Giải quyết dứt điểm Qui hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước (Trang 55 - 57)

3. Các mục tiêu đạt thấp

3.2.1.Giải quyết dứt điểm Qui hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam

Bài toán qui hoạch phát triển là vấn đề nan giải từ lâu, song đến nay đã trở nên vô cùng nhức nhối hơn bao giờ hết. Sự nhức nhối của qui hoạch không chỉ được đề cập đến một cách quyết liệt trên các diễn đàn chính trị cao nhất của đất nước, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, các kỳ họp của Quốc hội khóa XI, hay các nghị trường của các cấp, các ngành…; cho đến các báo cáo, văn đàn… cũng như báo chí hàng ngày. Thậm chí, rất nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan… và từng người dân hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với sự bức xúc của qui hoạch.

Một cảnh tượng chung rất dễ dàng nhận thấy là, diện mạo của tất cả các đô thị của Việt Nam, từ lớn đến nhỏ, từ Thủ đô đến các tỉnh lẻ, từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng thấy sự chắp vá; manh mún, tùy tiện, mạnh ai nấy làm, nhà nhà làm xây dựng, mà thiếu hẳn bàn tay qui hoạch, sắp xếp của Nhà nước. Nhiều người đã thốt lên rằng, các đô thị đều khoác lên mình tấm áo choàng kiến trúc không hề xứng tầm với cốt cách mà chúng vốn có.

Về mặt kinh tế, sự thiếu qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã gây ra biết bao hậu quả khôn lường. Đó là:

- Một sự phát triển thiếu cơ bản và bài bản. Chúng ta thật khó hình dung, các cơ sở kinh tế - xã hội hữu hình của Việt Nam sẽ đi đến đâu trong thời gian tới. Tất cả hẳn như là sự tự

phát, mạnh ai nấy làm, chỉ thu lợi cho trước mắt, không có toan tính lâu dài. Thông thường ở các quốc gia phát triển, một vùng nào đó cũng thường được chia thành nhiều khu vực rất rõ ràng, như: khu vực hành chính, khu vực văn hóa - xã hội, khu vực thương mại du lịch, khu vực dân cư, khu vực sản xuất công nghiệp… Còn đối với Việt Nam, mọi thứ đều được “cài răng lược”, “lốm đốm da báo”, đúng là, trên một m2 cái gì cũng có!

- Không tạo điều kiện cho phát triển lâu dài. Qui luật chung của sự phát triển là cái có trước tạo nền tảng, điều kiện, tiền đề cho cái có sau, cái có sau kế thừa, phát huy và tôn vinh cái có trước. Chúng ta do thiếu qui hoạch, phát triển tự phát, nên cái có trước vừa không là điều kiện tiền đề, mà thậm chí còn ngăn trở, triệt tiêu khả năng phát triển của cái sau. Vì thế, cái sau muốn ra đời, đã không được kế thừa cái trước, mà nhiều khi buộc phải đập phá, dỡ bỏ hay dẫm đạp lên cái có trước. Cứ như vậy, xã hội phát triển trong một vòng luẩn quẩn, bụi bặm, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, gây nên sự lãng phí, tốn kém… không đáng có và ngày càng nhiều.

- Phát triển đắt đỏ. Muốn có cái sau phải phá bỏ cái trước, vì thế mà nhiều công trình chi phí bồi thường, đền bù cho giải phóng mặt bằng ở mức khổng lồ, không thể tưởng tượng nổi. Như ở Hà Nội, chi phí đền bù để mở một còn đường thường cao gấp 9 - 10 lần chi phí thực cho con đường, đồng thời khu giãn dân cũng không được qui hoạch đồng bộ, nên dân được “giải phóng, đền bù” rồi cũng không biết giãn đi đâu, gây ra nhiều vấn đề xã hội rất nghiêm trọng.

Hiện nay, ở một số địa phương và các đô thị, đã có quy hoạch phát triển được phê duyệt phổ biến cho 15 - 20 năm tới (đến năm 2020, 2050…). Kể ra, đó cũng là bước tiến bộ so với trước đây, song trước điều kiện mới, các quy hoạch đó vẫn chưa ổn và chưa căn bản, vì thiếu tính tổng thể, không có tính đồng bộ và dài hơn. Vậy trong thời gian tới phải gấp rút thực hiện ngay các vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội như sau:

Thứ nhất, Phải xây dựng cho bằng được Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước Việt Nam một cách tổng thể, dồng bộ và đài hơi.

