Một số ý kiến của người vay

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt động tín dụng xoá đói giảm nghèo tại phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Trì (Trang 69 - 70)

Qua thực tiễn giao dịch giữa các hộ nghèo với NHCSXH huyện Thanh Trì trong những năm qua, NHCSXH huyện Thanh Trì luôn tích cực lắng nghe những ý kiến phản hồi từ phía người dân, những ý kiến đó đã góp phần tích cực để ngân hàng ngày một đổi mới và hoàn thiện hơn. Một số ý kiến của các hộ vay về ngân hàng như:

- Thủ tục vay ngày càng nhanh gọn, đơn giản, tiến hành nhanh. Cán bộ tín dụng nhiệt tình, hoà nhã vui vẻ hướng dẫn các tổ, các hộ vay. Đây là điều mà ngân hàng đã làm rất tốt thúc đẩy quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng ngày càng thân thiết hơn. Các hộ vay luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn. Các cán bộ ngân hàng nhiệt tình, sẵn sàng trả lời các thắc mắc của hộ vay. Các cán bộ ngân hàng cũng tích cực kiểm tra và hướng dẫn quá trình sử dụng vốn vay của các hộ sao cho các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả.

- Việc vay vốn qua các tổ tiết kiệm và vay vốn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như phải chờ đủ số thành viên mới được thành lập tổ, khi một hội viên chưa trả hết nợ thì các thành viên khác cũng không được vay thêm vốn, điều này gây khó khăn cho các hộ và làm lỡ mùa vụ, cơ hội kinh doanh của các hộ.

- Ngân hàng cần có cán bộ về kỹ thuật hoặc cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người vay, hoặc cần tổ chức các cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong tổ và giữa các tổ với nhau để các hộ vay học hỏi được kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của nhau, kinh nghiệm sử dụng vốn sao cho có hiệu quả, rút kinh nghiệm từ những bài học về sản xuất kinh doanh của các hộ khác để các hộ cùng giúp đỡ nhau thoát nghèo nhờ vốn của ngân hàng.

- Tâm lý sợ rủi ro khiến cho các cán bộ tín dụng và các tổ trưởng không dám duyệt cho vay nhiều. Ví dụ như hộ của ông Phạm Văn Nam xã Ngũ Hiệp xin vay 7 triệu đồng để nuôi lợn nhưng tổ và ngân hàng chỉ duyệt cho ông vay 5 triệu đồng, điều này khiến cho các hộ nghèo khó có thể đầu tư sản xuất lớn.

- Đối với các hộ đã từng có nợ quá hạn sau khi đã trả hết nợ cho ngân hàng thì việc xin vay ở các kỳ tiếp theo là rất khó khăn, vì việc xét duyệt cho vay phụ thuộc vào các tổ trưởng, trong khi đó các tổ trưởng này thấy rằng ở kỳ trước hộ đó đã từng nợ quá hạn với tâm lý sợ lại bị rủi ro ở kỳ này, làm ảnh hưởng đến tình hình vay vốn của cả tổ, nên các tổ trưởng thường từ chối đề nghị được vay.

Như vậy NHCSXH huyện Thanh Trì cần phát huy những mặt tốt và sửa đổi một số mặt chưa được, thường xuyên lắng nghe ý kiến của khách hàng để có thể sửa đổi, hoàn thiện hoạt động tín dụng xoá đói giảm nghèo, ngày càng mở rộng hoạt động này và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn, góp phần thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo một cách hiệu quả của huyện Thanh Trì nói riêng và của cả nước nói chung.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt động tín dụng xoá đói giảm nghèo tại phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Trì (Trang 69 - 70)