16 Vọng nguyệt Hồ Chí Minh Thất ngôn tứ tuyệt Thất ngôn tứ tuyệt
2.3.3. nghĩa của ba loại văn bản đối với việc dạy học một bài thơ Đường luật Trung Quốc và thơ chữ Hán Việt Nam
Đường luật Trung Quốc và thơ chữ Hán Việt Nam
Trong nhà trường trung học cơ sở, thể loại thơ Đường luật được đưa vào dạy học gồm có: thơ Đường luật chữ Hán Trung Quốc, thơ Đường luật chữ Hán Việt Nam và thơ Nôm Đường luật. Trừ thơ Nôm Đường luật, việc dạy học thể loại văn học này đặt ra vấn đề phải sử dụng bản dịch để tìm hiểu tác phẩm. Ngoại trừ những trường hợp có dị bản, còn mỗi bài thơ chữ Hán ít nhất có ba văn bản giúp cho giáo viên và học sinh tìm hiểu giá trị của nó: bản phiên âm Hán – Việt, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ. Trong quá trình dạy học, cả giáo viên và học sinh phải đồng thời làm việc trên cả ba loại văn bản đó. Bởi vậy, chúng ta chỉ bàn đến bản dịch nhưng không thể bỏ qua vai trò của nguyên tác và bản dịch nghĩa.
Nguyên tác là biểu hiện trực tiếp nhất của tư tưởng và những nổi niềm thầm kín của tác giả. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu sắc tác phẩm khi xuất phát và trung thành với nguyên tác trong quá trình cảm thụ. Dẫu có nhiều bản dịch thơ hay thì cũng không hẳn nó đã lột tả được hết những điều tác giả gửi gắm trong đó.
Khi giảng dạy thơ chữ Hán Đường luật, nhiều giáo viên tiến hành đối chiếu bản dịch thơ sát hay không sát với nguyên tác và bản dịch nghĩa, từ đó kết luận bản dịch thơ không sát, tương xứng hay không tương xứng, thậm chí hay hơn nguyên tác. Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên chỉ có hiệu quả khi tiếp cận được thực chất của hoạt động dịch thơ và xác định đúng vai trò của bản dịch thơ.
Cho đến nay còn có nhiều quan niệm về dịch văn học nói chung, dịch thơ nói riêng. Nhà văn Puskin đã từng nói: “Làm thơ đã là một lần lịch sử trao sứ mệnh, dịch thơ tức sứ mệnh lịch sử cộng trao hai lần. Những dịch giả thành công, vì thế, là những người có duyên may nhất trên đời – cùng với ngôn ngữ nhân đôi là cuộc ghé thăm nhân đôi, Cá Tính và Văn
Hiến nhân đôi, tóm lại nghĩa là tất cả đều nhân đôi… Người dịch là người đưa tin của linh hồn nhân loại” [8, 220]. Còn Tản Đà quan niệm: “trong việc dịch thơ Đường, đến chỗ nào khó – mà thường là chỗ hay của nguyên văn – thì phải dùng sức hơn, khi đó phải dùng sức tưởng tượng… Do sự nhân nghĩa đó, mà những câu văn dịch của mình chiếu sáng các chữ bên nguyên tác, phảng phất như bóng thu hình” [58, 128]. Tác giả Phạm Liễu cũng đồng ý với những quan điểm đó: “Tôi nghĩ rằng nếu triết gia cho ta biết phương pháp sống thì thi nhân cho ta được say sưa sống. Vì vậy, công trình dịch thuật của tôi theo cảm hứng cao độ” [ 59, 156].
Có nhiều quan niệm khác nhau về dịch văn học nhưng họ đều khẳng định là một bản dịch được coi là thành công phải là bản dịch trung thành với nguyên tác (Nghiêm Phục – người Trung Hoa đời Thanh gọi là tín). Tuy vậy, thế nào là trung thành, tính chất trung thành ở bản dịch thơ có hoàn toàn giống với bản dịch văn xuôi hay không… những điều không dễ nhất trí. Có thể nói, một bản dịch thơ được coi là trung thành khi tái hiện được gần nhất cảm xúc thẩm mĩ mà nguyên tác tạo ra. Vì vậy, không nên chỉ căn cứ với sự đối sánh cơ học bản dịch thơ với nguyên tác và bỏ qua đối tượng tiếp nhận. Những giá trị của nguyên tác và bản dịch thơ tương đồng ở chỗ là những giá trị tổng hòa, đồng thời, không thể chia cắt của những tư tưởng cảm xúc mà ý nghĩa ngôn từ và nhạc tính của ngôn từ đó tạo nên. Cho đến nay nhiều người cho rằng dịch tác phẩm trữ tình là khó nhất, thậm chí có người khẳng định thơ không thể dịch được, vì nó truyền đạt những đặc thù của đời sống tinh cảm con người – thực thể vốn luôn có tính cá thể, tính dân tộc, tính thời đại xác định. Phần mờ ở ngôn ngữ thơ điển hình nhất, trong khi để có thể dịch nó, dịch giả phải hiểu rõ ràng thấu đáo và truyền đạt sao cho người khác hiểu, không thể “âm âm chi trung” được. Người ta nói ngôn ngữ là linh hồn dân tộc. Dịch một bài thơ của nước khác dù lượng ngôn từ ít ỏi cũng là chuyển mã văn hóa, dịch bài thơ của tiền bối hay người đương đại cùng dân tộc cũng là đưa người đọc đến một tư duy nghệ thuật có những điểm đặc thù. Vì vậy không nhất thiết cứ chuyển đổi sát đúng ý nghĩa của ngôn từ nguyên tác là đã dịch trung thành.
Trong nhiều trường hợp, đối chiếu bản dịch thơ với nguyên tác và bản dịch nghĩa, người dạy và người học tác phẩm có thể dễ dàng nhận ra những chỗ mà mình cho là bản dịch thơ chưa sát, chưa hết ý, thậm chí sai lệch nguyên tác. Chúng ta đều biết từ ngữ Hán Việt rất hàm súc, bởi vậy khi dịch nghĩa cần một lượng ngôn từ lớn hơn nguyên tác.
Chỉ nên yêu cầu bản dịch thơ chuyển tải được cảm hứng chủ đạo và những thủ pháp nghệ thuật chủ yếu của nguyên tác, không nên yêu cầu phải chuyển đổi mọi từ ngữ, phải có mọi tiểu tiết. Yêu cầu đó đã có bản dịch nghĩa bổ sung, đáp ứng. Chất lượng của bản dịch thơ phải được xác định bằng việc chuyển tải được hay không cái thần của nguyên tác, tạo được ở độc giả những cảm xúc thẩm mĩ gần gũi với nguyên tác hay không. Điều này có liên quan đến việc dịch ý nghĩa trực tiếp của từ ngữ trong nguyên tác nhưng không đồng nhất với nó.
Đối chiếu bản dịch thơ với nguyên tác, có bản dịch nghĩa làm trung gian là điều nên làm nhưng giáo viên không nên để nhiều thì giờ tiến hành trên lớp mà chỉ hướng dẫn để học sinh làm như phần tự học ở nhà. Làm như vậy sẽ có nhiều lợi ích về rèn luyện trí dục và mĩ dục cho các em.