4.1.2.1. Hút thuốc lá
Một điếu thuốc lá có chứa 25mg nicotin. Khi hút thuốc lá cơ thể chúng ta chỉ hấp thu một phần rất nhỏ chất này qua đường hô hấp, tuy nhiên sự
tích lũy theo thời gian và mức độ hút thuốc sẽ gây nên những hậu quả khó lường trước.
Thuốc lá gây tăng cholesterol máu, đẩy mạnh sự phát triển của xơ vữa động mạch nói chung và động mạch vành nói riêng, biến chứng thường gặp nhất là NMCT.
Người nghiện thuốc lá có tổn thương phế nang, tiểu phế quản gây ra tình trạng thiếu oxy mạn tính, do đó khi gắng sức đòi hỏi cung cấp nhiều oxy hơn bình thường do đó dễ xuất hiện cơn đau thắt ngực. Vì thế hút thuốc lá làm tăng nguy cơ NMCT.
Nghiên cứu ở Mỹ trên 4120 nam giới hút thuốc lá, người ta thấy nguy cơ bị bệnh ĐMV tăng gấp 3 lần và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc lá [4],[47].
Nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm ngay sau khi người hút thuốc (kể cả hút nhiều và lâu năm) từ bỏ thuốc lá, dần dần mức độ nguy cơ của họ sẽ tương đương với người chưa hút thuốc [37].
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 41,8% bệnh nhân có hút thuốc lá, chiếm phần lớn là ở nam giới 58,2% nữ giới chiếm 1,6%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn của tác giả Trần Anh Tuấn (64,5%) [47]. Tỷ lệ này cao hơn trong nghiên cứu của tác giả Stenestrantn U và cộng sự (2006) [56] bệnh nhân NMCT được can thiệp thì đầu có tỷ lệ hút thuốc lá 34,2%.
Như vậy hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ kinh điển của bệnh mạch vành nói chung và NMCT nói riêng, yếu tố này hoàn toàn có thể can thiệp được thông qua việc tuyên truyền giáo dục, cấm hút thuốc ở những nơi công cộng.
4.1.2.2. Tăng huyết áp
Theo nghiên cứu INTERHEART, bệnh nhân bị tăng huyết áp có nguy cơ bị bệnh ĐMV cao hơn những người không bị tăng huyết áp 1,91 [57] lần trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp là 52,3% thấp hơn trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuấn 63,7% [6], Nguyễn Thị Minh Nguyệt 56,5% [50]. Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của, Lê thị kim Dung 48,9% [37].
Tỷ lệ tăng huyết áp ở nam giới 50,1%, tỷ lệ tăng huyết áp ở nữ giới là 55,3% với p>0,05 sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Tăng huyết áp thường kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, việc dự phòng và kiểm soát tốt huyết áp là biện pháp góp phần bảo vào việc làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành, nhất là NMCT một cách có hiệu quả.
4.1.2.3. Đái tháo đường
Đái tháo đường là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh động mạch vành, cũng theo nghiên cứu INTRERHART bệnh nhân bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn 2,37 lần so với người không bị đái tháo đường. Bệnh nhân bị đái tháo đường mới mắc hoặc đã được chẩn đoán trước đây đều có nguy cơ tử vong cao hơn bệnh nhân không bị đái tháo đường [57].
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân bị đái tháo đường chiếm 18,2% trong đó tỷ lệ nam 17,5%, tỷ lệ nữ là 19,7%. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05. Tỷ lệ này cao hơn của Nguyễn Thị Minh Nguyệt 15,7% [50], thấp hơn của Trần Anh Tuấn 23,7% [47].
4.1.2.4. Rối loạn Lipid máu
Rối loạn lipid máu là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch. Tăng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C), làm giảm lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C), tăng triglyceride là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh động mạch vành, mức LDL-C càng cao thì nguy cơ bệnh động mạch vành càng lớn [58].
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân rối loạn lipid máu là 73,4% trong đó tỷ lệ nam là 73,7%, tỷ lệ nữ là 72,5%. Tỷ lệ này cao hơn của Lê Thị Kim Dung (7,3%) [37].