2.2.1.1. Khai thác “khoảng trống” dựa vào bố cục của văn bản
Thơ Đường luật khác với các thể thơ khác ở bố cục có các phần đề, thực, luận, kết, niêm, luật chặt chẽ. Phân tích theo bố cục là một hướng đi hợp lí trong dạy học các văn bản thuộc thể thơ này. Theo bố cục đề, thực,
luận, kết ấy, học sinh có thể dần dần khám phá giá trị tác phẩm theo dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tuy nhiên, ở trung học cơ sở hiện nay, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn, thắc mắc trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi thích hợp, đó là phân tích theo kết cấu, hay theo mạch cảm xúc. Trên thực tế thì mỗi hướng giải quyết đều có lợi thế và hạn chế riêng.
Trình tự bố cục là sự hướng đạo sáng tác của nghệ sĩ nhiều thế hệ. Tuy nhiên nếu xem đó là một tất yếu để vận dụng phân tích bất cứ bài thơ Đường luật nào thì sẽ có lúc rơi vào khiên cưỡng. Những tác phẩm thơ Đường luật được đưa vào trong chương trình là những bài luật thi xuất sắc, do đó đều là những công trình sáng tạo, không bao giờ chịu gò mình vào trong khuôn khổ.
Khai thác các “khoảng trống” dựa vào bố cục của văn bản rất phù hợp với thơ Đường luật, loại thơ chú trọng tạo lập các mối quan hệ và là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của giáo viên và học sinh. Để có thể “lấp đầy” những khoảng trống ấy thì trước hết, người học phải có được những kiến thức khái quát nhất về thể loại thơ Đường luật. Có rất nhiều cách để khai thác thơ Đường luật, nhưng tiếp cận theo kết cấu “đề, thực, luận, kết” là cách được rất nhiều người lựa chọn. Dựa vào chức năng của mỗi phần trong kết cấu ấy, người học có thể bước đầu có sự định hướng về tác phẩm, cũng như cấu trúc ý nghĩa trước khi đi sâu vào một tác phẩm cụ thể nào đó.
Khi phân tích Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, kết cấu đề, thực, luận, kết là cách làm tối ưu nhất.
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá lá chen hoa. Lom khom dưới núi, tiều vài chú, Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Hai câu “đề” (câu 1 và 2): Giới thiệu rõ không gian, thời gian, địa điểm và cảnh quan chung của vùng đèo Ngang.
Hai câu “thực” (câu 3 và 4): Tả cảnh thực ở đèo Ngang.
Hai câu “luận” (câu 5 và 6): Tâm trạng nhớ nước, thương nhà của tác giả.
Hai câu “kết” (câu 7 và 8): Lời bày tỏ trực diện tâm sự của tác giả về nỗi cô đơn.
Trình tự bố cục ấy sẽ tạo ra một “khoảng trống” trong tâm trí người học. Và theo sự hướng dẫn của giáo viên học sinh sẽ được “lấp đầy” những khoảng trống.
Khai thác khoảng trống dựa vào bố cục của văn bản tất nhiên là một cách làm đem lại hiệu quả cao trong khi tìm hiểu thơ Đường luật. Tuy nhiên, không phải bất cứ bài thơ Đường luật nào cũng có thể dựa vào cách làm ấy. Khi tìm hiểu bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến chúng ta không thể tuân thủ một cách máy móc “công thức” phân tích mà nhiều người vẫn thường hay sử dụng:
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta!
Đọc bài thơ chúng ta có thể dễ dàng chia bài thơ ra làm ba phần với ba ý chính: Phần 1 (câu 1): Tình huống lâu ngày bạn tới thăm nhà.
Phần 3 ( câu cuối): Lời khẳng định tình bạn đậm đà, thắm thiết.
