Giải quyết các quan hệ trong việc dạy học thơ Đường luật Trung Quốc và thơ Đường luật chữ Hán của Việt Nam

Một phần của tài liệu Dạy học thơ đường luật ở trung học cơ sở hiện nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 55 - 62)

16 Vọng nguyệt Hồ Chí Minh Thất ngôn tứ tuyệt Thất ngôn tứ tuyệt

2.3.3. Giải quyết các quan hệ trong việc dạy học thơ Đường luật Trung Quốc và thơ Đường luật chữ Hán của Việt Nam

Trung Quốc và thơ Đường luật chữ Hán của Việt Nam

2.3.3.1. Giải quyết quan hệ giữa lượng kiến thức và thời lượng

Trong hoạt động dạy học, quá trình nhận thức của học sinh chủ yếu là sự tái tạo những tri thức của loài người đã tạo ra.

Quá trình nhận thức của học sinh không diễn ra theo con đường mò mẫm, thử và sai như quá trình nhận thức nói chung của loài người, mà diễn ra theo con đường đã được khám phá, được những nhà khoa học xây dựng chương trình với tính mục đích cao. Hơn nữa, theo cố thủ tướng Phạm Văn Đồng thì “lứa tuổi từ 7 đến 17 là rất nhạy cảm, thông minh lạ lùng lắm”. Do vậy, trong một thời gian nhất định, học sinh có thể lĩnh hội được một khối lượng tri thức rất lớn một cách thuận lợi.

Mặc dù quá trình nhận thức đó có những thuận lợi nhưng với một khối lượng chương trình “quá tải” như hiện nay thì một vấn đề đặt ra là

mâu thuẫn giữa nội dung và thời lượng dành cho một tiết học. Mâu thuẫn này có ở nhiều môn học. Tuy nhiên nó phổ biến hơn ở môn Ngữ văn nói chung, với dạy học thơ Đường luật nói riêng.

Thơ Đường luật là một thể loại đặc biệt, và cũng vì thế nó đòi hỏi một sự tiếp nhận cũng đặc biệt không kém. Trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở, thơ Đường luật được dạy học khá nhiều. Như đã nói, nhiều văn bản thuộc thể loại này ra đời cách chúng ta nhiều thế kỉ với đặc trưng tư duy và ngôn ngữ riêng, nên trong quá trình tiếp nhận học sinh và giáo viên phải làm việc trên cả ba loại văn bản: bản phiên âm Hán Việt, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ. Đây chính là khó khăn đầu tiên trong khi dạy học. Mỗi tiết học được giới hạn trong vòng 45 phút, với việc dạy học thơ Đường luật thì vấn đề này là một thử thách. Trong khoảng thời gian 45 phút, bên cạnh việc đọc tác phẩm thì học sinh và giáo viên còn phải tìm những chỗ giống và khác nhau giữa các văn bản đó từ đó so sánh, đánh giá, nhận xét để quá trình lĩnh hội ý nghĩa của tác phẩm diễn ra thuận lợi hơn. Hơn nữa, mặc dù thơ Đường luật có dung lượng nhỏ (bài thơ ngắn nhất chỉ có 20 chữ – ngũ ngôn tứ tuyệt, bài dài nhất cũng chỉ có 56 chữ - thất ngôn bát cú), nhưng lượng ý nghĩa hàm chứa trong đó không nhỏ. Vì thế, trong một khoảng thời gian ngắn mà để hiểu được trọn vẹn một tác phẩm thơ Đường luật là rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, vai trò hướng dẫn của người giáo viên là rất quan trọng. Tuy nhiên, thái độ học tập tích cực của học sinh lại đóng vai trò quyết định. Giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm những việc mà các em có thể. Đó là việc đọc và đối chiếu các loại văn bản với nhau. Trong các văn bản này, việc hiểu được các từ khó trong bản phiên âm là một điều càn lưu ý. Hiện nay trong các tiết dạy cũng như trong các sách thiết kế bài giảng hiện hành, có mục Đọc và giải thích từ khó. Đây là một việc làm cần thiết nhưng nó chiếm mất nhiều thời gian. Phần giải thích từ khó này đã có trong sách giáo khoa, ở mục Chú thích, vì thế giáo viên nên hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu ở nhà và khi lên lớp chỉ cần tập trung vào từ ngữ nào khó nhất và gây tranh cãi. Ví dụ như từ “quải” trong bài thơ

