2.1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế.
Trong những năm vừa qua kinh tế của Nam Định luôn đạt mức tăng trưởng khá liên tục qua các năm, năm sau cao hơn năm trước, xuất hiện một số ngành kinh tế phát triển nhanh có tính bứt phá. GDP trong giai đoạn 2004 – 2008 tăng bình quân 7,65%, GDP bình quân đầu người đạt 5,3 triệu đồng (khoảng 350 USD), ngành công nghiệp xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân
20,4%/năm, công nghiệp cơ khí tăng 28%..., đã hình thành một số ngành cơ khí chủ lực có khả năng phát triển và cạnh tranh cao như: đóng mới tàu thủy, lắp ráp xe ô tô. Nam Định đã đầu tư vào hoàn thành xây dựng KCN Hòa Xá với diện tích 327 ha cùng 16 CCN làng nghề, thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, KCN mới Mỹ Trung trên diện tích 150 ha đang được xây dựng, các KCN Thành AN, Bảo Minh (Vụ Bản) và Hồng Tiến (Ý Yên) có tổng diện tích 700 ha đang được lập quy hoạch chi tiết.
Năm 2008 vừa qua, mặc dù có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng 17%, hàng dệt may ước đạt 176 triệu USD, tăng 23% so với năm 2007. Các mặt hàng khác như hàng thủ công mĩ nghệ, sản phẩm gỗ, thịt lợn đông lạnh… đều có sự tăng trưởng. Thị trường trong tỉnh phát triển, xuất hiện nhiều hình thức bán hàng văn minh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế khuyến khích đầu tư vào các KCN, CCN, đã thu hút được 435 dự án của trên 250 doanh nghiệp với mức vốn đang ký 135 triệu USD và 11.163 tỷ đồng của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các tập đoàn kinh tế: dầu khí, dệt may, Vinashin… Sản xuất công nghiệp năm 2008 ước đạt 7387,6 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2007, chiếm tỷ trọng trên trên 28% GDP của tỉnh. Các ngành sản xuất chính như cơ khí, dệt may, điện tử, gia công kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng…đều có mức tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp đã căn cứ vào nhu cầu thị trường để sản xuất kinh doanh, tìm các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường.
Trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp: trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh và dịch hại không theo quy luật. Giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông
nghiệp, thu nhập và đời sống của người nông dân. Tuy gặp khó khăn nhưng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng trọt chỉ còn chiếm 65,5%, tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ tăng lên đạt 34,5%. Các giải pháp kĩ thuật về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, cơ sở hạ tầng kĩ thuật thủy lợi và các biện pháp thâm canh tổng hợp đã được áp dụng nên hiệu quả kinh tế có bước tăng trưởng khá. Năng suất lúa toàn tỉnh bình quân đạt trên 120 tạ/ha/năm. Sản lượng lương thực luôn đạt gần 1 triệu tấn/năm. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300 trang trại chăn nuôi. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2008 ước tăng 24% so với năm 2006. Thủy sản tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao ở cả khu vực nuôi trồng và khai thác. Năm 2008, sản lượng thủy sản ước đạt trên 75 ngàn tấn, tăng trên 8%/năm, giá trị tăng 13%/năm. Diện tích sản xuất muối duy trì trên 90 ngàn tấn. Song sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn: đó là sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành còn chậm, tốc độ chưa tương xứng với tiềm năng, các hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa.
2.1.2.2. Tình hình phát triển xã hội.
Nam Định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tiếp tục giữ vững truyền thống lá cờ đầu cả nước 10 năm liền, là tỉnh có số lượng trường đạt chuẩn Quốc gia nhiều nhất trong cả nước, đã có 210/229 xã, phường xây dựng trung tâm học tập cộng đồng. Trên địa bàn thành phố có 12 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 76 trường từ mẫu giáo đến THPT, thành phố Nam Định là nơi phổ cập THCS đầu tiên cả nước. Truyền thống khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng tạo
thành phong trào quần chúng rộng lớn…100% các trạm y tế có bác sĩ, mạng lưới y tế được tổ chức có hệ thống rộng khắp làm nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân hoàn chỉnh từ thôn, xóm, xã, phường đến cấp huyện và tỉnh, trong đó có 18 bệnh viện, 5 phòng khám đa khoa khu vực, 229 trạm y tế xã, phường với tổng số 3.699 cán bộ y tế. các bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cá nhân, đơn vị phụng dưỡng suốt đời. Tính đến hết năm 2003 toàn thành phố có 30.000 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 112 cơ quan bệnh viện, trường học đạt chuẩn văn hóa.
Hệ thống giao thông phát triển khá thuận tiện cho việc giao lưu với các tỉnh trong nước và quốc tế trên cả đường bộ và đường sông. Hệ thống dịch vụ điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông và hệ thống ngân hàng cũng phát triển mạnh mẽ từ cấp xã đến cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân và đang được hoàn thiện để đạt được hiệu quả cao hơn.