Qui hoạch phát triển ở đây không phải là xây dựng riêng rẽ cho từng địa phương, với thời hạn vài chục năm, mà ngược lại, chúng phải được xây một cách tổng thể hoàn chỉnh cho cả nước, trong đó có phần chi tiết cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, qui hoạch phát triển phải đồng bộ cho tất cả các ngành, lĩnh vực… thuộc mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, từ sản xuất, thương mại, dịch vụ… đến văn hóa, xã hội… và đời sống dân cư. Đồng thời, đây là qui hoạch phát triển dài hơn, hình dung đến lúc nước Việt Nam chúng ta phát triển đến đỉnh cao (trở thành quốc gia phát triển). Như vậy, qui hoạch phát triển phải hình dung cho cả trăm năm, trong đó có chia ra thành từng giai đoạn với các khoảng thời gian cụ thể. Các giai đoạn này kế tiếp nhau và được phát triển từ thấp đến cao; giai đoạn trước tạo điều kiện, tiền đề cho giai

đoạn sau, giai đoạn sau kế thừa, hoàn thiện và nâng cao những thành tựu đã có của các giai đoạn trước.

Muốn xây dựng được qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói trên đòi hỏi phải đánh giá được một cách đầy đủ, toàn diện tất cả những tiềm năng, thế mạnh vốn có của đất nước, đồng thời phải hình dung được một nước Việt Nam phát triển đến đỉnh cao với dân số ổn định, với mức độ các yêu cầu về kinh tế, xã hội… cần phải đạt được. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có đủ các điều kiện để đánh giá, phân tích, dự báo,…, từ đó hình dung viễn cảnh phát triển của đất nước trong tương lai là hoàn toàn hiện thực.

Với yêu cầu của qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội như vậy, để có thể xây dựng được chúng, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, những am hểu sâu sắc về phát triển tất cả các lĩnh vực… thỏa đáng để thực hiện công việc này. Dưới giác độ tài chính, đây là khoản chi quan trọng của NSNN và cần phải xác định đó là khoản chi đầu tư rất cơ bản. Thậm chí có thể kêu gọi các chính phủ về các tổ chức quốc tế tài trợ ODA (cho vay ưu đãi) để trang trải các chi phí qui hoạch. Tiếp đến, nhiều khâu công việc nên mạnh dạn thuê các công ty tư vấn, các chuyên gia nước ngoài giỏi và dày dạn kinh nghiệm về vấn đề này để thực hiện.

Thứ hai, Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau khi được xây dựng cần phải được công bố như là một Đạo luật cơ bản để toàn xã hội biết và nghiêm chỉnh chấp hành.

Với Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội được hình dung như trên thì chúng không chỉ đơn giản là một tờ bản đồ, phác đồ… với các cơ quan tham gia xây dựng và phê duyệt chúng rất hạn hẹp như chúng ta vẫn thấy lâu nay, mà thực sự là một bộ tài liệu đồ sộ, gắn bó đến vận mệnh, quyền lợi… của quốc gia và của từng tổ chức, đơn vị, cá nhân trong xã hội. Vì vậy, bản Qui hoạch này phải được phổ biến, trao đổi, thảo luận… rộng rãi, công khai trước toàn dân để thu thập các ý kiến đóng góp và hoàn thiện chúng.

Một khi bản qui hoạch đã được hoàn thiện, chúng phải được đệ trình lên cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội xem xét và phê duyệt tương tự như phê duyệt Hiến pháp. Sau khi được phê duyệt, bản Qui hoạch trở thành đạo luật cơ bản của quốc gia bên cạnh Hiến pháp để tất cả cùng tôn trọng và thực hiện.

Làm được như vậy, cho phép hoàn toàn có thể tin tưởng là có thể tránh khỏi sự đầu tư phát triển manh mún, chồng chéo, giẫm đạp lên nhau, giảm mạnh những lãng phí, thất thoát… không đáng có, mở đường cho phát triển lâu dài và tiến lên văn minh, hiện đại.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước (Trang 55 - 57)