Sự băng hoại đạo đức gia đình

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 38 - 43)

7. Giới thiệu kết cấu của luận văn

2.1.1.Sự băng hoại đạo đức gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Từ bao đời nay, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, nơi ươm mầm và gắn kết những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Thế nhưng, trước những đổi thay nhanh chóng của thời đại, những biến chuyển của xã hội, các giềng mối thiêng liêng nhất trong tình cảm gia đình giờ không còn nguyên vẹn như xưa nữa.

2.1.1.1. Trong đạo nghĩa Vợ - Chồng

Cổ nhân có câu “phu thê nghĩa trọng tình thâm” nhằm đề cao đạo nghĩa vợ chồng; no ấm, giàu sang thì cùng hưởng thụ; khó khăn, bệnh tật, cơ hàn thì cùng gánh vác, sẻ chia. Thế nhưng, không ít người khi có chút ít tiền của trong tay nên dễ dàng thay đổi tâm tính, đánh mất bản thân và các giá trị sống tốt đẹp khác. Họ se sua, học đòi ăn chơi mà quên đi nghĩa vụ, bổn phận đối với gia đình.

Thầy ba Long (Nông nổi vì đâu?) làm việc ở một hãng buôn lương khá cao. Viện cớ mở rộng đường giao thiệp với mấy vị thương gia ở Sài Gòn, lục tỉnh, thầy nói dối vợ con là đi tập đánh tennis, bi-da. Sáng sớm Thầy đi làm, chiều đánh tennis,

tối đánh bi-da. Hôm nào bạn bè rủ rê đánh chén Thầy đi khuya lắc khuya lơ mới về, bỏ mặc vợ con đợi chờ mỏi mòn. Mà nào có phải siêng năng luyện tập thể dục thể thao gì cho cam, chẳng qua là Thầy viện cớ để đi đánh bài, hóng mát, tắm suối nước nóng… với nhân tình. Vì thói trăng hoa, Thầy lừa dối vợ con bằng lí lẽ khó chấp nhận:

“Cô nói nếu tốn kém như vậy còn chơi làm chi, thầy trả lời cũng hay, làm cho cô không rầy được. Thầy nói thầy ốm yếu nhờ thể thao mới ăn được ngủ được, thân thể tráng cường làm việc mới nổi, tuy tốn hai ba chục mà lợi được gần hai trăm nếu cô sợ tốn mà không cho thầy chơi thì thầy ăn không vô, ngủ không thẳng giấc, ốm o gầy mòn làm sao làm việc cho nổi mà nuôi cô. Hễ ốm o gầy mòn thì có khi cũng chết; hay là cô muốn thầy chết đặng cô lấy chồng khác… Buổi chiều thầy đánh tennis buổi tối ở không, thầy nói buồn, thầy đi đánh bi-da. Thầy với cô rằng đánh bi-da vui lắm, thầy đánh mau giỏi, thầy ham lắm, cho nên bữa nào cũng đi khuya lơ khuya lắc mới về” [89].

Không chỉ có thầy Ba Long, chàng Tống Ngọc (Tủi phận thuyền quyên) cũng không kém cạnh gì. Cưới vợ được ba năm, Tống Ngọc bắt đầu trở mặt. Lấy lí do đi dự tiệc này tiệc nọ, mấy ngày đầu Tống Ngọc còn về nhà, dần dần đi cả đêm không về. Khuyên nhủ mấy Tống Ngọc cũng không nghe còn hắt hủi vợ con ra mặt. Bao nhiêu tiền của làm được, Tống Ngọc tiêu xài hoang phí, cung phụng cho nhân tình, bỏ mặc vợ con đói khổ phải đi vay đi mượn người khác. Tệ bạc hơn, hắn còn dắt nhân tình về nhà, âu yếm ngay trước mặt vợ mình. Khi đã hết tình cạn nghĩa, Tống Ngọc thú thật là mình không còn yêu vợ nữa và cho phép cô đi lấy chồng khác. Sau đó, hắn dọn đồ về ở hẳn với vợ bé, để ngườ vợ gầy yếu một mình, tay ẳm con, tay xách vali bắt xe đò về Đà lạt xin tá túc nhà cha mẹ ruột

Thầy ba Long và Tống Ngọc đều có điểm giống nhau. Lúc đầu, họ đều là người nghiêm chỉnh, mực thước, yêu vợ thương con vô cùng. Từ khi đi làm, nhu cầu công việc phải và được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, trong túi có tiền, cả hai mới bắt đầu thay đổi tâm tính, tệ bạc với vợ con và trở thành kẻ ăn chơi trác táng. Cả hai đều là những con người thiếu ý chí, bản lĩnh khi đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, địa vị và danh vọng.

Tủi phận thuyền quyên làm người đọc nghĩ ngay tới truyện Ôi ái tình của Công bình được đăng trên Công luận báo số 501 ra ngày 2-5-1922. Ôi ái tình kể về Thầy V.D, vốn là Thầy giáo dạy giỏi ở trường làng, vì chán cuộc sống nghèo khổ nên cùng vợ con lên thị thành lập nghiệp. Khi đã có chút ít tiền của trong tay, thầy V.D bỏ vợ con chạy theo ả gái điếm. Về sau khi vợ đau buồn mà tự tử, thầy V.D cũng hóa điên mà chết theo vợ.