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên, Dao khan bộc bố quải tiên xuyên.

(Mặt trời chiếu núi Hương Lô sinh làn khói tía, Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.)

Ở câu thứ hai này trong bản dịch thơ tác giả Tương Như đã chưa diễn tả hết được ý như trong nguyên tác:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay, Xa trông dòng thác trướcsông này.

Chính từ “quải” (treo) ở đây mới chính là “nhãn tự” của bài thơ. “Dòng thác trước sông” chắc hẳn sẽ không tượng hình và giàu sức gợi như “Dòng thác treo trên sông”. Động từ “treo” làm tăng vẻ đẹp của dòng thác đồng thời thể hiện tâm hồn cao đẹp cũng như trí tưởng tượng của thi nhân. Đây cũng chính là từ mà nhiều người dựa vào để đánh giá mức độ thành công của bản dịch thơ. Trong khi giải thích từ này, giáo viên có thể kết hợp giải thích cho học sinh hiểu rằng dịch thơ là một công việc khó khăn, càng khó khăn hơn đối với việc dịch một bài thơ Đường luật.

Thơ Đường luật rất hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Mặc dù số lượng câu chữ không nhiều nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Nhắc đến thể loại này người ta thường nhắc tới đặc tính như: “ý tại ngôn ngoại”, “hoạ vân xuất nguyệt”, ... Để làm được điều đó thì các nhà thơ thường sử dụng điển tích, điển cố trong sáng tác của mình. Việc giải thích những điển cố này có một vai trò quan trọng trong việc giúp độc giả hiểu hơn về tác phẩm cũng như tâm hồn nhà thơ. Vì vậy, trình bày cho học sinh biết về những câu chuyện liên quan đến điển tích đó là một công việc không thể không thực hiện khi tìm hiểu thơ Đường luật. Thao tác giải thích điển tích điển cố phải được thực hiện theo các bước: giải thích nghĩa đen từ đó phân tích giá trị thẩm mĩ của nó. Giáo viên cần phải cân nhắc đến việc giải thích điển tích, điển cố cho phù hợp, phục vụ đắc lực cho chủ đề, nội dung văn bản. Những điển tích điển cố này góp phần gợi mở liên tưởng, gây hứng thú học tập, khơi gợi rung

động thẩm mĩ ở học sinh để các em hiểu được tầng ý nghĩa sâu xa khuất lấp dưới vỏ bọc ngôn từ để chiếm lĩnh văn bản. Lí giải ngôn từ không chỉ dừng lại ở thao tác giải thích từ đó có ý nghĩa gì mà quan trọng hơn phải phân tích được tính biểu cảm của từ đó trong văn bản để thấy được tính độc đáo của nội dung và giá trị của tác phẩm. Tuy nhiên có nhiều giáo viên trong khi giảng dạy đã quá sa đà vào kể chuyện nhằm thể hiện sự hiểu biết của mình đã vô tình làm cho thời gian dành cho các nội dung khác trong tiết học ấy ít. Do đó, để đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch dạy học, người giáo viên phải cân đối thời gian hợp lí nhất.

Như vậy, để giải quyết được mâu thuẫn giữa khối lượng nội dung và thời lượng dành cho một tiết học, cả giáo viên và học sinh đều phải thực sự hiểu được phần việc của mình. Trong quá trình dạy học thì vai trò quan trọng nhất vẫn là ở người học sinh, bởi lẽ, nếu không tích cực, chủ động, và tạo cho mình hứng thú chiếm lĩnh tri thức thì giờ học sẽ trở nên nhàm chán, buồn tẻ.