Từ xưa đến nay không ai nghi ngờ hay băn khoăn gì về thể loại của bài thơ này, cũng chẳng có người nào dám bảo Nguyễn Khuyến không thông thạo phép làm thơ Đường luật. Đây là bài thơ Đường luật tiêu biểu cho tiếng thơ đôn hậu, nụ cười hóm hỉnh về tình anh em bạn bè. Và giáo viên có thể đặt ra cho học sinh những câu hỏi gợi mở nhằm kích thích tư duy của các em. Giáo viên có thể hỏi “ Bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến có được sáng tác theo bố cục chặt chẽ của thơ Đường luật không? Theo em, bài thơ có thể chia làm mấy phần? Nội dung chính của mỗi phần? Tình huống tiếp khách của tác giả có gì đặc biệt? Dụng ý của tác giả khi nêu ra tình huống tiếp khách oái oăm đó?... Trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, học sinh sẽ được khám phá những nét đặc sắc, những sáng tạo của tác giả để bài thơ luôn rất thân thuộc với bạn đọc Việt Nam bao thế hệ.
2.2.1.2. Khai thác “khoảng trống” dựa vào cấu trúc ý nghĩa của tác phẩm
Một thuộc tính rất được đề cao ở thơ Đường luật đó là sự hàm súc kín đáo. Hàm súc là nhiều ý nghĩa, nhiều loại ý nghĩa trong một lượng ngôn từ tối thiểu. Xưa nay nhắc đến thơ Đường luật ngưới ta vẫn nói đến những cụm từ như: ý tại ngôn ngoại, họa vân xuất nguyệt, ngôn tuyệt ý bất tuyệt… Chính những yêu cầu khắt khe của niêm luật cũng như những đòi hỏi cao về sự hàm súc kín đáo đã dẫn đến việc thơ Đường luật có cấu trúc ý nghĩa rất đặc biệt. Cấu trúc ý nghĩa này chính là điểm hấp dẫn, lôi cuốn nhiều độc giả bởi cứ mỗi lần tiếp nhận lại có được những ý nghĩa mới.
Trong việc dạy học thơ Đường luật ở trung học cơ sở, công việc hướng dẫn, cố vấn của người giáo viên là rất quan trọng. Bởi lẽ đây là thể loại mà không phải bao giờ ý nghĩa của tác phẩm cũng hiện rõ trên bề mặt ngôn từ. Hơn nữa, thơ Đường luật nói riêng, thơ văn trung đại nói chung ra đời trong thời đại cách xa với thời nay nên tâm lí tiếp nhận, vốn sống, và vốn hiểu biết của học sinh trung học cơ sở cũng có những sự khúc xạ nên
khó khăn trong tiếp nhận những giá trị đặc thù. Do tầm hiểu biết còn có hạn nên các em không hiểu được hệ thống ngôn ngữ bác học mà các nhà thơ vận dụng trong các bài thơ nên một số em dung tục hóa các từ ngữ, hình ảnh. Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương la một ví dụ tiêu biểu: Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non. Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Khi tìm hiểu bài thơ này, có học sinh chỉ hiểu đơn thuần bài thơ chỉ dạy cho ta cách làm bánh trôi nước. Thực ra hiểu như vậy không phải là hoàn toàn không có lí. Bởi lẽ nếu chỉ hiểu mặt trực ngôn của hệ thống ngôn từ thì có thể hiểu như vậy. Bài thơ sử dụng nhiều những từ ngữ miêu tả hình dáng và cách thức làm chiếc bánh trôi, như: trắng, tròn, bảy nổi ba chìm, rắn nát, nặn… Để làm được những chiếc bánh trôi ngon, đẹp thì người làm bánh không thể bỏ qua những công đoạn trên. Tuy nhiên, sáng tác của Hồ Xuân Hương không chỉ đơn giản chỉ nói về chiếc bánh. Và thực ra thì nếu muốn nói về chiếc bánh trôi và cách thức làm bánh có lẽ không cần đến một bài thơ. Cái mà người đời khâm phục và tôn vinh trong suốt nhiều thế kỉ đó là việc Hồ Xuân Hương đã đưa vào thể loại bác học những hình ảnh và đề tài rất bình dân. Bài Bánh trôi nước là một bài thơ vịnh