Đọc thơ và từ Đào Tấn, ngoài một số bài thơ thiên nhiên phảng phất chút niềm vui hiếm hoi của thi nhân, phần nhiều trong khối di sản vô giá ấy, ta cứ thấy man mác một tiếng thở dài ngậm ngùi, cảm thương của một vị lão quan ưu tư, sầu muộn. Mang nhiều tâm huyết với tổ quốc và nhân dân nhưng bản thân lại bất lực trước thời đại, lại luôn bị giằng xé giữa một bên là “chút nghĩa cũ càng” với tiên đế
với một bên là hùng tâm, tráng chí của một sĩ phu yêu nước, yêu dân cho nên không khi nào Đào Tấn thoát ra khỏi tâm trạng trăn trở, u uất. Tất cả những đau xót, đắng cay về thời đại và bản thân luôn đè nặng lên tâm hồn thi nhân cho nên trong mỗi trang thơ, mỗi điệu từ của ông, giọng điệu trăn trở, cảm thương cho đời, cho người và cho chính ông cứ trở đi trở lại đầy chua xót, cứ mãi gieo vào lòng người đọc một nỗi băn khoăn...
Cả cuộc đời thương người đa đoan, thương đời dâu bể nhưng bản thân không thể tham gia đoàn quân chính nghĩa, trực tiếp chống lại những kẻ đang gieo rắc tai ương, chết chóc trên quê hương cho nên đối với những lãnh tụ khởi nghĩa như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Kế Viêm... Đào Tấn hết lòng kính phục và luôn âm thầm giúp đỡ. Viết về họ, bao giờ ông cũng dùng giọng điệu trân trọng, ngợi ca. Khi khát vọng cứu nước của họ không thành, khi họ lần lượt hi sinh vì nghĩa lớn, niềm hi vọng, khát khao một đời cũng như niềm thương cảm của nhà thơ như vỡ òa, nghẹn ngào trong nỗi tiếc thương. Bao uất ức vì hoàn cảnh bó buộc của bản thân cùng với sự đau đớn vô hạn trước cái chết của những anh hùng vị nghĩa trong lòng Đào Tấn đã dồn hết vào những câu thơ đưa tiễn đong đầy nước mắt. Ông khóc thương cho người đã ngã xuống:
Phá trúc chân năng phục cựu kinh Thập niên công tích thống thùy thành [...]
Thủ vãn sơn hà tâm vị tử Thần kỳ Cơ Vĩ khí do sanh Kinh qua đương nhật ban sư địa Thiên cổ linh nhân thế lệ hoành
(Khốc Phan Đình Nguyên)
(Thế mạnh chẻ tre thật có thể khôi phục kinh thành cũ Công tích mười năm, đau xót thay sự nghiệp sắp thành [...]
Thân dù cưỡi sao Vĩ, sao Cơ, khí phách vẫn còn nguyên Qua nơi thắng trận năm nào
Dù đến nghìn sau vẫn khiến người ta phải sụt sùi rỏ lệ) nhưng cũng chính là khóc thương cho một giang sơn đã chìm sâu trong cảnh dâu bể:
Giang Nam xứ xứ phong yên khỉ Hải thượng niên niên ngự tửu lai
(Tịch thượng tác) (Ở phương Nam khói lửa dấy lên khắp nơi Trên mặt biển hằng năm rượu ngự vẫn đưa đến) và phải chăng cũng là khóc cho sự bất lực của chính ông:
Như thử phong yên, như thử tửu Lão phu hoài bão kỷ thời khai
(Tịch thượng tác) (Khói lửa thế ấy, rượu thế ấy
Biết chừng nào hoài bão già này mới toại nguyện đây) Nếu tình cảm dành cho những người anh hùng nghĩa sĩ ở Đào Tấn được thể hiện có phần kín đáo, chừng mực thì tình cảm của ông dành cho nhân dân trăm họ lại được bộc bạch trực tiếp, rõ ràng hơn. Sinh ra trong một gia đình nông dân thanh bần, đã từng sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nên Đào Tấn rất hiểu và thông cảm với cuộc sống cơ cực, vất vả của những người nông dân. Viết về những con người lao động thật thà, khốn khổ ấy, trang thơ ông bao giờ cũng dạt dào một giọng điệu trăn trở, cảm thương. Ông thương họ côi cút, bơ vơ, thương họ điêu đứng, lao đao trước sự vô trách nhiệm của những “lão long”, “lôi thần” (Thương hạn) và ông thương họ trong cái vất vả, khó nhọc đời đời của nhà nông:
Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên Đạp xa nhi nữ ca thả miên
Thi nhân mỗi đạo điền gia lạc Như thử điền gia tối khả liên
(Tháng năm tháng sáu trời chẳng mưa
Cô gái đạp guồng xe nước vừa hát vừa ngủ gật Nhà thơ cứ nói nhà nông vui
Nhưng nhà nông thế đấy thì đáng thương biết chừng nào) (Guồng nước)
Ba mươi năm long đong trên con đường hoạn lộ, hơn ai hết, Đào Tấn hiểu lắm bao đau khổ của nhân dân và cũng hiểu lắm những cay đắng, tủi cực của kiếp đời chinh nhân, du tử. Ra làm quan trở lại với nhà Nguyễn nhưng mãi mãi ông chỉ là một ông quan bơ vơ, lạc lõng trước thời cuộc. Có nhiều lúc Đào Tấn không khỏi chạnh lòng “giật mình mình lại thương mình xót xa” khi nghĩ tới cuộc đời phiêu dạt, lênh đênh như con thuyền cô độc không bến tựa nương, không nơi bấu víu của mình. Ông làm quan mà như bị giam lỏng, bị buộc chặt bởi một “cành liễu rũ” vô hình cho nên khi nhắc đến danh vị, phẩm hàm, ông chỉ mỉm cười chua chát. Thực tâm, ông luôn khao khát làm một Mai Tăng say chệnh choạng – hay giả say cũng được để vứt bỏ cái mũ nhà quan trên đầu, để quên đi thân phận bó buộc của mình
(Tặng Mai Tăng)nhưng nào có được. Triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp đâu dễ dàng buông tha cho ông. Chúng vừa muốn dùng ông để xoa dịu các phong trào cách mạng và sĩ phu cả nước, vừa sợ ông liên kết, giúp đỡ phong trào cách mạng địa phương nên hay đổi đi nhiều nơi. Cuộc đời làm quan, vì thế, đối với ông chẳng khác gì cuộc đời trôi dạt đầy đau xót của một ngọn cỏ bồng “vạn lý chinh” hay một cánh chim hồng, chim nhạn bơ vơ, lẻ bạn. Nỗi trăn trở, cảm thương cho thân phận lưu lạc trong lòng thi nhân càng trở nên chua xót, day dứt hơn khi ông nhận ra rằng giấc mộng trở về quê nhà luôn đau đáu bấy lâu của mình chỉ là hư ảo. Tất cả những nỗi chua xót cho cuộc đời lưu lạc, nổi trôi (Quá Kim Long dịch, Huỳnh Giản châu dạ, Tuế đán ngẫu thành...), niềm thương cảm cho một kiếp làm quan đầy gió bụi
(Mạn đề, Hoan Thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu) và nỗi hối hận vì đã “trở về” quá trễ khi thời thế đã “đổi thay” (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật) ấy đã ngưng đọng, kết tinh thành một khối
thương đau dai dẳng, triền miên trong lòng Đào Tấn. Giọng thơ ông từ đó cũng chìm sâu trong sự cảm thương, chua xót đến đắng lòng.