7. Giới thiệu kết cấu của luận văn
3.1.2. Xây dựng tính cách nhân vật thông qua hành động và tình huống truyện
Các nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp có cá tính rất mạnh. Cá tính này thường được bộc lộ qua hành động và trong một tình huống nhất định.
Tình huống đó thường là những tình huống đặc biệt, có tính động cơ, xúc tác thì nhân vật mới phơi bày tính cách của mình. Có thể nói các nhân vật mà Trần Quang Nghiệp xây dựng, bất kể là nam hay nữ, đều có những hành động quyết liệt, khiến cho nhân vật thật sự rất sinh động và thu hút, không hề kiểu mẫu và mờ nhạt.
I.Rađep có một câu nói rất nổi tiếng: “Tính cách của con người được bộc lộ trung thực nhất qua những sự đối xử tình cờ nhất”. Thật đúng vậy! Trong Chọn đá thử vàng, qua “sự đối xử tình cờ nhất” mà hai cô Thúy Vân và Thúy Kiều bộc lộ rõ tính nết của mình. Chuyện kể về thầy giáo Huỳnh Văn Chiêu chọn ý trung nhân cho mình. Tiêu chí chọn vợ của thầy là kiếm một người vợ coi được, biết chút ít chữ nghĩa và hiền đức. Gần bên phố của thầy có bà phủ Khương có hai cô con gái tên là Thúy Vân và Thúy Kiều còn đương treo ngọc giá vàng chờ người tới rước. Thầy phân vân không biết chọn ai vì cô nào cũng có nhan sắc tuyệt trần, nhìn tử tế lắm. “Tri nhơn tri diện bất tri tâm”, thầy có ý dò xét kĩ càng tính nết cả hai người rồi mới quyết định. Một hôm, thầy đi chơi bỗng gặp hai cô đương ở trong một hiệu buôn Annam lựa vải. Hai cô lựa hết xấp này đến xấp khác, xóc xổ lung tung mà vẫn không tìm được cái nào vừa ý trong khi cô bán hàng vẫn vui vẻ chiều lòng khách. “Về dọc đường thầy suy nghĩ chuyện khi nãy luôn, không bao giờ thầy quên cô bán hàng được, thầy sánh với hai cô kia thì cô bán hàng có phần kém mà cũng có phần hơn; kém là kém nhan sắc song cái nhan sắc không cần gì cho lắm, còn hơn là hơn cái nết na đằm thắm ăn nói dễ nghe; cái cử chỉ của cô trong lúc bán hàng một chút như vậy thầy cũng rõ được tánh của cô rồi, cô hai cô ba trong lúc mua hàng tỏ ra cho thầy thấy; Cô Hai lựa hoài không được, làm nhọc lòng người ta mà chẳng biết, tánh không nhứt định gì hết; cô ba xem một thứ rồi đi không chờ xem thứ khác; người như vậy tánh tình hốp tốp đụng đâu làm đó chẳng biết suy nghĩ”. Để cho chắc, mấy ngày
sau thầy dọ xem nhà cửa cô bán hàng “Nhà của cô tuy chẳng tốt, bàn ghế chẳng khéo song cô biết cách chưng dọn nên dễ coi, cô có một mẹ già nuôi dưỡng tử tế cung kính, thầy dọ xem thấy cô được cái hiếu hạnh thì càng ước mong hơn nữa”. Thế là mấy tháng sau thầy lấy vợ, quả đúng như thầy chọn lựa. “Ta thấy nơi con đường Charner có một ngôi hàng khách lui tới đông đảo, vợ chồng chủ tiệm tiếp khách niềm nở mua đồ một lần thì chẳng bao giờ muốn mua chỗ khác, ngôi hàng ấy là ngôi hàng của
thầy Hai Chiêu và cô bán hàng hôm nào” [52, tr.158, tr.159]. Tiêu đề truyện Chọn đá thử vàng đã bao hàm ý vàng thật chẳng bao giờ sợ lửa cả, cũng như muốn biết lòng người thì phải qua thử thách của hoàn cảnh mới biết được. Điều này cũng rất đúng với truyện Đi coi hát mất vợ. Nhân vật chú Tâm bình thường là một người hào hoa, phong nhã, có học vấn nhưng trong tình huống đi xem hát ngồi sau lưng một cô gái đẹp chú trở thành kẻ bỡn cợt, hay ghẹo hoa chọc bướm “cứ khều chơn người ta ba bốn lần” [89].
