Trong mỗi trang thơ, mỗi điệu từ của Đào Tấn, ngoài bóng dáng của một kẻ sĩ luôn mang nặng nỗi quan hoài với đất nước và nhân dân; một ly khách luôn ưu tư, phiền muộn với nỗi buồn tha hương, lưu lạc, ta còn gặp một phương diện khác, một dáng vẻ khác của tâm hồn nhà thơ. Đó là một tâm hồn nghệ sĩ vô cùng tinh tế và dào dạt tình yêu với thiên nhiên muôn sắc diễm lệ.
Quay trở lại với nhà Nguyễn bởi sức ép từ phía thực dân và triều đình nên trong suốt khoảng thời gian làm quan về sau, chẳng bao giờ Đào Tấn rũ bỏ được cảm giác phiền muộn trong lòng. Dù là lúc đi chầu hay khi bất đắc dĩ phải ngồi trên bàn tiệc của ngài Ngự, lúc nào thi nhân cũng cô đơn, lặng lẽ với nỗi buồn của riêng ông. Trong triều, không phải Đào Tấn không có bạn tâm giao để cùng ông sẻ chia niềm vui, nỗi buồn nhưng mỗi người đều có cuộc sống riêng, không ai có thể ở mãi bên Đào Tấn những lúc ông vương mang mối tơ lòng và không phải lúc nào ông cũng có thể nói hết với bạn những suy nghĩ trong tâm tư của mình. Trong những lúc lẻ loi, cô quạnh, trong những lúc bản thân có tâm sự nhưng chỉ đành “nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình” (Truyện Kiều), thiên nhiên đã trở thành người bạn
tri kỉ của thi nhân. Những khi “đi chầu về ngồi một mình đốt hương và mong nhớ”, chỉ cần được ngắm mấy khóm phong lan thanh thoát trong gian phòng, nhà thơ đã tìm được phút nhẹ lòng trước cái không khí oi nồng, ngột ngạt của đất nước trong những ngày binh lửa:
Huệ ngã lan hoa tam sổ tòng
Phiêu nhiên nhập tọa hữu thanh phong Triều hồi độc tọa phần hương ức Hà xứ giai nhân không cốc trung
(Tịnh Am tôn thất tặng lan thư dĩ báo chi) (Cho ta mấy khóm phong lan
Lẳng lặng khi vào nhà chỗ ngồi như có luồng gió mát Đi chầu về ngồi một mình đốt hương và mong nhớ Khách giai nhân như hoa lan trong hang vắng nào) Tìm đến với người bạn thiên nhiên, với không gian trong sáng, khoáng đạt của sông núi, mây trời, dẫu sông núi ấy, mây trời ấy chẳng phải những dáng hình quen thuộc của xứ sở quê hương nhưng con người thơ trong Đào công cũng có thể tạm quên nỗi buồn tha hương và cảnh sống cô đơn của bản thân giữa bể đời vạn ác:
Tình minh nhất trạo phiếm xuân phong Viễn quá thanh đàm bích thị đông Khán tận giai sơn tam thập lý Khước vong thân thế tại cô bồng
(Châu hành ngẫu đắc)
(Lúc tạnh sáng, một mái chèo lưu lạc trong gió xuân Xa tít mãi phía đông đầm xanh và chợ biếc
Nhìn hết dãy núi đẹp ba mươi dặm
Thì quên cả thân thế mình đang ở dưới chiếc mui cô quạnh)
Cái thanh khí trong lành của làn gió xuân cùng vẻ tươi mới của “đầm xanh và chợ biếc” đã xua đi những gam màu lưu lạc ảm đạm trong tâm hồn người lữ
khách tha hương Đào Tấn. Trong giây phút mà vũ trụ và con người như hòa điệu, như có chung một linh hồn ấy, cánh cửa tâm hồn của nhà thơ đã hoàn toàn rộng mở để đón lấy thiên nhiên xinh đẹp, hữu tình. Giữa không gian sông nước mênh mông, giữa ba mươi dặm núi non xanh thẳm, trùng điệp ấy, ta không còn thấy bóng dáng một ông quan trọng thần luôn ưu tư, sầu muộn vì nỗi buồn ly hương, nỗi sầu thế cuộc mà chỉ thấy còn lại với gió, với mây một lãng khách đang mê mải say ngắm vẻ đẹp trong trẻo, diễm lệ của sông núi, đất trời.
