Hình thành thái độ gần gũi, yêu mến những kiệt tác thơ Đường luật

Một phần của tài liệu Dạy học thơ đường luật ở trung học cơ sở hiện nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 29 - 35)

Đường luật

Trong thời hiện đại, khi mà nhịp thơ, nhịp lòng, và nhịp sống khó có thể thuận chiều với nhau thì việc dạy học Ngữ văn nói chung, dạy học các tác phẩm thơ Đường luật nói riêng còn gặp phải rất nhiều trở ngại. Chính cái tâm lí thơ Đường khó và tính thực dụng trong dạy học thơ Đường luật đã là một trở ngại lớn trong tiếp nhận thể loại thơ này. Vì thế, hình thành thái độ gần gũi, yêu mến những kiệt tác thơ Đường luật là điều hết sức quan trọng.

Thơ Đường khiến người ta thấy xa lạ vì khoảng cách thời gian, không gian, và khác biệt về phương thức tư duy nghệ thuật. Về không gian, thơ Đường luật của các nhà thơ Trung Quốc gắn với phong tục, xứ sở, tập quán sinh hoạt Trung Hoa. Môi trường sinh hoạt ở hai nước khác nhau. Một khi học sinh không có vốn hiểu biết nhiều về đặc trưng xứ sở đó sẽ khó đồng cảm với những gì nhà thơ trăn trở, gửi gắm qua tác phẩm. Về thời gian, thơ Đường luật tồn tại cách chúng ta hàng nghìn năm. Trong khoảng thời gian đó mọi thứ đều biến đổi, bởi vậy thơ có thể không còn hấp dẫn với người hiện đại. Do vậy, sự thiếu giao cảm, đồng điệu giữa học sinh và nhà văn là điều không thể tránh khỏi. Nếu giáo viên không giỏi về kiến thức và không có năng lực sư phạm thì không khắc phục được.

Một giờ dạy học văn có hiệu quả khi giáo viên và học sinh có mối giao cảm, đồng điệu, cùng mong muốn giải mã các lớp ngôn từ tác phẩm. Thực trạng dạy và học hiện nay cho thấy ít có mối giao cảm thực sự giữa ba chủ thể: giáo viên, học sinh và tác phẩm. Có khi những tâm sự u ẩn, sâu kín, những ý chí, tình tứ mà thi nhân đã âm thầm gửi gắm với tất cả những cảm xúc mãnh liệt dường như không gợi được ở học sinh những xúc động đáng kể nào. Lúc này, vai trò và năng lực sư phạm của người giáo viên là hết sức quan trọng. Người giáo viên khi đưa ra câu hỏi mà học sinh im lặng hoặc không nhiều học sinh trả lời được thì quả đáng buồn. Như vậy, vai trò

cầu nối của giáo viên càng trở nên quan trọng hơn. Chính sự giao cảm và hợp tác giữa giáo viên và học sinh là một yếu tố tạo nên hứng thú học cho học sinh, từ đó tạo nên lòng yêu mến những kiệt tác thơ Đường luật nói riêng, thơ ca trung đại nói chung.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống và thể hiện, gửi gắm những nỗi niềm thầm kín của nghệ sĩ tới bạn đọc. Văn học nói chung và thơ nói riêng có những khả năng kì diệu mà các lĩnh vực khác không có. Thơ tác động đến với con người bằng con đường tình cảm. Mỗi tác phẩm là một sự khám phá về những vấn đề xã hội và con người trong những thời đại nhất định. Thơ Đường luật không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, để những thế hệ học sinh nhỏ tuổi ( trung học cơ sở) gần gũi và hứng thú tiếp nhận những kiệt tác thơ Đường luật thì một biện pháp là cung cấp cho học sinh một số hiểu biết cơ bản về thời đại huy hoàng trong lịch sử thơ ca nhân loại đó.

Đời Đường tồn tại trong một thời gian dài (618- 907), là giai đoạn phồn vinh song cũng có nhiều biến động. Sự biến động đó được dấu khá rõ trong sáng tác của các nhà thơ. Chẳng hạn, sự biến An Lộc Sơn – Sử Tư Minh (755- 763) khiến đất nước Trung Quốc chìm trong loạn lạc. Những vần thơ của Đỗ Phủ đã nêu lên những mâu thuẫn sâu sắc nhất trong xã hội:

Cửa son rượu thịt ôi,

Có thằng chết rũ xương phơi ngoài đường. Sướng khổ cách gang tấc, trời vực,

Nói bao nhiêu cơ cực bấy nhiêu. (dịch)

Nhà thơ kết thúc bài Binh xa hành bằng mấy câu gợi cảm, phác họa về thảm cảnh mà nhân dân phải chịu:

Ma mới kêu oan, ma cũ khóc,

Trời âm, mưa thấm tiếng hu hu. (dịch)