2.3.3.2. Giải quyết quan hệ giữa nhận thức logic và phát triển mĩ cảm Học là một hoạt động nhận thức. Nhận thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào não người. Đó là sự phản ánh tâm lí của con người bắt đầu từ cảm giác đến tư duy, tưởng tượng. Sự học tập của học sinh cũng là một quá trình như vậy. Đó là sự phản ánh đi trước, có tính chất cải tạo mà mức độ cao nhất là sự sáng tạo. Sự phản ánh đó bị khúc xạ qua lăng kính chủ quan của mỗi người (như qua kinh nghiệm, nhu cầu, hứng thú...) và đó là sự phản ánh tích cực qua nhu cầu của mỗi chủ thể.

Quá trình học tập của học sinh cũng diễn ra theo công thức của Lenin về quá trình nhận thức: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó là con đường biện chứng của nhận thức chân lí, nhận thức hiện thực khách quan.

Dạy văn và học văn là những hoạt động rất đặc biệt của con người. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “giáo viên là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Để

“sáng tạo ra những con người sáng tạo” ấy chắc chắn người giáo viên không đi chệch những quy luật của thế giới khách quan. Học sinh thu nhận kiến thức, làm tiền đề phát triển trí dục và mĩ dục của mình.

Từ trước đến nay, khi nhắc đến văn học cũng như hoạt động dạy học văn trong nhà trường người ta vẫn thường nhắc đến tính nhiều chức năng của văn học. Những chức năng quan trọng là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ và chức năng giao tiếp, bởi vì văn học là tiếng nói của con người hướng tới các giá trị chân, thiện, mĩ. Văn học phản ánh cuộc sống con người. Viết văn là một hoạt động nhận thức của nhà văn đối với thế giới và cũng là đối với bản thân mình. Tiếp nhận văn học là tiếp thụ những nhận thức ấy. Tác phẩm văn học có thể cung cấp cho người đọc những hiểu biết phong phú về địa lí, văn hóa, lịch sử... phong tục tập quán... và quan trọng hơn là giúp họ khám phá ra những vấn đề xã hội, những bí ẩn trong đời sống tinh thần của con người. Văn học cũng là một hình thức tiếp cận chân lí. Sự phản ánh của văn học bao giờ cũng gắn liền với một cách nhìn, một thái độ với các hiện tượng được mô tả. Do vậy, văn học có tác dụng cải tạo, giáo dục quan điểm tư tưởng đạo đức rất lớn. Văn học giáo dục con người không phải như một nhà thuyết giáo mà như người bạn đồng hành, đối thoại tâm tình với bạn đọc, một tấm gương để người đọc tự soi mình. Và sự thanh lọc này chính là mục đích cuối cùng và cao nhất trong hoạt động dạy học văn.

Trong dạy học văn từ trước tới nay, mối quan hệ giữa nhận thức logic và phát triển mĩ cảm luôn được đặt ra. Đối với việc dạy học thơ Đường luật thì quan hệ này lại được chú ý hơn, bởi lẽ đây là một thể loại ra đời cách chúng ta nhiều thế kỉ, trong hoàn cảnh đặc biệt với những quy định khắt khe về ngôn từ. Khi tìm hiểu tác phẩm cùng lúc người học phải trang bị cho mình nhiều kiến thức, từ đó mới có thể hiểu và phát triển mĩ cảm cho mình. Bài thơ

Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh là một tác phẩm như thế.

