ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ CỦA

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tỷ lệ biến cố tim mạch chính trong một năm ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tại viện tim mạch việt nam (Trang 72 - 75)

BỆNH NHÂN NGHIÊN CỨU

4.1.1. Đặc điểm chung

4.1.1.1. Đặc điểm về tuổi

Nghiên cứu trên 440 bệnh nhân vào viện Tim Mạch điều trị trong năm 2013 với chẩn đoán NMCT cấp ST chênh lên chúng tôi thấy độ tuổi trung bình là 66,6 ± 12,5 tuổi (trong đó tuổi bệnh nhân cao nhất là: 97 tuổi, tuổi bệnh nhân thấp nhất là 29 tuổi). Tuổi trung bình của giới nam 64,4 ± 12,6 tuổi, của giới nữ 71,7 ± 10,6 tuổi.

Kết quả tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả của tác giả Đặng Văn Minh [46] nghiên cứu hiện tượng tiền thích nghi ở bệnh nhân NMCT cấp tại Viện Tim mạch năm 2013 là 67,1± 11,7 tuổi, tác giả Lê Thị Kim Dung [37] nghiên cứu trên 137 bệnh nhân NMCT cấp điều trị tại viện Tim mạch Việt nam từ tháng 11/2004-7/2005 là 65,93±12,25 tuổi, cao hơn kết quả của tác giả Nguyễn Quang Tuấn nghiên cứu hiệu quả của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da ở 149 bệnh nhân bị NMCT cấp tại viện tim mạch Việt nam [6] tuổi trung bình 63,8 ± 10,9 tuổi, Thấp hơn tác giả Trần Anh Tuấn nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân ≥ 80 tuổi là 72,61 ± 10,62 tuổi [47], tác giả Ndrepepa là 70,2 ± 12,1 tuổi [48]. Tuổi trung bình ở hai giới của chúng tôi là tương đương với tác giả Nguyễn Thị Cẩm Bình nghiên cứu sự liên quan giữa nhịp thời gian với nhồi máu cơ tim cấp [44] tuổi trung bình nam giới 65,76 ± 11,57 ở nữ giới 70,75± 11,57.

Trong nghiên cứu của chúng tôi nhóm tuổi <65 tuổi chiếm tỷ lệ 42,1%, nhóm tuổi từ 65 đến 74 tuổi chiếm tỷ lệ 25,9%, nhóm tuổi 75 đến 84 tuổi chiếm tỷ lệ 27,3%, nhóm tuổi trên 85 tuổi chiếm tỷ lệ 4,8%,nhóm bệnh nhân tuổi già >65 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 57,9% kết quả này lớn hơn tác giả Nguyễn Thị Cẩm Bình 53% [44] sự khác biệt này là do chúng tôi lựa chọn tất cả bệnh nhân vào viện với chẩn đoán NMCT cấp ST chênh lên mà không giới hạn về thời gian kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Qua biểu đồ 3.1 của chúng tôi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân NMCT ở nhóm tuổi <40 tuổi là 2,3%, nhóm tuổi từ 40-49 tuổi là 5,0%, nhóm tuổi từ 50-59 tuổi là 22,3%, nhóm tuổi 60-69 tuổi là 26,8%, nhóm tuổi từ 70 tuổi trở lên là 43,6%. Kết quả của chúng tôi tương đương với kết quả tác giả Đặng Văn Minh [46].

Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị NMCT cấp đều tăng dần theo độ tuổi, kết quả này đồng thuận với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quốc Thái nghiên cứu trên 216 bệnh nhân NMCT cấp được điều trị bằng đặt stent kim loại thường và stet phủ thuốc [1] và tác giả Nguyễn Quang Tuấn [6].

4.1.1.2. Đặc điểm về giới

Có nhiều thống kê trên thế giới chỉ ra rằng tỷ lệ NMCT ở nam giới cao hơn ở nữ giới. Trong báo cáo về bệnh tim mạch và đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (2013) đã cung cấp số liệu cho thấy trong năm 2010 tỷ lệ nam giới mắc NMCT tại Mỹ là 4,2%, cao hơn tỷ lệ NMCT ở nữ giới với 1,7% [13]. Nghiên cứu ở Australia năm 1999 chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ nhập viện vì NMCT cấp cao gấp gần 2 lần nữ giới (464/1000000 ở nam giới so với 244/1000000 ở nữ giới) [10]. Ở Việt Nam một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ NMCT ở nam là cao hơn nữ như nghiên cứu về tình hình NMCT ở Đà Nẵng (2004) cho thấy tỷ lệ NMCT ở nam giới là 60,6%, ở nữ giới là 39,4% [16].