Từ đó cho thấy trong xã hội đang “đô thị hóa” ấy có khối kẻ đam mê của lạ, sẵn sàng chà đạp lên ân tình đạo nghĩa để thõa mãn dục vọng. Nguyên nhân chính vì người đàn ông vẫn chưa kịp thoát khỏi ảnh hưởng của tình trạng năm thê bảy thiếp của chế độ phong kiến. Với họ, một gia đình êm ấm, hạnh phúc thôi không chưa đủ. Họ muốn hưởng cho trọn mọi lạc thú trần gian. Có người vì thấy bạn bè ai cũng thế nên học đòi cho khỏi cái tiếng là cù lần; có người mới có ít tiền trong tay đã vung ra ăn chơi cho bằng bạn, bằng bè; có người vì tâm lí hưởng lạc mà ra sức lập phòng nhì, phòng ba… Thầy ba Long, Tống Ngọc, thầy V.D là số ít trong trăm ngàn những đức ông chồng đang đang đứng trước những thay đổi nghiệt ngã của xã hội buổi giao thời đó.

Không chỉ có người chồng, cả người vợ - vốn được xem là biểu tượng của sự tận tụy, chung thủy - cũng thay đổi. Trong xã hội mới, chồng đi làm, vợ ở nhà chăm lo việc bếp núc và nuôi dạy con cái. Cổ nhân có câu: “nhàn cư vi bất thiện”, những người vợ ở nhà được chồng đi làm về đưa nhiều tiền bắt đầu se sua ăn diện, đi đây đi đó tiếp xúc với nhiều người nên thay lòng đổi dạ. Điển hình làngười vợ (Lòng người

khó biết) “cắm sừng” chồng ngay trong nhà mình. Trong khi chồng đi làm đi làm, cô vợ ở nhà tằng tịu với anh Chà (ở đậu trong nhà) và có mang. Ngày sinh gần kề, cha mẹ chồng già yếu lặn lội từ quê xa lên chăm sóc, cô im lặng không nói gì. Chồng chạy tới chạy lui lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ, cô vợ thản nhiên chấp nhận xem đó là nghĩa vụ của chồng. Khi “nghe trong phòng con nít khóc tu oa, thầy mừng quá dắc cha mẹ vào mừng cháu. Ba người bước vô chưng hửng đứng sựng lại mà có mình thầy mặt mày ngơ ngác hơn hết đoạn thầy Hai Minh mỡ miệng nói nhỏ: Không phải con tôi mà!. Chị vợ day qua nhìn con rồi lại day lại nhìn chồng mà nói: Vậy chớ ai nói là con mình bao giờ đâu?” [53, tr.131]. Câu nói tỉnh rụi của chị vợ bất giác làm

người đọc thở dài ngao ngán mà buộc miệng: “Ôi nhân tình, thế thái!” và rồi day dứt, trăn trở suy nghĩ mãi…

Cuộc đời trong xã hội đương thời thật bế tắc! Do đâu mà đến thế? Trần Quang Nghiệp không lí giải bằng các nguyên nhân xã hội, lịch sử mà nhấn mạnh do chính bản thân con người gây nên. Con người thật khó hiểu. Luôn ra sức tìm kiếm hạnh phúc và bỏ nhiều công sức để tao dựng hạnh phúc. Nhưng rồi lại cũng dễ dàng đạp đổ hạnh phúc có được chỉ vì sự cố chấp. Từ đó mới thấy để giữ vững hạnh phúc gia đình trong thời buổi nhiễu nhương này thật không dễ chút nào. Gởi gắm trong những truyện ngắn này là lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng, chân thành, rất sâu sắc của Trần Quang Nghiệp khi ông đứng trước một thực trạng xã hội đau lòng, đáng giận và đáng buồn. Sự chung thuỷ trong đời sống vợ chồng mãi mãi vẫn là điều mà ai ai cũng mong muốn và hướng tới. Nó là điểm tựa vững chắc cho gia đình trước bao sóng gió của cuộc đời.

2.1.1.2. Trong quan hệ Cha mẹ - Con cái

Gia đình là nơi đại bộ phận con trẻ được người lớn thường xuyên chăm lo, giáo dục: Dạy con từ thuở còn thơ. Trong môi trường gia đình, trẻ bắt đầu hình thành

nhân cách, lối sống và đặc biệt là nhân sinh quan. Các bậc làm cha, làm mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của đứa trẻ. Vì thế nếu cha mẹ sinh con ra mà không có trách nhiệm nuôi dạy thì con cái sẽ không nên người, thậm chí còn làm điều tội ác.