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa, Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Dịch thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ. Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Bản dịch của Nam Trân)

Bài Vọng nguyệt (Ngắm trăng) được trích trong tập Nhật kí trong tù,

sáng tác trong thời gian Bác Hồ bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Theo lẽ thông thường, đây là khoảng thời gian buồn chán, khó khăn, thậm chí có thể làm gục ngã con người. Chính Bác Hồ cũng đã nói: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoạiSống khác loài người gần bốn tháng/ Khổ nhục còn hơn mười năm trời. Trong hoàn cảnh ngục tù như vậy người ta hoàn toàn có quyền chán nản, than thở, trách móc... Chắc hẳn trong lúc được giới thiệu về tập thơ sáng tác trong hoàn cảnh nào, học sinh đã nghĩ đến việc bài thơ mà mình sắp học sẽ nói về cuộc sống tù đày đầy vất vả. Ấy vậy mà cả 28 tiếng không có tiếng nào nói lên điều đó. Ngược lại, nếu không có hai chữ Ngục trung mở đầu tác phẩm thì độc giả cứ nghĩ rằng chủ thể vọng nguyệt đang ngồi thưởng nguyệt ở một nơi yên bình nào đó. Tác giả - chủ thể trữ tình - vẫn đang đắm mình trong không gian của thiên nhiên. Hồ Chí Minh biết rằng mình đang ở trong ngục tù nhưng trước cảnh đẹp của ánh trăng, Người không thể không chú ý. Và ngay lập tức, trăng đã trở thành người bạn tri âm, tri kỉ của nhà thơ. Trong hoàn cảnh ngục tù ấy mà tác giả vẫn mở lòng mình giao hoà và đón nhận vể đẹp của đêm, của thiên nhiên thì thật là đáng quý. Đó chính là tinh thần lạc quan, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chịu khuất phục, vẫn hiên ngang, vẫn trải lòng mình hướng về thế giới bên ngoài tự do. Khi tìm hiểu tác phẩm này, xuất phát từ tấm gương Hồ Chí Minh, học

sinh sẽ hình thành được cho mình những tình cảm tốt đẹp, không chỉ với tác giả bài thơ mà với chính các em nữa.

Thể loại thơ Đường luật với những quy định khắt khe về niêm, luật, vận, đối là những tri thức khái quát nhất mà học sinh đã được trang bị từ khi được học những tác phẩm Đường luật đầu tiên. Thể loại là một khái niệm thuộc phạm trù hình thức, tuy nhiên hình thức lại mang tính nội dung. Hai phạm trù này xuyên thấm vào nhau, hỗ trợ cho nhau để người học tiếp nhận giá trị tác phẩm một cách thuận lợi; từ đó trí dục và mĩ dục của các em cũng phát triển. Bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương cũng vậy. Mối quan hệ giữa nhận thức logic và phát triển mĩ cảm thể hiện rất rõ. Học sinh không chỉ được rung động với tình cảm chân thành sâu sắc của tác giả dành cho quê hương mình mà còn được biết đến một triết lí của cuộc sống. Triết lí ấy thể hiện ngay trên nội dung tự sự, trên những câu thơ bình dị nhưng phải đọc nhiều lần chúng ta mới hiểu được. Đó chính là cuộc đời này có những quy luật khách quan mà nhiều khi không muốn chúng ta cũng phải đối diện:

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi, Hương âm vô cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức, Tá vấn: Khách tòng hà xứ lai?

Như vậy, trong quá trình dạy học, người giáo viên cần phải chú ý đến khả năng thanh lọc của văn học, càng đặc biệt hơn khi đối tượng mà nó hướng đến là lứa tuổi học sinh trung học cơ sở. Ở lứa tuổi này, nhận thức logic về thế giới khách quan là chưa đầy đủ. Vì thế trong quá trình dạy học, người giáo viên phải biết điều chỉnh cho hợp lí nội dung từng bài để học sinh có sự tiếp nhận dễ dàng mà sâu sắc nhất.

Chương 3

Một phần của tài liệu Dạy học thơ đường luật ở trung học cơ sở hiện nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w