Nữ giới bị NMCT cấp thường có tiên lượng nặng hơn nam giới do đến viện muộn hơn, nhiều bệnh phối hợp hơn [36]. Theo số liệu nghiên cứu quốc gia về NMCT của Mỹ cho thấy bệnh nhân nữ giới có tỷ lệ tử vong trong viện và trong 6 tháng đầu cao hơn nam giới. Bệnh nhân nữ thường đến viện muộn hơn bệnh nhân nam sau khi khởi phát triệu chứng đau ngực và có tỷ lệ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành ít hơn cũng như can thiệp động mạch vành qua da ít hơn. Phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới dù có cùng độ tuổi hay cùng được can thiệp ĐMV qua da như nhau vì sốc tim, đột tử, rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp, vỡ tim [49],[50].

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nam giới là 308 bệnh nhân chiếm 70%, nữ giới có 132 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 30%. Tỷ lệ nam/ nữ là 2,33/ 1 gần tương đương với tỷ lệ trong nghiên cứu của Ndrepepa [48] nữ giới chiếm 28,5%, Vũ Quang Ngọc nghiên cứu trên 215 bệnh nhân NMCT cấp có ST chênh lên được can thiệp ĐMV [51] nữ giới chiếm 27,4%. Tỷ lệ này là thấp hơn so với tác giả Nguyễn Quang Tuấn [6] tỷ lệ nam/nữ là 3/1, tác giả David R [52] tỷ lệ nam /nữ là 2,99/1, có sự khác biệt về tỷ lệ giới nam/nữ là do cách chọn mẫu của chúng tôi là cỡ mẫu thuận tiện bao gồm cả bệnh nhân NMCT được can thiệp mạch vành hay điều trị nội khoa đơn thuần.

Qua biểu đồ 3.1 ta thấy ở nữ tỷ lệ bệnh nhân >70 tuổi (62,1%) cao hơn hẳn bệnh nhân nam (32,1%).Tỷ lệ tuổi >70 ở BN nam và BN nữ của chúng tôi tương đương với kết quả của tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt [50] (độ tuổi > 70 tuổi tỷ lệ nam là 32,9%, nữ là 63,5%). Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới đặc biệt là từ nghiên cứu Framingham [53] chỉ ra rằng nữ giới bị NMCT muộn hơn nam giới từ 10-20 năm, các biến chứng động mạch vành trầm trọng của cả hai giới đều tăng theo tuổi. Hơn nữa nữ giới tuổi càng cao tỷ lệ NMCT càng tăng được giải thích bởi hormone sinh dục nữ (Estrogen) có tác dụng giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, do ở thời kỳ sau mãn kinh nồng độ hormone giảm xuống nhanh chóng.

4.1.1.3. Đặc điểm về địa dư, nghề nghiệp

Trong nghiên cứu của chúng tôi qua bảng 3.1 tỷ lệ bệnh nhân NMCT có nghề nghiệp lao động trí óc chiếm 45%, lao động chân tay chiếm 25,7%, lao động khác chiếm 29,3%. Tỷ lệ lao động trí óc chiếm nhiều nhất, tỷ lệ này thấp hơn trong nghiên cứu của tác giả Trần Anh Tuấn [47] lao động trí óc 55,6%.

Bệnh nhân ở Hà Nội chiếm nhiều nhất trong các tỉnh thành còn lại 34,1%, chủ yếu sống ở vùng thành thị.

Như vậy lao động trí óc, sống ở vùng thành thị có thể coi là yếu tố tiên lượng tim mạch.

4.1.1.4. Thời gian nhập viện của bệnh nhân:

Kết quả nghiên cứu qua (bảng 3.1) của chúng tôi cho thấy:

Tỷ lệnh nhân ở nhóm đến sớm <24 giờ là 54,8% cao hơn tỷ lệ bệnh nhân ở nhóm đến muộn >24 giờ là 45,2%.

Trong đó ở nhóm đến sớm trước 12 giờ tỷ lệ bệnh nhân nam (44,2%) nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân nữ (31,8%). ở nhóm đến viện từ 12-24 giờ và nhóm đến muộn sau 24 giờ tỷ lệ bệnh nhân nam lần lượt là (12,3%), (43,5%) ít hơn ở nhóm bệnh nhân nữ lần lượt là (18,9%) (49,2%).Tỷ lệ nữ giới đến viện muộn > 24 giờ của chúng tôi thấp hơn tỷ lệ của tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt 60,9% [50], cao hơn tác giả Trần Trà Giang 38,3% [54]. Trong các nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuấn [6], cũng như nghiên cứu ở nước ngoài thì thời gian tái tưới máu trước 12 giờ sau NMCT thì bệnh nhân có tiên lượng tốt hơn [55].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tỷ lệ biến cố tim mạch chính trong một năm ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tại viện tim mạch việt nam (Trang 72 - 75)