Người kể chuyện – Những dấu hiệu hiện đại từ trong truyền thống

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 68 - 72)

7. Giới thiệu kết cấu của luận văn

3.2.Người kể chuyện – Những dấu hiệu hiện đại từ trong truyền thống

Trong thần thoại, cổ tích, câu chuyện thường được kể dưới dạng “vô nhân xưng”, người kể thường rất ít để lại dấu ấn riêng cá nhân mình cả về phương diện nội dung và hình thức ngữ pháp trong các văn bản. Nhưng dần dần, với yêu cầu bức bách của thời đại cộng với quá trình sáng tạo của văn học thì vai trò người kể chuyện xuất hiện rõ hơn. Lần đầu tiên những danh xưng tôi và chúng tôi xuất hiện và kèm theo đó là những lời bình phẩm, đánh giá chủ quan của người viết về những sự kiện, diễn biến, phẩm chất của nhân vật trong tác phẩm. Người kể chuyện là một trong những phạm trù cơ bản của nghệ thuật trần thuật, là “một hình tượng được tác giả thực hư cấu nên, nó có thể ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba. Nó có nhiệm vụ mang lời kể

trần thuật và chỉ im lặng khi nhân vật lên tiếng” [28, tr.24-39].

Về người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, theo hai nhà trần thuật học Genette và Stanzel cho rằng ngôi “tôi” trong những tình huống trần thuật chỉ được tính là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và đồng thời là nhân vật khi anh ta viết về những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân. Tất nhiên những câu chuyện đó được viết lại đôi khi kèm theo những yếu tố hư cấu và tưởng tượng. Nhà văn có thể nhập vai vào người kể chuyện để biểu hiện những tư tưởng, cảm xúc của mình, nhưng người kể chuyện ấy không hoàn toàn là chính tác giả. Lời kể chuyện ở đây vì vậy cũng có sự đan xen giữa lời của người kể, tác giả và của nhân vật. Trên bề mặt văn bản ngỡ như những câu chuyện của các nhân vật tôi này không liên quan đến nhau, nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ bên trong. Người đọc biết được tất cả nhờ những xâu chuỗi những “mẩu chuyện” trong quá trình được nghe kể. Và đó chính là toàn bộ nội dung của tác phẩm. Dựa vào kết quả khảo sát trên 45 truyện ngắn hiện có của Trần Quang Nghiệp, chúng tôi thấy người kể chuyện ở ngôi thứ nhất có 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1 – Người kể chuyện xưng tôi là tác giả trong những truyện Hồng Hoa, Ai đành phụ nghĩa, Gặp người gái đẹp… Ở kiểu kể chuyện này, để gia tăng thêm sức hút và ý nghĩa cho câu chuyện, Trần Quang Nghiệp thường chêm xen vào những lời triết lí, bàn luận. Trong Xâu chìa khóa, kết thúc truyện tác giả viết: “Thương người dạy người biết ăn năn chữa lỗi và biết mình quấy mau toan cải

quấy thì quý hóa vô cùng” [53, tr.135] hay trong Ông tơ cắt cớ , ông gởi gắm: “Đất

rộng rừng sâu, lộc trời hưởng mảng đời không hết lại còn trở lại chen lấn giành giựt với nhau, vào lòn ra cúi mà làm gì nữa? [53, tr.140]. Hoặc trong Gặp người gái đẹp, người kể chuyện để nhân vật tự đưa ra kết luận về hành vi nhận quàng nhận bậy của mình: “Cũng ngỡ là mượn lấy danh thơm của người để hưởng chút phấn hương, chẳng dè lại phải mang nhục dùm thằng cha viết báo. Một lần như vậy khá sau nên chừa” [52, tr.103]...

Trường hợp 2 – Người kể chuyện xưng tôi là một nhân vật tham gia trực tiếp vào câu chuyện ở các truyện Trên lầm dưới lỗi, Tủi phận thuyền quyên, Ông tơ cắc cớ, Gương can đảm, Gặp người bạn cũ…Ở kiểu kể chuyện trong vai “tôi” là một

nhân vật tham gia truyện, Trần Quang Nghiệp đứng trên điểm nhìn của nhân vật mà kể lại câu chuyện cuộc đời mình một cách ý thức nhất. Những câu nói, những việc làm, cái nhìn của nhân vật về cuộc sống, về gia đình...được tái hiện một cách chân thật nhất. Giả sử trong truyện Gặp người bạn cũ, gặp buổi kinh tế quẫn bách, “tôi”

không tiền phải mò mẫm lết bộ hàng chục cây số tìm bạn mượn đỡ nhưng hình như bạn bè “biết ý” đều đi vắng hết thảy. Đi bộ từ sáng đến chiều, bụng đói rả bỗng gặp “anh bạn cũ” đến mức không nhớ nổi mặt bạn. Tay bắt mặt mừng anh bạn rủ “tôi”