Hơn 300 năm ấy, người Trung Quốc đã làm nên được một thời đại huy hoàng trong thơ ca, với khoảng 48900 bài của hơn 2300 nhà thơ cho thấy một số lượng đồ sộ. Ở mỗi giai đoạn phát triển, thơ Đường đều có rất nhiều kiệt tác. Ví dụ ở Sơ Đường, các nhà thơ của nhóm “Ngô Trung tứ sĩ” ( Trương Húc, Bao Dung, Trương Nhược Hư, Hạ Tri Chương) đã mang lại cho thơ Đường những ấm áp của cuộc sống bình dị và phong cách thơ trong trẻo, tươi sáng. Nổi bật trên thi đàn là nhóm “Sơ Đường tứ kiệt” (Vương Bột, Lạc Tân Vương, Dương Quýnh, Sư Chiếu Lân). Thơ của họ một mặt mang hào khí của một người mang chí lớn, mặt khác thể hiện tâm sự bất mãn nên nhận được sự đồng cảm của người đọc. Thịnh Đường là giai đoạn phồn thịnh nhất của thơ Đường. Thơ thịnh Đường đã đạt đến sự thống nhất hài hoà giữa nội dung và hình thức. Hai khuynh hướng chính được khẳng định ở thời Thịnh Đường là khuynh hướng lãng mạn tích cực và khuynh hướng hiện thực sâu sắc. Tinh thần này được các nhà thơ trung và vãn Đường tiếp tục phát triển nên thơ ca thường có tính chất bi trầm, thể hiện nỗi bi quan thất vọng trước buổi hoàng hôn của triều đại.

Để tạo thái độ yêu mến những kiệt tác thơ Đường luật, bên cạnh giúp học sinh hiểu về một thời đại huy hoàng còn cần cung cấp cho học sinh những hiểu biết về những tác giả xuất sắc trong thơ ca thời này. Có thể nói, chưa có thời đại nào mà có nhiều đỉnh cao đến như vậy: Lí Bạch (701 - 762), Đỗ Phủ (712 - 770), Vương Duy (701- 761), Bạch Cư Dị (772 - 846). Thơ lãng mạn Trung Quốc phát triển đến đỉnh cao ở “Thi tiên” Lí Bạch. Thơ Đỗ Phủ thì sáng tác nên những vần thơ giàu giá trị hiện thực với tấm lòng chan chứa tinh thần nhân đạo cao cả.

Bên cạnh những hiểu biết về thời đại và những tác giả xuất sắc ấy, học sinh sẽ được cung cấp những hiểu biết về những kiệt tác còn mãi với thời gian, như: Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lí Bạch, Đêm hoa đăng trên sông xuân

của Trương Nhược Hư, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, Khuê oán của Vương Xương Linh...

Song song với thơ Đường luật trung Quốc, trong chương trình sách giáo khoa trung học cơ sở còn có nhiều bài thơ Đường luật của các tác giả Việt Nam. Đây là những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả xuất sắc: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Hồ Chí Minh. Các tác giả này sáng tác và đạt được thành công ở thể loại mà “luật thơ nghiêm như luật hình” này. Trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở, những bài thơ được chọn dạy học đều là những tác phẩm được chọn lọc rất kĩ lưỡng. Dựa vào sự phát triển nhận thức của từng lứa tuổi học sinh mà các tác phẩm được trích học phù hợp nhất. Ví dụ như sau khi được tìm hiểu kĩ về Ca dao thì học sinh được làm quen với Hồ Xuân Hương với cách mở đầu quen thuộc trong ca dao: “Thân em...”. Cách mở đầu như vậy sẽ làm cho học sinh có ấn tượng gần gũi ngay từ đầu và lập tức liên tưởng đến những bài ca dao như:

- Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

- Thân em như hạt mưa sa, Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.

- Thân em như miếng cau khô,

Người thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.

Chính cái môtíp quen thuộc này sẽ tạo cho học sinh hứng thú và niềm yêu thích tìm hiểu tác phẩm. Học sinh sẽ thích thú và tự tin hơn khi trong mình đã có sẵn vốn để phân tích bài thơ:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn, Báy nổi ba chìm với nước non. Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Bài thơ này có sự gần gũi một cách kì lạ với ca dao. Phần đầu bài thơ nói lên số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, và phần cuối bài thơ là lời khẳng định phẩm chất tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, nếu hai từ Thân em trong ca dao gợi lên sự thở than và oán trách số phận của người phụ nữ thì trong thơ Hồ Xuân Hương không gợi cho độc giả ấn tượng đó. Hơn nữa, nếu trong ca dao, người phụ nữ mặc dù ý thức được vẻ đẹp của mình vẫn cảm thấy lo lắng, bất định cho tương lai Biết vào tay ai; thì trong thơ Bà Chúa Thơ Nôm độc giả chỉ nhận thấy nổi lên trên hết một sự khẳng định chắc chắn: em vẫn giữ tấm lòngson. Trên cơ sở sự gần gũi ấy, người giáo viên với những cách truyền đạt khác nhau sẽ tạo cho học sinh một sự so sánh, liên tưởng phong phú. Từ đó, thái độ và hứng thú tiếp nhận của học sinh được nâng cao.

