Khắc họa sâu sắc nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 64 - 68)

7. Giới thiệu kết cấu của luận văn

3.1.3.Khắc họa sâu sắc nội tâm nhân vật

Theo quan niệm của các nhà lí luận văn học thì “miêu tả thế giới bên trong, phân tích tâm lí là một phương diện rất đặc trưng cho tiểu thuyết, mặc dù nói chung, loại văn học nào cũng không bỏ qua được khía cạnh tâm lí” [46, tr.22]. Miêu tả tâm lý nhân vật được xem là điểm mới của nghệ thuật văn xuôi giai đoạn này, bởi vì tiểu thuyết và truyện ngắn cổ điển thường chú trọng hành động, sự kiện chứ chưa chú tâm nhiều đến diễn biến nội tâm nhân vật, câu chuyện dần trôi một cách khô khan. Đa số các nhà văn Nam bộ giai đoạn đầu khi xây dựng nhân vật thường ít tập trung khắc họa nội tâm hay những trăn trở và suy tư của nhân vật. Điều này một phần là do tâm lý người Nam bộ thường vốn giản đơn, mộc mạc, không cầu kì.

Trần Quang Nghiệp đã mạnh dạn khai thác vấn đề này. Nhân vật của ông chủ yếu thể hiện xung đột nội tâm qua hai kiểu: hành động mâu thuẫn và độc thoại nội tâm. Trong các truyện ngắn của ông, chúng tôi thấy nhân vật có suy nghĩ và hành động mâu thuẫn nhau, thường trải qua quá trình đấu tranh nội tâm vô cùng phức tạp.

Và cũng chính vì có nội tâm giằng xé, suy nghĩ do dự mà nhân vật mới có những hành động trái ngược nhau như vậy. Điều này hoàn toàn phù hợp với logic tâm lý con người. Trong các truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, việc nhân vật đắn đo, suy nghĩ trước khi hành động rất thường gặp.

Trong Trên lầm dưới lỗi, hành động trái ngược của Lê Văn Nử, yêu thương cha mẹ vô bờ bến nhưng lại đan tâm giết chết cha mẹ mình. Hành động vung dao giết cha mẹ ruột của Lê Văn Nử là cả một quá trình biến chuyển tâm lý vô cùng phức tạp. Lúc còn nhỏ, cha mẹ bỏ rơi Lê Văn Nử chưa biết gì nhiều. Giờ đã lớn, thấu đáo mọi sự, khi bị cha mẹ bỏ rơi lần nữa Lê Văn Nử mới nhận ra số phận bi đát của mình. Càng đau đớn thì càng uất hận, Lê Văn Nử đã giết chết hai đấng sinh thành của mình. “Tôi còn biết cái gì nữa, có sẵn cái dùi sắt trong tay. Tôi đâm cha tôi, đâm chừng bao nhiêu thì đâm. Mẹ tôi kéo tay tôi vừa la. Hồi đó in như là tôi giết mẹ tôi luôn thì phải. Đương cái lúc như vậy làm gì tôi có biết đâu? Chừng tôi thấy hai người ngã xuống, tôi kéo quăng dưới sông liền, không suy nghĩ gì cả” [52, tr. 147]. Trần Quang Nghiệp đã miêu tả tâm lý Lê Văn Nử khá hợp lí. Đó là một quá trình khá phức tạp nhưng có lôgíc, đúng quy luật tâm lý. Đi sâu miêu tả quá trình giằng xé nội tâm của nhân vật ta có thể thấy được nhiều trạng thái tình cảm phức tạp, đan xen nhau ở nhân vật này. Đó là những hy vọng, hạnh phúc xen lẫn tuyệt vọng, đau đớn, ăn năn tội lỗi… Nếu Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát là theo tâm lý giải tỏa bế tắc, trả thù của kẻ cố cùng (bị cự tuyệt quyền làm người) liều thân. Hành động của Chí Phèo đi theo sự thúc đẩy bản năng, hoặc theo tiếng gọi hay sự mách bảo của tiềm thức thì hành động giết cha mẹ của Lê Văn Nữ là hành động phản kháng nhất thời, trong vô thức khi lí trí bị cảm xúc lấn át. Lòng yêu thương đã biến thành thù hận, khiến Lê Văn Nử không làm chủ được hành động của mình, trở thành kẻ mất hết nhân tính.