Cũng chính vì luôn yêu mến, quyến luyến với thiên nhiên nên tuy không sinh ra ở đất Kinh đô hoa lệ của nhà Nguyễn, không có tuổi thơ êm đềm bên dòng Hương giang thơ mộng nhưng trong tâm hồn Đào Tấn, tình yêu với thiên nhiên và con người nơi đây bao giờ cũng chân thành, nồng hậu. Chẳng biết tự bao giờ, dòng sông Hương hiền hòa đã đi về cùng bao tâm sự của thi nhân trong mỗi trang thơ ông. Những lúc cô đơn, nhìn nước Hương giang lặng lẽ chảy xuôi dòng, thi nhân không khỏi chua xót khi nghĩ tới thân phận “con thuyền nhỏ” bị bó buộc của mình:
Lãng tích niên niên thân vị thâu Trùng quá Kim Long dịch Ức đồng du
Thùy dương hà xứ hệ biên châu Hương giang thủy
Y cựu hướng đông lưu Tịch mịch chuyển thiêm sầu
(Quá Kim Long dịch, điệu Tiểu trùng sơn) (Bước chân phiêu bạc ôi chẳng lúc nào dừng
Lại qua trạm Kim Long Nhớ bạn đồng du
Cành liễu rũ nào buộc con thuyền nhỏ Nước sông Hương
Vẫn chảy về dòng
Không chỉ là “chứng nhân” cho nỗi sầu thế cuộc và nỗi buồn thân phận của Đào Tấn, sông Hương còn là người bạn không thể thiếu của nhà thơ khi giấc mộng về quê trong ông dâng lên thành niềm u uất. Sóng nước Hương giang đang cuộn trào ngoài kia đã hòa cùng vô vàn những giọt lệ nhớ quê thê thiết của thi nhân:
Én lẻ lênh đênh về nơi đâu Không về rường nhà mà đậu
Đáng thương lệ buồn đã không còn nhiều
Chảy đến sông Hương, giọt giọt thảy đã thành sóng (Bài từ thứ 25 – Điệu Ngu mĩ nhân)
Có thể “ai cũng biết nước sông Hương”, cũng có thể nói sông Hương trữ tình, thi vị khi được hỏi đến nhưng không phải ai cũng hiểu được “tâm hồn” của dòng sông đã ngàn đời đã ôm ấp, vỗ về đất và người xứ Huế ấy. Phải thật sự yêu mến sông Hương, thật sự trải lòng mình cùng với sông Hương, Đào Tấn mới có thể hiểu được cái “hương nước” thanh tao của “người bạn tri kỉ”:
Cộng thức Hương giang thủy Vô nhân thức thủy hương Nguyệt lương thiên vị hiểu Giai minh dữ quân thường
(Hương giang thủy hữu sở ký) (Ai cũng biết nước sông Hương
Nhưng mấy ai biết hương nước ấy
Những đêm trăng trong mát, những lúc trời chưa sáng Pha ấm chè ngon cùng anh thưởng thức)
Tâm hồn nghệ sĩ luôn yêu mến và nhạy cảm trước thiên nhiên đã khiến cho trái tim Đào Tấn luôn ngân lên bao cung bậc dạt dào cảm xúc khi được “gặp gỡ” với “người tri âm”. Khi đi ngang qua đèo Hải Vân, dường như nhà thơ đã không thể giữ được nỗi bồi hồi, xúc động trước không khí trong lành, tinh khiết, trước vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng của núi rừng:
Tế vụ hàn yên bạn khách y Hô hấp vạn sơn thanh lãng khí Trường An gia cận hảo huề quy
(Quá Hải Vân) (Trên đỉnh Hải Vân gió trưa thoảng nhẹ
Khói lạnh cùng sương rây như bận bịu áo kẻ qua đường Mặc sức hít thở không khí trong lành của muôn núi Nhà cạnh Trường An tốt nhất là dắt cả cái khí mát cùng về)
Đất trời đã vào giữa trưa mà cảnh vật nơi đèo Hải Vân vẫn còn say ngủ trong màn sương mong manh, tĩnh lặng. Trong không gian yên bình, thi vị ấy, sương khói tựa như cũng quyến luyến, khẽ níu áo người khách viễn phương để rồi đến khi phải ra đi, lữ khách cũng thầm bịn rịn, ao ước được “dắt cả cái khí mát cùng về”.
Dạo qua những trang thơ của Đào Tấn và nhà thơ cùng thời Nguyễn Quang Bích, có thể thấy, nếu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Quang Bích thường mang đậm nét hùng vĩ, phóng khoáng với sông Hồng nước đỏ, sông Thao cuồn cuộn mùa mưa, với những rặng núi hiểm trở ngàn trùng khắp vùng trời Tây Bắc kiểu như:
Tuấn lĩnh thiên trùng lập, Nhiễu khê như thành hào. Loạn thạch tích khê tâm, Nhất vũ thành ba đào.
(Đại Lịch đạo trung ngộ vũ) (Núi cao ngất nghìn trùng,
Khe chảy như vòng cung. Lòng khe đá lởm chởm, Mưa xuống sóng đùng đùng) hay:
Thủy thanh bào háo thiên ngưu hống, Thạch duẩn lân tuân vạn giáp toàn.
Xà trận uyên diên vu ngạn chử, Hùng sư ẩn hiện điệp cương loan.
(Quá Chiến Than) (Nước reo sùng sục nghìn trâu rống, Đá mọc lô xô tựa mũi tên.
