Xây dựng nhân vật chỉ bằng một vài nét tiêu biểu về ngoại hình, tiểu sử

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 57 - 60)

7. Giới thiệu kết cấu của luận văn

3.1.1. Xây dựng nhân vật chỉ bằng một vài nét tiêu biểu về ngoại hình, tiểu sử

Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình, tiểu sử là một thủ pháp truyền thống trong tiểu thuyết cổ điển. Trong tiểu thuyết cổ điển, khi một nhân vật lần đầu nào đó xuất hiện trong tác phẩm, thông thường tác giả sẽ miêu tả ngoại hình theo lối ước lệ tượng trưng theo kiểu: gái thì là dáng điệu yêu kiều, mình hoa da tuyết, lời nói thốt ra như châu ngọc; trai thì “vai năm tấc rộng thân mười thước cao”... Trần Quang Nghiệp không đi theo lối miêu tả truyền thống này. Khi xây dựng nhân vật, ông thường giới thiệu một vài nét thật cơ bản về tính cách nhân vật liên quan đến truyện để dẫn dắt vấn đề. Cách giới thiệu này, thứ nhất: gây được sự chú ý, tò mò của

người đọc; thứ hai: để nhân vật tự thể hiện tính cách con người thật của mình thông

qua tình huống truyện; thứ ba: tạo sợi dây liên lạc giữa cảnh mở màn và kết thúc của câu chuyện. Chính điều này khiến người đọc không có cảm giác nặng nề khi tiếp

nhận tác phẩm của ông.

Chẳng hạn khi miêu tả ông Hương sư Thạo háo sắc, Trần Quang Nghiệp chỉ điểm qua một vài nét cơ bản: “tuổi lối năm mươi, tác người cao lớn mập mạp, là người giàu có ở chợ Bến Thành, vợ mất sớm, có tật hảo ngọt thấy gái đẹp là mắt sáng lên” [53, tr.143]. Cũng vì thói háo sắc mà ông đánh mất cả gia tài chỉ vì “Ba cô áo trắng” xinh đẹp. Hoặc khi miêu tả cô Ba Dung (Chuyến xe trưa), những chi tiết về ngoại hình được ông miêu tả rất Nam bộ: “Cô Ba Dung tuổi được hai mươi, người cô thấp và mập, chơn cô không trắng mà mặt cô cũng chẳng lanh nhưng hàm răng cô tốt, đôi má cô ửng hồng, sửa soạn đàng hoàng coi cũng được được…Cô mặc cái quần lảnh đen láng mướt, cái áo cẩm nhung xanh, đội khăn màu hột gà, dưới chơn mang dép Bắc sáu quai, tay xách giỏ mây…người sạch sẽ… chân cô hơi mốc mốc”[53, tr.147]. Dưới mắt người đọc, cô Ba Dung mang dáng vẻ của cô gái quê, mộc mạc, thật thà, cục mịch. Lần đầu lên Sài thành mọi thứ đều lạ lẫm, ngay cả việc ý trung nhân của cô ở nhà thuê, phải đi chung nhà vệ sinh với mấy nhà khác cô cũng không biết. Chồng cô chẳng làm gì, tối ngày chỉ thích đi chơi, xem hát, ăn cơm nhà hàng…cô cũng chẳng nghi ngại. Người như thế thì việc bị lừa lẫm cả tình lẫn tiền thì cũng không có gì lạ.

Nhân vật cô Ba Dung khiến ta liên tưởng đến cô Lê Thị Phi Tiễn trong Cũng vì

ham bằng cấp tú tài của Thanh Nhàn đăng trên Công Luận báo số 2110 ngày 6/7/1931. Nhan sắc của cô Tiễn chẳng mặn mà gì nhưng lúc nào đầu óc cô cũng mộng tưởng cảnh giàu sang, phú quý . Vì ham có chồng làm ông nọ ông kia, tấn sĩ, cử nhân, mà cô bị lừa lấy phải anh chồng nghèo khổ. Dù tính cách, xuất thân của cô Ba Dung và cô Lê Thị Phi Tiễn có điểm tương đồng nhau nhưng với nhân vật cô Ba Dung, Trần Quang Nghiệp đã tạo nên một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Nếu cô Lê Thị Phi Tiễn mặc dù lấy phải anh chồng nghèo, đầy mưu kế nhưng thật tâm yêu thương mình thì cô Ba Dung yêu nhầm kẻ bạc tình bạc nghĩa.

Khi giới thiệu nhân vật, Trần Quang Nghiệp chỉ “trích ngang” những chi tiết rất cô đọng về thân thế nhân vật nhưng qua đó ông đã phác họa khá đầy đặn tính cách của họ. Trong truyện Gặp người gái đẹp, Thầy Mười Trương được miêu tả là một kẻ đa tình, phong lưu tài tử, hay bỡn cợt, ghẹo gió chọc hoa: “cặp con mắt của Thầy

thần tình lợi hại làm thế nào không rõ mà một chút màu gì xanh xanh đỏ đỏ là không qua được. Cặp con mắt của Thầy ngó ngay vào cặp con mắt nào khác là cặp con mắt ấy phải xụ mí xuống tức thời. Thế mà có một lần kia, cặp con mắt của Thầy không còn thần tình lợi hại nữa được” [52, tr.101]. Chẳng ngạc nhiên gì khi Thầy muốn hưởng đặng chút ít hương phấn nên đã nhận càng mình là Bùi Thế Ngươn – một tay viết báo có danh của tờ Định Tường, ngờ đâu phấn hương chẳng thấy chỉ thấy “cái áo màu xanh két” kia sẵn cây dù trong tay đập Thầy một trận tơi bời. Thật là một bài học nhớ đời cho những kẻ háo danh, háo sắc.

Hoặc trong Bồng lai quán, chỉ một vài dòng miêu tả về hình dáng của hoàng tử giả mạo của xứ Nam Vang (Campuchia): “người nước da sậm, cốt cách phong lưu,

tay xách một cái vali màu vàng” [87], Trần Quang Nghiệp đã cho người đọc phần nào thấy được có cái gì đó rất giả tạo ở nhân vật này. Bản chất của tên lừa gạt này dần dần bộc lộ: viện cớ sợ mọi người chú ý, hoàng tử không lấy tên thật mà lấy tên giả là Lâm Chuôin…cuối cùng hiện nguyên hình là tên ăn cướp – lợi dụng đêm khuya mọi người ngủ say, “Hoàng tử”cùng tên “cận thần” khuân hết tài sản có giá trị của Bồng lai quán.

Hay chỉ vài dòng miêu tả ngoại hình của nhân vật ông Hương hào Y, Trần Quang Nghiệp đã khiến người đọc có cảm giác xót thương, đồng cảm, chia sẻ với cảnh ngộ của nhân vật này: “ông già sồn sồn, tay xách dù tay ôm gói”, “ông bịt một cái khăn đen mà chỗ mấy lằn xếp bị gián cắn nên bày tim đèn ra trắng trắng, áo cổ giữa không được sạch, bâu không cứng, đôi giày da láng ông dùng đã lâu hết láng hết đen mà lại trổ màu mốc mốc” [52, tr.156].

Hoặc khi miêu tả Hồng Hoa (truyện ngắn cùng tên), Trần Quang Nghiệp chỉ miêu tả ngắn ngọn vài dòng: “Người chừng 20 tuổi, ốm và cao, dường như có bịnh mới mạnh, cặp mắt thường ngó xuống, gương mặt ít khi vui. Chiều chiều cô hay ngồi trên bãi đá, mắt trông ra khơi, tối thì khoát cái áo choàng đen, qua lại trên bãi cát”. Chính cách giới thiệu này khiến độc giả khi mới vừa đọc truyện đã cảm thấy cảm thông đối với nhân vật này. Trần Quang Nghiệp khiến độc giả yêu mến Hồng Hoa ngay từ lần “chạm mặt” đầu tiên. Ý đồ đó không phải nhà văn nào cũng có thể làm được.

Gây ấn tượng mạnh, trở thành nhân vật mang dấu ấn khó phai hơn cả chính là hình ảnh nghèo khổ, cơ cực của lão ăn mày (Ăn mày trúng số). Một lão già ăn xin, quần áo rách rưới, tay chống gậy, tay xách bị, đang đứng trên cầu vẻ mặt đầy kiêu ngạo tự đắc. Sự tương phản về hình dáng và thái độ đã khiến lão ăn mày trở thành diễn viên đang thủ vai chính trong tấn trò hề của chính mình.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp vô cùng phong phú, đa dạng thuộc nhiều giai cấp khác nhau, từ những quan lại háo sắc như: Ông Huyện Võng (Lỗi bù lỗi), ông Hương Sư Thạo (Ba cô áo trắng); nhà báo (Giả thiệt là ai?); trí thức như Thầy ba Long (Nông nổi vì đâu?), thầy Bạch Văn Cơ (Tấm hình của ai?), thầy Huỳnh Văn Chiêu (Chọn đá thử vàng), thầy Năm Kiên (Chẳng đi đâu mất), thầy Hai Minh (Lòng người khó biết); ăn cướp, ăn cắp như vợ chồng Hai Môn và đứa con trai của họ (Trời Phật công bình); thầy thuốc như Đốc-tơ-Bảy (Cô gái đẹp

mà buồn), có khi cho đến những người dân nghèo khổ, “thấp cổ bé họng”: lão ăn mày

( Ăn mày trúng số), con sen (Lỗi bù lỗi)…Có nhân vật ông chỉ điểm qua bằng một vài dòng miêu tả khái quát, có nhân vật khi cần thiết ông diễn ta rất tinh tế, sâu sắc tâm trạng của họ.

Ngoại hình của các nhân vật bước đầu được Trần Quang Nghiệp miêu tả khá tỉ mỉ, thực tế, không ước lệ, chung chung như văn xuôi cổ điển. Cách miêu tả ngoại hình nhân vật rất ngắn gọn. Phác họa một vài nét về ngoại hình hoặc tiểu sử để dẫn dắt vấn đề là một nét độc đáo, điểm mới rất thú vị trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Trần Quang Nghiệp. Bằng việc điểm qua một vài nét hí họa về ngoại hình nhân vật, ông đã phác họa khá đầy đặn, trọn vẹn tính cách của nhân vật. Với thủ pháp nghệ thuật này, Trần Quang Nghiệp dễ dàng lia ngòi bút của mình tìm hiểu và phản ánh cuộc sống trên mọi phương diện. Khảo sát một số truyện ngắn của các tác giả khác được đăng trên Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ tân văn…chúng tôi thấy các nhà văn chưa chú trọng nhiều đến vấn đề này.

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)