Tiểu sử nhà văn

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 30 - 34)

7. Giới thiệu kết cấu của luận văn

1.3.1.Tiểu sử nhà văn

Trần Quang Nghiệp (1907 – 1983) không có bút danh ngoài tên thật, người làng Bình Thạnh, xã Bình Cách, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Trần Quang Nghiệp là người hiền lành, điềm đạm, tinh tế và rất có duyên ăn nói. Ông xuất thân trong một gia đình điền chủ tân học có tiếng ở Mỹ Tho lúc bấy giờ. Cha là Ông Trần Quang Xuân (còn gọi là ông Phủ Xuân hay Phủ Cầm), là người có tính tình vui vẻ, bặt thiệp, thích đi đây đi đó, có tư tưởng tiến bộ muốn canh tân đất nước. Mẹ là Bà Dương Thị Quý, có nhan sắc, tính tình nghiêm nghị, mực thước, con cháu ai cũng nể sợ. Tuy đứng hàng thứ tư trong sáu anh chị em nhưng người làng thường hay gọi Trần Quang Nghiệp là “Cậu năm – nhà văn”.

Thuở nhỏ, Trần Quang Nghiệp được học hết ban Trung học Pháp tại trường College Mỹ Tho. Sau đó, ông lên Sài Gòn sinh sống và học tập. Lúc bấy giờ người anh cả là Trần Văn Thủ sắp hoàn tất chương trình học ở Pháp, chuẩn bị về nước thì lâm bệnh nặng và qua đời. Mất mát quá lớn này khiến Trần Quang Nghiệp bỏ dở dự định ra Hà Nội học tiếp, về quê an ủi cha mẹ già, phụ quản lí ruộng đất, nhà cửa và lập gia đình.

Vào những năm 1928 – 1929 – 1931, Trần Quang Nghiệp có nhiều đoản thiên tiểu thuyết được liên tục đăng trên các báo Công Luận, Thần Chung, Đông Pháp thời

báo… được công chúng yêu thích và hâm mộ trong số đó có cô Nguyễn Thị Nhàn - con gái của ông Nguyễn Đăng Khoa (còn gọi là ông Tế Sáu) ở Phú Đức (Mỹ Tho). Khi người mai mối cho biết người coi mắt mình là Trần Quang Nghiệp - nhà văn bấy lâu nay mình ngưỡng mộ, cô Nhàn đã vui mừng ưng thuận.

Giữa năm 1931, ông “coi mắt vợ”.“Người dân tại rạch Ông Đa, xã Phú Đức, nằm ở cực Nam Mỹ Tho, bỗng thấy một chiếc thuyền lạ cập bến dưới chân cầu. Lên bờ đầu tiên là một người đàn ông trung niên mặc quốc phục, đội khăn xếp đen, quần lụa trắng, áo dài gấm bông chữ thọ xanh thẫm, chân mang giày Gia Định bóng ngời. Người thứ hai vận âu phục nỉ xám, mũ “phớt” nâu, giày tây khua lộp cộp, tay cầm “can”, bước đi mạnh mẽ. Theo sau là hai người phụ nữ trạc ngoài 40, trang phục sang trọng và nền nã với áo dài the bông ép, khăn hoa lụa choàng quanh cổ, chân mang hài cườm, tay che dù dầm. Hai người cười sánh bước ngang nhau. Đi sau cùng, nổi bật trên nền đất nâu mát rượi bóng dừa, là một chàng trai trẻ, vận âu phục trắng, tay cầm nón “fléchet” cũng màu trắng, vẻ mặt trang nghiêm”. Người dân trên bến tò mò:

- Nghe nói hôm nay có nhà văn gì đó bên chợ Mỹ Tho qua “coi mắt” cô Nhàn…”[54, tr. 2].

Thấy cô Nhàn đẹp người đẹp nết, giỏi thêu thùa nấu nướng, lại yêu thích văn chương, ông liền đồng ý lấy làm vợ. Mùa thu năm sau (1932), Trần Quang Nghiệp cưới cô Nguyễn Thị Nhàn. Văn chương đã góp phần bắt nhịp cầu cho mối lương duyên hạnh phúc của ông. Họ sống với nhau được 5 mặt con. Tất cả đều có nghề nghiệp ổn định và thành danh (xem phụ lục, tr. 147).

Cuộc sống trong một gia đình điền chủ thời bấy giờ rất đầy đủ, sung túc. Tại căn nhà của mình ở xã Bình Cách, Trần Quang Nghiệp dành hẳn một phòng mà ông gọi là phòng văn để lưu giữ những quyển sách yêu thích và những sáng tác đầu tay của mình vào đó. Trần Quang Nghiệp rất yêu thích văn chương và đọc sách. “Hàng tháng người đều mua sách vở cho chúng tôi đọc thêm. Tủ sách gia đình đầy ắp những chuyện hay. Từ các truyện Việt Nam mới xuất bản, truyện cổ điển Trung quốc, truyện Pháp, đến các quyển Thằng Khờ, Tội ác và hình phạt (Dostoevsky); Chiến tranh và hòa bình (Lep Tolstoi) của các nhà văn Nga….Có cả loại sách “học làm người” dịch

của nước ngoài...Cha bảo tất cả chúng tôi phải đọc” [54, tr. 22]). Thời gian này, bên cạnh viết văn, Trần Quang Nghiệp còn là một tay vợt bóng bàn kì cựu. Những lúc rảnh rỗi, ông thường đánh bóng cùng vợ con và bè bạn.

