Vận dụng các yếu tố ngoài văn bản còn gọi là hướng tiếp cận lịch sử - phát sinh. Nó bao gồm các yếu tố: tác giả, hoàn cảnh xã hội đã sản sinh ra tác phẩm. Tác phẩm văn học là con đẻ tinh thần của một thời đại lịch sử nhất định. Vì vậy, không thể hiểu rõ, hiểu đúng cơ cấu nội tại của tác phẩm văn chương nếu không bắt đầu tìm hiểu cội nguồn tác phẩm, tình huống sáng tạo tác phẩm. Tìm hiểu tác giả tức là tìm hiểu lịch sử tác giả bao gồm cuộc đời, sự nghiệp, đặc điểm tính cách, cá tính sáng tạo và quá trình sáng tác bởi trong quá trình sáng tác của mỗi tác giả thường không đơn điệu mà thường chuyển biến qua nhiều giai đoạn khác nhau với những quan điểm, quan niệm nghệ thuật khác nhau.
Ở Trung Quốc thời thịnh Đường, thơ Đường luật đạt đến sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức. Những tác giả tiêu biểu của thơ Đường luật đều tập trung ở giai đoạn này như: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy… Cũng chính trong giai đoạn này, xã hội đời Đường cũng có nhiều biến động phức tạp. Đằng sau vẻ phồn vinh của thịnh Đường đã ấp ủ bao mầm mống tai họa. Loạn An Lộc Sơn diễn ra, chiến tranh loạn lạc liên miên làm cho xã hội có những biến động cực kì to lớn trên mọi phương diện. Hiện thực lịch sử khắc nghiệt đó đã in dấu đậm nét trong thơ. Những tâm sự, ẩn ức thầm kín của tác giả một phần bắt nguồn từ thực trạng xã hội đó. Vì vậy, để hiểu sâu các bài thơ không thể không bắt đầu từ những hiểu biết về văn hóa, lịch sử xã hội đời Đường.
Lí Bạch và Đỗ Phủ là hai ngôi sao sáng của thơ Đường nói chung, thơ Đường luật nói riêng. Đó là “Thi tiên” và một người là “Thi sử”, tên hai người gắn chặt vào nhau làm cho khi nhắc đến người này không thể không nhắc đến người kia.Thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ gộp lại mới biểu hiện
được đầy đủ nhất tâm hồn người Trung Quốc thời đó. Tuy nhiên, chỉ có Lí Bạch là có tác phẩm được dạy học trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở. Cuộc đời Lí Bạch có nhiều biến động. Ông là người có tài năng nhưng bất đắc chí. Năm 755 xảy ra loạn An Sử, Huyền Tông chạy vào đất Thục, Lí Bạch ra giúp anh em Lí Hanh sau đó bị khép vào tội chết vì giúp kẻ phản nghịch. Cuộc đời ông đầy những lận đận, tư tưởng của ông cũng rất phức tạp, sự phức tạp ấy một phần phản ánh tư tưởng của thời đại một phần liên quan đến cá tính, nhân cách của nhà thơ. Ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo chủ yếu ở những hoạt động thần bí của nó như cầu tiên, luyện đan. Đồng thời ông lại luôn có tinh thần của một hiệp sĩ. Đặc điểm ấy khiến cho thơ ông vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Lí Bạch là một người có chí lớn, có lí tưởng cao đẹp nhưng tài năng không được thi thố, là một người khao khát tự do, cá tính, song bị lễ giáo phong kiến gò bó, phải mượn rượu để giải tỏa, cho nên khi dạy bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng phân tích hình ảnh yên hoa gợi sự khao khát được ra đi, được tung hoành bốn phương. Trong thơ xưa, con người có nhu cầu “tỏ lòng”, “tỏ chí” thi triển “chí khí’. Cái quý nhất ở con người là có chí khí, có sức sống, có lí tưởng, và có tấm lòng ngay thật, trong sáng, ghét mọi thứ khuất tất, ám muội. Tìm hiểu cuộc đời Lí Bạch sẽ giúp ích rất nhiều trong tiếp nhận Vọng Lư Sơn bộc bố. Giáo viên có thể hỏi: “Yếu tố cuộc đời đã chi phối như thế nào đến quá trình sáng tác của Lí Bạch?”. Từ hiểu biết về đặc điểm phong cách sáng tác của Lí Bạch, học sinh sẽ dễ cảm nhận hơn vẻ đẹp của thác núi Lư với những liên tưởng đột ngột khác thường, những đường nét phóng túng rộng lớn, những kích thước mang tầm vóc vũ trụ:
Nhật chiếu hương lô sinh tử yên, Dao khan bộc bố quải tiền xuyên. Phi lưu trực há tam thiên xích, Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
Câu đầu tả bối cảnh, lấy làn mây đỉnh núi mà vẽ nên cái nền rực rỡ của con thác, mặt trời chiếu vào đỉnh núi sinh khói tía, làm nên một tấm phông lung linh. Câu hai và câu ba miêu tả ngọn thác từ chính diện:
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên. Phi lưu trực xá tam thiên xích,
(Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước, Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước.)
