Chỉ số đa dạng sinh học là chỉ số thống kê định lượng có sự tổ hợp của cả 2 yếu tố là thành phần số lượng loài và tần số xuất hiện của các cá thể trong mỗi loài. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá chỉ số đa dạng sinh học bao gồm chỉ số đa dạng sinh học loài và chỉ số mức độ chiếm ưu thế.
Chỉ số đa dạng sinh học loài (H’- chỉ số Shannon) nhằm đánh giá mức độ đa dạng loài của từng chi dựa trên số lượng các loài và mật độ xuất hiện cá thể trong chi đó. Chỉ số (H’) càng lớn thì mức độ đa dạng càng cao và ngược lại.
Chỉ số mức độ chiếm ưu thế (Cd) nhằm đánh giá mức độ chiếm ưu thế của từng chi trong họ. Chỉ số (Cd) càng cao thì mức độ chiếm ưu thế càng cao. Kết quả các chỉ số đa dạng sinh học được thể hiện tại Bảng 3.5.
Bảng 3.5: Chỉ sốđa dạng sinh học của các chi ở KVNC
STT Tên chi Số mẫu Taxon Chỉ số (H’) Chỉ số (Cd)
1 Annulohypoxylon 157 17 0,93 0,015000 2 Biscogniauxia 45 10 0,35 0,001400 3 Camillea 5 1 0,04 0,000090 4 Daldinia 7 2 0,06 0,000100 5 Hypoxylon 106 24 0,78 0,007900 6 Kretzschmaria 12 7 0,12 0,000100 7 Nemania 33 5 0,23 0,002100 8 Podosordaria 2 1 0,02 0,000008 9 Rosellinia 5 5 0,05 0,000018 10 Theissenia 1 1 0,01 0,000004 11 Xylaria 152 41 1,3 0,004336
Ghi chú: H’ là chỉ sốđa dạng loài Shannon. Cd là chỉ số mức độ chiếm ưu thế.
Từ kết quả (Bảng 3.5) chúng tôi nhận thấy chỉ số (H’) của chi Xylaria
là 1,3, đứng ở vị trí cao nhất, thứ 2 là chi Annulohypoxylon là 0,93, tiếp đến chi Hypoxylon là 0,78, ngược lại chỉ số (H’) thấp nhất là chi Theissenia 0,01. Kết quả này cũng hoàn toàn hợp lý với các nghiên cứu trước, chi Xylaria có số lượng loài cao cùng với khả năng thích nghi tốt tại vùng nhiệt đới vì vậy có chỉ số đa dạng (H’) cao nhất, kết quả nghiên cứu trên thế giới tại Bảng 3.4 đã minh chứng điều này. Chi Annulohypoxylon có số lượng loài không nhiều so với số lượng loài của chi Xylaria và Hypoxylon nhưng mật độ xuất hiện cá thể của các loài cao nên có chỉ số (H’) của chi này khá cao. Như vậy, điều kiện khí hậu cũng như địa chất tại KVNC rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của chi Annulohypoxylon. Chi Theissenia có chỉ số đa dạng thấp nhất. Đây là chi hiếm gặp. Cho đến nay, chi này mới phát hiện được 4 loài trên toàn thế giới [62, 63].
Bảng 3.5 cho thấy chi Annulohypoxylon có chỉ số cao nhất (0,015), đứng thứ 2 là chi Hypoxylon (0,0079) và tiếp đến là chi Xylaria (0,004336), và thấp nhất là chi Theissenia (0,000004). Kết quả này đã thể hiện mức độ chiếm ưu thế của chi Annulohypoxylon cao hơn hẳn so với chi Xylaria. Mặc dù chi Xylaria có tới 41 taxon nhưng sự xuất hiện của các cá thể trong mỗi loài thấp (chỉ thu được 154 mẫu/ 41 taxon). Ngược lại, chi Annulohypoxylon
chỉ có 17 taxon nhưng sự xuất hiện của các cá thể trong mỗi loài cao (thu được 157 mẫu/ 17 taxon). Chi Rosellinia mặc dù có 5 taxon nhưng chỉ có 5 mẫu, vì vậy, mức độ chiếm ưu thế loài là rất nhỏ. Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy chi Rosellinia mặc dù có số lượng loài khá lớn với hơn 80 taxon nhưng lại gặp ít tại khu vực Đông Nam Á, Rosellinia tìm thấy nhiều nhất ở Châu Úc [107, 108].
Như vậy, kết quả đa dạng sinh học tại Bảng 3.5 là hoàn toàn phù hợp với mức độ đa dạng trong các công bố ở Thái Lan, Đài Loan hay Braxin.
Ngoài ra, kết quả này một lần nữa khẳng định về khả năng phân bố rộng của các loài thuộc chi Annulohypoxylon, Biscogniauxia, Daldinia, Hypoxylon, Xylaria và khả năng phân bố hẹp của các chi Theissenia,Rosellinia ở KVNC [56, 60, 133, 136, 162, 173].