Truyện ngắn Trên lầm dưới lỗi tái hiện lại quá trình dẫn đến tội ác thông qua lời kể của phạm nhân Lê Văn Nử. Anh sinh ra đã không cha không mẹ, lớn lên nhờ sự cưu mang đùm bọc của người mẹ nuôi. Để mưu sinh, Lê Văn Nử học nghề thợ mộc. Một hôm có một người đàn ông và một người đàn bà đến đặt làm nhiều món đồ đắt tiền và trả công rất hậu. Chưa có ai trong đời tốt với mình như thế nên Lê Văn Nử để tâm theo dõi. Về sau, khi biết chắc hai ân nhân đó là cha mẹ ruột của mình, Lê Văn Nữ xúc động gọi to cha và mẹ trong tiếng khóc nấc nghẹn ngào, những tưởng mình được ôm trọn trong vòng tay ấm áp của mẹ cha sau bao năm trời li biệt ! Nhưng không ngờ: Lo sợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình, người cha đã từ chối phũ phàng và giơ tay lên định đánh anh ta. Lê Văn Nử nắm tay ông lại thì ông thò tay kia vào túi rút súng ra. Bức xúc trước hành động của người cha ruột, không kìm chế

được cảm xúc của mình, Lê Văn Nử đã đâm chết cha và mẹ ruột.

Xem tiền bạc, danh vọng, địa vị là mục đích sống cao nhất, cha mẹ của Lê Văn Nữ đã đan tâm chối bỏ đứa con ruột của mình, thậm chí sẵn sàng bắn chết nó cho dù nó khóc lóc, nài nỉ được thừa nhận. Đạo đức băng hoại đến thế là cùng! Vì thế dù Lê Văn Nử là tội phạm giết cha mẹ của mình nhưng độc giả thương cảm cho anh – nạn nhân của xã hội - nhiều hơn là lên án đứa con bất hiếu. Hai lần bị bỏ rơi khiến đứa con lạc loài như Lê Văn Nử đã chết. Đứng trước mặt họ, Lê Văn Nử không phải là đứa con mà họ rứt ruột đẻ ra nữa, mà anh đang chính là người thực thi công lí, đòi lại công bằng và quyền sống chính đáng cho mình.

“Với nhơn quần xã hội, cha mẹ tôi là người có tội mà tôi là kẻ mắc phải một đời xấu hổ. Tôi là cánh bèo con mà đời là minh mông biển rộng thế mà cha mẹ tôi lại chẵng biết xót thương là gì. Cha mẹ tôi đáng lẽ phải thương tôi, thế mà cha mẹ tôi lại bõ tôi…Cha mẹ tôi đối đãi với tôi một cách thật là vô nhân đạo, thật là gớm ghiếc, thật là độc ác trong đời. Một người bị giựt của, dùng sức mạnh mà đoạt của mình lại” [51, tr.145] .

Những tình tiết khốc liệt đã làm làm Trên lầm dưới lỗi đẫm thấm tình cảm con người, cứa vào lòng người đọc những nhát nhẹ nhàng mà đau rát.

Vấn đề cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái cũng được đề cập rất cụ thể trong Trời phật công bình. Truyện kể về vợ chồng Hai Môn giết người đoạt của không gớm tay. Trong một lần “đi ăn đêm”, vô tình họ đã giết chết thằng Lành – đứa con ruột của mình. Truyện kết thúc bằng tiếng la vang động cả khu rừng của vợ Hai Môn: “Trời ơi! Con tôi”, rồi im bặt. Truyện ngắn này làm ta liên tưởng đến kết thúc truyện Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, khi người mẹ Tám Bính vì không biết đã lỡ tay giết chết chính đứa con trai của mình trong một vụ ăn cắp.

Trần Quang Nghiệp nhẹ nhàng nhắc nhở những đứa con không nghe lời cha mẹ, tự do kết hôn mà không chọn lừa bạn đời cẩn thận để rồi phải ăn năn hối hận vì quyết định sai lầm của mình. Như Thầy Hai Minh (Lòng người khó biết) là một tấm gương để nam thanh, nữ tú coi đó là bài học thiết thân. Vì cãi lời cha mẹ, thầy lấy nhầm cô vợ lăng loàn trắc nết, tằng tịu có con với kẻ khác ngay trong nhà của mình.

Tóm lại, Trần Quang Nghiệp là một trí thức tân học, được đi đây đi đó, học hỏi những cái mới lạ. Đứng trước sự giao nhau của cái cũ và cái mới, ông tiếp thu những tiến bộ từ văn hóa phương Tây với ý thức dân tộc rất rõ ràng, không lai căng, mất gốc. Ông hình thành những quan niệm mới mẻ về gia đình dựa trên đạo lí truyền thống của dân tộc. Trần Quang Nghiệp đã mạnh dạn đặt vấn đề về hạnh phúc gia đình mà đương thời ít ai phản ánh. Trong 45 truyện ngắn của ông có 6 truyện nói về sự băng hoại đạo đức trong gia đình. Nguyên nhân khiến các gia đình này tan rã một phần là do sự tác động bên ngoài của xã hội (lối sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí…). Từ những tác động này đã làm nảy sinh những mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa các thành viên đặc biệt giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 38 - 43)