0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (153 trang)

Nỗi niềm thương nhớ quê nhà

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN (Trang 59 -68 )

Nỗi niềm thương nhớ quê nhà từ lâu đã trở thành chút tâm tư luôn canh cánh bên lòng của rất nhiều khách thơ trót mang thân phận ly hương trong văn học kim cổ. Giở lại những trang thơ đã vương màu thời gian của người xưa, ta có thể tìm thấy rất nhiều những nỗi niềm “tư cố hương”, “vọng gia hương”, rất nhiều những nỗi buồn viễn xứ, nỗi sầu tha phương mà đến nay vẫn còn làm day dứt lòng người. Từ những thi phẩm man mác phong vị cổ điển của các tác giả Trung Hoa như Cao Thích, Lí Bạch, Thôi Hiệu:

Cố hương kim dạ tư thiên lý

Sương mấn minh triêu hựu nhất niên

(Trừ dạ tác – Cao Thích) (Mơ hoài quê cũ xa ngàn dặm

Lại một năm về tóc bạc thêm)

(Hoài Châu dịch)

Sàng tiền minh nguyệt quang Nghi thị địa thượng sương Cử đầu vọng minh nguyệt Đê đầu tư cố hương

(Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương)

(Tương Như dịch)

Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu) (Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) (Tản Đà dịch)

cho đến những trước tác mang đậm nét dân tộc của những nhà thơ trung đại Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du:

Nhất tòng luân lạc tha hương khứ Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua Thiên lý phần uynh vi bái tảo Thập niên thân cựu tận tiêu ma [...]

Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng Mạc giao nhật nhật khổ tư gia

(Thanh minh – Nguyễn Trãi) (Lưu lạc quê người tính đến nay

Thanh minh mấy tiết đếm đầu tay Mộ phần ngàn dặm đìu hiu vắng Bạn hữu mười năm khuất bóng mây [...]

Nâng ly gượng nhắp lòng chua xót Nỗi nhớ quê hương vợi tháng ngày)

Vọng vọng gia hương tự nhật biên Hoành sơn chỉ cách nhất sơn điên Khả liên quy lộ tài tam nhật Độc bão hương tâm dĩ tứ niên

(Nễ giang khẩu hương vọng – Nguyễn Du) (Nhìn quê xa tựa mặt trời

Cách hoành sơn, chỉ một thôi núi này Đường về đi bộ ba ngày

Lòng quê đã bốn năm nay nhớ hoài) (Vương Trọng dịch)

có thể thấy, dù ở đâu hình ảnh quê hương, nỗi niềm nhung nhớ quê hương cũng luôn hiện hữu, luôn da diết trong tâm hồn của những người đi xa. Song nếu “cố hương” trong thơ Trung Hoa thường man mác “tính hoài cổ, sầu nhân thế”, “là cố hương mang tính phiếm định”12 thì “cố hương” trong tâm khảm của các nhà nho Việt Nam lại là một làng quê cụ thể. Đó là sông Lam, núi Hồng trìu mến vẫn hay xuất hiện trong thơ Nguyễn Du với bao nhớ nhung, hoài vọng; là mảnh đất Gia Định ruột thịt luôn đọng mãi trong dòng suy tưởng của người con miền Nam Nguyễn Thông và là thành Quy Nhơn “trống vẽ thuyền lầu”, “suối hoa bến liễu”

thân thương vẫn thường song hành cùng nỗi buồn nước mất trong tâm trí của nhà thơ đất Bình Định Đào Tấn:

Bạch vân lai Hồng nhật khứ Mộ mộ triêu triêu Kỷ độ lưu quang thử

Gia tại Quy Nhơn thành ngoại trú Họa cổ lâu thuyền

[...]

Hoa khê dương liễu độ

[...]

Nhất phiến hoàng lô

(Bài từ thứ 7 – Điệu Tô mạc già13

) (Mây trắng đến

Mặt trời hồng đi Hết sáng lại chiều

Bao nhiêu mùa nóng bức Nhà ở ngoài thành Quy Nhơn Trống vẽ thuyền lầu

[...]

Suối hoa, bến liễu [...]

