Đa dạng theo mùa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng và đặc điểm sinh học của nấm túi họ Xylariaceae ở Mường Phăng Điện Biên và Cúc Phương Ninh Bình (Trang 97 - 98)

Trong nghiên cứu đa dạng sinh học nấm, độ ẩm và nhiệt độ là 2 yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự khác biệt về thành phần loài tại KVNC. Vì vậy, chúng tôi chỉ đánh giá mức độ đa dạng ở 2 mùa là mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 theo sự phân chia tại của trung tâm khí tượng thủy văn trung ương tại KVNC [14, 174].

Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng taxon thu được trong mùa mưa chiếm ưu thế với 114 taxon, ngược lại mùa khô chỉ thu được 1 taxon là

Daldinia concentrica - loài phân bố toàn cầu, được tìm thấy ở cả những vùng có điều kiện khí hậu khô hạn như Nam Phi hay các vùng ôn đới như Châu Âu [28, 57]. Roger (1978) và Ju (1997) đã giải thích các loài thuộc chi Daldinia có nhiều khoang chứa nước ở chất nền, kết quả giải phẫu thể quả sẽ thấy nhiều ô xếp chồng lên nhau tạo nên các vành giống cánh quạt, ở giai đoạn non các ô này sẽ chứa nước, khi già rỗng và khô (Hình 3.6) [48, 57]. Ngoài ra, khi tiến hành thu mẫu ở mùa mưa chúng tôi vẫn bắt gặp loài này. Điều đó chứng tỏ D. concentrica có khả năng thích nghi và hòa nhập với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở KVNC, tuy nhiên chúng vẫn lưu giữ khả năng thích nghi với khí hậu khô lạnh.

Hình 3.6: Cấu trúc bên trong chất nền loài Daldinia concentricaMP365

Những loài khác chỉ thu được vào mùa mưa do từ tháng 11 trở đi các loài đã phóng thích hầu hết bào tử ra môi trường bên ngoài, sau đó các thể quả khô dần và mục nát. Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp trong mùa đông không cho phép nấm hình thành thể quả. Vì thế chu trình sinh sản mới phải chờ đến mùa xuân năm sau.

Một điểm đáng lưu ý là trong các lần khảo sát thu mẫu chúng tôi nhận thấy các loài thuộc chi Annulohypoxylon, Hypoxylon, Biscogniauxia, Camillea, Nemania trưởng thành khá sớm vào khoảng tháng 5 và các cá thể trưởng thành chúng tôi vẫn còn thu được đến tháng 10. Riêng chi Xylaria các cá thể trưởng thành thu được muộn hơn vào tháng 6, tháng 7; mật độ cá thể trưởng thành cao nhất vào tháng 9 và tháng 10; một số cá thể trưởng thành còn thu được vào tháng 11 (đầu mùa đông). Các loài thuộc chi Xylaria có thời gian trưởng thành muộn hơn các chi khác trong họ Xylariaceae cũng bởi cấu tạo chất nền dạng cacbon, hình chùy và có cuống mọc cao hơn bề mặt cơ chất, kích thước chất nền thường lớn. Điều này dẫn đến việc vận chuyển dinh dưỡng cũng như các chất khoáng lên cao sẽ cần nhiều thời gian hơn so với các loài thuộc chi khác có chất nền dạng phẳng dẹt nằm ôm sát với cơ chất.

Như vậy, nấm túi họ Xylariaceae có mật độ cá thể cũng như số lượng loài cao nhất vào tháng 6 đến tháng 10, còn vào mùa khô lạnh, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, giai đoạn sinh sản hữu tính hầu như không xuất hiện. Vì vậy, chúng ta cần chú ý đến thời gian thu mẫu để có thể đánh giá độ đa dạng sinh học một cách khách quan và chính xác nhất đối với nhóm nấm này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng và đặc điểm sinh học của nấm túi họ Xylariaceae ở Mường Phăng Điện Biên và Cúc Phương Ninh Bình (Trang 97 - 98)