Từ xa nhìn, ngọn thác như từ trong mây tía tuôn ra. Chữ “quải” (treo) là lấy tĩnh để tả động, dòng chảy liền thành một dải, hợp với cái lí “phi lưu”(chảy như bay) ở câu dưới. Câu thơ vừa truyền cảm, vừa tả được sự kì vĩ của dòng thác với sự cao vòi vọi của hình thể, với tốc độ như bay của dòng chảy, tạo thành cảm giác dòng thác từ trên mây xuống. Và trong mắt “thi tiên”:
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
(Ngỡ là sông Ngân rơi từ chín tầng mây)
Mặc dù thi nhân đã dùng hai chữ nghi thị để ám chỉ rằng, không phải là dải Ngân Hà thực mà chỉ “ngỡ là” thôi, nhưng lại khiến độc giả không thấy hư mà quả là thấy sông Ngân Hà thực. Bài thơ tả thác núi Lư trong con mắt, trong tầm nhìn, trong cảm hứng của nhà thơ Lí Bạch. Qua bài thơ, học sinh phần nào cảm nhận được tâm hồn và tính cách của nhà thơ. Đó là tình yêu thiên nhiên thắm thiết, là tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ của một tiếng thơ lãng mạn bậc nhất trong các nhà thơ Đường. Ngược lại, tính cách và con người tác giả cũng giúp người học hiểu sâu sắc hơn về một bài thơ tả cảnh thiên nhiên tráng lệ và hùng vĩ.
Giáo viên cũng có thể dẫn thêm những vần thơ mang dáng dấp và khí phách của một con người có hoài bão được gửi gắm qua hình ảnh con chim đại bàng đầy tráng khí:
Đại bàng một lúc lên theo gió, Chín vạn dặm bay vút tận trời.
Dẫu khi gió ngừng sa xuống đất, Chân còn lê tới tận biển khơi.
Trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở, Hồ Chí Minh là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm được đưa vào dạy học nhất. Điều đáng chú ý là các tác phẩm của Người thường ra đời trong những hoàn cảnh rất đặc biệt mà khi khai thác những tác phẩm ấy chúng ta không thể bỏ qua. Tập thơ Ngục trung nhật kí viết bằng thể thơ Đường luật được Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ. Suốt hơn một năm, Người bị giải tới giải lui gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Bác Hồ làm thơ trong tù chỉ để “ngâm ngợi cho khuây” trong khi chờ đợi ngày tự do, tập thơ vẫn cho thấy rõ tâm hồn cao đẹp, ý chí cách mạng phi thường và tài năng thơ xuất sắc. Trong thơ Người chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh một người chiến sĩ
Thân thể ở trong lao, nhưng tinh thần ở ngoài lao:
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà.