Trong Người đàn bà ghen, chị hai vốn là người yêu chồng thương con tha thiết. Một hôm lục túi áo chồng, thấy bức thơ như vầy: “Anh Hai, lâu quá em không gặp anh, hôm trước em lên Sài Gòn có kiếm nhà anh nhưng không đặng. Chồng em nó chết rồi nhưng vì không biết anh ở đâu mà cho hay, bữa nay may có người chỉ em mới biết mà gởi thơ này cho anh. Cũng trong mấy tháng này em sẽ lên thăm anh và dắt thằng bé theo luôn thể; lóng này nó trộng cải và liếng láo lắm, cái miệng lại giống hệt miệng anh” [87]. Đọc xong bức thơ chị Hai mất hết bình tĩnh, cuốn hết đồ đạc đón xe đò về nhà cha mẹ ruột tận Long Xuyên. Mấy hôm sau, thơ chồng gởi xuống; cái giận còn đầy chị quăng ngay lá thơ vào trong đống lửa. Tuần sau nữa, chỉ khi nhận giây thép của em chồng báo tin chồng lâm bệnh nặng, chị mới sửa soạn quần áo trở về. Vừa về đến nhà, thấy có người đàn bà và đứa nhỏ đang đứng gần giường anh Hai, “chị giận phừng phừng, lui bước trở ra”, anh Hai đương ốm nặng
ráng gượng dậy giải thích mọi sự tình. Chợt hiểu ra mình ghen quấy, chi bước lại gần chồng mà “rưng rưng nước mắt” không nói nên lời. Vì giận quá mất khôn, suýt chút nữa chị không gặp đặng người chồng yêu quý của mình. Câu chuyện rất thật, rất thường tình nhắc nhở mọi người nên bình tĩnh, xét suy thấu đáo mọi chuyện trước khi hành động. Đừng vì nông nổi mà làm càng mà phải hứng chịu hậu quả khôn lường do chính những hành động nông nổi của mình.
Cũng kiểu ghen bóng ghen gió như chị Hai mà thầy ba Lầm (Cái áo màu xanh)
suýt chút nữa hủy hoại thân mình, phạm tội giết người. Tưởng người đàn bà mặc cái áo màu xanh đang nằm cạnh người đàn ông trên giường là vợ mình, thầy rút súng ra nhằm thẳng hai người bắn một phát, người đàn bà bị trúng đạn còn người đàn ông tông cửa sau chạy mất. Mất cả trí khôn, không thiết sống nữa, thầy quay súng lại bắn
một phát ngay bả va, gắng gượng dậy định bắn phát nữa để kết liễu đời mình, vừa lúc đó vợ thầy từ ngoài đường hơ hãi chạy vào. Hóa ra cái áo màu xanh ấy chính là con sen, nhân lúc thầy mợ đi vắng, nó lấy áo cô mặc vào đón rước nhân tình làm thầy ngộ nhận. Vì quá ghen tuông mà thầy đã hành động nông nổi, dại dột. Đó là bài học nhớ đời cho người có tính tình hấp tấp, bộp chộp như thầy Ba Lầm.