Lau vàng mỗi khóm)

Trong suốt cuộc đời gió bụi của mình, gần như lúc nào hình bóng quê xa cũng khắc khoải trong tim Đào công. Ở nơi đất lạ “mịt mờ không nhận ra đường về quê hương” (Mang nhiên bất biện hoàn hương lộ)14

, cứ mỗi độ đông qua, xuân đến, nỗi nhớ thương “cảnh cũ người xưa” trong ông lại dâng đầy theo từng bước đi của thời gian:

Tuế hoa tự dịch thông thông vãng Hương mộng tùy xuân nhiễm nhiễm quy

(Quý Mão trừ tịch thư hoài) (Năm tháng trôi đi nhanh như ngựa trạm

Mộng nhớ quê nhà luống theo xuân về)

Có những đêm mưa lạnh, gió rét, trong khi bao người đang quây quần, sum họp bên gia đình thì ở căn phòng nhỏ nơi đất lạ xa xôi, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hiu hắt, chỉ một mình “cánh chim hồng lẻ loi lạc loài” Đào Tấn lặng lẽ với nỗi nhớ quê đến day dứt của riêng ông:

13 Nhóm tác giả Vũ Ngọc Liễn đã ghi nhầm thành điệu Tô mộ già

Di đăng tịnh lập tiểu song tiền Bạc vũ khinh hàn nhân vị miên Khách cửu hồn vong xuân kỷ độ Tiếu tùng nhi bối vấn sinh niên

(Canh Tý trừ tịch) (Xê ngọn đèn rồi đứng im trước cửa sổ Mưa phùn rét nhẹ, người chưa ngủ

Ở đất khách lâu ngày như không còn nhớ mấy mùa xuân đã đi qua

Buồn cười là ta phải theo hỏi lũ cháu con về năm sinh tháng đẻ của mình)

Thấp thoáng sau hình ảnh một người “khách gươm đàn” tóc đã nhuộm màu thời gian, dường như có một tiếng thở dài đắng đót, một nỗi sầu xa xứ miên man. Ngồi một mình trong căn phòng vắng, Đào Tấn khẽ nở một nụ cười, cái cười nghe sao thật buồn khi lặng lẽ ngẫm nghĩ về cuộc đời phiêu dạt đã qua. Ông tự “chê” bản thân lẩm cẩm “phải theo hỏi lũ cháu con về năm sinh tháng đẻ của mình” nhưng thật ra mỗi một ngày trôi qua là một ngày nỗi nhớ quê hương thêm đong đầy trong trái tim nhà thơ. Trong sáu mươi ba năm gắn bó với trần thế thì đã có hơn ba mươi năm ông cô đơn làm thân lữ khách. Khoảng thời gian lênh đênh, xiêu tán ấy cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một lời nhắc nhở, một nỗi ám ảnh day dứt, xót xa. Ba mươi năm Đào Tấn mỏi mệt trong vòng trần ai tranh giành thoán đoạt cũng là ba mươi năm ông âm thầm góp nhặt, ôm mang nỗi nhớ với quê hương:

Toan tuần ngũ thập lục niên hoa Dĩ trấp niên xuân bất tại gia

(Tuế đán ngẫu thành) (Thấm thoát đã năm mươi sáu tuổi tròn Hết ba chục cái xuân ta không có ở nhà)

Giai kỳ ngã diệc lão khiên ngưu

(Thất tịch)

(Đã ba mươi năm xa cội tùng khóm cúc

Nên ta cũng là chàng Ngưu già mong ngày gặp lại) Những năm dài đằng đẵng hết “lui tới đèo Hải Vân” rồi lại “qua kinh thành Huế” đã làm cho nỗi “tư hương” vốn đã trĩu nặng, mênh mang trong tâm hồn nhà thơ thêm thẳm sâu, diệu vợi. Dõi mắt về phương trời “gia sơn” xa xôi, bao nhiêu lần trái tim nhà thơ thổn thức với nỗi buồn lưu lạc là bấy nhiêu lần những giọt lệ tha hương trong ông nghẹn ngào tuôn rơi:

Khứ niên hựu đới mặc y hành Lai vãng Vân quan quá kinh lạc Cô hồng tiểu tiểu bạch vân biên Hồi thủ gia sơn song lệ lạc

(Hoan thành dư gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu) (Năm qua lại mặc áo đen mà ra đi