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Vọng nguyệt
Hoàn cảnh của Hồ Chí Minh thật đặc biệt. Người đang bị giam hãm trong chốn lao tù. Mặc dù “không rượu cũng không hoa” nhưng một tâm hồn nhạy cảm như Bác không thể nào hững hờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Để rồi: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Trăng là một vị khách đặc biệt, là một người bạn thân thiết của Bác. Trăng ở đây là vầng trăng sáng, là biểu tượng của tự do. Giữa vầng trăng và nhà thơ là cánh cửa ngục tù ngăn cách. Và hai nhân vật trữ tình chủ động tìm đến với nhau. Và lúc ấy tù nhân đã không còn là tù nhân nữa mà đã trở thành thi nhân. Hai câu thơ cho thấy sức mạnh tâm hồn to lớn của người chiến sĩ có tâm hồn nghệ sĩ. Cánh cửa ngục tù không thể
ngăn cản được tâm hồn người chiến sĩ vượt lên trên hoàn cảnh để được tự do thưởng nguyệt, cánh cửa nhà tù không ngăn cách được thiên nhiên hữu tình và tấm lòng rộng mở của thi nhân. Tuy bị giam cầm nhưng Bác vẫn vượt qua thử thách, vẫn ung dung tự tại, để tâm hồn giao cảm với thiên nhiên, hướng tới tự do, ánh sáng.
Tìm hiểu hoàn cảnh mà tác phẩm ra đời cũng giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn bài Tẩu lộ của Hồ Chí Minh:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,
Trùng san chi ngoại hựu trùng san. Trùng san đăng đáo cao phong hậu, Vạn lí dư đồ cố miện gian.
Dịch thơ: Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng. Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
(Bản dịch của Nam Trân)
Bác Hồ đã từng đi trong đêm đông giá lạnh, trong bão táp mưa sa, phải đi khắp núi cao, suối sâu với xiềng xích ở chân và dây trói ở tay. Hơn ai hết, Bác hiểu nỗi vất vả gian lao của việc đi đường. Vượt qua được ngọn núi này thì ngọn núi khác đã đón đợi trước mặt. Từ cảnh núi non trùng điệp hiện ra trước mắt, tác giả muốn nói lên bao khó khăn thử thách lớn hơn: thử thách nối tiếp thử thách, khó khăn nối tiếp khó khăn. Đứng trước muôn vàn khó khăn như vậy con người dễ nản lòng, nhụt chí, không ít người đã ngã gục trên đường đi. Nhưng với Bác Hồ, khó khăn gian khổ là môi trường rèn luyện ý chí nghị lực lớn lao, bản lĩnh vững vàng, tinh thần kiên định... Cái khó khăn gian khổ của đường đi không làm cản trở được tâm trạng vui sướng hân hoan, cảm giác khoáng đạt toát lên từ tầm nhìn của chủ thể trữ tình:
(Muôn dặm nước non thu vào trong tầm mắt)
Đây là niềm vui chiến thắng gian lao trở ngại, niềm vui vượt khó, vượt lên chính mình để chiếm lĩnh đỉnh cao. Từ chuyện đi đường, Hồ Chí Minh đã bộc lộ một bài học nhân sinh sâu sắc.
Không tìm hiểu hoàn cảnh mà các bài thơ ấy ra đời, không biết về cảnh ngộ mà chính tác giả đang trải qua thì thật khó khăn để hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa sâu sắc của bài thơ.