vật cho nên bao giờ cũng mang tính ngụ ý. Vì vậy, nghĩa thực của bài thơ là tả chiếc bánh trôi nhưng ngụ ý của tác giả là mượn bánh trôi để nói về vẻ đẹp, thân phận và phẩm giá của người phụ nữ. Câu thơ đầu tiên không chỉ nói lên vẻ bề ngoài và màu sắc của chiếc bánh trôi mà còn nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Tác giả không miêu tả cụ thể mà lựa chọn những chi tiết nổi bật nói lên đặc điểm của chiếc bánh trôi. Màu sắc của bánh trôi trắng, tròn. Nhưng với hai từ Thân em đặt ở đầu câu thơ thì từ ngữ tả vẻ ngoài chiếc bánh trôi
đã chuyển nghĩa, gợi lên vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ, một vẻ đẹp xinh xắn, duyên dáng, đầy đặn, phúc hậu. Câu thơ thứ hai nghĩa thực cũng gợi tả cách luộc bánh: nước sôi thì thả bánh vào, khi nào bánh nổi lên là được. Nhưng thành ngữ Bảy nổi ba chìm được đảo thành Ba chìm bảy nổi
cùng với hình ảnh Nước non đã tạo một nghĩa khác. Thành ngữ Ba chìm bảy nổi thường dùng để nói về sự trôi nổi lênh đênh của kiếp người. Câu thơ gợi lên sự long đong gian truân của người phụ nữ trong xã hội xưa. Câu thơ thứ nhất và thứ hai nói lên vẻ đẹp và hình dáng của chiếc bánh cũng như số phận lênh đênh của người phụ nữ, câu thơ thứ ba gợi lên thân phận phụ thuộc của họ. Họ không được làm chủ cuộc đời mình. Thân phận ấy cũng giống như thân phận những người phụ nữ khác trong ca dao:
Thân em như dải lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Thân em như hạt mưa sa, Hạt vào đài các, hạt ra ruộngcày.
Nhưng hai từ Mặc dầu ở câu thứ ba lại khẳng định sự vươn dậy ở câu cuối cùng:
Mà emvẫn giữ tấm lòng son
Tấm lòng son là vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn của người phụ nữ. Sóng gió cuộc đời có phũ phàng, vùi dập thân phận Bảy nổi ba chìm thì cũng không thể tàn phá nổi tâm hồn, tấm lòng thủy chung son sắt ở người phụ nữ.
Như vậy, bài thơ không chỉ nói về hình dáng và cách làm bánh trôi mà ý nghĩa tượng trưng của nó mới chính là ý nghĩa quan trọng nhất. Trong quá trình dạy học, do vốn hiểu biết văn hóa cổ hạn chế mà học sinh chưa thấy được giá trị sâu xa, đích thực ẩn chứa bên trong. Do đó, khi giáo viên dạy học có thể đưa ra những câu hỏi mở, với nhiều phương án trả lời. Khi đó học sinh có thể thảo luận, tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình từ đó cùng với sự cố vấn của giáo viên mà có được cách hiểu tác phẩm một cách toàn diện và sâu sắc nhất.
Khai thác “khoảng trống’’ dựa vào cấu trúc ý nghĩa của văn bản thơ Nôm Đường luật đã khó, việc tìm hiểu ý nghĩa của những văn bản thơ Đường luật bằng chữ Hán còn phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ đặc điểm của cảm thụ văn chương là mang tính chủ quan sâu sắc, mà tác phẩm văn chương có giá trị thường mang tính đa nghĩa và có tính “mở”. Tuy nhiên không phải người đọc có quyền tự do vô hạn trong tiếp nhận mà phải bám sát nguyên bản để tránh sự suy diễn tùy tiện. Có những tác phẩm, qua thời gian, vẫn sống trong lòng độc giả bao thế hệ nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được những ý nghĩa sâu xa của nó. Bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương là một ví dụ.
Thiếu tiểu li gia lão đại hồi, Hương âm vô cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức, Tá vấn: “Khách tòng hà xứ lai”?
Trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2007, bài thơ Hổi hương ngẫu thư được dịch là Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê, và khẳng định: “Bài thơ thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ” [55, 128]. Đó là tình yêu của một người con xa quê đã rất lâu, gần một đời người mới quay trở lại quê nhà. Thủ pháp tiểu đối ở câu thứ nhất không chỉ khẳng định mức độ của thời gian xa quê mà còn là một điểm tựa để câu thơ thứ hai nổi lên với sự khẳng định tình yêu tha thiết quê hương của tác giả. Dù cho thiếu tiểu li gia lão đại hồi nhưng hương âm vô cải mấn mao tồi. Mái tóc của ông bây giờ đã bạc nhưng ông vẫn giữ trong mình giọng quê hương. Mấy chục năm xa quê với bao thăng trầm vậy mà tác giả vẫn không pha một chất giọng nào khác. Điều đó là sự thể hiện cao nhất tình yêu quê hương. Ấy vậy mà khi về đến quê nhà lại không ai nhận ra ông, một người con xa quê lâu ngày nhưng vẫn một lòng trông mong quay trở lại. Câu hỏi
hồn nhiên của bọn trẻ Tá vấn: Khách tòng hà xứ lai? đã làm tác giả chững lại. Và theo nhiều người, câu hỏi ấy chính là động cơ để tác giả viết bài thơ này. Tuy nhiên, theo tác giả Phạm Tuấn Vũ trong cuốn Về một số vấn đề tác giả, tác phẩm văn chương thì việc dịch thêm chữ mới trong nhan đề bài thơ là do cách hiểu của soạn giả chứ nhan đề của nguyên tác không có ý đó. Tác giả còn khẳng định: “văn bản bài thơ không có từ ngữ nào cho thấy hành động
hồi hương đang diễn ra, và nhà thơ cũng không chủ tâm cho thấy điều này” [82, 76]. Hai chữ hồi hương ở đây chỉ thông báo hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc chứ không phải cho thấy thời điểm nhà thơ giãi bày cảm xúc.
Như vậy, bài thơ không chỉ là sự thể hiện tình yêu quê hương một cách ngẫu nhiên trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ. Thơ Đường ở Trung Quốc có gần 50 000 bài thơ, nếu chỉ đơn thuần là sự thể hiện tình yêu quê hương thì Hồi hương ngẫu thư cũng không có vinh hạnh được xếp vào số 300 bài thơ Đường xuất sắc nhất (trong cuốn Đường thi tam bách thủ).Việc có được một vị trí danh dự trong cuốn sách này đã khẳng định bài thơ còn có những ý nghĩa khác. Theo tác giả Phạm Tuấn Vũ thì “bài thơ chỉ có bốn câu nhưng diễn tả nhiều sự đối lập. Ở câu thứ nhất có sự đối lập giữa xa nhà và trở về, đối lập về tuổi tác ở hai thời điểm. Ở câu thứ hai có sự đối lập giữa cái nhân vi (giọng quê) và cái nhân tạo (tóc mai rụng bớt do tuổi tác). Ở câu thơ thứ ba có sự đối lập theo cách nhìn của lẽ phải thông thường (chỉ thấy nhau mà không biết nhau). Bài thơ bốn câu, mỗi cặp hai câu diễn tả trọn từng ý. Khi đọc xong câu bốn, người đọc thấy hiển hiện một sự đối lập nữa, đối lập giữa hình dung của người trở về và thực tế diễn ra. Người trở về cứ nghĩ mang tình cảm sâu nặng với quê hương (mà một biểu hiện là cố giữ âm sắc giọng nói dù nhiều năm sống li hương), mình sẽ được quê hương đón nhận như đứa con thân thiết, nhưng lại bị lũ trẻ - một lớp chủ nhân mới của quê nhà – xem như người xa lạ. Một bài thơ ngắn mà có chừng ấy sự đối lập, xem ra không biểu thị những giá trị tình cảm hồn nhiên, thuận lí.[…]. Điều mà Hạ Tri Chương ngộ ra và
muốn giãi bày với người đời, là một triết lí. Cốt lõi của triết lí ấy là cuộc đời có những quy luật khách quan, nghiệt ngã mà dù không muốn chúng ta cũng phải đối diện” [82, 77].