vào nhà hàng, chén tạc chén thù, trước là hâm nóng tình bạn, sau là định bụng mối mai cho “tôi” cô em vợ xinh đẹp, con nhà giàu, học thức cao. “Tôi” nghe xong mừng thầm khấp khởi. Ăn uống, chuyện trò vui vẻ một hồi, đến lúc tính tiền anh bạn nọ bảo bỏ quên ví trong phòng, chạy nhanh về lấy, “tôi” bí thế đành ngồi đợi. Năm phút, mười lăm phút...chờ đến gần nửa đêm mà anh bạn nọ bặt vô âm tín. “Tôi” lo sợ đủ thứ trên đời: sợ anh bị lính bắt, xe đụng hay mang bịnh phải nằm nhà thương...nhưng sợ nhất là làm sao về nhà trong khi số tiền ăn uống lên tới “bốn đồng chín cắt năm xu” mà mình không có một xu dính túi, cuối cùng “tôi” đành thế giấy thuế thân. Trên đường về “tôi” vẫn không tin bạn lừa mà sợ bạn chẳng may gặp rủi ro. Cả truyện mảy may không có từ nào ca thán vì bị bạn lừa, tác giả để cho người đọc tự lí giải căn nguyên mọi chuyện. Cách kể chuyện rất có duyên và hóm hỉnh. Truyện bật lên tiếng cười châm biếm rất nhẹ nhàng nhân vật “tôi” nghèo đói, ham tiền, nghe theo lời đường mật mà bị lừa một vố đau điếng. Nhẹ dạ, cả tin như “tôi” trong xã hội nhiễu nhương này sẽ biến thành khù khờ, thua thiệt.

Khi tìm hiểu vai trò người kể chuyện trong các truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp, chúng tôi thấy có sự xuất hiện hình thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến trong truyện Ai đành phụ nghĩa. Theo lí tuyết tự sự học thì “tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến là hình thức tự sự mà ở đó điểm nhìn không còn bị trói chặt trong giới hạn phạm vi ý thức của một nhân vật người kể chuyện xưng tôi mà có sự dịch chuyển trên hai hay nhiều người kể chuyện” [61, tr.55]. Những cái tôi này không phải là sự phân thân của một cái tôi nào đó như trong các truyện kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến. Chúng tồn tại với tư cách là những chủ thể độc lập, mang quan điểm riêng, thể hiện rõ sự mâu thuẫn nội tại trong ý thức. Nói cách khác,

mỗi cái tôi đều được miêu tả như một ý thức. Có thể gọi đây là dạng tự sự nhiều người kể.

Trong Ai đành phụ nghĩa, người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi” nghe kể lại câu

chuyện của người kể chuyện thứ hai – cô Tấn Mỹ Hồng – được nhân vật chính, người kể chuyện thứ ba: cô Hồng Vân, kể lại mối tình ngang trái với chàng Tống Văn. Những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố đan quyện nhau tạo thành mạch cảm xúc chính của ba nhân vật: Tôi – Tấn Mỹ Hồng – Hồng Vân. Ở truyện này, Trần Quang Nghiệp đã phát triển sâu thêm cách trình bày hiện thực qua lăng kính ký ức, đặt câu chuyện trôi theo dòng cảm xúc của hai nhân vật và phát huy vai trò tiếng nói cá nhân của họ cùng với những phát biểu mang tính chính luận sâu sắc như: “Đờn ông họ tinh

ma quỷ quái lắm, lập thế này không được, họ day qua thế khác, đàn bà nhẹ tánh tin họ giao cả công sự cho đến chừng rốt cuộc, tay không suy yếu không tài nào hơn họ được, chừng đó có người phải điên, phải mượn giây oan nghiệt mà phủi rối nợ thế…Chị vui lòng thuật lại chuyện này cho em nghe, chỉ cái gương trước mặt cho em nhớ lấy mai sau này có người trai nào năn nỉ ỉ ôi em trao lòng đổi dạ với họ thì em chớ có vội nghe mà đem tấm gương trong cho họ dày vò, họ bỏ rơi, ngày sau gương trong đã đục váng đã đóng thuyền, mà ăn năn không kịp” [89].

Trong 45 truyện ngắn chúng tôi khảo sát có 12 truyện người kể chuyện ngôi thứ nhất, chiếm 27% - con số chưa thật nhiều nhưng bước đầu cho thấy Trần Quang Nghiệp đã cố gắng đổi mới cách viết của mình. Giọng kể của ông thường rất khách quan – rất Tây phương, ông để nhân vật tự bộc lộ hành động và cảm xúc của mình theo quy luật của cuộc sống góp phần tăng thêm giá trị cho tác phẩm. Khi kể chuyện ở ngôi thứ nhất, Trần Quang Nghiệp có giọng điệu cảm thông, chia sẻ với nhân vật, lúc thì đau khổ cho cuộc đời bất hạnh của họ, lúc thì thấu hiểu...Kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, Trần Quang Nghiệp đã tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa mình và độc giả, dẫn đến mục đích cuối cùng của ông là sự gần gũi và thấu hiểu, là bài học cảnh tỉnh được rút ra đằng sau đó.

Một phần của tài liệu đóng góp của trần quang nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn nam bộ đầu thế kỉ xx (Trang 68 - 72)