Lui tới đèo Hải Vân, qua kinh thành Huế

Như cánh chim hồng lẻ loi lạc loài trong mây trắng Ngoảnh lại quê nhà nước mắt rơi)

Đối với những người phải xa quê lâu ngày như Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Thông hay Đào Tấn... dường như nỗi buồn tha hương lúc nào cũng khắc khoải trong lòng. Cũng chính bởi luôn mang tâm thế của một kẻ lưu lạc “lấy việc sống với bè bạn làm niềm vui” nên bất cứ cảnh vật nào ở nơi đất lạ cũng gợi cho họ nhớ đến cố hương. Chỉ cần một tiếng chim gọi mùa, một làn khói mỏng lẩn khuất trong ánh hoàng hôn hay một sắc hoa đung đưa trong gió...cũng đủ làm cho hình ảnh quê hương ngập đầy trong nỗi nhớ của những kẻ đi xa. Nếu Cao Bá Quát khi nghe tiếng chim tu hú kêu, náo nức nghĩ đến mùa vải chín hồng ở quê nhà:

Nhất thanh cô ố nhập liêm lung, Kinh khởi ly nhân phục chẩm trung.

Khả ức cố hương phong vật phủ? Am la hoàng tiếp lệ chi hồng 15

(Một tiếng tu hú vang vào trong rèm

Đánh thức người khách tha hương dậy, nằm gục đầu trên gối

Không biết ở quê nhà phong vật bây giờ như thế nào? (Có lẽ) mùa xoài chín vàng tiếp theo mùa vải chín đỏ), và Nguyễn Thông khi nhìn những làn khói mỏng bay nghi ngút trên ngọn tre, những con đường như lẩn trong mây núi sực nhớ tới mảnh đất Gia Định thân thương mà ông đã gắn bó từ thuở thiếu thời:

Thôn yên quá trúc viễn, Tùng ảnh lạc giang sơ. Điểu đạo vân câu quýnh, Cô chu tuế dục trừ. Sổ gia lâm hạ trú, Liêu lạc tự ngô lư. 16

(Khói xóm chơi vơi qua làn tre xa

Ngó dọc bờ sông, bóng tùng thưa thớt, là đà trên mặt sông

Con đường nhỏ cùng với mây núi xa tít

Chiếc thuyền con chèo ở trên sông vào lúc cuối năm Dưới chân rừng có mấy nhà ở lác đác

Cảnh quạnh hiu tương tự nhà ta)

thì thi sĩ Đào Tấn khi trông thấy đóa sơn trà khoe sắc trong gió xuân nơi đất lạ lại bồi hồi nhớ đến miền quê thanh bần, yên ả, nơi có túp lều cỏ ra vào sớm trưa, có loài hoa tri kỉ mà ông từng cùng nguyện ước “sống mãi bên nhau”:

Tằng dữ tư hoa đính cửu cư

15 Trích trong bài “Văn bá lao” – Cao Chu Thần thi tập

Tiểu Linh Phong hạ ức ngô lư Kim triêu khách địa phùng xuân sắc Đệ nhất phiên phong tính cập cừ

(Lập xuân nhật quan sánh sơn trà độc khai nhân ức Mai viên thử hoa bất tri khai vị hữu tác)

(Từng hẹn ước với hoa này sống mãi bên nhau Nhớ túp lều ta ở dưới Tiểu Linh Phong

Nơi đất khách hôm nay lại gặp sắc xuân Là gió đầu mùa và hoa sơn trà)

Có thể nói, quê hương đã trở thành niềm vui, nỗi buồn của cả cuộc đời Đào Tấn. Tuy ra làm quan với nhà Nguyễn nhưng tâm hồn thi nhân thì để cả ở nơi quê nhà xa xôi. Với ông, được trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn thuở thiếu thời cũng chính là được cuộc đời trả lại sự thanh thản vô giá, trả lại niềm hạnh phúc nguyên sơ cho lòng mình. Hơn nửa đời người, cánh chim hồng Đào Tấn đã bay thật xa mong tìm kiếm “thiên đường” để rồi đến cuối cùng, lúc được trở về “chiếc tổ” thân thương, nơi “học nói” ngày nào, ông mới vỡ lẽ ra rằng chính quê hương mới là bến đỗ hạnh phúc, bình yên nhất cho tâm hồn:

Quyện điểu tà phi phản cố lâm Mỗ khâu mỗ thụ phí tương tầm Ngẫu qua bình nhật học ngữ xứ Vong khước cao tường thiên lý tâm

(Quá phỏng Kỳ Sơn Đặng gia trang ức thiếu thời độc thư xứ ngẫu chiếm) (Cánh chim chiều mỏi mệt quay lại mảnh rừng xưa Phí bao công kiếm tìm gò kia, bụi nọ

Chợt ngang qua nơi xưa kia hằng ngày “học nói” Liền quên hết tấc lòng cao bay ngàn dặm)

Thực tâm, Đào Tấn muốn trở về quê hương để giữ lòng sạch trong, để thôi không còn mỏi mệt với cuộc đời thị phi, thế nhưng, ước mong ấy của ông đâu phải

có thể dễ dàng thực hiện. Thực dân Pháp luôn sợ ông ủng hộ và liên kết với phong trào yêu nước ở địa phương nên cứ cách một thời gian, chúng lại luân chuyển ông đi "làm quan" ở nơi khác. Cùng với những lần thay đổi ấy, niềm thương nhớ quê nhà trong lòng nhà thơ lại dào lên đầy chua xót. Càng "ức tư hương" bao nhiêu thì Đào Tấn càng buồn tủi bấy nhiêu khi nghĩ đến thân phận lữ khách cô đơn, nổi trôi trong bể đời đen tối của mình. Những khi mượn vò rượu túi thơ để trút bầu tâm sự, thi nhân thường hay tự ví mình như cánh chim trời vô định, mỏi mệt giữa dòng đời ngược xuôi cũng là vì vậy. Rất nhiều lần trong các sáng tác của Đào Tấn, ta bắt gặp hình ảnh cánh chim hồng lẻ loi, phiêu dạt:

Hựu kiểm cầm thư hướng Bắc hành Phi hồng tông tích tiếu ngô sinh

(Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành) (Lại thu xếp sách đàn để đi ra phía Bắc

Cười cho cuộc đời ta như tung tích chim hồng)

Cô hồng tiểu tiểu bạch vân biên Hồi thủ gia sơn song lệ lạc

(Hoan thành dư gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu) (Như cánh chim hồng lẻ loi lạc loài trong mây trắng Ngoảnh lại quê nhà nước mắt rơi)

hay cánh chim âu biền biệt phương trời:

Nhàn âu tùy lãng ánh Tự du du

(Quá Kim Long dịch) (Cánh chim âu nương theo ánh sóng Biền biệt hoài)

Nỗi buồn nhớ quê xa của thi nhân như vương nặng trên đôi cánh chao đảo của bóng chim cuối trời. Bởi luôn mang nỗi nhớ với cố hương ở trong lòng như thế

nên khi nhận được chiếu chỉ trở lại nhậm chức ở kinh thành, lúc xuôi thuyền ngang qua bến đò Kim Long (Kim Luông) ngày nào, nhà thơ không dấu nổi một tiếng thở dài chán chường:

Lãng tích niên niên thân vị thâu Trùng quá Kim Long dịch

(Quá Kim Long dịch)

(Bước chân phiêu bạc ôi chẳng lúc nào dừng Lại qua trạm Kim Long)

Đào Tấn xa quê nhiều cho nên trong suốt cuộc đời mình, ông luôn mang nặng tấc lòng thương nhớ với quê hương. Dù phải bôn ba ngược xuôi hay có làm quan đến chức Thượng thư, Tổng đốc, lúc nào ông cũng đặt trọn trái tim ở chiếc nôi quê nhà bình yên. Chỉ có quê nhà mới làm ông tạm quên đi nỗi buồn thế cuộc, nỗi buồn thân phận nổi trôi trong cõi nhân gian "bạc quá vôi mà mỏng quá mây" mà thôi! Chính tấm lòng son sắt luôn đau đáu hướng về cố hương xa xôi ấy đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng thật đẹp về tâm hồn, nhân cách của một con người luôn nặng trĩu nỗi ưu tư cho vận số dân tộc và chan chứa tình thương với nhân quần khốn khổ, cần lao.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN (Trang 59 -68 )

×