Hay trong Ăn mày trúng số, việc trúng số độc đắc đối với lão ăn mày là cơ may hiếm gặp, làm thay đổi hẳn cả cuộc đời đói rách của lão. Thế nhưng đứng trước đồng tiền, lão lóa mắt, không kiểm soát được hành động của mình. Nếu trước đó lão mang tâm lý của một người ăn mày đói rách, ngửa tay xin từng đồng xu của người qua đường thì giờ đây lão mang tâm lí của kẻ sắp sửa trở thành triệu phú. Lấy việc trúng một tờ vé số mười ngàn đồng bạc (năm 1931) làm cột mốc, 10.0000 – 1.000.000 xu,

tâm lý của lão ăn mày bắt đầu thay đổi. Đầu tiên, ai đi ngang, lão chẳng thèm dòm cũng chẳng buồn phải ngửa tay, giọng nài nỉ van xin ai hết. Lão khinh người ta ra mặt: “Ai đi ngang qua trước mặt, lão cũng cho rằng người ấy là không bằng lão”.

Lão đứng tựa thành cầu, mắt ngó xa xăm, lòng mơ màng tận hưởng cảnh giàu sang tưởng tượng. “Trước hết lão muốn một cái nhà rộng, thật khéo, thật đẹp, chung

quanh có vườn tược, có đủ thứ cây ăn trái và đủ thứ bông hoa kiểng vật...rồi một chiếc xe hơi...rồi một cô vợ vừa non vừa đẹp đẽ cùng nhau trong lúc canh vắng chia cái buồn cái vui...”. Đang lúc mơ màng, lão phát hiện bộ tướng xấu xa, thân hình dơ

dáy của mình in xuống mặt nước và chứng tích cho cuộc đời nghèo khổ là cái bị và cái gậy, thế là lão quăng ngay xuống sông để chấm dứt cuộc đời cơ cực của mình. “Thình lình gương mặt lão biến sắc” vì tờ vé số chưa kịp lãnh đang nằm trong cái bị ấy, “nóng quá mà quên rằng mình không biết lội nên lão vùng nhảy xuống sông ý muốn vớt lại cái bị ấy” [53, tr.169]. Cái bị dần trôi xa. Còn lão ăn mày thì đang chới với ngụp lặn trong dòng nước siết. Giấc mộng nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp cùng tờ vé số kia theo lão chìm xuống đáy sông sâu. Khoảnh khắc đó như một thước phim quay chậm – chỉ có một nhân vật là lão ăn mày đói khổ đứng im lặng nhưng suy nghĩ thì dậy sóng. Thước phim không cần lời thoại, những cảnh quay ngoại cảnh, chỉ cần lia máy vào cái nhíu mày, nhăn trán, cười mỉm, giật mép, ánh mắt mơ tưởng...đã đủ cuốn hút, ăn khách, trở thành thước phim để đời. Truyện hay vì đã đánh trúng tâm lý của nhiều người có cùng hoàn cảnh đói khổ như lão.

Những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật của Trần Quang Nghiệp rất “đời”. Đó là những cảnh, những người mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường bắt gặp. Chẳng hạn, khi bị mọi người trong gia đình cậu Hai Lang khinh rẻ, coi thường, ông Hương Hào Y (Số bạc mười ngàn) “buồn, tủi, hổ lộn xen”, “nước mắt rịn nơi hai khóe rồi chảy ào ra lăn dài theo má” [53, tr.156]. Khi miêu tả tâm trạng cậu Hai Nguyên khi bị gia đình ông Phán Phụng từ hôn (Hai bó giấy), “cậu uất ức, sảng sốt đứng trân không nói đặng một lời”, “giận quá, nghẹn ngào không nói được”, “cậu đập tay trên bàn một cái rầm rồi lấy nón quày quả ra về, từ đó cậu sinh bụng ghét đời” [53, tr.161]. Hoặc rất độc đáo khi ông miêu tả tâm trạng của một người đàn ông đang ghen tuông cực độ: “ngực nhảy mạnh, tay thầy rung, thầy đứng cứng dưới đất,

miệng không mở được một lời, thầy sảng sốt, rút khăn tay lau mồ hôi trán, mất cả trí khôn, không thiết sống nữa” [53, tr.141].

Người đọc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cô Lượng (Cái tội năm xưa) hấp hối trên giường bệnh. Dốc hết sức lực còn lại sau cơn bạo bênh, cô đau đớn thú hết mọi tội lỗi của mình. Chính cô là người giết chồng sắp cưới của chị ruột vì anh ta không yêu cô. Để rồi Lượng phải sống trong sự sợ hãi, đau khổ, dày vò tinh thần trong những chuỗi ngày dài sau đó. Những giọt nước mắt muộn màn, những lời cầu xin tha tội không làm tâm hồn cô thanh thản trước lúc xuôi tay nhắm mắt. Ngay khi trút hơi thở cuối cùng, mắt Lượng vẫn mở to, lệ vẫn còn rịn chảy nơi khóe mắt, dường như cô sẽ phải mang theo nỗi đau khổ, ăn năn đó xuống tận chốn tuyền đài mà không bao giờ dứt bỏ được.

