6. Kết cấu của luận văn
1.3.2 Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 1988 đến nay
Ngày 28/6/1988 Quốc hội thông qua BLTTHS đầu tiên của nước ta có hiệu lực ngày 01/01/1989, đã kế thừa và phát triển những thành tựu của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chế độ XHCN, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý kiên quyết và triệt để mọi hành vi phạm tội.
Thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAQS khu vực xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 quy định hình phạt từ 7 năm tù trở xuống, trừ những tội sau:
+ Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia;
+ Các tội quy định tại các điều 89, 90, 91, 92, 93, khoản 3 Điều 101, các điều 102, 179, 231, 232 BLHS năm 1999.
Thẩm quyền của TAND cấp tỉnh và TAQS cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của
TAND cấp huyện và TAQS khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới mà mình lấy lên xét xử.
Tòa hình sự TANDTC, TAQSTW xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Tòa án quân sự xét xử những bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của mình theo quy định của pháp luật.
* Thẩm quyền xét xử theo đối tượng
Điều 3 Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 1993 quy định: Các TAQS có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là:
Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
Những người không thuộc các đối tượng quy định ở trên phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.
* Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ
Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi thực hiện tội phạm. Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì thẩm quyền xét xử của Tòa án là nơi kết thúc điều tra.
Trong trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài thì thẩm quyền xét xử của TAND được xác định như sau: Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do TAND cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án TANDTC ra quyết định giao cho TAND thành phố Hà Nội hoặc TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS thì do TAQS quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án TAQS trung ương. Đối với những vụ án xảy ra trên máy bay, tàu biển của nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam đang hoạt động ở nước ngoài thì TAND ở Việt Nam nơi có sân bay, bến cảng mà máy bay, tàu biển đó trở về đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam hoặc nơi máy bay, tàu biển đó đăng ký có thẩm quyền xét xử.
* Thẩm quyền xét xử phúc thẩm
Theo các quy định của Luật tổ chức TAND năm 1992, thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được phân định như sau:
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án quân sự cấp quân khu và tương đương có thẩm quyền phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAQS cấp khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền phúc thẩm đối với vụ án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án quân sự Trung ương có thẩm quyền phúc thẩm đối với những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAQS cấp quân khu hoặc tương đương, bị kháng cáo, kháng nghị.
* Thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
- Quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm: Theo quy định tại Điều 248 BLTTHS năm 1988:
Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực;
Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân
dân tỉnh; Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu;
Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những quyết định của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị [23].
- Quy định về thẩm quyền tái thẩm: Được quy định tại Điều 266 BLTTHS năm 1988, theo đó:
Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực;
Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
Tòa án quân sự trung ương tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu;
Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [23].
Như vậy, cho đến trước khi ban hành BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 1988 đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần: lần 1 vào ngày 30/6/1990, lần 2 vào
ngày 22/12/1992 và lần 3 vào ngày 9/6/2000. Về thẩm quyền xét xử, các lần sửa đổi, bổ sung này đã xóa bỏ thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm của TANDTC nhưng không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của TAND cấp huyện. Qua gần 15 năm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 145 BLTTHS năm 1988 về thẩm quyền xét xử, TAND các cấp đã đem lại những kết quả nhất định. Song thực tiễn điều tra, truy tố cho thấy số vụ án mà Tòa án xét xử ngày càng nhiều. Do vậy, việc thay đổi thẩm quyền cho phù hợp với thực tế là một yêu cầu khách quan. Đó là lý do BLTTHS năm 2003 ra đời đã thay đổi một bước đáng kể thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Chương 2
THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2003 VÀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
2.1. THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2003
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của cải cách tư pháp và thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/01/2002 của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới" và để đáp ứng được các yêu cầu đổi mới về mọi mặt của đất nước, nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, BLTTHS năm 2003 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2004. Sự ra đời của BLTTHS năm 2003 đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật Việt Nam. Các quy định trong BLTTHS năm 2003 đã có những đổi mới sâu sắc, mang tính chất tích cực và hoàn thiện hơn về thẩm quyền xét xử của TAND, góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Thẩm quyền chung của Tòa án và thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự được quy định trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành TAND. Sự phân định thẩm quyền là một trong những điều kiện cần thiết bảo đảm cho mọi hoạt động của bộ máy nhà nước được vận hành đồng bộ, tránh chồng chéo và đương nhiên trong đó có hoạt động của hệ thống TAND.