Không chỉ riêng thơ Bà Chúa Thơ Nôm, trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở còn có thơ Đường luật của những tác giả là niềm tự hào của dân tộc. Hồ Xuân Hương đã góp phần “Việt hoá cao độ” một thể loại của văn học Trung quốc ngoại nhập vào nước ta và được mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”. Là một người phụ nữ sống trong xã hội cũ nhưng Hồ Xuân Hương vẫn luôn khẳng định tài năng và cá tính của mình. Bà đã để lại cho văn học Việt Nam hơn năm mươi bài thơ Nôm xuất sắc là kho báu của văn học dân tộc. Tác giả Nguyễn Khuyến lại được độc giả biết đến là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” với chùm thơ thu nổi tiếng gồm Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Tác giả Tản Đà lại nổi tiếng với phong thái “ngông” của mình và “trên thi đàn chỉ riêng tiên sinh là người của hai thế kỉ” (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam). Ông là người đầu tiên xem văn chương là một nghề kiếm sống và đã dám “gánh văn chương lên bán chợ trời” vì “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Ngữ văn trung học cơ sở còn dạy học những tác phẩm của những nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Họ là những nho sĩ, những chí sĩ đã dâng hiến tất cả tài năng và cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước. Những tác phẩm của họ thể hiện tình yêu nước nồng nàn, và trên hết là quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục đích:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn, Lừng lẫy làm cho lở núi non. Xách búa đánh tan năm bảy đống, Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi, Mưa nắng càng bền dạ sắt son. Những kẻ vá trời khi lỡ bước, Gian nan chi kể việc con con.

Đập đá ở Côn Lôn (Phan Châu Trinh) Một tác giả của văn học hiện đại cũng sáng tác rất nhiều bằng thể thơ Đường luật chính là Hồ Chí Minh. Đây vừa là nhà thơ, nhà văn, vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Ở Người, mối quan hệ thi sĩ – chiến sĩ đã kết tinh đến độ hoàn hảo. Những sáng tác của Người luôn phục vụ một cách đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, độc giả được thấy một tinh thần thép và ý chí sắt đá, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng về phía trước, luôn lạc quan, tin tưởng vào “ngày mai”:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa, Đối thử lương tiêu nại nhược hà.

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia. Vọng nguyệt

Mỗi tác giả thơ Đường luật xuất sắc lại có những đóng góp khác nhau cho văn học Việt Nam. Khi tìm hiểu những tác phẩm của các tác giả ấy giáo viên và học sinh sẽ được tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác cũng như con người, sự nghiệp của họ. Chính những hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của các tác giả thơ Đường luật sẽ tạo cho học sinh sự thán phục tài năng và nhân cách của họ, từ đó học sinh thêm yêu mến hơn những kiệt tác. Giới thiệu về thể thơ cũng như những tác giả, tác phẩm xuất sắc ấy sẽ tạo cho học sinh sự thán phục tài năng của cha ông mình. Chính lượng ý

nghĩa tối đa trong lượng ngôn từ tối thiểu của những kiệt tác đã tạo sự thu hút đặc biệt của độc giả nói chung, học sinh trung học cơ sở nói riêng để quá trình dạy học thể loại thơ này đạt hiệu quả tốt nhất.

Thơ Đường luật vốn hàm súc, kín đáo, cô đọng và dùng nhiều điển tích, điển cố. Muốn hiểu được nội dung tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm phải giải mã được ngôn ngữ đó. Các nhà thơ Đường không bao giờ nói hết ý nghĩa của mình mà gợi để cho độc giả tư duy, sáng tạo. Chính hứng thú tìm kiếm và cái tâm lý vui mừng khi tự mình kiến tạo nên ý nghĩa sẽ kích thích học sinh tìm hiểu và tư duy phát triển hơn.

Mặt khác, đặc trưng của thơ Đường là tạo lập các mối quan hệ. Đây cũng là thuận lợi để người giáo viên có thể có cách thức tổ chức giờ học, từng bước kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú của học sinh trong quá trình phân tích cảm thụ ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Chẳng hạn, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu có sự phá cách sáng tạo ở câu 1, 3, 4 để nói lên sự chiêm nghiệm về lẽ hưng phế cuộc đời, từ đó ngậm ngùi cho sự hữu hạn của cuộc đời. Có thể nêu câu hỏi “Theo em sự phá cách trong bài thơ có làm mất đi giá trị của nó không?”. Để giải quyết vấn đề này học sinh phải học các thao tác giải thích, cắt nghĩa, so sánh... tư duy sáng tạo sẽ có điều kiện bộc lộ và phát triển.

Như vậy, một khi những tri thức về thể loại văn học được truyền thụ, thái độ yêu mến những kiệt tác thơ Đường đã tồn tại trong mỗi một học sinh thì những trở ngại trong tiếp nhận những giá trị đặc thù của thể loại thơ này cũng dần được xoá bỏ.

Một phần của tài liệu Dạy học thơ đường luật ở trung học cơ sở hiện nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w