Trong sự nghiệp văn chương của mình, ngoài việc sáng tác tuồng để thỏa niềm đam mê nghệ thuật và để gửi gắm nỗi lòng, Đào Tấn còn viết thơ và từ khúc. Theo một số tài liệu nghiên cứu, thơ và từ của Đào Tấn được sao chép rải rác ở nhiều tập, có tập chép riêng thơ ông, có tập chép chung với thơ của nhiều người khác. Trong đó, bản chép đáng tin cậy hơn hết là tập “Tiên nghiêm Mộng Mai
ngâm thảo” do hai người con gái của Đào Tấn là bà Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, tác giả Tịnh Ba sao lại vào năm 1964, cả tập gồm 107 bài.
Bên cạnh tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo, các nhà nghiên cứu còn đưa ra hai tập Mộng Mai từ lục gồm 59 bài và Mộng Mai thi tồn 36 bài. Ngoài ra, theo các tác giả sưu tầm, Đào Tấn còn có khoảng 45 bài thơ và từ được chép lẻ tẻ không thành tập.
Tổng hợp các tập văn bản trên lại, số lượng thơ và từ sưu tập được của Đào Tấn là 247 bài (trong đó có 2 bài thơ Nôm được cho là của cụ Đào), “so với con số mà nhiều người trước kia kể lại (hơn 1000 bài) thì thơ và từ của Đào Tấn còn bị mất quá nhiều”(Vũ Ngọc Liễn).
Qua quá trình đối chiếu nhiều mặt, năm 1987 tác giả Vũ Ngọc Liễn và sáu người nữa trong nhóm biên soạn của ông đã chọn lọc 110 bài (86 bài thơ và 24 bài từ) được tin là của Đào Tấn và giới thiệu các tác phẩm này với người đọc trong tập
“Thơ và từ Đào Tấn”, Nxb Văn học.
Năm 2003, tác giả Vũ Ngọc Liễn trong tập “Đào Tấn – Thơ và từ” (Vũ Ngọc Liễn biên khảo), Nxb Sân khấu đã bổ sung thêm 36 bài từ, nâng số lượng từ khúc của Đào Tấn lên 60 bài. Tuy nhiên, gần đây, kết quả biện ngụy của các nhà nghiên cứu ở viện Văn học cho thấy: trong số 60 bài từ của Mộng Mai từ lục có tới 43 bài là tác phẩm của các từ gia Trung Quốc, 17 bài còn lại, chỉ có 11 bài có thể tin được là tác phẩm đích thực của Đào Tấn, 6 bài còn lại vẫn cần nhiều lưu ý khi giới thiệu, nghiên cứu5
.
Theo gia phả họ Đào, ngoài tuồng hát, thi từ, Đào Tấn còn viết nhiều văn biểu, câu đối và sáng tác cả âm nhạc. Trong thời gian làm quan với triều Nguyễn, Đào Tấn từng được sắc chỉ giao cho soạn thảo nhiều nhạc chương khúc điệu. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân, những sáng tác âm nhạc đó của Đào Tấn đều đã bị thất truyền.
5 Xem thêm “Sự thực nào cho “Mộng Mai từ lục” của Đào Tấn” và “Thêm ...” của Phạm Văn Ánh, Th.S Viện Văn học.
Chương 2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH TRONG NỘI DUNG THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN