Ngoài tình cảm với quê hương, gia đình, thơ và từ của Đào Tấn còn thể hiện tình cảm thân thiết, gắn bó của ông đối với bạn bè. Sống trong chốn quan trường hiểm hóc “lòng người quanh tựa nước non quanh” lại thêm nỗi thời đại lắm điều nhiễu nhương, trắng đen đảo lộn, với Đào Tấn nói riêng và với rất nhiều những vị lương thần thanh bạch, liêm khiết như ông nói chung, việc tìm được một người bạn thật sự là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy, khi có được những tình bạn tri kỉ, những người bạn có thể thấu hiểu và đồng cảm với mình, nhà thơ hết sức quý trọng, nâng niu. Dù là khi còn làm quan với triều đình hay khi đã về hưu vui với đồng ruộng, lúc nào ông cũng dành một sự quan tâm đặc biệt đến những người bạn cố tri. Những đêm thanh vắng ở nơi xứ người, nhìn bóng trăng đầu ghềnh đơn chiếc, ông bâng khuâng nhớ đến người bạn thân cũng đang chịu cảnh ngộ làm quan xa quê như mình:
Tuế mộ hoài nhân ký viễn thư Hà Đình phong cảnh cận hà như Niên niên ký thủ nham đầu nguyệt Thập nhị hồi viên đáo tác cư
(Ký hoài Hà Đình công) (Năm hết nhớ người bạn xa gửi thư thăm
Phong cảnh nhà hoa sen chẳng biết gần đây ra sao Hằng năm hãy nhớ lấy mảnh trăng đầu ghềnh Mười hai độ tròn trăng đã soi đến nơi ta ở lẻ loi)
Khi đã quen thuộc với cuộc sống nơi đồng quê dân dã, ông cũng không quên gửi chút lòng thương mến, nhớ nhung đến người bạn cũ năm xưa:
Dã sắc, sơn quang tiệm nhập xuân Thôn kiều tiểu lập ý toan tuần Quy lai tự hữu điền viên lạc Hà xứ thiên nha ức cố nhân
(Tuế mộ ngẫu chiêm thư ký Hà Đình hưu ông)
(Màu quê sắc núi đà dần chuyển vào xuân
Đứng chốc lát trên cầu quê lòng những bâng khuâng Về hưu là ta đã có nguồn vui với đồng ruộng
Vậy mà cứ nhớ người bạn cũ ở phương trời nào)
Không chỉ bày tỏ lòng thương nhớ riêng tư mà nhà thơ còn luôn quan tâm đến cuộc sống, sự nghiệp của bạn bè. Trong bài thơ Trùng phỏng Long Cương ông đã viết:
Long Cương bất đáo thập niên trì, Ỷ trạo giang đầu vọng xứ nguy. Bạch phát kỷ nhân do kiện tại, Thanh sơn hữu ước mỗi sai trì.
Cô tùng nhất kính thương lương thậm, Cựu vũ trùng lai ngộ hiệp kỳ.
Túy sáp hoàng hoa quy tiểu ốc, Phần hương độc tọa phúc quân thi.
(Đã mười năm rồi chưa đến thăm ông Long Cương, Tựa cây chèo ở đầu sông nhìn về nơi mà ông được đặt vào chỗ nguy nan.
Tóc bạc mấy người vẫn còn khỏe đó, Nhưng non xanh hẹn ước vẫn cứ sai hoài. Một lối tùng chơ vơ xiết bao hoang vắng, Lại trở lại trận mưa xưa – sự gặp gỡ lạ kỳ.
Đã say rồi, cắm đóa cúc vàng quay về nơi nhà nhỏ, Đốt hương ngồi một mình đọc đi đọc lại thơ ông).
Nghĩ đến cuộc đời bất hạnh, lận đận với đường công danh của một người bạn nghèo khó, trong bài thơ “Khốc tây tân Đinh Tử Trạch”, Đào Tấn đã khóc bạn bằng cả trái tim đầy nước mắt:
Khách ngã lục niên cửu Lân quân nhất thế cùng
Thanh biên đồ bạch phát Huỳnh diệp hốt thu phong Luyến cố tình hà cực
Hoàn gia mộng chuyển không Tha sinh như khả bốc
Mạc hướng tuyết song trung
(Khốc tây tân Đinh Tử Trạch) (Làm khách của ta đã sáu năm trời
Thương bạn một đời nghèo khó
Quyển sách xanh luống để mái đầu bạc trắng Chiếc lá vàng, bỗng rụng trước gió thu Quyến luyến với bạn, tình sao nặng thế Giấc mộng về nhà trở thành không Giá có thể đoán được kiếp sau
Xin chớ quay về nơi cửa sổ có tuyết rơi)
Mặc dù không phải là những người bạn đã gắn bó với nhau từ thuở hàn vi, không có những kỉ niệm cùng thưởng thức “thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”, hay bên nhau uống rượu làm thơ như Nguyễn Khuyến và Dương Khuê nhưng lúc nào tình bạn của Đào Tấn và Đinh Tử Trạch cũng bền chặt, thủy chung “từ trước đến sau”. Khoảng thời gian sáu năm chung sống cùng nhau dưới một mái nhà tuy không phải là quá dài nhưng cũng đủ để tạo nên một tình bạn thật đẹp giữa thi sĩ họ Đào và người khách ở hiên tây. Thương bạn một đời long đong trên đường hoạn lộ, thương người khốn khổ đã nằm xuống mãi mãi mà giấc mộng vinh quy bái tổ vẫn “biền biệt phương trời”, Đào công không ngăn nổi những giọt nước mắt nghẹn ngào, xót xa. Tiếng khóc nức nở, bi thương đầy xúc động cho một kiếp người bất hạnh ấy của nhà thơ phải chăng cũng chính là tiếng khóc thương thân, tiếng khóc chung cho cả một thế hệ nhà nho có nhiệt huyết, có tâm với đời nhưng lại trót sinh ra giữa lúc xã hội đang đảo điên, quay cuồng trong cơn giông tố, bể dâu!
Sau khi đã trải qua bao nhiêu mưa nắng, bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời đen bạc, điều may mắn còn lại của Đào Tấn chính là có được niềm hạnh phúc đoàn viên bên người thân, có được những người bạn tri kỉ, chân thành, có thể hiểu nhau đến độ chỉ cần “nghe tiếng gõ cửa lúc hoàng hôn mưa gió” thì “biết là khách vì buồn mùa thu mà đến ban đêm”:
Hoàng hôn phong võ khấu môn thanh Tri thị thương thu khách dạ hành Tương đối chỉ ngôn trùng cửu nhật Bất đăng cao xứ phụ hoa tình
(Cửu nhật muộn tọa đắc
Hà Đình công dạ phỏng) (Nghe tiếng gõ cửa lúc hoàng hôn mưa gió
Biết là khách vì buồn mùa thu mà đến ban đêm Ngồi với nhau chỉ bàn chuyện ngày trùng cửu Mà không leo núi đã là phụ tình hoa)
Những câu thơ giản dị viết về chút tình tri kỉ, tri âm – “tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu”23 – của ông với những người bạn tâm giao ngày hôm qua vẫn khiến cho bao người đọc hôm nay bùi ngùi, xúc động. Dù đã có lúc đạt tới đỉnh cao của danh vọng, giữ trong tay phẩm hàm cao quý bậc nhất trong triều nhưng trọn đời Đào Tấn vẫn luôn sống một cuộc sống bình dị, gần gũi với gia đình, bè bạn. Đây cũng chính là một trong những điều đã tạo nên nhân cách “mai hoa” thanh sạch, cao quý trong con người Đào công, ông quan – nhà thơ của những tình cảm nồng hậu, chân thành.
Chương 3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH TRONG NGHỆ THUẬT THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN