Hình thành sàn giao dịch giao sau cà phê

Một phần của tài liệu Ứng Dụng Các Công Cụ Phái Sinh Để Quản Trị Rủi Ro Giá Cả Hàng Hóa Cho Các Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Nông Sản Việt Nam (Trang 43 - 47)

Trong khi ở một số nước sản xuất cà phê lớn, như Brazil, sàn giao dịch cà phê được đại đa số nông dân trồng cà phê khai thác như phương thức bảo hiểm giá bán, thì ở Việt Nam hoạt động mua bán cà phê qua sàn giao dịch còn quá xa lạ với người trồng cà phê. Vị thế ngày càng vững chắc của cây cà phê Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để Hiệp hội Cà phê Ca cao (Vicofa) triển khai ý tưởng đưa cà phê Việt Nam lên sàn giao dịch quốc tế.

Việc tổ chức thị trường giao sau ở Đắc Lắc thực tế đã có mầm mống từ năm 1995. Đắc Lắc là tỉnh đi đầu cả nước về việc tổ chức thị trường giao sau về cà phê. Các công ty xuất khẩu cà phê và trung tâm thị trường của tỉnh đã tổ chức mua thông tin về giá cà phê trên các thị trường thế giới của hãng Reuters. Các thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, để làm cơ sở cho việc định giá mua bán cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột. Việc làm này đã giúp cho người nông dân và tiểu thương trong tỉnh phần nào tránh được tình trạng ép giá

Ngay từ tháng 11/2004, Vicofa đã tiến hành xây dựng Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột BCEC (Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center), với kỳ vọng đây sẽ là nơi đấu giá tập trung, công khai của các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê. Hình thức mua bán cà phê qua sàn giao dịch theo các loại hợp đồng lựa chọn, kỳ hạn, tương lai, chốt giá sau. . . bước đầu đã giúp các DN kinh doanh, xuất khẩu cà phê Việt Nam có những công cụ bảo hiểm rủi ro về giá hữu hiệu tránh khỏi tình trạng cà phê được mùa lại rớt giá. Vì vậy, đề án phát triển sàn giao dịch cà phê chính là một trong những bước nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam không chỉ về chất lượng mà còn tránh bị đối tác nước ngoài ép giá, hay thua thiệt do không nắm bắt được thông tin.

Chính phủ đã chấp thuận để các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Vicofa xúc tiến triển khai xây dựng Đề án hợp tác và chủ động làm việc với Sàn Giao dịch Hàng hoá Chicago về khả năng đưa sản phẩm cà phê Việt Nam giao dịch tại CME và phát triển sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam, trên cơ sở đó tiến tới mở rộng khả năng hợp tác ra các hàng hoá nông sản khác. Ngoài ra, việc xây dựng phần mềm giao dịch cho sàn cà phê Buôn Mê Thuột cũng sẽ được triển khai song song để thay thế cho phương thức đặt lệnh thủ công trên sàn hiện nay.

Trong dự thảo quy chế giao dịch mà BCEC đưa ra gần như không khác gì mấy so với cung cách giao dịch chứng khoán ở sàn chứng khoán TPHCM. Đó là các thuật ngữ giá tham chiếu, giá mở cửa, giá đóng cửa, biên độ dao động giá, lệnh giới hạn, lệnh thị trường, lệnh hủy, ngày giao dịch cuối cùng, ký quỹ thành viên, ký quỹ giao dịch, giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận, phí giao dịch đóng cho BCEC và nhiều thuật ngữ khác chẳng khác gì chơi chứng khoán.

Tuy nhiên, do đặc thù là giao dịch hàng hóa nên đơn vị giao dịch của cà phê là theo lô, mỗi lô 5 tấn cà phê. Loại cà phê giao dịch là cà phê vối (Robusta) quy định cho hạng 2 (R2) của tiêu chuẩn TCVN 4193-2005, các phẩm cấp khác được cộng thêm hay trừ đi tùy theo từng thời điểm. Mức ký quỹ giao dịch là 10% giá trị khối lượng hàng hóa. Để tránh trường hợp thao túng thị trường hay thỏa thuận để làm giá mở cửa, giá đóng cửa, trong thời gian khớp lệnh định kỳ, mỗi thành viên không được đặt lệnh giao dịch quá 100 lô (500 tấn). Biên độ dao động giá không vượt quá 8% so với giá tham chiếu.

Để tránh lũng đoạn thị trường, tổng hạn mức giao dịch cà phê của toàn bộ các hợp đồng trong thời hạn giao dịch không vượt quá 50% tổng khối lượng cà phê được sản xuất ra ở Việt Nam của ngay năm trước đó dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hạn mức giao dịch của một thành viên không vượt quá 10% tổng hạn mức được phép giao dịch của toàn thị trường. Khác với mua bán chứng khoán, giao dịch cà phê vừa có yếu tố hợp đồng giao ngay và việc chuyển giao sản phẩm phải hoàn tất trong năm ngày kể từ ngày giao dịch có kết quả. Còn các hợp đồng kỳ hạn phải hoàn tất vào ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của kỳ hạn hợp đồng, tính từ thời điểm “ngày giao dịch cuối cùng”. Một điểm

đáng chú ý là các hợp đồng kỳ hạn chưa đến hạn thực hiện nhưng việc thanh toán vốn vẫn được thực hiện ngay sau khi giao dịch được khớp lệnh bằng cách thanh toán bù trừ qua ngân hàng ủy thác.

Nhiều DN hội viên của Vicofa nhận xét rằng cách thức giao dịch ở BCEC, theo dự thảo, cũng giống với thị trường kỳ hạn London (LIFFE) của Anh và New York (NYBOT) của Mỹ. Tuy nhiên cũng có điểm khác là BCEC khống chế biên độ giá giao dịch còn hai sàn LIFFE và NYBOT thì không. Như vậy, các thành viên tham gia giao dịch với BCEC cũng có thể “lướt sóng” giống như chơi chứng khoán, hoặc dùng giao dịch kỳ hạn (có thanh toán bù trừ) để phòng chống rủi ro cho giao dịch cà phê giao ngay.

BCEC có ba loại thành viên, bao gồm thành viên kinh doanh, thành viên môi giới và thành viên quan sát. Thành viên kinh doanh bao gồm cả DN trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cà phê, các nông trường, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân với điều kiện có ít nhất 3 héc ta cà phê trở lên. Thành viên môi giới là các tổ chức môi giới tài chính, thương mại và mức phí môi giới được quy định không quá 20% mức phí giao dịch mà BCEC thu của các thành viên. Các thành viên kinh doanh có thể cử người đại diện giao dịch tại sàn. Thành viên quan sát là những người chưa đủ điều kiện làm thành viên chính thức của BCEC.

Tuy nhiên, thực tế, ý tưởng về những sàn giao dịch mới chỉ dừng lại ở mô hình chợ đầu mối, nơi các DN đấu giá, mua bán trực tiếp, được chọn lựa chủng loại hàng hóa một cách thoải mái hơn. Song tại hầu hết những chợ đầu mối này, khả năng cung cấp các biện pháp bảo hiểm rủi ro về giá cho DN thông qua các hình thức hợp đồng giao dịch kỳ hạn lại rất hạn chế.

Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) có thể được xem như một sàn giao dịch nông sản giao sau, với mặt hàng giao dịch duy nhất là cà phê. Ngoài việc đấu giá giao ngay, BCEC còn cung cấp những công cụ hạn chế rủi ro. Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) - sàn giao dịch cà phê đầu tiên ở VN - đi vào hoạt động từ tháng 2/2008 đã mang lại vũ khí mới cho người dân Tây Nguyên. Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được phép phối hợp với tổ chức môi giới (được Ngân hàng Nhà nước

cho phép) tổ chức giao dịch cà phê với các sàn giao dịch của thế giới (LIFFE - thị trường London, NYBOT - New York. . . ) theo phương thức đấu giá tập trung, công khai gồm giao dịch mua bán giao ngay và giao sau. Hai bên mua - bán sẽ chốt giá theo giá thị trường quốc tế tại thời điểm giao hàng, bên bán nếu không đủ số lượng sẽ bị phạt theo thông lệ kinh doanh.

Sàn có hai tổ chức ủy thác là Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương VN (Techcombank) để thanh toán cho các hoạt động giao dịch tại Trung tâm; Chi nhánh Cty Giám định hàng hóa nông sản xuất khẩu tại Đăk Lăk (Cà phêControl) có nhiệm vụ kiểm định chất lượng, phẩm cấp, chủng loại cà phê. Hiệp hội Cà phê VN cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện cho hộ sản xuất, nhà xuất khẩu có nhiều cơ hội mua bán hàng cà phê đúng theo giá thị trường chung trên thế giới.

Tình đến thời điểm này chúng ta đang từng bước phát triền và hoàn thiện thị trường giao sau, thực hiện các hợp đồng tương lai đối với cà phê. Theo quy định các tổ chức kinh doanh trong nước muốn trở thành thành viên của BCEC phải có vốn tự có ít nhất là 5 tỷ đồng, và có 3 năm liên tục gần nhất có số lượng cà phê xuất khẩu, chế biến hoặc tiêu thụ ít nhất là 5.000 tấn/niên vụ.

Đối với các tổ chức môi giới phải có giấy phép hoạt động môi giới tài chính, thương mại và có vốn điều lệ tối thiểu là 3 tỷ đồng, còn đối với các tổ chức môi giới nước ngoài là 2 triệu USD. Các tổ chức, đơn vị không hội đủ các điều kiện để trở thành thành viên nhưng muốn tham gia giao dịch tại Trung tâm phải được môi giới thông qua một tổ chức thành viên.

Trung tâm có sàn giao dịch nên các tổ chức thành viên có thể giao dịch trực tiếp tại sàn hoặc giao dịch qua mạng Internet. Thời gian giao dịch tại trung tâm là 5 phiên/tuần bắt đầu từ 19h30 đến 21h00 theo giờ giao dịch của thị trường Luân Đôn.

Sản phẩm cà phê đăng ký tham gia giao dịch tại trung tâm gồm 2 loại cà phê chính là cà phê Arabica ký hiệu trong giao dịch là A và cà phê Robusta ký hiệu là R. Mỗi loại cà phê được phân thành 6 thứ hạng từ hạng đặc biệt đến hạng 5 và loại cà phê nhân xô (hỗn hợp). Sản phẩm cà phê đăng ký giao dịch tại trung tâm phải đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp theo Quy định của Chính phủ

Lâu nay, hầu hết DN xuất khẩu cà phê VN hằng ngày nhận thông tin qua mạng Reuters, sau đó tính toán quy ra tiền Việt Nam và chốt giá. Với phương thức kinh doanh đơn điệu này, các DN VN mới chỉ bán cà phê ngoài “cổng chợ” cà phê quốc tế chứ chưa vào được trong chợ. Nay với phương thức mua bán qua sàn giao dịch, chúng ta đang đột phá vào chợ cà phê quốc tế. Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Daklak) là DN đầu tiên tham gia giao dịch mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn(26/11/2004), để đột phá vào chợ cà phê quốc tế, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với các DN VN. Qua đó, công ty đã nắm được giá cả và quy luật lên xuống của cà phê, linh hoạt đặt giá nên hạn chế được nhiều rủi ro khi giá cà phê biến động mạnh, đồng thời chủ động được nguồn hàng trong trường hợp khan hiếm. “Việc theo dõi này rất hiệu quả nhờ tiếp cận nhanh với giá thị trường bên ngoài, DN và người trồng cà phê đều có lợi. Khi giá lên như giá hiện nay, nếu DN thấy có lời, họ quyết định bán hoặc thấy giá thấp thì họ mua vào. Nếu DN đưa ra quyết định mua bán đúng thời điểm, có lời, thì nông dân cũng được hưởng lợi nhờ DN thu mua cà phê giá cao”.

Mặc dù với hợp đồng tương lai, DN luôn bảo đảm được một khoản lợi nhuận như dự tính ban đầu và loại bỏ những biến động giá của thị trường nhưng trong trường hợp giá tăng cao thì DN cũng không được hưởng mức giá tăng ngoài dự kiến.

Điều này là tất nhiên bởi trong kinh doanh, việc sử dụng các sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro là việc làm cần thiết đối với mỗi DN, không thể phó mặc toàn bộ rủi ro cho thị trường để có thể thu lãi lớn nhưng cũng có thể thua lỗ lớn. Việc tạo lập các thị trường hàng hóa tập trung cũng như các phương thức giao dịch gắn liền với nó đã phát triển rất lâu trên thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu Ứng Dụng Các Công Cụ Phái Sinh Để Quản Trị Rủi Ro Giá Cả Hàng Hóa Cho Các Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Nông Sản Việt Nam (Trang 43 - 47)