Những kiến nghị cụ thể

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam trước yêu cầu cải cách tư pháp (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh Nam Định) Luận văn ThS. Luật học (Trang 99 - 103)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Những kiến nghị cụ thể

Việc hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền xét xử là một yêu cầu mang tính cấp bách. Để hoàn thiện BLTTHS về thẩm quyền xét xử của TAND chúng tôi kiến nghị một số vấn đề sau đây.

3.2.2.1. Quy định về giới hạn xét xử

Việc Tòa án không được xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố (Điều 196 BLTTHS năm 2003) là gián tiếp thừa nhận tội danh do Viện kiểm sát truy tố là đúng. Tòa án bị phụ thuộc hoàn toàn vào sự đánh giá vụ án của Viện kiểm sát, làm mất đi tính độc lập của Tòa án. Việc ràng buộc Tòa án chỉ được xét xử những người và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố có nghĩa là HĐXX chỉ có việc giản đơn là lựa chọn một biện pháp hình phạt hay mức hình phạt được quy định trong Điều luật. Như thế Viện kiểm sát đã thực hiện một phần chức năng xét xử của Tòa án, nên vi phạm nguyên tắc: "Không ai bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Tòa án".

Quy định về giới hạn xét xử buộc Tòa án phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố là trái với nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Theo quy định của nguyên tắc này có nghĩa là HĐXX không chịu bất kỳ một sự tác động khách quan nào từ bên ngoài làm ảnh hưởng tới tính khách quan của bản án. HĐXX hoàn toàn độc lập với yêu cầu hay kết luận của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Do vậy, đôi

khi việc kết luận trong bản án của HĐXX có mâu thuẫn với cáo trạng của Viện kiểm sát là điều khó tránh khỏi.

Đồng thời quy định về giới hạn xét xử còn mâu thuẫn với nguyên tắc

"Xác định sự thật của vụ án" bởi lẽ tội danh được định trước khi mở phiên tòa tại cáo trạng của Viện kiểm sát và tại quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án, hoàn toàn không phải phụ thuộc vào kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa.

Xem xét một số BLTTHS trên thế giới, không có nước nào quy định bắt buộc Tòa án phải xét xử theo tội danh đã truy tố hoặc phải theo tội danh nhẹ hơn, mà đều trao quyền cho Tòa án trên cơ sở các chứng cứ và tình tiết được đưa ra tại phiên tòa để ra phán quyết về tội danh và hình phạt đối với bị cáo.

Vì vậy, chúng tôi xin được đề xuất nội dung của Điều luật này nên sửa đổi như sau: "Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử".

3.2.2.2. Đổi mới thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Ở nước ta, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, ngoài ra pháp luật tố tụng hình sự còn quy định thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mắc sai lầm và bị kháng nghị bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.

Trong phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới, TANDTC đã đề cập tới việc tiếp tục hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, khắc phục tình trạng kháng nghị thiếu căn cứ. Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ điều kiện.

Trước đây khi còn Ủy ban thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, hàng năm có hàng chục bản án đã được sửa sai bằng cách tiếp tục kháng nghị để đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm tại Hội đồng thẩm phán

TANDTC. Hiện nay, do không còn Uỷ ban thẩm phán TANDTC nên các bản TANDTC có hiệu lực pháp luật của các Tòa chuyên trách và Tòa phúc thẩm TANDTC bị kháng nghị đều được đưa lên xét xử giám đốc thẩm tại Hội đồng thẩm phán TANDTC. Thực tế có những trường hợp, bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC vẫn có sai lầm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, có kiến nghị sửa sai nhưng đã "đụng trần", hết cấp xét xử.

Thực tế cũng không thể khắc phục được sai lầm của bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC thông qua thủ tục xét xử tái thẩm. Vì thẩm quyền tái thẩm được quy định cụ thể tại Điều 293 BLTTHS năm 2003 lại không đề cập tới việc tái thẩm đối với bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Theo quy định đó nếu sau khi Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm đối với một vụ án mà phát hiện được tình tiết mới làm thay đổi nội dung và quyết định giám đốc thẩm thì cũng không thể xem xét theo thủ tục tái thẩm được. Vì vậy, cần phải đổi mới thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để khắc phục những hạn chế nêu trên.

3.2.2.3. Quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 Như đã phân tích ở trên về những vướng mắc, bất cập trong việc quy định những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới mà Tòa án cấp trên lấy lên để xét xử, chúng tôi xin đề xuất hướng giải quyết là phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về những trường hợp mà TAND cấp tỉnh được lấy lên để xét xử.