Các yếu tố ngoài văn bản cũng rất có ý nghĩa khi lí giải những sáng tác của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng, và những mầm mống của phương tây đang nhen nhóm. Sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà người phụ nữ không được coi trọng, nhìn thấy những cảnh bất công, ngang trái và bản thân cũng chịu nhiều đắng cay, Hồ Xuân Hương đã tạo cho minh một cách sống khác. Bà không cam chịu giống như những người phụ nữ khác. Bà dựng lên Cổ Nguyệt Đường để giao lưu, trao đổi, đàm đạo và gặp gỡ những người yêu thích thơ văn, mà tất cả những người đến với Cổ Nguyệt Đường đều là nam giới. Bà chinh phục những người đến với mình bằng tài năng và cá tính đặc biệt của mình:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non. Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước)
Bánh trôi nước mở đầu bằng một môtíp quen thuộc trong ca dao:
“Thân em”: Thân em như hạt mưa sa, Thân em như tấm lụa đào, Thân em như cây quế giữa rừng… Song, khi ví với hạt mưa sa, với cây quế giữa rừng chưa ai biết đến hương thơm. Còn khi Hồ Xuân Hương hạ bút đề thơ
Thân em vừa trắng lại vừa tròn lại gợi nghĩ đến một một thân hình đầy đặn trắng trẻo sẵn sàng đón nhận hạnh phúc nếu lẽ trời quả thật chí công. Dễ
dàng cảm nhận được đây là một bài thơ than thân trách phận. Nhưng Hồ Xuân Hương không chỉ đi theo con đường quen thuộc đó. Bà mở đầu câu thơ tiếp theo bằng cách sử dụng một thành ngữ quen thuộc Bảy nổi ba chìm. Đó là số phận của người con gái, đẹp đẽ nhưng phải trôi dạt lênh đênh giữa dòng đời. Và:
Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Trong con mắt nhà thơ, tấm lòng son ấy là cái duyên trong tâm hồn, tựa như nhân của chiếc bánh trôi kia, nhìn hời hợt ở lớp vỏ bề ngoài thì không thể thấy. Nhưng cái đẹp ẩn dấu bên trong ấy lại là phẩm giá của người phụ nữ. Cái đức hạnh thầm lặng, kín đáo nhưng lại rất đẹp đẽ không bao giờ bị mờ đi sẽ làm cho người phụ nữ xưa ngẩng cao đầu, bất chấp một thực tế là họ đang sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Bài thơ không chỉ là một lời tố cáo, một lời than thân trách phận mà con la sự cảm thông, bênh vực và nêu cao giá trị đấu tranh cho địa vị của người phụ nữ trong đời sống vào một thời điểm và ở một nơi chưa có khái niệm về nữ quyền.
Một người phụ nữ được người đời mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, một người phụ nữ dám đấu tranh cho lẽ phải, cho hạnh phúc của những người thấp cổ bé họng trong xã hội ấy thật vô cùng đáng quý. Nếu không hiểu về con người bà, cũng không hiểu về thời đại mà Hồ Xuân Hương đã sống thì thật khó để cảm nhận hết được những giá trị sâu sắc của bài thơ.
Với Tản Đà, dấu ấn thời đại thể hiện rất rõ trong thơ ông mà khi tìm hiểu những tác phẩm ấy không thể không chú ý tới. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Trên hội Tao Đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỉ”. Tản Đà (1888 – 1939) sống vào thời điểm mà chế độ thực dân phương tây đã tràn ngập sang đất nước chúng ta. Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nền chính trị rối ren, áp bức, bóc lột diễn ra khắp nơi… Trong thời buổi chuyển dao đầy phức tạp ấy, tâm hồn thi sĩ đã cùng với những
hồn thơ khác “chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng muốn thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo” [68, 16]. Không thể trở lại một thời vàng son như ngày xưa, cũng chưa thể làm quen ngay với những gì mà thực dân phương Tây đưa lại nhưng “Tiên sinh vẫn giữ được của thời trước cái cốt cách vững vàng, cái phong thái ung dung. Đời tiên sinh tuy bơ vơ, hồn tiên sinh còn có nơi nương tựa. Tiên sinh đã đi qua cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ hai mươi với tấm lòng bình thản một người đi trước. Những nổi chật vật của cuộc sống hàng ngày, những cảnh đời éo le thường phô bày ra trước mắt, không từng làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không bao giờ có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu. Thở than có nhưng không bao rên rỉ” [68, 16]. Hiểu được những điều ấy, người dạy và người học sẽ rất thuận lợi khi tìm hiểu các sáng tác của ông.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi! Trần thế em nay chán nửa rồi, Cung quế đã ai ngồi đó chửa? Cành đa xin chị nhắc lên chơi. Có bầu có bạn can chi tủi, Cùng gió cùng mây thế mới vui. Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám, Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Muốn làm thằng Cuội
Toàn bài thơ là một ước muốn “ngông”: tìm Hằng Nga để tâm sự, đòi lên trời, vui với mây gió, trông xuống thế gian cười. Bản thân Tản Đà cũng không ít lần nói về cái “ngông” của mình. Thậm chí, càng thất bại trong cuộc sống lại càng “ngông”. Có thể coi Muốn làm thằng Cuội như một điển