Đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mô hình thu phí nước thải công nghiệp của các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 37 - 40)

Nam Định

Hiện nay theo thống kê tỉnh Nam Định có hơn 2500 công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Nam Định (trên địa bàn thành phố có gần 180 nhà máy, công ty, công ty TNHH, công ty cổ phần (chiếm 47,9%), trong đó thành phố trực tiếp quản lý 7 doanh nghiệp nhà nước, 165 doanh nghiệp dân doanh, 1919 cơ sở sản xuất), ở các huyện số lượng các công ty, các cơ sở sản xuất tập trung không nhiều. Hoạt động chủ yếu trên ngành: công nghiệp dệt, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng tàu… Và hơn 90 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống với các sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: hàng thủ công mĩ nghệ, sơn mài, mộc cao cấp, đúc đồng, tơ lụa, thêu ren…

Nam Định hiện đã xây dựng hơn 20 khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn 400 dự án đầu tư, tuy nhiên đến nay các khu, cụm công nghiệp của tỉnh vẫn chưa có công trình xử lý nước thải tập trung, mới có 10 cơ sở nằm chung các khu, cụm công nghiệp tự đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải rắn, với công suất xử lý nước thải 2.550 m3/ngày đêm. Và mới có một dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đầu tiên với công suất 4.500m3/ngày đêm tại KCN Hòa Xá (Thành phố Nam Định), dự kiến đến tháng 3/2010 việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. Hiện tại đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn thải nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

Ngành công nghiệp dệt: là một ngành rất phát triển tại Nam Định, và tỉnh được biết đến như là một khu trọng tâm phát triển chiến lược của ngành Dệt – May Việt Nam với trên 20 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động, có rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực lớn và có thương hiệu như: Công ty TNHH Dệt Nam Định, Công ty cổ phần may Sông Hồng, công ty TNHH Youngone…. Đặc điểm của ngành dệt may là sử dụng rất nhiều nước trong quá trình tẩy nhuộm. Nước thải từ ngành này có chứa rất nhiều chất thải độc hại: các chất hóa học dùng trong quá trình tẩy rửa, các loại thuốc nhuộm, các loại chất rắn. Các công ty dệt may Nam Định đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có xây dựng nhưng không hoạt động thường xuyên nên nước thải được thải ra từ quá trình sản xuất đều được xả thẳng ra hệ thống sông ngòi xung quanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là công ty TNHH Dệt Nam Định là một trong những công ty gây ô nhiễm môi trường nhất.

Ngành công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm: là một ngành phát triển mạnh của Nam Định: sản xuất bia, bánh kẹo, chế biến thủy hải sản ở các huyện Xuân Trường và Giao Thủy…. Đây cũng là một ngành sử dụng nhiều nước và nước thải của nó chứa rất nhiều chất gây ô nhiễm: mỡ động thực vật,

các chất hữu cơ, các loại chất rắn, các loại men, hóa chất. Do các cơ sở sản xuất này đều là các cơ sở nhỏ và chi phí để đầu tư hệ thống xử lý nước thải là rất lớn, vượt quá khả năng của các công ty này nên phần lớn nước thải đều được xả ra ngoài mà chưa qua xử lý.

Ngành công nghiệp cơ khí bao gồm: đúc, sơn tĩnh điện, gia công cơ khí, mạ, tẩy rửa kim loại, đóng tàu... là một ngành mũi nhọn của Nam Định, đặc biệt nổi tiếng là đúc đồng ở làng Tống Xá huyện Ý Yên. Bên cạnh việc đem lại lợi nhuận cao các ngành này cũng gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng: ô nhiễm không khí do mùi sơn, bụi sắt, ô nhiễm tiếng ồn do các máy mạ điện, máy cắt gọt kim loại, ô nhiễm nước do kim loại, các loại hóa chất tẩy rửa kim loại...

Các làng nghề tại Nam Định: Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở Nam Định cũng đang là một vấn đề lớn và cần phải có biện pháp xử lý mạnh. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định các làng nghề phân bố ở cả chín huyện và thành phố. Trong những năm qua, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề đã được các địa phương thực hiện nhưng thực tế tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện triệt để. 100% số làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải làng nghề được đổ trực tiếp ra hồ, ao, kênh rạch và chảy ra sân vườn xung quanh hộ gia đình. Tình hình ô nhiễm do nguồn nước thải sinh ra từ các làng nghề rất khác nhau cả về thành phần và lượng thải, nhưng ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư nhiều nhất là nhóm làng nghề sản xuất cơ khí, chế biến gỗ - mây, tre đan và làng nghề dệt, tẩy, nhuộm, tái chế nhựa. Điển hình về ô nhiễm môi trường là làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực chuyên nấu, cán nhôm. Cả ba thông số phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường tỉnh thời gian gần đây đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép: lượng photpho tổng vượt TCVN từ 1,09 lần đến 7,6 lần, thông số kẽm vượt TCVN

từ 7,7 lần đến 33,8 lần, thông số Cr6+ vượt TCVN từ 32 lần đến gần ba nghìn lần ở tất cả các mẫu phân tích. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trong xã Nam Thanh, làng nghề Bình Yên còn xả nguồn nước thải ra sông TC25 chảy qua xã Nam Lợi. Hay ở làng nghề trồng cây cảnh ở Điền Xá sử dụng bình quân 219,6 kg thuốc trừ sâu/năm, làng nghề mây, tre đan, sơn mài và tre nứa ghép ở Yên Tiến, Yên Ninh (huyện Ý Yên) sử dụng bình quân hơn 2,3 triệu lít keo/năm, gần 100 tấn bột đá/năm và 145 tấn sơn/năm. Và mỗi ngày có hàng trăm tấn tre nứa được ngâm ở con sông quanh xã Yên Tiến làm cho nước của con sông này đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu.

Nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm trên là do phần lớn làng nghề được tổ chức theo hộ gia đình, lao động thủ công là chính cho nên hầu như họ không có kiến thức về bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Hậu quả tất yếu là sức khỏe của người dân làng nghề đều bị ảnh hưởng, nhiều nhất là các bệnh về mắt, hô hấp, tiêu hóa. Các cơ quan chuyên môn còn cho biết, môi trường đất tại nhiều khu vực làng nghề cũng đang bị ảnh hưởng.

Chính vì thế vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp từ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề là một vấn đề rất nghiêm trọng và các nhà lãnh đạo tỉnh phải có biện pháp để xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mô hình thu phí nước thải công nghiệp của các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 37 - 40)