Về việc loại trừ một số tội không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, theo chúng tôi cũng cần phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Hiện nay, điều kiện của TAND cấp huyện đã đáp ứng được tương đối đầy đủ để có thể xét xử được nhiều tội phạm hơn so với quy định hiện nay.

Thực tiễn ở TAND tỉnh Nam Định cho thấy tỷ lệ án tồn đọng ở TAND cấp

huyện rất ít, chiếm tỷ lệ nhỏ không đáng kể, chất lượng xét xử được nâng cao, tỷ lệ kháng cáo, kháng nghị thấp… Vì vậy, TAND cấp huyện có khả năng sẽ thực hiện tốt thẩm quyền của mình nếu được giao thêm thẩm quyền xét xử, chẳng hạn: Có một số tội quy định trong BLHS có cả khung hình phạt dưới 15 năm tù và khung hình phạt trên 15 năm tù thì TAND cấp huyện hoàn toàn có thể xét xử những vụ án có khung hình phạt trên 15 năm tù và đến 20 năm tù. Như vậy, trong tương lai có thể sửa đổi theo hướng tiếp tục tăng thêm thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện.

3.2.2.4. Quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 Điều 172 BLTTHS năm 2003 quy định: "Đối với tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nơi có sân bay, bến cảng mà tàu bay, tàu biển trở về đầu tiên trong nước hoặc Tòa án nơi tàu bay, tàu biển đó đăng ký" [28]. Quy định như trên dễ dẫn đến việc tranh chấp hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các Tòa án có thẩm quyền nói trên. Mặt khác, việc quy định Tòa án nơi đăng ký tàu bay hoặc tàu biển có thẩm quyền xét xử chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, thu thập chứng cứ. Bởi vì trong thực tế nếu có tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển trở về sân bay, bến cảng đầu tiên trong nước, do không có thẩm quyền điều tra vụ án nên người chỉ huy tàu biển phải giao ngay người bị bắt cho cơ quan có thẩm quyền, cho nên thực chất hoạt động điều tra ban đầu như: lập biên bản phạm tội quả tang, biên bản bàn giao vật chứng… đã được thực hiện ngay khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp Tòa án nơi có sân bay, bến cảng mà tàu bay, tàu biển trở về đầu tiên không đủ điều kiện để xét xử sơ thẩm những tội phạm trên tàu bay, tàu biển. Vì vậy, hướng giải quyết trong trường hợp này là không nên quy định hoặc hạn chế quy định thẩm quyền trong một số trường hợp nhất định cho Tòa án nơi tàu bay, tàu biển đăng ký có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự xảy ra trên tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đó đã rời khởi sân bay,

bến cảng Việt Nam để xác định nhanh chóng thẩm quyền điều tra với tội phạm đó, nhằm giải quyết nhanh chóng vụ án.

3.2.2.5. Về vấn đề tranh chấp thẩm quyền xét xử

Như đã phân tích ở phần những vướng mắc, hạn chế về vấn đề tranh chấp thẩm quyền xét xử, chúng tôi cho rằng hướng giải quyết trong trường hợp này là: TANDTC và VKSNDTC nên có thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề tranh chấp thẩm quyền và trường hợp chuyển vụ án. Theo đó cần hướng dẫn nếu giữa Tòa án và Viện kiểm sát không thống nhất được thẩm quyền xét xử thì viện trưởng VKSND cấp trên là người cuối cùng quyết định về thẩm quyền xét xử sau khi đã thống nhất với Chánh án Tòa án cấp trên. Về thủ tục chuyển vụ án trong trường hợp không đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ chuyển thẳng hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, sau đó Tòa án này chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố lại.

3.2.2.6. Về việc chuyển vụ án

Điều 174 về thủ tục chuyển vụ án quy định: "Chỉ được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử" [28], theo chúng tôi quy định như vậy là chưa phù hợp, một khi đã xác định không đúng thẩm quyền mặc dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, vẫn cần thiết phải chuyển vụ án, vì nếu xét xử sai thẩm quyền rất dễ dẫn đến hậu quả bị cấp trên hủy án, không loại trừ trường hợp nào.

3.3. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN TRƯỚC YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Để đảm bảo cho việc thực hiện tốt thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp cần tập trung vào những điểm sau đây.

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam trước yêu cầu cải cách tư pháp (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh Nam Định) Luận văn ThS. Luật học (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)