“Thế trận rắn bò” sông uốn khúc “Đoàn quân gấu dữ” núi như nêm)
thì thiên nhiên trong thơ Đào Tấn lại man mác chất trữ tình, dung dị với những thanh âm trong trẻo của dòng suối nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng cây xanh, của
“tiếng cành gió rì rào”, với sắc màu lung linh của sương đêm, của“mống cầu vồng năm sắc rơi lưng chừng núi”. Bằng một sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ, nhà thơ đã khéo léo vẽ ra trước mắt người đọc những bức tranh thiên nhiên rất sinh động nhưng không kém phần thi vị. Dưới ngòi bút của Đào Tấn, thiên nhiên khi thì dịu dàng và man mác buồn dưới ánh trăng thu:
Nguyệt xuất vạn tỉnh thu Thương thanh tại cao thụ Phong điều lạc vi minh Lộ diệp lưu huỳnh độ
(Thu tịch)
(Trăng vừa mọc lên là muôn gia đình nhuốm vẻ thu Tiếng thu đọng trên những cây cao
Cành gió rì rào như dế nỉ non
Lá sương treo lấp lánh như đom đóm bay) khi thì tự nhiên, gần gũi trong nắng gió ngày hè:
Tỵ thử lâm lưu kiết tiểu đình Tiền xuyên hoa liễu hộ song linh
Nghinh phong bán quyện liêm tam diện Trử nguyệt hư phân thủy nhất đình
(Bên dòng nước dựng một ngôi đình nhỏ để tránh nắng Hoa liễu ở con sông phía trước che rợp cả song
Đón gió nên rèm ba mặt đều cuốn nửa chừng
Đón trăng nên mỗi sân đều chia hờ một vùng nước) có khi linh động, biến hóa với vầng trăng “nghịch ngợm”:
Ngưỡng khán nguyệt tại thiên Phủ khán nguyệt tại thuyền Hốt nhiên tại giang tâm Hốt nhiên tại thụ điền
(Kiến nguyệt châu trung tác) (Ngẩng đầu thấy trăng sáng lưng trời
Cúi xuống thấy trăng rơi trong thuyền Vừa mới ở giữa lòng sông
Trăng lại treo trên cành)
lúc lại ngập tràn âm thanh và màu sắc với không gian rừng núi khoáng đạt, mộng mơ:
Hoành quan đông hạ tiểu khê hoành Lục thọ tùng âm hữu thủy thanh Ngũ sắc hồng kiều sơn bán lạc Tình trung đới vũ họa nan thành
(Vũ hậu độ giang kiều) (Phía đông ải đèo Ngang, con suối nhỏ chạy qua Trong vùng cây xanh rậm ấy nghe có tiếng nước reo Mống cầu vồng năm sắc rơi lưng chừng núi
Khó vẽ được cảnh trời đã tạnh mà mưa vẫn còn lún phún rơi)
Là một nhà thơ của văn học trung đại, tất nhiên Đào Tấn sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những nếp cảm, nếp nghĩ của người xưa khi viết về thiên nhiên. Nhưng nếu trong thơ cổ điển, thiên nhiên thường mang vẻ đẹp quý phái, sang trọng
với tùng, cúc, trúc, mai – những loài cây, loài hoa biểu trưng cho cái tâm, cái đức cao đẹp của người quân tử thì trong thơ Đào Tấn, thiên nhiên lại mang vẻ đẹp gần gũi, mộc mạc nhưng không kém phần sinh động, tinh tế với tiếng “cành gió rì rào như dế nỉ non”, với tiếng suối reo róc rách trong vùng cây xanh rậm, với sắc màu lấp lánh “như đom đóm bay” của những giọt sương đêm đọng trên lá cây hay những “mống cầu vồng năm sắc” rực rỡ trong “cảnh trời đã tạnh mà mưa vẫn còn lún phún rơi”. Cảnh nào cũng có dáng vẻ thu hút riêng và đó hoàn toàn là những cảnh sắc thân quen với chúng ta trong đời sống hàng ngày. Không phải đến Đào Tấn người ta mới thấy những trang thơ miêu tả thiên nhiên tươi đẹp với vẻ chân quê, giản dị. Trước ông, văn học nước nhà từng chứng kiến “đào liễu ở chốn lầu son sắp hàng [..] bên cạnh rau muống, mùng tơi quê mùa một cách tự nhiên”20
trong thơ Nguyễn Trãi, từng lắng nghe “tiếng xào xạc của tàu chuối gió đưa, tiếng ếch nhái nỉ non trong đêm vắng, âm thanh náo nức của hội đua thuyền”21
hay ngắm nhìn “màu đỏ thắm của hoa lựu trên núi, màu vàng rực của hoa cúc trước sân, màu xanh hoang dại của rừng núi bạt ngàn”22 trong thơ Nguyễn Du. Rõ ràng, Đào Tấn không phải là người đi tiên phong, khai phá những miền thơ mới lạ hay tạo nên trong thơ những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi nhưng ông đã có công đặt thêm một tấm lòng, góp thêm một nét cọ để cùng bao thế hệ thi nhân phác họa nên một bức tranh thiên nhiên phong phú, muôn sắc nghìn hương của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, những bức tranh thiên nhiên sinh động, đa dạng trong thơ và từ Đào Tấn không chỉ thể hiện tình yêu tha thiết của ông đối với thiên nhiên mà còn mang chở cả những nỗi sầu thế thời, nỗi buồn thân phận luôn day dứt trong tâm hồn nhà thơ.