Tình huống nêu bật tính cách có khi chỉ là một khoảnh khắc xảy ra trong tích tắc. Như trong Gặp người gái đẹp, khi đứng trước một người con gái đẹp, máu dê
trong người thầy Mười Trương mới trỗi dậy. Khi nghe giọng nói nhỏ nhẹ ấy hỏi mình có phải là chủ bút báo Định Tường không, chẳng cần suy nghĩ, thầy đã gật đầu “ngay tắp lự”. Hậu quả là thầy ăn một trận đòn chí mạng.
Tình huống đó có khi diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài. Trong Đêm
thứ bảy, chưa đầy 12 giờ, anh Hai Cung đã thể hiện trọn vẹn nét đẹp tính cách của
mình, hiếu thảo, thật thà, thương vợ thương con. Câu chuyện cảm động kể về anh Hai Cung liều mạng đột nhập nhà ông huyện Đảnh để kiếm tiền chôn cất mẹ, bị phát giác, anh liền trao súng và trả tiền lại cho chủ nhà, thú nhận hết sự thật. Ông huyện Đảnh thương tình cho 50 đồng. Đi dọc đường, Hai Cung bị lính tuần nghi ngờ ăn trộm, lấy hết tiền, tống giam vào bót. Chỉ không đầy 12 giờ, anh Hai Cung trải qua nhiều cảm xúc rất mãnh liệt với những biến cố thay đổi hẳn cuộc đời mình. Từ cảm giác “buồn, giận tức lộn xen” cho đến “thảm đạm âu sầu” rồi “đứng trân trân…nước mắt chảy
ròng ròng” [88], cả những tức tối, uất ức không thanh minh được. Trần Quang Nghiệp lấy sự mâu thuẫn giữa tình cảnh của nhân vật và bối cảnh diễn ra câu chuyện làm tiêu điểm để gây sự chú ý. Một trong những thành công trong truyện này còn nằm ở việc đặt tiêu đề tên tác phẩm. Đặt tên tác phẩm là Đêm thứ bảy giống như khơi gợi sự tò mò, muốn đánh lừa người đọc. Đầu tiên ngay khi nhìn tiêu đề, ta sẽ nghĩ đây là một chuyện vui diễn ra vào cuối tuần. Đọc hết một phần ba câu chuyện ta lại ngờ ngợ “vui sao được, đây đúng là câu chuyện buồn mà”. Dõi theo hết câu chuyện ta mới nghiệm ra rằng đây không phải là vở kịch được diễn trên sân khấu mà hình như là sự thật ngoài đời.
Tính cách và hành động của các nhân vật trên chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoàn cảnh. Hoàn cảnh và tình huống ấy chính là mồi nhử để họ bộc lộ bản chất con
người mình. Muốn vậy nhà văn phải chú ý xây dựng tình huống sao cho tự nhiên, gần gũi, giống thật ngoài đời. Các tình huống trong truyện của Trần Quang Nghiệp rất dễ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu Sơn Vương thường dụng công xây dựng những nhân vật lý tưởng từ hành động đến tính cách như: Nguyễn Thu Phong (Danh dự ngòi bút) hay Hoàng Hữu Đức (Ăn năn đã muộn)…thì Trần Quang Nghiệp tập trung xây dựng những nhân vật bình thường, dung dị. Các nhân vật này làm những thiên truyện ngắn của ông vượt qua những ngụ ngôn và ẩn dụ dân gian để đến với những cảm hứng sáng tạo mới mẻ đầy màu sắc thời đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ đi sâu phản ánh từng mảng nhỏ, từng hơi thở của thực tại cuộc sống mà văn học yêu cầu.
Tóm lại, tính cách của nhân vật trong các truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp được thể hiện rõ mồn một qua những tình huống giàu kịch tính. Sự sống động về tính cách của nhân vật trong các tác phẩm của Trần Quang Nghiệp là một trong những tín hiệu bước đầu để ông tiến gần hơn đến thủ pháp của chủ nghĩa hiện thực. Đây nét độc đáo, mới lạ của Trần Quang Nghiệp.