trung Quốc
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một hệ thống phí phạt với hơn 100 mức phí đánh vào các nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường nước thải, khí thải, phế thải tiếng ồn và các loại khác do vi phạm tiêu chuẩn môi trường. Hệ thống này được áp dụng theo ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 1979 bằng việc thử nghiệm tại thành phố Suzhou, sau đó được mở rộng ra toàn quốc vào những năm 1981 và ba giai đoạn được tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Kết quả của việc áp dụng hệ thống phí này đã giảm tới 60,4% tổng lượng chất gây
ô nhiễm thải ra môi trường trong giai đoạn 1979 – 1996. Mức phí ô nhiễm được căn cứ vào cả lượng và nồng độ của các chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ nhược điểm là mức phí đặt ra quá thấp nên đã hạn chế tác động tích cực, khiến cho người gây ô nhiễm không thay đổi hành vi của mình.
Mục đích chính của việc áp dụng hệ thống này là tăng nguồn thu cho các ủy ban bảo vệ môi trường ở địa phương. Theo quy định, các ủy ban này được phép giữ lai 20% nguồn thu từ phí và 100% tiền phạt để dùng cho các hoạt động của họ. Trên thực tế, nguồn thu được từ phí đã được sử dụng để trợ cấp cho các xí nghiệp để họ thực hiện biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm. Hệ thống phí này hiện đã được cải cách theo hướng không dùng nguồn thu để trợ cấp cho công việc kiểm soát và xử lý ô nhiễm nữa mà dùng để cho các xí nghiệp vay ưu đãi nhằm thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm. Ngày nay, 80% nguồn thu từ phí được đưa vào quỹ của địa phương để cho các xí nghiệp vay cho mục đích môi trường, 20% còn lại dùng để duy trì bộ máy kiểm soát và chi phí thực hiện chương trình này bao gồm cả đào tạo cán bộ môi trường, mua sắm và vận hành các thiết bị quan trắc, đo đạc.
Bên cạnh đó việc thu phí nước thải công nghiệp ở một số nước cũng chưa đem lại hiệu quả cao điển hình như là tại Pháp. Ở Pháp việc sử dụng hệ thống phí nước thải công nghiệp không có tính chất khuyến khích bởi suất phí và lệ phí thấp. Việc tăng suất phí và lệ phí đối với các chất gây ô nhiễm nguồn nước bởi các ngành công nghiệp đã bị phản đổi kịch liệt vì họ không muốn phải chịu thêm gánh nặng về tài chính. Đây là điểm yếu của hệ thống phí và lệ phí của Pháp. Người gây ô nhiễm sẵn sàng thực hiện các biện pháp chống ô nhiễm nếu họ được giúp đỡ về mặt tài chính nhưng lại không muốn chịu các khoản đóng góp cao hơn để tạo nguồn cho sự hỗ trợ tài chính này.
Tóm lại so với thế giới việc áp dụng công cụ thu phí nước thải công nghiệp ở nước ta còn mới mẻ, còn gặp nhiều khó khăn và chưa đem lại hiệu quả cao. Chúng ta cần phải nghiên cứu cách thu phí của các nước, xem xét ưu điểm và nhược điểm của họ để đưa ra được một cách thu phí hiệu quả nhất đối với tình hình phát triển của nước ta bây giờ.