Cuộc sống gia đình thanh bình và hạnh phúc cho tới năm 1944. Vào năm này, phong trào Việt Minh bắt đầu rầm rộ khắp Nam bộ. Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và sự lớn mạnh của phong trào này ở Nam kỳ nhất là Mỹ Tho, thực dân Pháp bắt đầu điều lính về huyện lỵ các tỉnh trong đó có xã Bình Cách. Chúng nổ súng thị uy, đốt phá làng mạc. Nhà của Trần Quang Nghiệp bị đốt cháy tan hoang, bao nhiêu sáng tác tâm huyết của ông trở thành tro bụi.

Tình hình chiến sự càng bất an, gia đình ông đành bỏ ruộng vườn, tản cư ra thị xã Mỹ Tho tá túc nhà người quen. Năm 1946, cả gia đình quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Để sinh sống trong giai đoạn này, ông và mấy chị em chung nhau mở một cửa hàng bán xe đạp tại góc đường Mac Mahon và Bonard (Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Lợi ngày nay), việc kinh doanh rất thuận lợi. Một năm sau (1947), ông mua 1000m2 mẫu đất ở đường Frères Guillerault cạnh nhà thờ Huyện Sĩ (nay là Tôn Thất Tùng – Quận I). Ông mở nước quán giải khát ngay trên đất nhà, đặt thêm chiếc bàn “ping pong” để những ai yêu thích có thể đến đó uống nước và chơi một vài hiệp với bạn bè, dần dà có tiếng, được nhiều người tìm đến. Sau đó ông xây dựng trên phần đất của mình câu lạc bộ bóng bàn mang tên Nam Việt, cái tên “Thầy Năm bóng bàn Nam việt” cũng từ đó mà ra đời. Đó là câu lạc bộ thể thao rộng lớn đầu tiên của người Việt ở đất Sài Gòn. Từ đây, ông khởi đầu niềm đam mê thứ hai trong đời mình: bóng bàn. Trong vai trò huấn luyện viên, ông dồn hết tâm huyết của mình cho môn thể thao này. Những thành tích mà con cháu và các danh thủ xuất thân từ lò “bóng bàn Nam Việt” đạt được thật đáng nể: Mai Văn Hòa vô địch Việt Nam năm 1952, vô địch Châu Á 1953; Trần Văn Đức vô địch Châu Á năm 1953; Trần Thị Kim Ngôn (con gái Trần Quang Nghiệp) vô địch Á châu năm 1960; Trần Quang Nhường (con trai Trần Quang Nghiệp) đoạt chức vô địch giải học sinh – sinh viên toàn miền Nam năm 1962…Cũng trong thời gian này, Trần Quang Nghiệp không sáng tác nữa. Bút nghiệp của ông đã dừng lại từ đó. “ Suốt thời gian tản cư rồi định cư ở Sài Gòn, tôi không thấy cha viết truyện nữa. Cái thời trẻ trung lãng mạn đã qua…Hơn nữa, người

cũng không xem sáng tác là cái nghiệp của cả đời mình. Duy chỉ một lần, vào khoảng cuối thập niên 60, đại lý xe máy Lambretta ở Sài Gòn tổ chức thi thơ...Cha tôi đã gởi bài và đoạt giải về thơ” [54, tr. 14]).

Tất nhiên, ngọn lửa đam mê văn chương vẫn chưa tắt hẳn, nên cuối thập niên 50, khi được mời, ông đã hợp tác với một hãng phim viết phụ đề Việt ngữ cho nhiều phim nước ngoài.

Bàn thêm về trường hợp dừng bút của Trần Quang Nghiệp. Trần Quang Nghiệp sáng tác để thể hiện nỗi niềm của mình trước nhân tình thế thái trong thời buổi rối ren, phức tạp và một khi không muốn viết nữa thì ông ngừng cầm bút “ngay tắp lự”. Điều này không chỉ với Trần Quang Nghiệp mà nhiều nhà văn Nam bộ cũng như vậy, họ không xem văn chương là nghiệp để lập thân nên không gắn bó lâu dài. Đó là điều đáng tiếc cho văn học Nam bộ đầu thế kỷ XX, thiết nghĩ, nếu còn tiếp tục sáng tác có lẽ diện mạo của một nhà văn như Trần Quang Nghiệp sẽ khác nhiều và diện mạo văn xuôi Nam bộ đầu thế kỷ XX cũng không như thực tại!

Vào 13 giờ ngày 3/4/1983, trong lúc nằm trên đi – văng đọc sách, ông bị nhồi máu cơ tim và ra đi rất thanh thản. “Lúc ấy một tay người đặt trên ngực, một tay buông xuôi như vẫn đang cầm quyển tiểu thuyết. Cả nhà cứ nghĩ là ông đang nằm đọc sách. Có ai ngờ…” (Ghi theo lời kể của cô Trần Thị Ngoạn).

Cuộc đời Trần Quang Nghiệp rất độc đáo và thi vị, có thể xem ông là người “văn võ song toàn”. Hiếm có nhà văn nào cùng thời làm tốt hai việc viết văn và chơi thể thao như Trần Quang Nghiệp. Ở mảng văn chương, ông đã tạo dựng được cho mình tên tuổi nhất định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, ông có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều, biết nhiều từ đó tiếp thu được những tư tưởng mới lạ, tiến bộ và đưa chúng vào trong sáng tác của mình. Trong giai đoạn văn học quốc ngữ Nam bộ đầu thế kỉ XX, Trần Quang Nghiệp được xem như một hiện tượng lạ. Ở mảng thể thao, ông là một trong những người có công gây dựng phong trào bóng bàn thời kì đầu ở Sài Gòn. Chỉ tiếc là hai việc này được ông tiến hành ở hai giai đoạn khác nhau của cuộc đời nếu không, với việc vận dụng những trải nghiệm phong phú ở lĩnh vực thể thao vào trong sáng tác, ông đã có thể cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn hơn cho hậu thế.

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 30 - 34)