6. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ những người tiến hành tố tụng trong Tòa án
Chủ trương về cải cách tư pháp của Đảng hiện nay hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế cải cách hành chính. Tuy nhiên để cho việc xây dựng thể chế về cải cách tư pháp ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu thì hệ thống thể chế đó vừa phải vận dụng, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đồng thời cũng phải căn cứ vào truyền thống xây dựng và áp dụng pháp luật ở Việt Nam. Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị khẳng định quan điểm mang tính nguyên tắc:
Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển xã hội trong tương lai [12].
Quán triệt chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Kết luận số 79/LK-TW
ngày 28/7/2010 về tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử, được cụ thể hóa theo quy định của khoản 7 Điều 10 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC. Theo đó Thẩm phán TANDTC chỉ có khoảng từ 13 đến 17 người. Theo khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định" [30]. Các Tòa án khác bao gồm:
TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND sơ thẩm cấp huyện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 04 cấp sau 18 năm tiến hành cải cách tư pháp.
Có thể nói năng lực, trình độ của những người tiến hành tố tụng là yếu tố quyết định đến hiệu quả thực hiện việc xét xử. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã chỉ rõ: "Xây dựng đội ngũ Thẩm phán… có phẩm chất chính trị và đạo đức, chí công vô tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bảo đảm cho bộ máy trong sạch vững mạnh" [8]. Tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử. Thực hiện chức năng này là những người tiến hành tố tụng gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Vai trò của Thẩm phán là rất quan trọng, Thẩm phán giữ vai trò chính trong hoạt động xét xử tại Tòa án và việc nâng cao vai trò Thẩm phán là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp.
Khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC, Tòa án khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Chế định này có những điểm mới, nhằm xác định đúng địa vị pháp lý của Thẩm phán với tư cách là người nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, công bố bản án quyết định một người có tội hay không có tội, khi đưa ra phán quyết bảo vệ công lý là cơ sở cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND. Theo khoản 3 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm kỳ Thẩm phán do Luật định, theo đó nhiệm kỳ của Thẩm phán có thể sẽ kéo dài hơn hiện tại. Tại Điều 67 Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi)
quy định: "Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm; nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm" [2].
Để nâng cao chất lượng xét xử và xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh thì việc trước tiên đó là phải hoàn thiện trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán:
+ Về trình độ chuyên môn: Điều kiện cần của Thẩm phán là phải có bằng đại học Luật, có khả năng xét xử, trong thời gian tới cẩn phải thống kê, phân loại trình độ Thẩm phán để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo. Cần phải mở các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo lại Thẩm phán đương nhiệm.
Các trung tâm đào tạo Thẩm phán cần phải được mở rộng. Cần phải thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm Thẩm phán từ cấp cơ sở, vừa tạo cơ hội cho cán bộ trưởng thành từ cơ sở, tạo nguồn Thẩm phán cho Tòa án cấp trên và cũng là để tăng cường nhân lực cho cơ sở, trong tình hình cải cách hệ thống Tòa án theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện hiện nay,
+ Về đạo đức nghề nghiệp: Đạo đức nghề nghiệp của người Thẩm phán gắn liền với hoạt động xét xử của Thẩm phán. Luật pháp chỉ quy định khả năng, còn áp dụng như thế nào là phụ thuộc vào người Thẩm phán. Cần phải ban hành quy chế chung quy định về đạo đức nghề nghiệp, đề ra các chuẩn mực về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp của Thẩm phán, các hành vi giao tiếp thường ngày.
+ Về thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán: Trong khi bổ nhiệm cán bộ, công chức nhà nước vào bộ máy hành chính nhà nước bằng hình thức thi tuyển và phải có thời gian tập sự thì thì từ trước đến nay Thẩm phán lại được bổ nhiệm không phải bằng Hội đồng thi tuyển mà chỉ là Hội đồng tuyển chọn. Thẩm phán là người xét xử, liên quan trực tiếp đến quyền con người, lợi ích xã hội và cá nhân thì lại không được tuyển chọn kỹ lưỡng, kiểm tra về trình độ, năng lực thực sự. Điều này rất có thể dẫn đến chất lượng xét xử không được cao.
Việc, Thẩm phán không được bổ nhiệm suốt đời mà theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần và Thẩm phán cũng chỉ là một chức danh tư pháp, đã tạo tâm lý thiếu ổn định, thiếu sự học tập, rèn luyện năng lực xét xử, không đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán. Trong thời gian tới, theo chúng tôi, Thẩm phán phải được coi là một nghề, nên không chỉ có Thẩm phán TANDTC mà Thẩm phán nói chung cũng cần được bổ nhiệm suốt đời và có sự đánh giá xếp loại chính xác hàng năm, chúng tôi cũng nhất trí với dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) về việc thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, việc tổ chức thi tuyển nguồn Thẩm phán để sát hạch điều kiện trước khi bổ nhiệm, thay cho Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán chỉ mang tính hình thức như hiện nay.
+ Trao cho thẩm phán quyền giải thích luật: Khác với các nước, Thẩm phán ở nước ta không có quyền giải thích luật. Quyền giải thích luật thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, điều này đã bộc lộ tính thiếu khách quan của nó. Tội phạm là một vấn đề phức tạp và biến hóa khôn lường, chỉ Tòa án là cơ quan phán quyết, cọ xát nhiều nhất với những bị cáo mới có thể làm tốt công việc này. Chỉ ở trong cuộc sống luật mới bộc lộ được hết những ưu điểm cũng như khuyết điểm, thiếu sót của nó. Vì vậy, cần phải trao cho Thẩm phán quyền giải thích luật để đáp ứng những tình huống mà nhà làm luật không tính đến mà không làm sai lạc ý đồ của nhà làm luật.
Như vậy, một trong các biện pháp quan trọng để bảo đảm thực hiện thẩm quyền xét xử của Tòa án là cần tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp đào tạo nguồn Thẩm phán, thường xuyên bồi dưỡng Thẩm phán, cán bộ công chức theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó cần có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc tại Tòa án các cấp.