2 Nhân Thành
3.3.4. Phân tích kết quả thực nghiệm
Xuất phát từ mục đích và nội dung thực nghiệm, sau một thời gian thực nghiệm trên địa bàn hai huyện Yên Thành và Ngọc Lặc, chúng tôi có nhận xét như sau:
Ở tất cả các lớp thực nghiệm, chúng tôi sử dụng cùng một giáo án thực nghiệm vận dụng những phương pháp dạy học mới nhằm kích thích hoạt động tư duy, sáng tạo của học sinh. Các lớp 7C, 8C ở THCS nhân Thành, 7A, 8A ở THCS Phú Thành và 7A ở THCS Công Thành là lớp chọn nên chất lượng học sinh cao. Số học sinh hiểu bài và tỉ lệ điểm số của
học sinh giỏi, khá ở những lớp này cũng khá cao. Ngược lại, tỉ lệ về điểm số của những học sinh ở các lớp thường và học sinh ở miền núi lại không đồng đều. Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, cố vấn... cho học sinh tự tìm tòi các giá trị của tác phẩm, người giáo viên đã dẫn dắt các em tìm hiểu theo đặc trưng thể loại, giúp các em có được những tri thức nhất định về tác phẩm mà mình đang khám phá. Tuy nhiên vẫn có những học sinh mặc dù hiểu bài nhưng khi thực hành thì điểm số không cao.
Nhìn chung, tiết dạy học với giáo án thực nghiệm đã phát huy được vai trò tích cực chủ động của người học. Giờ học diễn ra sôi nổi, thoải mái, và rất thú vị. Vì thế, chúng tôi tin tưởng vào tính khả dụng của giáo án thực nghiệm và việc phân tích tác phẩm thơ Đường luật theo đặc trưng thể loại trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở hiện nay.
KẾT LUẬN
Dạy học là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo một cách cao độ. Dạy học Ngữ văn lại càng phải có một sự khéo léo mang tính đặc thù, bởi lẽ đây là một trong những con đường khiến cho độc giả trong nhà trường tiếp thụ các giá trị văn chương theo định hướng giáo dục, phù hợp với lứa tuổi. Yêu cầu của môn học này chính là làm cho các giá trị thẩm mĩ đến được với người thưởng thức một cách tự nhiên, hồn nhiên.
Chúng tôi triển khai nghiên cứu đề tài Dạy học thơ Đường luật ở trung học cơ sở hiện nay qua ba chương, thể hiện những vấn đề lí thuyết về thể loại thơ Đường luật và thực nghiệm hiệu quả của các giáo án thể nghiệm. Ở chương 1, chúng tôi đã tìm hiểu và phân tích những khó khăn, thuận lợi của việc dạy học thơ Đường luật ở trung học cơ sở hiện nay, đồng thời nêu lên mục tiêu hình thành tri thức thể loại từ dạy học thể thơ này. Theo nhiều nhà nghiên cứu và nhà sư phạm có tâm huyết, việc dạy học thơ Đường luật hiện nay bên cạnh thuận lợi rất lớn thì còn có những khó khăn. Một lợi thế được rất nhiều nhà sư phạm tán thành đó là việc các tác phẩm thơ Đường luật được dạy học ở trung học cơ sở hiện nay dù ra đời cách chúng ta nhiều thế kỉ nhưng là những tác phẩm có giá trị, mang đậm tính nhân văn. Ngược lại, xu thế phát triển của xã hội vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn cho việc dạy học thơ Đường luật. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh hiện nay không thích học văn lại “nằm ngoài giáo dục”. Khoa học kĩ thuật phát triển, kinh tế thị trường lên ngôi đã dần dần hướng học sinh chọn các môn học thuộc ban tự nhiên. Để từng bước khắc phục tình trạng này rất cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội để môn học Ngữ văn trở về với bản chất của nó – văn học là nhân học. Trong chương hai, chúng tôi đã tìm hiểu và phân tích một số cách tiếp cận thơ Đường luật. Chúng tôi đã cố gắng khai thác “khoảng trống” của các văn bản đó qua việc phân tích bố cục và các lớp ý nghĩa của nó, đồng thời đưa ra được một số biện pháp làm cho học sinh trung học cơ sở ngày càng có hứng thú với thể thơ Đường luật. Theo đó, để biến sự xa cách về thời gian và sự khác biệt về không gian thành hứng thú tiếp nhận những giá trị đặc thù thì khi dạy học tác phẩm chúng ta không nên máy móc theo bố cục của thể loại. Giáo viên và học sinh phải chủ động, sáng tạo khi dạy học để cảm thụ các lớp ý nghĩa của tác phẩm. Bên cạnh đó, khai thác các yếu tố ngoài văn bản cũng là cách làm tăng thêm hứng thú tiếp nhận và tạo cho học sinh thái độ yêu mến các tác giả thơ
Đường được dạy học. Trong chương này chúng tôi cũng đã khẳng định vai trò của bản dịch thơ và vấn đề sử dụng bản dịch thơ trong dạy học thơ Đường luật. Phải thấy rằng việc đối sánh bản dịch thơ với nguyên tác là điều nên làm nhưng dịch thơ là một công việc rất khó khăn, nhất là với dịch thơ Đường luật. Cùng với những phân tích ấy, chúng tôi cũng đã thống kê, phân loại những tác phẩm thơ Đường luật có mặt trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở để thấy được vai trò, vị trí của thể loại thơ này đối với văn học nói riêng, đối với sự phát triển nhân cách học sinh nói chung. Ở chương ba chúng tôi đã thiết kế một số giáo án thể nghiệm và thực nghiệm hiệu quả của những giáo án đó.
Có rất nhiều cách tiếp cận một văn bản thơ Đường luật và không phải các cách ấy đều đem đến hiệu quả như nhau trong cùng hoàn cảnh. Chất lượng dạy học còn tuỳ thuộc vào năng lực sư phạm của mỗi giáo viên và quan trọng hơn là sự tích cực, chủ động trong việc học tập của mỗi học sinh. Có như thế tri thức mới đến với học sinh một cách tự nhiên, hồn nhiên và lâu dài nhất.