Tấm lòng yêu thương nhân dân

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ và từ đào tấn (Trang 53 - 59)

Ngạn ngữ Nga có câu: “Những gì trái tim không để tâm tới thì đôi mắt cũng không nhìn thấy được”. Câu nói ấy vận vào con người Đào Tấn thật đúng. Trái tim Đào công lúc nào cũng ấp ủ một niềm yêu thương trìu mến, một sự quan tâm chân thành với nhân dân lam lũ, cần lao cho nên dù ở đâu, dù làm gì thì tâm trí và đôi mắt ông cũng hướng đến cuộc đời và số phận của những con người “thấp cổ bé họng” trong xã hội. Chiến tranh nổ ra và kéo dài theo mỗi bước đi của giặc Pháp trên đất nước ta đã khiến cuộc sống của biết bao người dân rơi vào cảnh khốn quẫn, điêu linh. Trên khắp ba miền tổ quốc, đâu đâu những chứng tích tội ác của kẻ thù cũng khiến lòng người căm phẫn, nhức nhối. Trong những ngày tháng tối đen đó của lịch sử, trái tim Đào Tấn đã thật sự rung lên, đã đập những nhịp đập đau xót cùng trái tim của biết bao người dân vô tội để rồi trong mỗi trang thơ ông, cuộc sống của họ với bao nỗi cơ cực, lầm than đã được nhìn nhận và phản chiếu một cách chân thực bằng tất cả niềm thương cảm trong tâm hồn nhà thơ.

Trong hơn sáu mươi năm gắn bó với cuộc đời, tuy có lúc Đào Tấn đã làm đến chức Thượng thư, Tổng đốc nhưng lúc nào ông cũng giữ một phong cách sống thanh bạch, gần gũi với nhân dân. Cuộc sống chia ngọt sẻ bùi với quần chúng suốt từ thuở ấu thơ cho đến những năm dài bôn ba trên con đường hoạn lộ đã khiến nhà thơ thấu hiểu hơn ai hết số phận và tâm hồn của những người dân thôn quê hiền hậu, chất phác. Ở Đào Tấn, lòng yêu thương nhân dân không phải là thái độ ban ơn

“quan trên trông xuống” hay một thứ tình cảm nhân đạo chung chung. Nhà thơ đã thật sự sống đời sống của những người nông dân, đã lo cùng nỗi lo và vui chung niềm vui của họ. Chứng kiến những cánh đồng của dân đang nứt nẻ, khô cháy đi vì trời hạn kéo dài, ông xót xa đến mức đứng ngồi không yên:

Xuân, hạ tồ thu thốn trạch vô Cao đê, điền mẫu thái tiêu khô

(Thương hạn – Xót trời hạn) (Từ xuân, hạ đến thu, vẫn chưa có giọt mưa nào Đồng thấp, đồng cao đều khô cháy cả)

Không chỉ lo cùng nỗi lo của trăm họ, Đào Tấn còn đồng cảm với bao nỗi khó nhọc của những người nông dân quanh năm tất tả với ruộng đồng:

Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên Đạp xa nhi nữ ca thả miên

Thi nhân mỗi đạo điền gia lạc Như thử điền gia tối khả liên

(Thủy xa)

(Tháng năm tháng sáu trời chẳng mưa

Cô gái đạp guồng xe nước vừa hát vừa ngủ gật Nhà thơ cứ nói nhà nông vui

Nhưng nhà nông thế đấy thì đáng thương biết chừng nào) Có thể dưới con mắt của những nhà nghệ sĩ lãng mạn, cái cảnh “cô gái đạp guồng xe nước vừa hát vừa ngủ gật” rất nên thơ và thi vị, có thể vẽ thành bức tranh nhà nông nhàn nhã, yên vui nhưng với Đào Tấn, làm sao “nhà nông”có thể yên vui khi đến cả một giấc ngủ trọn vẹn họ cũng không có được. Tấm lòng yêu dân của Đào Tấn đã giúp ông không những đồng cảm được với nỗi lo “ruộng đồng” của những con người suốt bốn mùa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà còn thấu hiểu cả ngàn mối ưu tư trong cuộc sống mưu sinh vất vả của họ sau ba ngày tết ngắn ngủi:

Đồng du tam nhật xuân Trúc phù khan phóng hạ Thiên lự hựu tùy nhân

(Tân Sửu trừ tịch) (Xong công việc một năm Cùng vui ba ngày tết Khi cây nêu hạ xuống Ngàn nỗi lo lại theo người)

Trong cơn ác mộng của đêm dài nô lệ, người dân đâu phải chỉ gánh trên lưng nỗi lo cơm áo gạo tiền vốn dĩ đã "chín dạn hai vai " mà còn phải gồng mình hứng chịu những cơn đọa đày, những trận binh lửa khốc liệt của thực dân Pháp. Biết bao nước mắt đã rơi, biết bao máu đã đổ và biết bao gia đình đang đầm ấm, yên vui phút chốc bỗng thành ra tan tác, chia ly. Đi ngang qua một ngôi nhà bỏ hoang của người dân đi chạy loạn, nhìn khung cảnh tiêu điều, xơ xác của xóm làng và cũng là khung cảnh tang thương chung của đất nước, Đào Tấn không nén nổi tiếng thở dài chua xót, cảm thương cho số phận những người dân vô tội:

Thùy gia trú trạch Bắc sơn ôi Loạn hậu bô nhân thượng vị hồi Trù trướng môn tiền thị quan đạo Lâm phong nhất thụ hạnh hoa khai

(Kinh phế trạch) (Nhà ai dựng ở hẻm núi phía Bắc Sau khi loạn, người đi trốn vẫn chưa về Buồn hiu, con đường quan trước cửa Một cây hạnh nở hoa trước gió)

Cái buồn hắt hiu của ngoại cảnh dường như đã thấm đẫm trong cái buồn tê tái của lòng người. Không gian hoang phế, xác xơ chỉ còn trơ lại một ngôi nhà trống và một cây hạnh lẻ càng làm cho nỗi sầu thế cuộc và niềm thương xót cho nhân dân trong lòng thi nhân thêm ai oán, não nề.

Càng buồn vì thời thế dâu bể, càng thương dân khốn đốn vì cái họa của đất trời và cái họa của lũ giặc Tây, Đào Tấn lại càng tức giận trước thái độ vô tâm, vô trách nhiệm của những kẻ mang danh là vua của một nước, là cha mẹ của dân. Trong khi trăm họ đang ngả nghiêng, chao đảo giữa một bên là khói lửa giặc thù, một bên là hiểm họa thiên tai, nạn mất mùa, đói nghèo đang ngày đêm đe dọa thì triều đình Huế lại công nhiên vui vẻ hưởng lạc, say sưa với những bữa tiệc linh đình. Trong bài thơ Thương hạn, bằng cách nói bóng gió xa xôi như trách “lão long” vô tâm, nhắn nhủ “lôi thần” đôi lời, Đào Tấn đã ngầm ý mỉa mai, phê phán cả một triều đình ung nhọt, nhẫn tâm bưng tai bịt mắt trước mọi nỗi khổ của nhân dân:

Lão long bất thức miên hà xứ Ký ngữ lôi thần vị nhất hô

(Chẳng biết lão rồng đang ngủ ở nơi đâu Nhắn với thần sấm hãy gọi lão cho một tiếng)

Trong một bài thơ khác, cũng bằng cách nói gián tiếp pha chút hóm hỉnh, mỉa mai, nhà thơ họ Đào đã tố cáo, vạch trần bộ mặt bại hoại đạo đức và lòng tham không đáy của những ông quan địa phương. Họ đã chẳng làm tròn trách nhiệm “dân chi phụ mẫu” của mình lại còn trắng trợn cướp bóc, vơ vét mọi tài sản của dân nghèo:

Khứ nhật Nam Đàn hô thỉ dật

Thanh Chương kim vãn hựu dương kinh Cách giang hà sự thiên đồng hoạn Nghi thị thuyền trung hữu báo huynh

(Tổng đốc hành bộ hý tác) (Ngày hôm qua ở Nam Đàn có kẻ hô mất lợn

Tối hôm nay ở Thanh Chương lại có chuyện dê nhà ai hoảng chạy

Sao ở bên này sông bên kia sông lại xảy ra chuyện hoạn nạn trùng nhau

Hẳn là trong thuyền có chú beo)

Dưới mắt Đào Tấn, trong cái xã hội ngột ngạt, đảo điên, quân Pháp đang nắm chính quyền, vua chúa quanh năm vui thú trong tiệc tùng và quan lại thì bốn mùa vơ vét ấy, chỉ có những người dân nghèo là khốn khổ, đáng thương mà thôi.

Nếu khi viết về nỗi khổ của người nông dân, ngòi bút Đào Tấn thấm đượm niềm thương cảm thì lúc ghi lại niềm vui về một vụ mùa bội thu sắp tới của những người lao động chân chất, thật thà, ngòi bút của thi sĩ như hân hoan, reo cười:

Vạn kim hảo vũ tán nguyên điền Tẩy tịnh viêm trần lục nguyệt thiên Dã tẩu tự tri hòa khí chí

Đông trù chỉ cố thoại phong niên

(Hỷ vũ)

(Cơn mưa lành như muôn vàng rải xuống ruộng đồng Rửa sạch lớp bụi nóng của tiết trời tháng sáu

Ông lão nhà quê dường biết được niềm vui đã đến

Trỏ nhìn cánh đồng phía đông mà bàn chuyện được mùa) Nụ cười mãn nguyện thấp thoáng sau câu thơ của Đào Tấn chợt làm ta nhớ đến tiếng reo hạnh phúc của Cao Chu Thần năm xưa khi chứng kiến người nông dân gặp được cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt:

Thôn biên tam ngũ thùy gia tử, Nhật mộ hà sừ cam túy quy. Phụ ác đồn đề nhi tải tửu, Nhất chước nhất ca sừ tại thủ. Lạp phiêu tiễn thấu kỷ trùng y, Do tự hoan nhan thoại nam mẫu. Thả quy liêu lý vạn tư tương,

Vũ thuận phong hòa báo tuế nhương

(Các thí nông phu lạc tuế hành – Cao Chu Thần thi tập)

(Con ai bên xóm năm ba gã,

Chiều vác bừa về say nghiêng ngả. Vợ cầm giò lợn, con mang rượu, Vừa uống, vừa ca, bừa vẫn kéo. Nón nghiêng ướt thấm áo bao lần, Vui chuyện ruộng đồng nói líu tíu. Sửa soạn nhiều thêm vạn bịch bồ, Gió hòa mưa thuận được mùa to)

Nhìn lại cuộc đời Đào Tấn, có thể thấy, yêu thương nhân dân, yêu thương con người luôn luôn là một phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn nhà thơ. Bởi nếu không thật sự quan tâm, yêu mến thì làm sao ông có thể cảm nhận được một cách trọn vẹn, thấm thía niềm sung sướng vô hạn của nhà nông khi có được cơn mưa

“như muôn vàng” trong những ngày nắng hạn và làm sao ông có thể dành cho họ cái nhìn đầy ấm áp, chan chứa tình thương đến vậy. Với Đào Tấn, từ lâu rồi, cuộc sống thường nhật của nhân dân với những nỗi lo thiên tai, cướp bóc hay những nụ cười mang bao hi vọng, những câu chuyện “được mùa” rôm rả sau cơn mưa lành của đất trời đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông. Chỉ cần được nhìn thấy những cánh đồng lúa của người nông dân luôn trĩu hạt, nặng bông, thấy cuộc sống của nhân dân yên bình, no đủ thì dẫu bản thân phải sống trong cảnh thiếu thốn, tâm hồn ông cũng luôn dào dạt niềm vui:

Cố miến cầm thư tiểu bế trai

Niên quang nhẫm nhiễm trợ ngâm hoài Đông trù cốc dĩ tam phân thục

Nam dũ sơn như nhất tự bài Vô tửu vô hoa ngã thường lạc

(Hoàn thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu) (Ngắm lại đàn sách đóng cửa phòng văn

Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín

Cửa sổ bên nam thấy dáng núi như hình chữ nhất Không rượu không hoa mà ta vẫn vui).

So với những chí sĩ cùng thời, có thể Đào Tấn không có được những hành động yêu nước mãnh liệt, dứt khoát nhưng tình cảm yêu thương sâu nặng, chân thành dành cho nhân dân trong ông thì mãi mãi tỏa sáng như ngọn đuốc trong đêm. Ngọn đuốc ấy không chỉ xua đi những nghi kị, những hiểu lầm không đáng có bấy lâu nay về ông mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp nhân cách cao quý của một con người, một tâm hồn luôn nặng trĩu nỗi đau đời.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ và từ đào tấn (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)