Hoàn thiện đối phó với rủi ro

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ THEO HƯỚNG QUẢN TRỊ RỦI RO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 103 - 107)

2013 và COSO 2016

3.2.5. Hoàn thiện đối phó với rủi ro

Doanh nghiệp sẽ phải xác định và lựa chọn cách thức đối phó với rủi ro: Né tránh rủi ro, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ rủi ro hay chấp nhận rủi ro. Rủi ro đến bất

ngờ, ở bất kì tổ chức nào, vào bất cứ thời điểm nào. Vì thế doanh nghiệp cần xem xét mức độ ảnh hưởng của rủi ro để lựa chọn cách thức đối phó với rủi ro trong mối quan hệ lợi ích – chi phí và trong mối quan hệ toàn diện với tất cả các hoạt động của đơn vị. Bất kì biện pháp xử lý rủi ro nào cũng phải đảm bảo đem lại các kiểm soát hiệu quả.

Tác giả xin trình bày một số khả năng chống đỡ cho một vài rủi ro có thể xảy ra như sau:

- Nguồn nguyên vật liệu:

Đối với nguyên liệu gỗ nhập khẩu, để giảm giá cước vận chuyển, giữ giá cả và chất lượng gỗ ổn định, doanh nghiệp nên cùng liên kết mua số lượng lớn trên cùng chuyến hàng. Về rừng trồng, cần quy hoạch diện tích đất trồng rừng mang tính tập trung, tránh đầu tư phân tán; chọn giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, nhân rộng các cơ sở sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô; thực hiện thâm canh theo đúng qui trình từ khâu chăm sóc, bón phân một cách hợp lí; cấp đất trồng rừng có quy hoạch cụ thể, thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết về chứng chỉ rừng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong khâu tiêu thụ. Đồng thời, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (thay thế xuất khẩu dăm gỗ - nguyên liệu giấy dưới dạng thô như hiện nay), đầu tư các nhà máy chế biến gỗ nhân tạo, ván MDF… Các doanh nghiệp chế biến gỗ cùng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, trồng rừng nguyên liệu để có nguồn gỗ ổn định.

Doanh nghiệp nên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách ký kết với các nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, cung cấp dài hạn cho Việt Nam nhằm cải thiện việc nhập khẩu bấp bênh tự phát từ mỗi doanh nghiệp, vừa tốn chi phí vừa giá cao do mua với khối lượng ít. Muốn thực hiện được điều này các doanh nghiệp phải liên kết hỗ trợ với nhau nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu gỗ sử dụng và phải có cơ quan chức năng hay hiệp hội gỗ của tỉnh đứng ra tổng hợp lại, sau đó lên kế hoạch trình Chính phủ xét duyệt ký kết hợp đồng với nước nào

có nguồn gỗ dồi dào, giá rẻ, ổn định lâu dài nhất.

Nâng cao tay nghề đội ngũ công nhân, nghiên cứu việc cưa xẻ gỗ, lắp ráp, hạn chế đến mức thấp nhất những hư hỏng trong sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu gỗ trên từng m3 tinh gỗ (sử dụng máy cưa CNC), tận dụng phế liệu sản xuất ván ép, ván dăm. Đặc biệt tận dụng nguồn bột cưa để bán cho các cơ sở gạch ngói, cơ sở làm bột nhan.

- Nguồn vốn:

Các doanh nghiệp nên chú trọng tích lũy vốn, từng bước giảm dần tỷ trọng vốn vay trong tổng nguồn vốn. Mặt khác, doanh nghiệp nên kiến nghị với Nhà nước có chính sách ưu tiên về vốn để các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi riêng về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chế biến gỗ, nhất là vay đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động.

- Thiết bị và công nghệ:

Các doanh nghiệp nên căn cứ vào nhu cầu sản xuất thực tế, dự báo nhu cầu sản xuất tương lai để quyết định đầu tư công nghệ cho phù hợp. Dựa vào khả năng tài chính của mình để đầu tư công nghệ thích hợp, tránh lãng phí hoặc đầu tư mất cân đối. Hiện nay các doanh nghiệp chế tạo máy tại Việt Nam cũng đã có uy tín, ở đây có thể tìm thấy những loại máy móc, thiết bị hiện đại, giá cả thường thấp hơn mặt hàng nhập khẩu cùng loại, thuận lợi trong bảo hành bảo trì, lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Đầu tư, đổi mới công nghệ kết hợp với việc quản lý sản xuất tốt để đạt được kết quả tối ưu trong việc khai thác, sử dụng công nghệ.

Việc sử dụng thiết bị cần đảm bảo nguyên tắc đồng bộ tiên tiến, phù hợp với công nghệ lựa chọn, ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng thiết bị ít gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp. Cụ thể, định hướng phát triển một số loại thiết bị như sau:

+ Các loại thiết bị xử lý nguyên liệu.

+ Các thiết bị sản xuất ván ghép thanh, ván MDF, ván dán, ván dăm: theo công nghệ mới, ít ô nhiễm...

+ Các thiết bị sản xuất phụ kiện sử dụng trong sản xuất đồ mộc.

Bên cạnh việc hình thành các doanh nghiệp mới với trang thiết bị mới, hiện đại, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ phải thường xuyên duy tu nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện tại và trong tương lai. Khi đầu tư trang thiết bị và công nghệ chế biến mới phải đảm bảo: tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa để đảm bảo chất lượng sản phẩm; giảm cường độ lao động của công nhân, giảm sự phụ thuộc nguồn lao động trong chế biến gỗ; công nghệ sản xuất sạch hơn, bảo vệ được môi trường, sử dụng tối đa nguồn năng lượng sạch để tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Nhanh chóng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ chế biến gỗ vào sản xuất như công nghệ tạo vật liệu mới, công nghệ xử lý gỗ, công nghệ sử dụng các phế liệu dạng tơ sợi trong sản xuất nông lâm nghiệp.

- Nguồn nhân lực:

Ngành chế biến gỗ cần phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt với các trường công nhân kỹ thuật về đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm cung cấp nguồn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo sau khi ra trường lực lượng này có thể sử dụng ngay được. Thông qua các chương trình liên kết, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên chuyên ngành về lâm sản được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học liên quan đến lĩnh vực chế biến gỗ.

Phải có chương trình đầu tư cho đào tạo huấn luyện lao động, nâng cao tay nghề công nhân.

Tạo môi trường làm việc mang tính chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho lao động phát huy tài năng và cơ hội học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Hàng năm, doanh nghiệp cần phải trích lập quỹ đào tạo để tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp

vụ, trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ, vi tính… Đề cử nhân viên quản lý tham gia các khóa học về nhận diện, đánh giá, kiểm soát rủi ro để có sự hiểu biết về lĩnh vực này về áp dụng vào xây dựng chương trình kiểm soát rủi ro phù hợp với đơn vị mình.

Các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động dài hạn, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm đối với lực lượng đã qua thời gian thử việc đạt yêu cầu. Đề ra các mức thi đua khen thưởng hợp lý (xếp loại tháng, quý, tăng ca để kịp tiến độ giao hàng,…), nhằm giúp người lao động yên tâm làm việc lâu dài tại doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ THEO HƯỚNG QUẢN TRỊ RỦI RO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 103 - 107)