Nước ta là một nước đang phát triển, mọi người đều chú trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế hơn là mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao, thấy được mức độ gây ô nhiễm của nước thải công nghiệp khi chưa xử lý mà xả thẳng ra môi trường xung quanh. Chính vì thế các cơ quan chức năng phải có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp.
Nêu rõ mục đích sử dụng của phí nước thải công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo tới các doanh nghiệp bản thu, chi số phí thu được cho các hạng mục bảo vệ môi trường hàng năm để doanh nghiệp hiểu rõ mục đích của nghị định 67. Bởi vì hiện tại có nhiều doanh nghiệp chưa nắm được mục đích sử dụng của phí nước thải công nghiệp là sử dụng vào việc bảo vệ môi trường, duy trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương, nộp vào ngân sách trung ương để bổ sung vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, mà họ cho rằng cho rằng nó được chi cho các cá nhân tiến hành thu phí và cho các mục đích khác ngoài hạng mục môi trường.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các nhà doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, áp phích, tờ rơi, truyền thông về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong việc duy trì chất lượng môi trường sinh thái. Để cho các doanh nghiệp tự nguyện nộp phí, nhận thức được rằng việc nộp phí nước thải là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hậu quả mà nó gây ra, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong vấn đề chất thải.
Tổ chức các lớp huấn luyện, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội của họ đối với công cuộc bảo vệ môi trường.
Xây dựng và phát triển mạnh hệ thống các tổ chức, trung tâm huấn luyện, tư vấn về công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn được công nghệ sản xuất vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa giảm thiểu được các chất thải độc hại.
Tổ chức công khai thông tin về ô nhiễm nước thải công nghiệp và tình hình tuân thủ nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ của các cơ sở sản xuất kinh doanh với người dân, các tổ chức xã hội, người tiêu dùng, nhà đầu tư, để
họ tẩy chay sản phẩm của các công ty gây ô nhiễm, từ đó gây sức ép với doanh nghiệp thực hiện biện pháp giảm thải và xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống sông, hồ xung quanh.
Xây dựng cơ chế giám sát của người dân đối với doanh nghiệp trong việc thực thi cam kết về môi trường và duy trì thường xuyên các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Hình thành kênh thông tin giữa người dân và nhà chức trách địa phương để kịp thời thông báo về các trường hợp vị phạm luật lệ về môi trường. Bởi vì người dân là người trực tiếp bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và họ có thể thường xuyên giám sát được sự ô nhiễm của nước thải công nghiệp thải ra hệ thống sông hồ xung quanh môi trường sống của họ.
Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chính sách môi trường, công bố các cam kết và tình hình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cho dân cư sống trên địa bàn biết. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001, thực hiện những sáng kiến riêng của mình trong việc thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện nhưng mô hình điển hình để phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp khác áp dụng.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải quan tâm đến việc xử lý môi trường, không nên coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà phải kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Đưa các kiến thức về bảo vệ môi trường vào trong chương trình giáo dục của nhà trường để hình thành nên ý thức môi trường cho tất cả các đối tượng trong xã hội.