Hấp dẫn không kém là đoạn miêu tả nội tâm của cô Ba Dung khi gặp người tình trong mộng trên chuyến Chuyến xe trưa (truyện ngắn cùng tên). Trên chuyến xe lên Sài thành, cô Ba Dung lắng nghe câu chuyện của một chàng công tử đang kể về cuộc sống giàu sang của mình. Cô “lấy làm lạ”, “bụng mừng thầm”, “không thể cầm lòng ham muốn giàu sang của mình được”, “cô hỏi thầm một câu này nữa” rồi tự nguyện xách giỏ theo không người ta về nhà . Cái hay ở đây chính là Trần Quang Nghiệp để nhân vật này đối đáp trong suy nghĩ với ý trung nhân lí tưởng của mình. Tự cô dọ ý chàng và sa bẫy tình lúc nào không hay. Rồi khi giấc mộng đổi đời đổ vỡ, cô cảm thấy đau đớn, ê chề vô cùng, “cô khóc tức tưởi chẳng nói được một tiếng gì”, “bận đi cô vui vẻ ước mong bao nhiêu thì bận về nầy cô lo, buồn, giận tức bao nhiêu”, “cô than nho nhỏ”, “cô nghẹn lòng” [53, tr.149]. Quãng đường về Mỹ Tho cô cảm thấy xa diệu vợi, nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn nhưng sự trống vắng, hụt hẫng, xấu hổ, dày vò sẽ là những cảm xúc còn đeo bám cô đến suốt cả cuộc đời. Bài học cho cái giá của sự non dạ, lầm tin thật quá đắt. Cô Ba Dung trở thành nhân vật được khắc họa tâm trạng rõ nét, mang nhiều cảm xúc trái chiều nhất trong số các sáng tác của Trần Quang Nghiệp.

Trong các tác phẩm của Trần Quang Nghiệp, tuy độc thoại nội tâm không nhiều, nhưng có tính xung dột cao, đã biểu hiện được những ngóc ngách tâm lý của nhân vật, khiến độc giả có cảm giác đang lắng nghe nhân vật của ông tâm sự. Đó là

những nỗi niềm trăn trở, những suy tư dằn vặt, những cung bậc cảm xúc sâu lắng thường thấy ở mỗi con người. Thế giới nội tâm nhân vật được Trần Quang Nghiệp thể hiện rất phong phú, phức tạp. Đi sâu tìm hiểu thế giới đó ta có cảm tưởng như bước vào một khu trưng bày phong phú, nhiều màu nhiều vẻ về những cảnh ngộ, những con người đang vùng vẫy trong hành trình chinh phục cuộc sống. Đó là những nhân vật sống động, có da có thịt, có cá tính, có tâm lí riêng, rất đời thường, gần gũi khiến mọi người đều yêu thích! Ông đặc biệt dành nhiều tình cảm để miêu tả những thị dân – những người có đời sống tinh thần đang biến đổi vô cùng phức tạp trước hoàn cảnh của xã hội. Ông bày tỏ những nỗi niềm bức xúc, trăn trở, đồng cảm của mình trước số phận, cuộc đời của họ. Viết văn, đó là một cách sống của Trần Quang Nghiệp. Ông gởi gắm những yêu thương, bênh vực, bảo vệ, san sẻ hay căm giận, bất bình …Văn là đời, ít thấy qua những trang viết dấu tích riêng của cuộc đời Trần Quang Nghiệp. Ông lặn mình, quên mình đi giữa thế giới những con người mà ông yêu thương, trân trọng.

Tóm lại, mặc dù là truyện ngắn, không có “đất” để phô diễn nhiều kĩ thuật viết nhưng Trần Quang Nghiệp đã biết phát huy tốt sở trường của mình là khắc sâu tâm trạng nhân vật. Khi miêu tả nhân vật ông không sa vào kể lể dông dài mà để nhân vật của mình tự bộc lộ tính cách, tâm trạng thông qua những tình huống gay cấn, kịch tính. Các nhân vật vì thế mà gần gũi, hết sức sống động như được lấy nguyên mẫu từ trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 64 - 68)